tin phap luat logo

 
 
 

Tin trong nước sớm 29-01-2015: Bộ Công an tham khảo kinh nghiệm xây dựng 12 số định danh cá nhân - Làm thất bại mọi âm mưu và hoạt động của các thế lực thù địch chống phá Đảng

  • Cập nhật : 29/01/2015

 Bộ Công an tham khảo kinh nghiệm xây dựng 12 số định danh cá nhân

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Công an cần tham khảo các nước để việc xây dựng 12 số định danh cá nhân sao cho không bất cập, khó khăn, có cơ sở khoa học.
 
Tại cuộc họp do Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì, chiều 27/1, Ban chỉ đạo Đề án Tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và cơ sở dữ liệu có liên quan (Đề án 896) xác định, năm 2015, tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý để xây dựng, quản lý, vận hành cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cấp sổ định danh cá nhân với 2 dự luật là Luật Căn cước công dân và Luật Hộ tịch. Thượng tướng Bùi Văn Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an cùng lãnh đạo các bộ, ngành liên quan tham dự cuộc họp. 
 
Luật Căn cước công dân và Luật Hộ tịch đã cụ thể hóa các quan điểm của Đề án 896 như cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; số định danh cá nhân. Tuy nhiên, việc phê duyệt dự án khả thi về cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đến nay vẫn chưa được triển khai do chưa tìm được nguồn vốn bảo đảm cho việc xây dựng.
 
Về hệ thống hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư, Văn phòng BCĐ đã xây dựng hướng dẫn và các biểu mẫu gửi các bộ, ngành thực hiện việc hệ thống hóa, đồng thời, đã tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho các bộ, ngành. Các bộ, ngành đã thực hiện xong việc hệ thống hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư báo cáo BCĐ.
 
Kết quả hệ thống hóa các thủ tục hành chính (TTHC), giấy tờ công dân và cơ sở dữ liệu liên quan đến dân cư cho thấy, hiện tại có 2.705 TTHC có yêu cầu các thông tin cơ bản về công dân, 1.211 giấy tờ là kết quả giải quyết TTHC có các thông tin cơ bản của công dân, 71 cơ sở dữ liệu quốc gia và chuyên ngành có thông tin cơ bản của công dân trong tổng số 608 văn bản quy phạm pháp luật.
 
Cơ sở dữ liệu quốc gia có vai trò quan trọng trong triển khai các nội dung cải cách tại Luật Căn cước công dân, Luật Hộ tịch, là một nội dung quyết định sự thành công của Đề án 896. Tuy nhiên, qua nhiều lần thảo luận, đến nay dự án khả thi để xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư vẫn chưa được phê duyệt, nên nảy sinh tâm lý băn khoăn đối với sự thành công của đề án. Việc hệ thống hóa một số bộ, ngành còn mang tính hình thức nên nhiều báo cáo thống kê còn chưa đầy đủ số lượng các TTHC thuộc phạm vi Đề án 896; không triển khai việc ban hành các văn bản quy phạm làm cơ sở pháp lý cho việc triển khai cấp số định danh cá nhân.
 
Năm 2015, BCĐ xác định, cần giải quyết vướng mắc về nguồn vốn xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, bảo đảm phê duyệt dự án khả thi cơ sở quốc gia về dân cư để triển khai xây dựng. Phê duyệt kế hoạch triển khai thực hiện Đề án 896 năm 2015 của BCĐ làm cơ sở cho các bộ, ngành xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Đề án 896 năm 2015 của bộ, ngành mình.
 
Phê duyệt các dự thảo Nghị định về quản lý, sử dụng, khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; Nghị định về kết nối, cập nhật, chia sẻ, khai thác, chỉnh sửa sử dụng thông tin, lộ trình kết nối giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu chuyên ngành; dự thảo nghị định về cấu trúc số định danh cá nhân, trình tự và thủ tục cấp số định danh cá nhân. Phê duyệt dự thảo về đơn giản hóa TTHC, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư của các bộ, ngành trước khi trình Chính phủ thông qua và chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện đúng yêu cầu, bảo đảm tiến độ, chất lượng các nội dung triển khai đề án, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong quá trình triển khai đề án.
 
Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, việc tháo gỡ nguồn vốn để phê duyệt khả thi đề án là việc làm cấp thiết hiện nay, đề nghị các bộ, ngành tiến hành rà soát, hệ thống hóa các TTHC có liên quan đến thông tin công dân trong năm 2015 để năm 2016 tổ chức thực hiện. Cần xây dựng văn bản pháp quy để triển khai thực hiện Đề án thực sự hiệu quả khi cấp số định danh cá nhân; tổ chức thông tin cơ sở dữ liệu quốc gia về công dân cần bảo đảm hệ thống hóa, không gây phiền hà cho nhân dân.
 
Bộ Công an phối hợp với các bộ tổ chức tập hợp, đối chiếu các thông tin để cập nhật số liệu liên quan; về số định danh cá nhân cần tham khảo các nước để việc xây dựng 12 số định danh cá nhân sao cho không bất cập, khó khăn, có cơ sở khoa học.
-------------------------
Làm thất bại mọi âm mưu và hoạt động của các thế lực thù địch chống phá Đảng
Dân tộc Việt Nam đã trải qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước. Tiếp nối truyền thống lịch sử hào hùng của cha ông, suốt 85 năm qua kể từ ngày thành lập đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo nhân dân ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Nhìn lại những chặng đường dài thăng trầm của lịch sử, nhân dân ta đã đúc kết, rút ra một chân lý: Thắng lợi của cách mạng Việt Nam do nhiều yếu tố tạo thành, song nhân tố chủ yếu, quan trọng và quyết định nhất chính là vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Đó là chân lý mang tầm thời đại, là sự khẳng định cả về phương diện lịch sử và lý luận.
 
Thời gian tới, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của Đảng và nhân dân ta có nhiều thuận lợi từ kết quả đạt được của 30 năm đổi mới, nhưng vẫn đang đứng trước nhiều thách thức, nguy cơ, tác động trực tiếp tới sự ổn định chính trị, chủ quyền lãnh thổ, an ninh, trật tự và sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đặt ra những yêu cầu rất lớn đối với toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta.
 
Để lãnh đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ cách mạng trong tình hình mới, đòi hỏi Đảng phải giữ vững vai trò lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối về mọi mặt, đồng thời đảm bảo tính đúng đắn, sáng tạo, sáng suốt trong mọi chủ trương, đường lối, quyết định lãnh đạo, chỉ đạo. Muốn vậy, một mặt Đảng phải tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu và bản lĩnh cầm quyền của mình, mặt khác cần phải quyết liệt đấu tranh, làm thất bại mọi âm mưu và hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, bảo vệ Đảng, bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng.
 
Để hoàn thành sứ mệnh trên, theo chúng tôi cần tập trung quyết liệt một số nhiệm vụ cơ bản. Trong đó, bất cứ hoàn cảnh nào, Đảng Cộng sản Việt Nam phải tăng cường giáo dục toàn Đảng giữ vững bản chất cách mạng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; trung thành và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào lãnh đạo, giải quyết các nhiệm vụ cụ thể của cách mạng phù hợp với tình hình thực tiễn đất nước trong từng giai đoạn. Không ngừng củng cố, xây dựng tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh; kết hợp chặt chẽ xây dựng, chỉnh đốn Đảng với bảo vệ Đảng, bảo vệ vững chắc an ninh chính trị nội bộ, kiên quyết đập tan mọi mưu đồ của các thế lực thù địch đòi đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập.
 
Mục tiêu của các thế lực thù địch là bằng mọi thủ đoạn tìm cách phá hoại, làm suy yếu, từng bước làm cho Đảng ta tự biến chất, tự chuyển hóa, nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, xóa bỏ chế độ XHCN ở Việt Nam, thiết lập ở nước ta chế độ đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập theo mô hình các nước phương Tây. Do đó, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp của Đảng ngang tầm đòi hỏi của nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn hiện nay là vấn đề then chốt, có ý nghĩa quyết định sự nghiệp cách mạng, xét về cả trước mắt và lâu dài.
 
Tập trung củng cố, xây dựng tổ chức Đảng từ Trung ương đến cơ sở thật sự trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức; gắn bó mật thiết với nhân dân, có phương thức lãnh đạo khoa học, có đội ngũ cán bộ, đảng viên đủ phẩm chất và năng lực. 
 
Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở Đảng, nhất là ở các vùng chiến lược, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng hải đảo, vùng sâu, vùng xa. Thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”; kiên quyết đấu tranh chống các quan điểm sai trái; đẩy mạnh đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, suy thoái về tư tưởng chính trị, ngăn chặn xu hướng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, để củng cố lòng tin của quần chúng nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước. Tăng cường công tác bảo vệ chính trị nội bộ, cốt lõi là công tác bảo vệ Đảng, bảo vệ hệ thống chính trị từ Trung ương tới cơ sở, trong đó cơ bản nhất là phải bảo vệ vững chắc cơ sở tư tưởng - chính trị, bảo vệ chủ trương, đường lối, quan điểm, nguyên tắc hoạt động của Đảng, bảo vệ đội ngũ cán bộ, đảng viên, giữ vững bản chất giai cấp công nhân của Đảng…
 
Giữ vững sự lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối về mọi mặt của Đảng đối với lực lượng vũ trang (LLVT); xây dựng LLVT cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, có chất lượng tổng hợp và sức chiến đấu cao. Đây là nguyên tắc cơ bản nhất, quyết định đến phương hướng chính trị, bản chất giai cấp công nhân, nội dung phương thức hoạt động và mục tiêu chiến đấu của lực lượng vũ trang, đảm bảo cho Đảng luôn nắm chắc mọi nguồn lực, lãnh đạo chặt chẽ, xây dựng LLVT tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc, có đủ sức mạnh để chiến đấu và chiến thắng mọi kẻ thù. Xây dựng tổ chức bộ máy Quân đội nhân dân theo hướng cân đối giữa các quân, binh chủng, bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương, dân quân tự vệ, lực lượng thường trực và lực lượng động viên. Tổ chức Quân đội theo hướng tinh, gọn, cơ động, có sức mạnh chiến đấu cao... Hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của lực lượng Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, tiếp tục điều chỉnh, bố trí lực lượng, tăng cường cho Công an cấp huyện, đơn vị trực tiếp chiến đấu, ưu tiên hiện đại hóa cho lực lượng an ninh, tình báo và Cảnh sát cơ động...
 
Tăng cường cuộc đấu tranh trên mặt trận tư tưởng - lý luận, vạch trần bản chất phản động đòi “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang. Hiện nay, đấu tranh trực diện với các thế lực thù địch trên mặt trận tư tưởng - lý luận, chống âm mưu, hoạt động đòi “phi chính trị hoá” LLVT đã trở thành mặt trận nóng bỏng, gay go, quyết liệt. Nhiệm vụ cơ bản của cuộc đấu tranh này là ngăn chặn, làm thất bại âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù, bảo vệ và phát triển quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Quân đội nhân dân và Công an nhân dân; vạch trần bản chất phản động, phản khoa học của âm mưu “phi chính trị hóa” “phi đảng hóa” LLVT; góp phần giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tăng cường bản chất giai cấp công nhân, kiên định mục tiêu, lý tưởng chiến đấu của Quân đội nhân dân và Công an nhân dân.
 
Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lý luận, cán bộ chính trị trong LLVT có đủ phẩm chất và năng lực, trình độ chuyên môn, nhạy bén về chính trị, sắc sảo về lý luận để phản bác, đấu tranh có hiệu quả với luận điệu sai trái phản động của các thế lực thù địch và các phần tử cơ hội chính trị. Đẩy mạnh tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, sớm kết luận những vấn đề mới và bức xúc từ thực tiễn đấu tranh với âm mưu, hoạt động đòi “phi chính trị hóa” LLVT.
 
Các tổ chức Đảng, cơ quan Nhà nước, lực lượng vũ trang thực hiện tốt chức năng tham mưu xây dựng và tổ chức thực hiện thắng lợi đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Quân đội nhân dân và Công an nhân dân phải không ngừng nâng cao bản lĩnh chính trị, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc, thực sự là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân, thực hiện tốt vai trò nòng cốt trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ. Chú trọng đổi mới toàn diện các mặt công tác, nắm chắc tình hình, dự báo và phân tích đánh giá đúng tình hình để làm tốt hơn nữa chức năng tham mưu cho Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền địa phương lãnh đạo, quản lý, điều hành sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc kết hợp chặt chẽ với phát triển kinh tế - xã hội… 
 
