Tất cả những kỳ vọng về một chiến lược tăng trưởng mới với những mục tiêu thiết thực hơn cho nền kinh tế của các học giả Trung Quốc đã tan thành mây khói, khi mà mô hình và cách thức tăng trưởng cũ vẫn được Bắc Kinh duy trì và củng cố. Và nó đang là một lời tuyên bố hùng hồn nhất, rằng Trung Quốc chính thức trật đường ray.
Đó hẳn là điều mà ở thời điểm hiện tại rất nhiều các chuyên gia và học giả của Trung Quốc cũng như trên thế giới đang nghĩ tới, sau khi Bắc Kinh chính thức tuyên bố chỉ tiêu tăng trưởng trong năm 2015 của nền kinh tế thứ hai thế giới. Tất cả những kỳ vọng về một chiến lược tăng trưởng mới với những mục tiêu thiết thực hơn cho nền kinh tế của các học giả Trung Quốc đã tan thành mây khói, khi mà mô hình và cách thức tăng trưởng cũ vẫn được Bắc Kinh duy trì và củng cố. Và nó đang là một lời tuyên bố hùng hồn nhất, rằng Trung Quốc chính thức trật đường ray.
Trong phiên họp đầu tiên của kỳ họp Quốc hội Trung Quốc khóa 13, thủ tướng Lý Khắc Cường đã đưa ra một tuyên bố mà giới phân tích thế giới xem như một bước ngoặt mang tính lịch sử đối với tương lai nền kinh tế số hai thế giới, khi ông này tuyên bố mục tiêu tăng trưởng chính thức mà Bắc Kinh đặt ra trong năm 2015 sẽ là 7%.
Nhìn bề ngoài, nó không có gì đáng nói khi mà trong năm 2014 tăng trưởng của Trung Quốc đạt 7,5% và việc đề ra mục tiêu 7% trong năm 2015 vì thế là chuyện dễ hiểu, nhất là khi kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng chậm lại. Nhưng trên thực chất, tuyên bố về mục tiêu tăng trưởng của thủ tướng Lý đã thực sự là một quả bom không chỉ với các nhà cải cách kinh tế của Trung Quốc mà còn với chính tương lai của nền kinh tế nước này.
Sở dĩ như thế, là vì với việc đặt ra mục tiêu tăng trưởng 7%, Bắc Kinh gần như đã khẳng định rằng năm 2015 Trung Quốc vẫn sẽ đi theo cách thức và mô hình tăng trưởng theo kiểu cũ, thay vì chọn một hướng đi mới như nhiều người kỳ vọng. Mô hình tăng trưởng dựa trên đầu tư nhà nước và xuất khẩu hàng hóa được sử dụng trong suốt gần ba thập kỷ qua ở Trung Quốc được đánh giá là đã chạm đến giới hạn, khi kinh tế nước này đạt mức tăng trưởng thấp nhất trong nhiều năm qua là 7,5% trong năm 2014.
Nhiều người đã kỳ vọng rằng đó sẽ là sự cảnh báo để các nhà lãnh đạo Trung Quốc phải tìm một mô hình tăng trưởng mới, bền vững hơn và hiện đại hơn. Nhưng với việc đặt mục tiêu tăng trưởng 7%, Bắc Kinh đã dập tắt tất cả những kỳ vọng ấy và đang lần lữa những đòi hỏi về một cuộc cải tổ toàn diện nền kinh tế bằng cách trì hoãn và níu kéo mô hình tăng trưởng cũ vốn đã đến ngưỡng giới hạn.
