Mùa quýt hồng năm nay, hộ trồng quýt hồng trong chậu Lưu Văn Ràng - xã Vĩnh Thới (Lai Vung) sẽ tung ra thị trường 360 chậu quýt hồng, với giá bán từ 2 – 4 triệu đồng/chậu. Sau khi trừ chi phí, ông lãi hơn 200 triệu đồng.
Ông Lưu Văn Ràng cho biết, để có một chậu quýt hồng ra trái đúng dịp tết ngoài việc bỏ công chăm sóc “đặc biệt” thì người trồng phải mất thời gian đến 30 tháng. Trong khoảng thời gian này, giai đoạn khó khăn nhất là khâu chiết cành đưa xuống mô đất thuần dưỡng. Nếu ở khâu này làm đúng kỹ thuật, cây phát triển tốt thì bắt đầu đưa lên chậu, xử lý cho cây ra hoa, trung bình mỗi chậu từ 15 – 60 trái.
Để có 360 chậu quýt hồng bán dịp tết, ông Ràng đã tốn công chiết cành, chăm sóc cả ngàn cây quýt hồng mới chọn được số cây trên cho vào chậu, xử lý cho trái. Ông Ràng nói: “Năm rồi tôi làm cũng đạt, tuy nhiên vỏ trái quýt hồng còn dày, không bóng kiếng nên năm nay tôi đã khống chế được yếu điểm này, vỏ quýt mỏng và bóng lộn rất đẹp mắt.”
Nói về giá cả, ông Ràng cho biết thêm, đối với những chậu quýt hồng chưa đạt có giá từ 600 – 1.000.000 đồng/chậu; còn đối với số quýt đạt (loại I, loại II) nhưng tùy theo hình dáng, số trái sẽ có giá dao động từ 2 - 4 triệu đồng/ chậu. Tuy nhiên, theo ông Ràng cho biết có nhiều hộ trồng quýt hồng cùng địa phương còn bán với giá từ 4 - 5 triệu đồng/chậu, loại I.
Ông Ràng cho biết, hiện toàn bộ số quýt hồng của ông đã được các thương lái ở TP. Hồ Chí Minh đến đặt mua hết. Sau khi trừ đi chi phí, số quýt trong chậu của ông mang lại lợi nhuận trên 200 triệu đồng.
Trao đổi với PV Dân trí ông Huỳnh Văn Tồn – Phó phòng NNPTNT huyện Lai Vung cho biết: “Trên địa bàn huyện số hộ trồng cây quýt hồng vào chậu thành công như ông Ràng chỉ có 3 - 4 hộ. Do trồng cây quýt hồng vào chậu dễ chăm sóc, kiểm soát được sâu bệnh… dẫn đến chi phí thấp, khoảng 1 triệu đồng/chậu. Do vậy, các hộ trồng quýt hồng vào chậu hiện đang có thu nhập khá cao, tuy nhiên đòi hỏi người trồng phải nắm vững kỹ thuật, đặc biệt là khâu chăm bón, phân thuốc vì thời gian sinh trưởng của cây chỉ mới hơn hai năm tuổi nên việc xử lý cho trái là rất khó.”
Nếu quy đổi theo tỉ giá trên thị trường tự do, hiện tại với 1 USD người dân Venezuela có thể mua được tới hơn 1.800 lít xăng, đủ để đi hết bờ biển 2.800km của vương quốc hoa hậu này 6 lần.
Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro hồi tuần trước đã đề nghị các nghị sỹ xem xét tăng giá xăng. Dù vậy thông tin này có lẽ cũng không khiến dư luận nước này quá bận tâm khi mức giá bán lẻ hiện tại đã ở mức rẻ nhất thế giới.
Lần gần nhất Venezuela tăng giá xăng do nhà nước niêm yết là từ 2 thập niên trước, và kể từ đó đến nay trong khi giá cả các hàng hóa khác leo thang, đồng nội tệ mất giá mạnh so với USD, giá xăng vẫn án binh bất động.
Hiện, theo tỉ giá hối đoái tự do, chỉ với 1 USD người Venezuela có thể mua được tới 1831,6 lít xăng, đủ để cho một chiếc xe bán tải hiệu Chevrolet Silverado chạy từ một đầu này bờ biển dài 2800 km của quốc gia Nam Mỹ tới đầu kia rồi lặp lại như vậy thêm 5 lần nữa.
Còn nếu quy đổi ra VNĐ, với khoảng 1.100 đồng, người Venezuela đang mua được tới 100 lít xăng. Giá xăng quá rẻ khiến các lái xe nước này thường “hào phóng” không nhận lại tiền thừa từ cây xăng, cho dù đôi khi tiền thừa còn nhiều hơn cả tiền xăng.
