Sau khi Thủ tướng có quyết định tăng giá điện vào tối 5/3, ngày 6/3, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã có buổi họp báo công bố các thông tin liên quan đến vấn đề giá điện theo các phương án tính giá mà Tập đoàn này đã trình lên các cơ quan quản lý Nhà nước. Theo đó, với mức tăng này EVN sẽ tăng doanh thu khoảng 13.000 tỷ đồng và dự kiến có lãi khoảng 1.500 tỷ đồng trong năm nay.
EVN cho biết các chi phí đã được cập nhật từ lần điều chỉnh tăng giá gần nhất (ngày 1/8/2013) đến thời điểm xây dựng phương án giá điện mới (ngày 31/1/2015) cụ thể như sau: Các yếu tố làm giảm chi phí sản xuất điện: 1.657,8 tỷ đồng do giá dầu trong nước giảm. Tuy nhiên, bên cạnh đó, các yếu tố khác lại làm tăng chi phí sản xuất điện: 10.491 tỷ đồng.
Cụ thể, giá than tăng làm tăng 4.485 tỷ đồng; do điều chỉnh giá khí trên bao tiêu làm tăng chi phí phát điện 3.532,8 tỷ đồng; do tăng giá khí trong bao tiêu theo lộ trình làm tăng chi phí mua điện 557,1 tỷ đồng; do tỷ giá bình quân tăng 105,6 tỷ đồng; thuế tài nguyên nước tăng từ 2% làm tăng 1.590 tỷ đồng; do giá chi phí tránh được năm 2015 tăng (áp dụng cho các nhà máy thủy điện từ 30MW trở xuống) làm chi phí mua điện tăng 148,5 tỷ đồng. Như vậy, cân bằng các yếu tố, chi phí sản xuất kinh doanh điện trong thời điểm này vẫn tăng 8.833 tỷ đồng.
Ngoài ra một số các khoản chi phí khác như: Chi phí tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn: 1.019,16 tỷ đồng; Chi phí lắp đặt tụ bù để nâng cao chất lượng điện áp; Bổ sung chi phí môi trường rừng năm 2011, 2012 của các nhà máy đến 30MW: 166,52 tỷ đồng….; Khoản chênh lệch tỷ giá tính đến 31-12-2013 còn chưa phân bổ: 8.811 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo phương án giá điện đã được phê duyệt thì khoản chênh lệch tỷ giá sẽ được phân bổ vào năm 2015 là khoảng 926 tỷ, số tiền còn lại sẽ được phân bổ vào các năm sau.
Tại cuộc họp báo, ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng giám đốc EVN cũng cho biết thêm: Với phương án giá điện này, hộ kinh doanh, hộ tiêu thụ ít điện sẽ có chi phí tăng dưới mức trung bình 7,5%; hộ sản xuất sẽ được điều chỉnh cao hơn, trên 7,5%. Mức cụ thể cho từng đối tượng sẽ được Bộ Công thương ký ban hành vào tuần sau.
Sơ bộ tính toán cho thấy, đối với các hộ dùng ở mức 50 số, mức tăng chưa tới 5.000 đồng/gia đình/tháng. Đối với các hộ sản xuất, tùy theo giá thành của từng hộ tiêu thụ, nếu dùng nhiều thì cơ cấu điện trong giá thành sẽ cao hơn, từ 0,06-0,6%. Lý giải nguyên nhân điện tăng ở mức 7,5%, ông Đinh Quang Tri cho biết năm 2014, EVN nhiều lần báo cáo Bộ Công thương, nhưng do tình hình kinh tế khó khăn nên chưa cho phép điều chỉnh.
Tháng 1/2015, EVN đã có tờ trình cuối cùng, trong đó có tính cả chi phí cập nhật đầu vào, tăng trên khoảng 12% nhưng căn cứ vào tình hình kinh tế xã hội, ảnh hưởng tới nền kinh tế nên EVN đề xuất ở mức 9,5%. Bộ Công thương cũng đưa ra 3 phương án: 7,5%; 8,5% và 9,5%. Sau khi cân nhắc, Chính phủ chỉ cho phép điều chỉnh 7,5% và yêu cầu EVN có các giải pháp tăng năng suất lao động, điều hành hiệu quả và đảo bảm lợi nhuận trên 1%. Với mức tăng giá này, kể từ 16-3, doanh thu của EVN tăng khoảng 13.000 tỷ đồng, lợi nhuận dự kiến khoảng 1.500 tỷ đồng.