Vì sao việc Bắc Kinh tuyên bố mục tiêu tăng trưởng 7% trong năm 2015 lại đồng nghĩa với việc trì hoãn cải tổ và níu kéo mô hình tăng trưởng cũ? Đơn giản là vì chỉ có mô hình tăng trưởng cũ dựa trên đầu tư nhà nước và xuất khẩu mới có thể giúp Trung Quốc đạt được chỉ tiêu tăng trưởng 7% này, khi mà nền kinh tế Trung Quốc đang đi chậm lại và chỉ đạt mức tăng trưởng 7,5% trong năm 2014 thì việc đề ra mục tiêu 7% trong năm 2015 là chuyện có thể tính toán. Một cuộc cải tổ toàn diện nền kinh tế theo hướng hiện đại và bền vững mà nhiều chuyên gia tin rằng đang rất cần thiết với kinh tế Trung Quốc ở thời điểm hiện tại có thể sẽ chỉ đem lại một mức tăng trưởng thấp hơn con số 7% rất nhiều.
Các học giả kinh tế đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh đã gọi đó là chiến lược “lùi một bước để tiến ba bước”, chấp nhận GDP thấp trong năm 2015 và thậm chí là trong vài năm tới để xây dựng nền tảng vững chắc cho nền kinh tế Trung Quốc trong tương lai. Nhưng có vẻ như với Bắc Kinh, chỉ số tăng trưởng vẫn đang là bức bình phong quan trọng nhất ở thời điểm hiện tại thay vì một cuộc cải cách cần thiết nhưng tốn nhiều công sức.
Việc chính phủ Trung Quốc tuyên bố mục tiêu tăng trưởng 7%, thậm chí đang là một sự phủ nhận hoàn toàn sự cần thiết của những cải cách kinh tế ở nước này vào thời điểm hiện tại. Điển hình là thu hẹp khoảng cách giàu nghèo và cải thiện thu nhập của tầng lớp trung lưu. Hệ số Gini phản ánh việc thu hẹp khoảng cách giàu nghèo ở Trung Quốc đã tăng lên trong một vài năm gần đây, nhưng chênh lệch giàu nghèo ở nền kinh tế số hai thế giới vẫn còn rất lớn, và nó đang cho thấy sự bất lực của chính phủ trong vấn đề này.
Điển hình cho điều này là vấn đề tăng lương cơ bản ở Trung Quốc. Mức lương cơ bản vẫn đóng một vai trò quan trọng đối với thu nhập của giới trung lưu ở Trung Quốc, nhưng khi mà giá cả hàng hóa trên thị trường đang tăng nhanh thì lương cơ bản của công nhân viên chức Trung Quốc lại tăng chậm hơn nhiều. Năm 2013, Bắc Kinh đưa ra một chiến dịch nỗ lực để cải thiện mức lương cơ bản này với mục tiêu sẽ tăng ít nhất 40%, nhưng rốt cục hầu hết đều vẫn phải giữ nguyên, một số ít các khu vực được tăng thì mức tăng chỉ chưa đến 20%.
Việc không thể tăng lương cơ bản vừa cho thấy sự bất lực của chính phủ Trung Quốc trong việc cải thiện cuộc sống cho công nhân viên chức, vừa là dấu hiệu cho thấy các mục tiêu cải tổ nền kinh tế (mà cải thiện thu nhập tầng lớp trung lưu là một trong số đó) hầu hết đều đang không thành công. Thậm chí, việc đề ra mục tiêu tăng trưởng 7% của Bắc Kinh còn đang tạo nên sự nghi ngờ của người dân Trung Quốc về những lời hứa hẹn về các vấn đề an sinh xã hội như giảm ô nhiễm môi trường hay tăng phúc lợi công cộng như y tế và giáo dục.
Đơn giản là vì để đạt được mục tiêu tăng trưởng 7%, gần như sẽ rất ít có những nguồn tài chính dôi dư được đem ra cho các vấn đề an sinh xã hội. Chính phủ Trung Quốc đã phải vật vã dồn hết sức mới đạt được mục tiêu tăng trưởng 7,5% trong năm 2014, và trong bối cảnh kinh tế đi chậm lại hiện nay thì Bắc Kinh gần như sẽ lại một lần nữa phải dốc hết sức mới đạt được mức tăng trưởng 7% đã đề ra.