“Nó còn rẻ hơn cả nước”, một lái xe nói và cho biết giá một chai nước lọc còn đắt hơn nhiều tiền đổ xăng cho đầy chiếc Ford Explorer mình đang chạy.
“Rẻ hơn cả không khí”, một lái xe khác trên chiếc Chevy Tahoe nói sau khi phải trả nhiều tiền để bơm một lốp xe hơn chi phí đổ xăng đầy bình.
Là nước có trữ lượng dầu mỏ lớn nhất thế giới, việc có quyền tiếp cận không hạn chế và miễn phí đối với xăng dầu từ lâu dường như đã trở thành quyền của mọi công dân nước này từ khi ra đời. Và việc tăng giá xăng bị xem như cấm kỵ.
Xăng dầu giá rẻ cũng từng là một trong những điểm đặc trưng trong chính sách kinh tế của cố tổng thống Hugo Chavez khi ông này lên nắm quyền. Và suốt từ năm 1998 đến nay, giá xăng vẫn được chính phủ Venezuela giữ nguyên, do lo ngại điều chỉnh có thể gây ra biểu tình và bạo loạn, như từng diễn ra năm 1989, vốn khiến hàng trăm người thiệt mạng.
Dù vậy, theo ước tính của chính phủ Venezuela, trợ giá xăng dầu khiến nước này thiệt hại mỗi năm khoảng 15 tỷ USD. Và con số này đang ngày càng phình to tới mức ngân sách không thể chịu đựng thêm nữa.
Lần này, để chuẩn bị tâm lý cho người dân, chính phủ đã có cả một chiến dịch chuẩn bị tâm lý, với những bài báo, mẩu quảng cáo trên truyền hình nhằm nhắc nhỏ người dân rằng, mức trợ cấp xăng dầu đang quá lớn, và giá bán lẻ đang thấp hơn chi phí sản xuất 35 lần.
Để thêm phần thuyết phục, một đoạn phim tuyên truyền như vậy thêm vào cam kết, khi giá xăng tăng, “chúng ta sẽ có thêm nguồn lực để xây nhà ở xã hội, chăm sóc y tế và giáo dục”.
----------------------------
Những trung tâm thương mại, siêu thị điện máy "yểu mệnh" ở Hà Nội
Những tên tuổi lớn như Parkson Keangnam, hệ thống Topcare, siêu thị Việt Long liên tiếp rơi vào tình trạng ngưng hoạt động.
Topcare “khai tử” hàng loạt siêu thị
Trước thềm Tết Nguyên Đán chưa đầy 1 tháng, khi mà nhu cầu mua sắm của người dân đang lên tới đỉnh điểm thì bất ngờ hàng loạt hệ thống cửa hàng điện máy của Topcare bất ngờ đóng cửa, ngừng hoạt động.
Là một trong những “đại gia” điện máy, Topcare cho thấy quy mô lớn với 6 siêu thị tại Cầu Giấy, Hà Đông, Thanh Xuân, Hai Bà Trưng… nằm tại nhiều khu phố sầm uất Hà Nội. Các siêu thị thuộc hệ thống Topcare có vốn đầu tư “khủng”, từng được kỳ vọng là đối thủ đáng gờm của nhiều thương hiệu điện máy như Media Mart, Pico, Home Center. Tuy nhiên, từ ngày 23/1, các siêu thị thuộc hệ thống bán lẻ điện máy Topcare tại địa chỉ 335 Cầu Giấy, 463 Minh Khai và số 1 Hoàng Minh Giám (quận Thanh Xuân, Hà Nội) đột ngột “khai tử”.
Xuất hiện ở Hà Nội từ năm 2008, chuỗi siêu thị điện máy Topcare thuộc quyền sở hữu của Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại Ngôi Sao Châu Á. Phòng Đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) cho hay, trong hơn 6 năm hoạt động, công ty này đã có 8 lần thay đổi giấy chứng nhận đăng ký, lần mới nhất mới cách đây hơn 2 tuần, vào ngày 10/1/2015.
Parkson Keangnam “đắp chiếu”
Đầu năm 2015, thị trường bán lẻ cao cấp Việt Nam chứng kiến sự kiện khá hy hữu khi một thương hiệu bán lẻ hạng sang ngoại có mặt tại Việt Nam từ lâu là Parkson đột ngột tuyên bố đóng cửa trung tâm mua sắm lớn nhất của mình tại Hà Nội vì thua lỗ.
Nhiều nguyên nhân được chỉ ra, trong đó kết quả thua lỗ của Parkson có liên quan đến sự hồi phục chậm của kinh tế, thắt chặt tiêu dùng người dân, sự cạnh tranh quyết liệt từ các đối thủ mới gia nhập thị trường và cả việc nguồn cung hàng hiệu đang ngày càng đa dạng.