Trả lời câu hỏi về khả năng giá điện sẽ còn tiếp tục tăng trong tương lai, ông Đinh Quang Tri cho biết, Chính phủ đã quy định giá trần bán lẻ điện là 1.835 đồng/kWh, mà qua đợt điều chỉnh này hiện ở 1.622 đồng/kWh, bằng 86% giá trần. “Chúng tôi sẽ tính toán hằng tháng, nếu đủ điều kiện chi phí tăng lên thì sẽ trình Bộ Công thương phê duyệt. Nếu giá khí, dầu, than ổn định thì điều chỉnh giá điện năm nay sẽ không có tiếp. Nhưng nếu các yếu tố đầu vào biến động thì sẽ báo cáo”.
Tuy nhiên ông Tri cũng cho biết dự báo các yếu tố đầu vào của 2015 đều khá ổn định: chênh lệch tỷ giá không phát sinh nhiều, giá khí và than cũng sẽ không có điều chỉnh lớn (hiện giá than thế giới đang giảm cũng sẽ tạo sức ép để Tập đoàn Than – Khoáng sản không thể tăng giá. Năm 2016 EVN sẽ nhập những tấn than đầu tiên, sẽ tạo ra cạnh tranh giữa giá than trong nước và nước ngoài…). Những yếu tố này sẽ giúp giá điện trong nước ổn định.
Về khả năng giải quyết các vấn đề nội tại của EVN như tăng năng suất lao động, giảm tổn thất, đại diện Tập đoàn này cho biết, năm 2014 EVN không cho phép các đơn vị tăng biên chế, trừ trường hợp đưa các trạm mới vào vận hành. Dự tính năng suất lao động năm 2015 sẽ tăng 9%. Về biểu giá cụ thể đối với từng mức sử dụng, đại diện Bộ Công thương cho biết sẽ xem xét thiết kế biểu giá bậc thang, thu hẹp khoảng cách bù chéo và vẫn tiếp tục chính sách hỗ trợ cho các hộ nghèo.
--------------------
Chuyển cơ quan CSĐT 4 vụ vi phạm về kinh tế
Theo Chi cục QLTT TP HCM, trong tháng 2/2015 các đội QLTT kiểm tra, phát hiện 152 doanh nghiệp, hộ kinh doanh buôn bán hàng nhập lậu, hàng không có chứng từ hóa đơn, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, tạm giữ 174 danh mục mặt hàng gồm 91.128 đơn vị sản phẩm và hơn 15 tấn hàng hóa các loại.
Ngoài ra, kiểm tra việc buôn bán hàng giả, xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu và có dấu hiệu hàng giả, lực lượng kiểm tra phát hiện 46 vụ vi phạm tại các chợ, cửa hàng, công ty, tạm giữ 37 danh mục gồm 1.474.801 đơn vị sản phẩm mắt kính, đồng hồ đeo tay, ba lô, túi xách, giày dép, quần áo... trong đó, có rất nhiều sản phẩm giả các nhãn hiệu nổi tiếng Chanel, Gucci, Lacoste, LV, Nike, Adidas...
Riêng vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm thì nhiều cơ sở sản xuất vi phạm. Điển hình, Đội QLTT Thủ Đức kiểm tra đột xuất cơ sở giò chả Như Hương (phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức) phát hiện phần lớn nguyên liệu sản xuất giò chả được chủ cơ sở mua trôi nổi trên thị trường.
Mỗi ngày cơ sở này sử dụng 300 - 1.000kg nguyên liệu để sản xuất. Chủ cơ sở khai nhận đã sản xuất giò chả tại đây từ năm 2012, nhưng đến tháng 11/2014, cơ sở mới được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
Ngoài ra, cơ sở cũng chưa công bố hợp quy đối với sản phẩm thuộc nhóm bắt buộc phải công bố. Đội QLTT Thủ Đức buộc đình chỉ hoạt động cơ sở, chấp nhận việc xin tiêu hủy toàn bộ lô hàng gồm 3.380kg nguyên liệu và thành phẩm của chủ cơ sở. Đội QLTT Bình Thạnh cùng với đoàn liên ngành VSATTP quận Bình Thạnh kiểm tra cơ sở sản xuất giò chả tại phường 28, quận Bình Thạnh do ông Trần Văn Sửu làm chủ.