Vì thế, ở thời điểm hiện tại, có thể nói rằng Trung Quốc đã chính thức trì hoãn một cuộc cải tổ kinh tế ít nhất là trong năm 2015 và vẫn tiếp tục dựa dẫm vào mô hình tăng trưởng cũ. Đó là quyền và sự lựa chọn của chính phủ Trung Quốc, khi họ quan tâm đến thành tích tăng trưởng hơn là một nền tảng kinh tế vững chắc và hiện đại. Nhưng đối với thế giới ở thời đại tên lửa hiện nay, đi chệch đường ray cũng đồng nghĩa với việc đi giật lùi.
---------------------
Trung Quốc trước khối nợ khổng lồ
Theo mạng tin "Nhà Ngoại giao" ngày 4/3, bước nhảy vọt vĩ đại của Trung Quốc về kinh tế giờ đây đã dẫn quốc gia này tới câu lạc bộ của các con nợ lớn nhất thế giới.
Với tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại, có phải nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này đang tiến tới một thảm họa?
Theo báo cáo mới nhất của Viện McKinsey Toàn cầu (MGI), nợ của Trung Quốc đã tăng gấp 4 lần, từ 7.000 tỷ USD năm 2007 lên 28.000 tỷ USD vào giữa năm 2014, bằng 282% Tổng Sản phẩm Quốc nội (GDP) và cao hơn so với mức của Mỹ. Nếu cứ tiếp tục đà này, nợ của Trung Quốc sẽ lên tới 400% GDP vào năm 2018, tương đương mức của Tây Ban Nha.
Bình luận về sự bùng nổ nợ của Trung Quốc, báo cáo của MGI nhận xét: "Có một số yếu tố đáng lo ngại: một nửa các khoản vay liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến thị trường bất động sản của Trung Quốc, các tài khoản ngân hàng không được kiểm soát chiếm tới gần một nửa các khoản vay mới, và món nợ của nhiều chính quyền địa phương dường như là khó trả".
Theo MGI, giá bất động sản đã tăng 60% kể từ năm 2008 tại 40 thành phố của Trung Quốc, với giá nhà tại các vị trí đắc địa ở Thượng Hải hiện chỉ thấp hơn khoảng 10% mức giá tại New York hay Paris. Một cuộc suy thoái kéo dài sẽ tác động mạnh đến lĩnh vực xây dựng nhà ở, vốn chiếm tới 15% GDP, trong khi các ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng thương mại, nơi các khoản cho vay liên quan đến bất động sản chiếm tới 30% danh mục cho vay, sẽ phải gánh chịu hậu quả nặng nề.
Có tới 9.000 tỷ USD nợ trực tiếp hoặc gián tiếp của Trung Quốc liên quan đến lĩnh vực bất động sản, trong đó phần lớn là các khoản cho vay ngầm. Ngoài ra, thị trường bất động sản chậm lại đang làm tăng nguy cơ về một đợt vỡ nợ của các chính quyền địa phương, với 40% số tiền trả nợ được trích từ hoạt động bán đất.
Bắc Kinh đang đặt mục tiêu tăng trưởng "bình thường", ở mức khoảng 7%, cho năm 2015. Tuy nhiên, các nhà kinh tế cho rằng ngay cả mục tiêu thấp hơn này cũng là một thách thức lớn. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) gần đây đã hạ dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc từ 7,4% trong năm 2014 xuống mức 6,8% trong năm nay, trong khi Oxford Economics cho rằng năm nay có thể sẽ là năm cuối cùng mà Trung Quốc đạt được mức tăng trưởng 6%.
Bình luận về đợt cắt giảm lãi suất cả huy động lẫn cho vay ở mức 2,5% mới đây, các chuyên gia phân tích của ngân hàng ANZ cho rằng đó là một "phản ứng đối với tốc độ tăng trưởng chậm lại, nguy cơ giảm phát tăng cao và chi phí cho vay cao mà các doanh nghiệp đã phải đối mặt", gây nguy cơ thoái vốn đáng kể.