Thành quả vĩ đại của dân tộc, của đất nước ta trong hơn tám thập kỷ qua gắn liền với vai trò và năng lực lãnh đạo của Đảng. Thực tế lịch sử đã chứng minh, Đảng Cộng sản Việt Nam tồn tại và hoạt động vì một mục tiêu duy nhất là độc lập dân tộc, chủ nghĩa xã hội, làm tất cả chỉ vì hạnh phúc, quyền sống, quyền tự do và quyền làm chủ của nhân dân - đó là một Đảng cách mạng chân chính, là đạo đức, là văn minh. Đảng thực hiện vai trò lãnh đạo cách mạng như thực hiện một trọng trách lịch sử mà dân tộc và nhân dân giao phó, ủy thác, là nhân tố bảo đảm mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
 
Ngày nay trong công cuộc đổi mới, hội nhập, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Đảng ta tiếp tục phát huy sức mạnh dân tộc, sức mạnh thời đại, không ngừng nâng cao bản chất cách mạng, bản lĩnh trí tuệ, sức chiến đấu, tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, giữa nhân dân với Đảng, chúng ta có đủ cơ sở và niềm tin vững chắc vào những thắng lợi tiếp theo.
---------------------------
Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh phải đi đầu trong đổi mới giáo dục
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nêu rõ, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh phải xác định rõ mục tiêu phấn đấu 10-15 năm tới phải ngang tầm với các trường đại học hàng đầu trong khu vực, có những ngành học ngang tầm quốc tế.
 
Ngày 27/1, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, lãnh đạo các bộ, ngành đã dự buổi lễ kỷ niệm Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh 20 năm xây dựng, phát triển và hội nhập.    
   
Ghi nhận và biểu dương những thành tích quan trọng của nhà trường đã đạt được trong 20 năm qua, Chủ tịch nước nhấn mạnh, trong bối cảnh cách mạng khoa học công nghệ và toàn cầu hóa diễn ra mạnh mẽ trên thế giới, yếu tố quyết định bảo đảm thắng lợi là năng suất, chất lượng, hiệu quả, năng lực cạnh tranh và sức mạnh tổng hợp của mỗi quốc gia mà nền tảng là trình độ khoa học công nghệ và chất lượng nguồn nhân lực của đất nước. Cả hai nhân tố này đều trực tiếp có quan hệ tới lĩnh vực giáo dục, đào tạo, là sản phẩm của giáo dục đào tạo.
 
Chủ tịch nước nêu rõ, với truyền thống hiếu học của dân tộc, sự quan tâm chăm lo của Đảng, Nhà nước, của toàn xã hội, sự nghiệp giáo dục, đào tạo nước ta những năm qua đã đạt được những thành tựu quan trọng nhưng chất lượng giáo dục, đào tạo còn thấp so với yêu cầu.
 
Để khắc phục tình trạng này, Đại hội XI của Đảng đã đề ra nhiệm vụ đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo, xác định nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là một trong ba đột phá chiến lược để phát triển đất nước trong những năm tới. Là một trường đại học trọng điểm của đất nước, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh cần phải đi đầu, thực hiện sáng tạo, có hiệu quả cao mục tiêu, các nhiệm vụ, giải pháp mà Nghị quyết Trung ương đề ra phù hợp với đặc thù.          
 
Chủ tịch nước đề nghị trong những năm tới, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh cần tập trung quán triệt sâu sắc mục tiêu Nghị quyết Trung ương đề ra cho việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo là xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, đáp ứng ngày càng tốt hơn công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
 
Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh phải rà soát, bổ sung, xác định rõ mục tiêu phấn đấu 10-15 năm tới không chỉ khẳng định được vai trò hàng đầu trong hệ thống các trường đại học trong nước mà phải ngang tầm với các trường đại học hàng đầu trong khu vực, có những ngành học ngang tầm quốc tế.
 
Nhà trường cũng cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ chương trình, nội dung, phương pháp dạy và học, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo, phát triển hài hòa cả đức, trí, thể, mỹ, dạy chữ, dạy người, dạy nghề cho người học.
 
Bên cạnh đó, trường cần nâng cao hơn nữa chất lượng công tác nghiên cứu khoa học, có nhiều đề tài, công trình nghiên cứu góp phần giải quyết những vấn đề lớn do thực tiễn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đặt ra.
 