Sự việc chính thức bắt đầu vào chiều ngày 2/1/2015 khi TTTM Parkson bất ngờ đóng cửa và sau đó là một thông báo của ông Tiang Chee Sung - Tổng giám đốc Parkson Hà Nội với nội dung “TTTM Parkson Landmark sẽ ngừng hoạt động ngay lập tức kể từ ngày ban hành thông báo này" và các chủ hàng chỉ có 2 ngày 3-4/1để dọn hàng cùng quầy kệ.
Với 9 trung tâm lớn Việt Nam, đa phần các điểm mua sắm của Parkson đều nằm ở những vị trí rất thuận lợi và đắc địa. Tuy nhiên, lượng khách ghé thăm và mua sắm những năm gần đây ngày càng sụt giảm. Nhiều chủ cửa hàng ở Parkson cũng cho biết, mặc dù cuối năm là dịp mua sắm đông đúc, tuy nhiên năm nay lượng khách giảm mạnh so với năm ngoái. Nhiều nhân viên bán hàng cả ngày chỉ ngồi nghịch điện thoại, nên thay vì giữ số lượng 2-3 người, nhiều chủ quầy đã giảm chỉ còn 1 người đứng trông hàng.
Điện máy Việt Long “chết từ từ”
Ngay từ năm 2002, siêu thị điện máy Việt Long của Công ty Cổ phần Thương mại Điện máy Việt Long đã nổi lên là một trong những thương hiệu lớn bậc nhất tại thị trường Hà Nội, được nhiều người tiêu dùng biết đến.
Tại thời điểm phát triển mạnh nhất, Việt Long từng sở hữu các điểm bán như 187 Giảng Võ, 80 Ngô Gia Tự, số 10 Trần Phú (quận Hà Đông) và showroom Sony Center đặt tại 222 Trần Duy Hưng, 133 Thái Hà. Sau hơn chục năm “làm mưa, làm gió” trên thị trường, hàng loạt điểm bán hàng của thương hiệu này lần lượt bị khai tử trong năm 2013. Đến đầu năm 2014, điểm bán cuối cùng của siêu thị điện máy Việt Long tại số 80 Ngô Gia Tự (Hà Nội) đã do phía ngân hàng tiếp quản, tự đứng ra tổ chức kinh doanh để giải phóng nguồn hàng siết nợ tồn đọng.
Best Carings – tan vỡ do ế ẩm
Hệ thống siêu thị điện máy Best Carings ra đời khoảng cuối tháng 12/2004, sau một thời gian kinh doanh nơi đây đã trở thành một thương hiệu mua sắm được nhiều người tiêu dùng lựa chọn. Những năm 2009-2010 trở về trước, Best Carings được biết đến là địa chỉ kinh doanh mặt hàng điện tử, điện máy sôi động bậc nhất của Hà Nội, từng có tên trong “Top 500 doanh nghiệp bán lẻ hàng đầu Châu Á - Thái Bình Dương” 2009, 2010; Top 10 nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam năm 2009-2010…
Tuy nhiên, sau gần 8 năm tồn tại, trước sự cạnh tranh ngày càng gay gắt của các hệ thống siêu thị khác với vị trí đắc địa hơn, thường xuyên khuyến mãi mạnh tay hơn, Best Carings bắt đầu lao dốc do ế ẩm. Từ năm 2010, hệ thống này dần đóng cửa các siêu thị của mình.
Grand plaza – “thiên đường mua sắm” mịt mù ngày trở lại
Là TTTM cao cấp đầu tiên ra đời tại trung tâm mới của Hà Nội, Grand Plaza (Trần Duy Hưng, Hà Nội) từng được kì vọng sẽ làm thay đổi diện mạo thị trường bán lẻ khu vực. Nơi đây còn được ví như "thiên đường mua sắm đệ nhất Hà thành" khi hội tụ các nhãn hiệu thời trang cao cấp nổi tiếng thế giới.
Tuy nhiên, hoạt động buôn bán ở trung tâm này vô cùng ế ẩm. Để khắc phục hoạt động không hiệu quả, chủ đầu tư Grand Plaza đã thay đổi nhiều chiến lược khác nhau. Cụ thể như cuối năm 2012, Grand Plaza tung ra chiến lược "bình dân hóa", hướng tới phục vụ nhu cầu mua sắm của tất cả các nhóm khách hàng nhưng vẫn thất bại.
Sau hơn 2 năm hoạt động không hiệu quả, Grand Plaza đã phải đóng cửa và đang chờ chủ đầu tư mới.
-------------------------