Mới đây, một quan chức cấp cao của chính phủ Trung Quốc phát biểu với tạp chí "Financial Review" của Australia rằng chỉ riêng trong tháng 12/2014 đã có 80 tỷ USD vốn rút khỏi Trung Quốc. Năm 1997, việc thoái vốn khỏi Thái Lan, Indonesia và Hàn Quốc đã khiến đồng tiền của các nước này sụt giá mạnh, gây ra một cuộc khủng hoảng ngân hàng toàn khu vực.
Tương tự như năm 1997, việc tăng lãi suất ở Mỹ cũng khuyến khích sự thoái vốn từ các nền kinh tế mới nổi. Theo chuyên gia kinh tế Liu Li-gang của ANZ, các công ty Trung Quốc đang vay nợ khoảng 1.000 tỷ USD, trong đó 80% là các khoản vay ngắn hạn. Một tỷ giá hối đoái thấp hơn sẽ làm tăng chi phí vay nợ đối với những người vay, gây khó khăn hơn nữa cho kinh tế Trung Quốc.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng việc vừa phải vực dậy một nền kinh tế sa sút vừa phải ngăn chặn một cuộc khủng hoảng tài chính tiềm tàng sẽ khiến các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc phải đau đầu trong năm nay.
------------------------
Biệt phủ 5 triệu USD: Đại gia vàng trả giá trên "chấm phạt đền"
Cuối cùng khu biệt phủ triệu đô của đại gia vàng nổi tiếng Quảng Nam xây trong rừng cấm Hải Vân cũng bị chính quyền địa phương quận Liên Chiểu, Đà Nẵng xử lý theo tinh thần thượng tôn pháp luật.
Bỏ ra hơn 5 triệu USD xây biệt phủ
Nhiều năm qua, nhờ sự giàu có và quan hệ làm ăn tốt, mỗi khi nhắc đến đại gia vàng Ngô Văn Quang người dân ở miền vàng Phước Sơn, Quảng Nam ai cũng nể sợ.
Tuy nhiên, vị đại gia lắm tiền nhiều vàng này lại sống khép kín, rất ít khi xuất hiện nhưng nhắc đến gia Ngô Văn Quang ai cũng vừa nể phục, vừa sợ mà khi hỏi căn nguyên vì sao ai cũng né tránh trả lời.
Cho đến một ngày cách đây hơn 2 năm, đại gia Ngô Văn Quang “ôm” một núi tiền lên khu rừng đặc dụng Nam Hải Vân xây biệt phủ càng làm cho nhiều đại gia khai thác vàng ở Quảng Nam nể trọng.
Ông Trương Việt, Chủ tịch UBND phường Hòa Hiệp Bắc cho biết, khu biệt phủ của đại gia vàng Ngô Văn Quang được xây dựng trên khu đất rừng đặc dụng Nam Hải Vân. Diện tích đất được đại gia này sang nhượng từ nhiều người dân.
“Đến năm 2013 thì phường phát hiện việc xây dựng trái phép trên. Chúng tôi đã phối hợp với quản lý đô thị quận, hạt kiểm lâm lập biên bản đình chỉ xây dựng, xin ý kiến của lãnh đạo cấp trên” - ông Việt nói.
Khu biệt phủ của đại gia vàng Ngô Văn Quang rộng hơn 2 ha, là một quần thể kiến trúc lộng lẫy nguy nga giống như cung vua phủ chúa ngày xưa. Trong đó có hàng chục ngôi nhà gỗ, tòa tháp, 3 cổng lớn và hàng rào cao vút, dài hàng cây số. Một con đường bêtông nối từ QL1A vào biệt phủ được mở ra từ tháng 9/2014. Tổng số tiền “ném” vào khu biệt phủ được dự tính lên tới hơn 5 triệu USD.