Để thực hiện được các nhiệm vụ trên, điều có ý nghĩa quyết định là Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh phải xây dựng được đội ngũ các thầy, cô giáo, cán bộ quản lý có trình độ cao, có phẩm chất đạo đức trong sáng, tâm huyết; mở rộng quan hệ quốc tế, quan hệ nghiên cứu khoa học và liên kết đào tạo với các trường đại học, viện nghiên cứu trong nước; đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục đào tạo, từng bước thực hiện quyền tự chủ của trường trên các lĩnh vực.
--------------------------
Thủ tướng đồng ý tái lập Sở Du lịch Đà Nẵng
Thủ tướng Chính phủ vừa đồng ý chủ trương thành lập Sở Du lịch và Sở Văn hóa, Thể thao trên cơ sở tách Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Đà Nẵng hiện nay.
 
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ Nội vụ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện theo đúng ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc rà soát nhu cầu thành lập Sở Du lịch của cả nước.
 
Năm 2014, số khách du lịch đến thành phố Đà Nẵng là 3,8 triệu lượt, tăng 21,9% so với năm 2013. Trong đó, số khách quốc tế hơn 955.000 lượt, khách nội địa hơn 2,8 triệu lượt. Tổng thu du lịch của Đà Nẵng đạt 9.740 tỉ đồng, doanh thu hơn 110% so với kế hoạch đề ra của ngành du lịch TP.
 
Năm 2015, Đà Nẵng sẽ tiếp tục đưa vào hoạt động nhiều công trình du lịch phục vụ du khách và người dân như bến đỗ du thuyền, cụm dịch vụ nổi và câu lạc bộ thể thao dưới nước, khu vui chơi giải trí trong nhà Tuyên Sơn, hệ thống tàu điện cao tốc trên cao, khu chợ đêm sông Hàn.
 
Đặc biệt, cuối tháng 4/2015, TP Đà Nẵng sẽ tiếp tục tổ chức cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế. Năm 2015, Đà Nẵng phấn đấu đón 4,5 triệu lượt khách du lịch trong đó có 1,5 triệu lượt khách quốc tế.
----------------------------------
Thẩm tra dự án Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự
Ngày 27/1, Ủy ban Tư pháp, Quốc hội khóa XIII đã tổ chức phiên họp thường trực mở rộng để thẩm tra Dự án Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự.
 
Đồng chí Nguyễn Văn Hiện, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội chủ trì phiên họp. Tham dự phiên họp có đại diện các bộ, ngành liên quan.
 
Tại phiên họp, Thượng tướng Lê Quý Vương, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, cơ quan chủ trì soạn thảo đã đọc tờ trình Dự án Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự. Tờ trình nêu rõ, thực hiện các quy định của Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự năm 2004, tổ chức của Cơ quan điều tra trong Công an nhân dân, trong Quân đội nhân dân, của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan khác được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra đã đi vào ổn định và hiệu quả trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, góp phần bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân và tổ chức…
 
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi và kết quả đã đạt được, Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự năm 2004 cũng bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Để tiếp tục thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng và cải cách tư pháp; đổi mới tổ chức, hoạt động của cơ quan điều tra, đảm bảo tính thống nhất sự đồng bộ trong hệ thống pháp luật của Nhà nước ta, khắc phục những hạn chế, bất cập của Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự năm  2004 thì việc xây dựng, ban hành Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự là cần thiết. Dự thảo Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự bao gồm 10 chương với 71 điều.
 
Đại diện cho cơ quan chủ trì soạn thảo, Thượng tướng Lê Quý Vương đã tiếp thu ý kiến của các đại biểu trong Ủy ban Tư pháp và đại diện các bộ, ngành, đồng thời khẳng định sẽ chắt lọc các ý kiến, chỉnh lý bổ sung; rà soát lại để đảm bảo tính thống nhất trong dự án Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự với Luật Công an nhân dân, Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân…
 
Kết luận phiên họp, đồng chí Nguyễn Văn Hiện nhấn mạnh: Sau khi Hiến pháp 2013 được ban hành, cùng với việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, dự án Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự là một trong những dự án luật quan trọng góp phần đảm bảo trật tự an toàn xã hội, phát triển kinh tế.
 
Đồng chí Nguyễn Văn Hiện yêu cầu cơ quan soạn thảo cần lưu ý đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật cũng như việc thể chế hóa các đường lối, quan điểm của Đảng. Đồng thời cũng cần bổ sung và làm rõ thêm một số nội dung để dự án Luật được hoàn thiện, đủ điều kiện để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong phiên họp tới đây.
------------------------

Tin Phap Luat Tin Phap LuatTổng hợp

Trở về

Xem thêm

Bài cùng chuyên mục