Khi bị kiểm tra, chủ cơ sở chưa xuất trình được giấy phép sản xuất, giấy ATVSTP, nguồn gốc nguyên liệu dùng để sản xuất giò chả. Tại hiện trường, có 100kg chả thành phẩm đang chờ tiêu thụ và số lượng lớn nguyên liệu chuẩn bị sản xuất. Cơ quan chức năng tạm đình chỉ cơ sở sản xuất này…
Trong tháng 2/2015, lực lượng kiểm tra đã tạm giữ tổng cộng 178 danh mục hàng hóa vi phạm ATVSTP gồm 172.650 đơn vị sản phẩm và 898 tấn các mặt hàng sữa nước, phụ gia thực phẩm, bánh mứt kẹo, đường cát, trái cây… Trong đó, riêng bia, rượu, nước giải khát có 7.024 chai và 24.984 gói nước ép trái lê loại 110g/gói không ghi nơi sản xuất, không hạn sử dụng.
Kiểm tra chuyên ngành, riêng lực lượng QLTT kiểm tra 706 vụ thì phát hiện có đến 680 vụ vi phạm. Cơ quan QLTT đã chuyển sang cơ quan Cảnh sát điều tra huyện 4 vụ (2 vụ vận chuyển thuốc lá nhập lậu, 1 vụ kinh doanh áo sơ mi giả nhãn hiệu Việt Tiến và 1 vụ sản xuất kẹo chocolate giả nhãn hiệu). Ngoài ra, lực lượng QLTT còn phối hợp với các đoàn liên ngành kiểm tra 922 vụ, trong đó phát hiện 465 vụ vi phạm. Như vậy, tính chung trong 2 tháng đầu năm 2015, tổng số vụ kiểm tra chuyên ngành và liên ngành là 3.174 vụ, tăng 83,78% so với cùng kỳ năm trước.
Theo đánh giá của đại diện Chi cục QLTT, số vụ vi phạm phát hiện trong tháng 2/2015 tăng đột biến do đây là tháng cao điểm các đối tượng cung ứng hàng hóa cho thị trường Tết. Những tháng đầu năm 2015, hàng gian, hàng giả, hàng lậu vẫn còn phức tạp nhưng cũng có “điểm sáng” khi các đội QLTT kiểm tra tại các siêu thị, cửa hàng, điểm bán giỏ quà Tết đóng gói sẵn có niêm yết giá. Mở giỏ quà kiểm tra thực tế, ngẫu nhiên, kết quả đáng mừng là các mặt hàng trong gói quà đều có chứng từ, nhãn hàng hóa ghi xuất xứ, hạn sử dụng đầy đủ, phần lớn là hàng Việt Nam. Ngoài ra, kiểm tra các cửa hàng kinh doanh mặt hàng hóa chất, qua kiểm tra 5 cửa hàng trên địa bàn quận 8 thì tất cả đều không vi phạm...
Sau Tết, thị trường cũng sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp vì lượng hàng gian, hàng giả vẫn chưa tiêu thụ hết trong dịp Tết. Vì vậy, lực lượng QLTT vẫn đang tiếp tục tăng cường kiểm tra trong thời gian tới.
-------------------
Kiểm tra các dự án tại DN của Phó GĐ Sở vừa bị bắt
UBND TP Hà Nội vừa giao Sở Kế hoạch và Đầu tư kiểm tra, rà soát, báo cáo tình hình, kết quả thực hiện các dự án đầu tư UBND TP giao cho Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển nông nghiệp Hà Nội làm chủ đầu tư trong thời gian ông Phan Minh Nguyệt làm Chủ tịch, Tổng Giám đốc Công ty.
Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, báo cáo tình hình, kết quả công tác quản lý sử dụng đất đai của Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển nông nghiệp Hà Nội, trong đó, trọng tâm là tình hình quản lý, sử dụng đất đai của Công ty trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm.
Ông Phan Minh Nguyệt, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) (nguyên Chủ tịch, Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển nông nghiệp Hà Nội) đã bị cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an khởi tố và bắt tạm giam về hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Cụ thể, từ năm 2012 đến nay, ông Phan Minh Nguyệt đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao là Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty, tổ chức xây nhà trái phép trên đất nông nghiệp; chỉ đạo kế toán thu tiền cho thuê nhà, không nhập quỹ công ty, để ngoài sổ sách và chiếm hưởng cá nhân.
----------------------
Việt Nam sẽ xuất khẩu lao động sang Thái Lan trong năm nay
Trong 2 ngày 4 và 5/3, đoàn công tác của Bộ Lao động Thái Lan đã sang Việt Nam, có những phiên đàm phán đầu tiên với Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) để thống nhất ký kết Thỏa thuận hợp tác lao động giữa hai nước. Nếu không có gì thay đổi, Việt Nam có thể xuất khẩu lao động (XKLĐ) theo đường chính thức sang Thái Lan ngay trong năm nay.
PV Báo CAND đã phỏng vấn Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thanh Hoà về vấn đề này.
- Theo thông tin từ Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan, mới đây Chính phủ Thái Lan đã bắt đầu triển khai việc đăng ký và cấp phép cho lao động tự do Việt Nam đang cư trú tại Thái Lan. Đây có phải là bước khởi đầu tiến tới ký kết thỏa ước hợp tác lao động giữa 2 nước ngay không?
- Thứ trưởng Nguyễn Thanh Hòa: Từ 2 năm trước, Bộ LĐ-TB&XH đã có cuộc khảo sát tại Thái Lan và có các cuộc làm việc với Bộ Lao động Thái Lan để xây dựng dự thảo hợp tác lao động. Dự thảo gần như đã xong, tuy nhiên, do Thái Lan có những thay đổi về chính trị, nên cuối năm 2014, lãnh đạo cấp cao 2 nước mới thống nhất thúc đẩy nhanh. Ngày 4, 5 tháng 3, chúng tôi đã mời Bộ Lao động Thái Lan sang thảo luận và đàm phán để xúc tiến ký thỏa thuận này.
- Xin ông cho biết kết quả đàm phán giữa 2 bên đã thống nhất những điểm gì? Cụ thể Việt Nam sẽ đưa sang Thái Lan những ngành nghề nào, mức lương tại đây mà lao động có thể được hưởng là bao nhiêu, thưa ông?
- Thứ trưởng Nguyễn Thanh Hòa: Chúng tôi chưa hy vọng thống nhất tất cả, nhưng tại buổi đàm phán, 2 bên chủ yếu bàn về cơ chế hợp tác, cơ chế để bảo vệ người lao động, xem xét có đại diện của Việt Nam tại Thái Lan, cơ chế đối thoại hai bên... Phía bạn đang cần nhất 2 ngành nghề xây dựng và đánh bắt cá và một số lĩnh vực khác. Còn về mức lương, chúng tôi đang bàn, nhưng nhìn chung lao động của ta sang làm việc tại Thái Lan phải được đối xử như lao động bản địa. Hiện nay mức thu nhập bình quân của lao động Thái Lan ở những vùng sâu, vùng xa khoảng 500 USD tương đương với Malaysia. Ở những khu vực phát triển lên tới 1.000 USD, ở thành phố có thể cao hơn. Với mức thu nhập này tương đương với XKLĐ tại Malaysia. Thời gian làm việc tại Thái Lan có thể 2-3 năm.
- Dòng di cư tự do sang Thái Lan vẫn khá phổ biến ở các tỉnh miền Trung, Bộ LĐ-TB&XH có nắm được số lượng cụ thể không thưa ông?
- Thứ trưởng Nguyễn Thanh Hòa: Rất nhiều lao động ở các tỉnh miền Trung hiện nay đang di cư theo con đường visa du lịch. Người Việt Nam sang đó gặp gì làm nấy nên đến nay vẫn chưa có một con số chính xác. Tuy nhiên, có 2 con số phía Thái Lan đưa ra cho chúng tôi là 50.000 và gần 100.000 người. Muốn biết con số chính thức phải chờ sau đợt đăng ký này, phía bạn sẽ công bố.