Trả giá ở phút 89
Cứ tưởng biệt phủ hoành tráng đấy sẽ vững vàng tồn tại. Không ngờ, đại gia vàngđã phải trả giá ở “chấm phạt đền” vào phút 89 khi khu biệt phủ vừa hoàn thành đã buộc phải phá dỡ.
Chính quyền TP. Đà Nẵng đã không hề chùn tay khi đưa ra quyết định xử lý trên tinh thần “thượng tôn pháp luật” sau khi Thành ủy và UBND TP đưa ra quyết định: Không có bất kỳ vùng cấm cho bất kỳ quan chức hay người dân khi vi phạm pháp luật.
Các quyết định xử lý hai khu biệt phủ trên rừng đặc dụng Hải Vân của đại gia vàng Ngô Văn Quang đã được UBND quận Liên Chiểu đã chính thức ban hành hôm 4/2, với mức xử phạt hành chính 37,5 triệu đồng cho hành vi xây dựng trái phép và xâm phạm đất rừng đặc dụng
Ngoài xử lý hành chính, UBND quận Liên Chiểu còn yêu cầu khắc phục hậu quả bằng việc tháo dỡ công trình xây dựng trái phép trong thời hạn 35 ngày kể từ ngày ban hành quyết định. Nếu không tự ý tháo dỡ, chính quyền địa phương sẽ cưỡng chế theo luật.
Với các quyết định mạnh tay này, người dân Đà Nẵng đang hồi hộp chờ đợi cái ngày “phán quyết” của pháp luật mà chính quyền TP. Đà Nẵng cam kết với người dân là đảm bảo tính công bằng và nghiêm minh của pháp luật.
---------------------
Vinacomin "phản pháo" thông tin than lậu được tuồn từ mỏ
Liên quan vụ bắt giữ đoàn xe tải chở than lậu tại cảng Đôi Cây (phường Hà Khánh, TP Hạ Long, Quảng Ninh), ngày 6/3, Vinacomin đã có phản hồi, khẳng định “Không có tình trạng vận chuyển than trái phép dưới moong của khai trường Xí nghiệp 917 lên”.
Theo đó, hồi 1h15’ ngày 03/3/2015, tại khu vực bãi đất thuộc dự án khu đô thị Hà Khánh D, phường Hà Khánh - TP Hạ Long, Chủ tịch UBND Thành phố Hạ Long chỉ đạo lực lượng bộ đội thuộc Thành đội tổ chức kiểm tra bắt giữ và bảo vệ hiện trường 6 xe ô tô có tải đang vận chuyển (tổng khối lượng 140 tấn than) từ đường 337 vào và 03 xe không tải từ cảng Hóa Chất (cũ) đang di chuyển ra. Ngay sau đó giao cho các cơ quan chức năng (VKS và Công an Thành phố) tiếp tục xác minh làm rõ người và nguồn gốc than.
9 chiếc xe ô tô tải bị bắt giữ hiệu HOWO do Trung Quốc sản xuất. Tại thời điểm kiểm tra các đối tượng chở than không xuất trình được giấy tờ liên quan đến nguồn gốc số lượng hàng hóa chở trên 06 xe ô tô trên. “Trong 6 xe có tải, có 2 xe có in logo của TKV và có phiên hiệu của Công ty CP Đầu tư và Thương mại - Vinacomin (ITASCO), tuy nhiên theo xác nhận của Giám đốc Công ty ITASCO và theo xác minh của Công an, các xe trên không phải của Công ty ITASCO” – Vinacomin cho hay.
Tổ công tác tiếp tục tiến hành kiểm tra tại khu bãi đất trên thấy có 2 đống than, ước khoảng trên 300 tấn than cám xấu và 01 máy xúc BKS: 14LA-0397; toàn bộ số người và vật chứng trên hiện Công an phường Hà Khánh tạm giữ.
Tại cơ quan Công an, các đối tượng trên đã khai nhận: đêm ngày 2, rạng sáng ngày 3/3/2015 các đối tượng đã điều khiển xe ô tô đến khu vực Đồng Ho, Hoành Bồ (1 chuyến), khu vực Vũ Oai, Hoành Bồ (10 chuyến), đây là than đầu vỉa được đổ vào vườn rừng Keo, gần khu Dự án Công viên nghĩa trang An lạc.
Khối lượng còn lại được vận chuyển từ khu 5 phường Hà Khánh, nằm tiếp giáp với khai trường 917 thuộc Công ty than Hòn Gai, thuộc Trụ Nam khai trường 917 (đã dừng khai thác) và khu vực đổ thải, trụ vỉa dốc đứng có dấu vết bị đào bới mót than, có diện tích khoảng 30 đến 40 m3, tại hiện trường có một số vì chống chèn lò than khai thác trái phép trước đó.
Vinacomin khẳng định: Than từ khu 5, phường Hà Khánh tiếp giáp khai trường 917 được vận chuyển qua trạm số 6 của Công ty Than Hòn Gai. Không có tình trạng vận chuyển than trái phép dưới moong của khai trường Xí nghiệp 917 lên.
Cũng theo Tập đoàn, chất lượng than tại nơi đào bới và nơi tập kết ở bãi đất Hà Khánh D, đã được Vinacontrol lấy mẫu để phân tích (hiện chưa có kết quả chính thức), theo quan sát bằng mắt thường và kinh nghiệm, chất lượng than là cám 7 (có độ tro AK từ 45% đến 60%).
Trong chiều ngày 3/3/2015, TTĐHSX tại QN, Công an TP Hạ Long và Công ty CB than Quảng Ninh đã vận chuyển 21 chuyến than và đưa 6 xe than về kho của Công ty CB than QN để quản lý.
Căn cứ vào tang vật của vụ việc, lời khai của người vi phạm, thực trạng hiện trường, Cơ quan Công an thành phố Hạ Long đã khởi tố vụ án “hành vi vi phạm các qui định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác khoáng sản ” quy định tại điều 172 Bộ luật hình sự.
Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Vinacomin và kiến nghị của cơ quan chức năng, ngày 4/3/2015 Công ty than Hòn Gai đã tạm đình chỉ công tác, để làm báo cáo gải trình làm rõ vụ viêc đối với 3 nhân viên bảo vệ trong ca trực là: Bùi Đăng Huyến, Vũ Văn Quý và Đỗ Thanh Sơn; Anh Hà Văn Khoái - đội trưởng đội bảo vệ số 1, thuộc phòng Bảo vệ Quân sự Công ty làm nhiệm vụ trực ca tại Trạm 6; Anh Đỗ Văn Kiên, Phó giám đốc Công ty, kiêm Giám đốc điều hành sản xuất tại Mỏ 917.
Trước đó, trong ngày 3/3/2015 Công an thành phố Hạ Long đã yêu cầu 3 nhân viên bảo vệ này viết báo cáo tường trình, đến 21h00 cùng ngày đã được về nghỉ.
Lãnh đạo Tập đoàn Vinacomin cũng đã chỉ đạo Công ty than Hòn Gai thực hiện ngay các biện tăng cường công tác phối hợp với chính quyền địa phương để quản lý phương tiện vận chuyển trên đường vừa phục vụ cho sản xuất, vừa vận chuyển phục vụ dân sinh và rà soát, chấn chỉnh công tác bảo vệ an ninh trật tự trong khu vực khai trường, không để khai thác vận chuyển than trái phép tái diễn.
Ngày 4/3/2015 hồ sơ được chuyển cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Ninh để tiếp tục điều tra làm rõ.
Trước đó, tại cuộc họp báo về vụ việc trên vào ngày 4/3, do tỉnh Quảng Ninh tổ chức, ông Phạm Hồng Hà, Chủ tịch UBND TP Hạ Long thông tin, “Số than bị bắt giữ lấy tại khai trường 917 thuộc Công ty Than Hòn Gai và khu vực xung quanh”.
-----------------------