- Khi ký thỏa thuận hợp tác, đưa lao động hợp pháp sang Thái Lan chắc chắn người lao động sẽ phải chịu mức phí, trong khi lao động di cư tự do chỉ phải chịu chi phí thấp. Đây liệu có là trở ngại cho việc thực hiện Thỏa thuận không, thưa ông?
- Thứ trưởng Nguyễn Thanh Hòa: Lúc đó, người lao động sẽ phải tự cân nhắc, tính toán lợi ích giữa hợp pháp với không hợp pháp. Trước đây, hằng tháng lao động phải bỏ thời gian và chi phí ra biên giới đăng ký, còn bây giờ, nếu đăng ký với cơ quan chức năng, trong vòng 1 năm người ta để chuyển đổi sang hợp pháp lâu dài. Tất nhiên, cơ quan hợp tác lao động hai nước cũng đã phải tính toán để làm sao việc đăng ký này có lợi hơn là lao động bất hợp pháp thì mới làm. Hơn nữa, Thái Lan gần với Việt Nam, đi lại cũng thuận tiện hơn nên chắc chắn chi phí sẽ thấp hơn đi Malaysia. Việc ký kết hợp tác nhằm tạo điều kiện cho lao động sang Thái Lan có kênh làm việc hợp pháp chứ không phải chiến dịch hay trào lưu di cư sang Thái. Hiện Thái Lan bắt đầu siết chặt quản lý, người vi phạm sẽ bị xử phạt rất nặng. Chúng tôi cảnh báo, không khuyến khích lao động đi theo con đường bất hợp pháp, không an toàn.
- Nếu Thỏa thuận được ký kết thì cơ chế đưa lao động đi sẽ do cơ quan của Chính phủ hay doanh nghiệp thực hiện?
- Thứ trưởng Nguyễn Thanh Hòa: Chúng tôi đàm phán dựa trên nguyên tắc đảm bảo chi phí thấp, đảm bảo quyền lợi và thuận lợi cho người lao động. Cơ chế hợp tác thông qua tổ chức chính phủ hay thông qua doanh nghiệp muốn hợp tác kiểu gì cũng phải đạt được 2 yêu cầu đó. Nhà nước làm mà phức tạp thì Nhà nước cũng không làm. Còn nếu Nhà nước làm thuận lợi Nhà nước sẽ làm.
- Thỏa thuận hợp tác lao động với Thái Lan ý nghĩa như thế nào trong bối cảnh việc làm trong nước khó khăn, trong khi các thị trường XKLĐ truyền thống của Việt Nam đang bị thu hẹp lại?
- Thứ trưởng Nguyễn Thanh Hòa: Hiện Thái Lan mới chỉ đồng ý tiếp nhận lao động của các nước như Lào, Campuchia, Myanmar. Lần đầu tiên Thái Lan đồng ý chính thức tiếp nhận lao động Việt Nam trong một số ngành nghề. Đây là kênh di cư an toàn và hợp pháp, lâu dài. Việc Thái Lan hợp thức hóa lao động tự do có ý nghĩa rất lớn, từ nay, lao động Việt Nam sang Thái phải đi theo kênh này, không còn phải đi “chui” như trước đây. Và chắc chắn đi hợp pháp, lương của người lao động sẽ cao hơn. Dự kiến, trong tháng này, cơ quan quản lý lao động của 2 nước sẽ đàm phán xong, cố gắng vào dịp Thủ tướng sang thăm Thái Lan vào đầu tháng 6 tới. Sau cuộc đàm phán này, nếu còn vướng mắc gì, lãnh đạo Bộ sẽ sang Thái Lan đàm phán tiếp. Phía bạn cũng đồng tình quyết tâm làm nhanh. Song song với việc đưa lao động sang thị trường Thái Lan, tại dự thảo hợp tác lao động, phía Việt Nam cũng sẽ tiếp nhận lao động Thái Lan sang làm việc.
- Xin chân thành cảm ơn Thứ trưởng!
----------------------