Trước sự tấn công của các ông lớn nước ngoài, nhiều đại gia Việt tung chiêu độc phản đòn và không ít người đã thành công khiến cho đối tác ngoại ngã ngửa.
Cuộc chiến ly kỳ
Báo cáo quản trị 2014 Vicostone cung cấp một thông tin khá bất ngờ: Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Vicostone (VCS) - Hồ Xuân Năng nắm cổ phần chi phối của công ty đã đi thâu tóm Vicostone. Ông Năng là cổ đông lớn CTCP Phượng Hoàng Xanh A&A (Phenikaa) với tỷ lệ nắm giữ 90% vốn, tương ứng 54 triệu cổ phần.
Như vậy, người thâu tóm Vicostone không ai khác chính là chủ tịch công ty, người đã gắn bó với DN này từ năm 2004 với tư cách là người đại diện phần vốn Tổng công ty Vinaconex trong thời gian đầu và ở vị trí lãnh đạo làm thuê trong nhiều năm sau đó.
Thau tóm không còn là chuyện mới ở Việt Nam, nhưng vụ việc tại VCS có nhiều diễn biến ly kỳ khi nhóm cổ đông nội lấn lướt ngoại, lãnh đạo của công ty bị thâu tóm đã thâu tóm lại công ty đi thâu tóm là một trường hợp hiếm hoi.
Cuộc đối đầu giữa nhóm cổ đông nội và nhóm cổ đông ngoại tại Vicostone (VCS) kéo dài vài năm đã ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động sản xuất của DN này. Câu chuyện tưởng chừng rơi vào bế tắc, không lối thoát.
Từ một DN làm ăn thuộc tốp tốt nhất TTCK với lợi nhuận khủng, doanh thu tăng trưởng đều qua các năm, phần lớn sản phẩm tiêu thụ ở các thị trường Mỹ, EU, Úc..., Vicostone bất ngờ rơi vào vòng xoáy. Trong các năm 2012 và 2013, DN này bắt đầu báo cáo lợi nhuận suy giảm, không trả cổ tức và thậm chí tuyên bố hủy niêm yết tự nguyện.
Sự bất hòa giữa các nhóm cổ đông lớn trong và ngoài nước có lẽ đã là một thảm họa đối với nhiều cổ đông nhỏ của VCS. Cổ phiếu VCS rớt trở về ngưỡng 1x bất chấp các chỉ số tài chính đều rất tốt. Nhiều NĐT ngầm ngùi tháo chạy khỏi một trong những cổ phiếu tốt nhất trên sàn.
Đây là khoảng thời gian xảy ra cuộc đối đầu khốc liệt giữa nhóm cổ đông nước ngoài đại diện là Red River Holding nắm giữ gần một nửa tổng số cổ phần với nhóm cổ đông trong nước, trong đó có một số thành viên HĐQT và lãnh đạo lâu năm của VCS.
Tuy nhiên, sóng gió dường như đã qua đi đối với Vicostone khi thị trường đón nhận thông tin Vicostone đã bị Phenikaa thâu tóm với tỷ lệ 58%. Ba cổ đông ngoại sở hữu hơn 46% cổ phần thoái vốn trong tháng 6 và tháng 7/2014 đã tạo cơ hội cho Phenikaa mua lại và nắm quyền kiểm soát Vicostone.
Thế trận tự vệ
Gạt sang một bên những ảnh hưởng không mong muốn của cuộc chiến giữa các nhóm cổ đông lớn, có thể thấy, không ít các NĐT trong nước đã có sự lớn mạnh rất nhanh trong bối cảnh nền kinh tế đang hội nhập sâu rộng vào thế giới. Các NĐT nội đang cạnh tranh trực tiếp với NĐT nước ngoài.
Tại Bibica, gần đây Công ty TNHH Quản lý quỹ SSI (SSIAM) - công ty con của Công ty Cổ phần chứng khoán Sài Gòn (SSI) đã thoái 20% vốn. Sau giao dịch, Bibica không còn là công ty liên kết của SSI. Tuy nhiên, một số DN thuộc sở hữu hoặc liên quan tới đại gia ngành chứng khoán Nguyễn Duy Hưng như CTCP Thực phẩm PAN (PAN Food), Đường Mặt Trời, Xuất nhập khẩu Thủy sản Bến Tre vẫn đang nắm giữ một tỷ lệ lớn tại Bibica.
Ông Nguyễn Duy Hưng vẫn là một đối trọng với ông lớn Hàn Quốc Lotte tại doanh nghiệp bánh kẹo Bibica.
Cũng trong năm 2014, SSI của ông Nguyễn Duy Hưng cùng một số thành viên chủ chốt của SSI và nhóm NĐT có liên quan đã mua lại toàn bộ hơn 61 triệu cổ phần SSI, tương đương tỷ lệ 17,51% từ cổ đông lớn ANZ.
Trước đó, đại diện Nhựa Tiền Phong (NTP) - một trong những doanh nghiệp nằm trong tầm ngắm thâu tóm của Nawaplastic Industry (Saraburi) - công ty nhựa lớn của Thái Lan, cho biết, trong xu thế hội nhập doanh nghiệp nội khó tránh nguy cơ bị thâu tóm, nhất là khi giá cổ phiếu xuống thấp, song cũng không dễ để các đại gia ngoại thao túng doanh nghiệp Việt.
Trên thực tế, tại NTP, cổ đông lớn nhà nước SCIC vẫn nắm giữ trên 37%, Nawaplastic gần 24%, ủy viên HĐQT Đặng Quốc Dũng & vợ nắm 9,3%.
Cuối tháng 1/2015, một NĐT cá nhân - ông Hồ Phi Hải đã bất ngờ chi 134 tỷ đồng để trở thành cổ lớn của Nhựa Tiền Phong. Số cổ phần nói trên được mua lại từ nhà đầu tư nước ngoài. NĐT này sau đó còn mua thêm nhiều cổ phiếu hiện đã nắm giữ trên 6% cổ phần NTP. Như vậy, tính tới thời điểm hiện tại, Nawaplastic vẫn chỉ nắm giữ một tỷ lệ cổ phần khá khiêm tốn tại NTP cho dù rất muốn tấn công sâu hơn vào thị trường nhựa đầy tiềm năng của Việt Nam.
Trước đó, khá nhiều doanh nhân Việt đã thế chân các tập đoàn ngoại tại các doanh nghiệp trong nước và thậm chí mở rộng ảnh hưởng của mình qua các vụ mua bán thâu tóm cổ phần từ các doanh nghiệp nước ngoài.
Trong năm 2013, Công ty cổ phần Giấy Sài Gòn (SGP) đã liên tục đưa các thông tin về thương vụ thế chân tập đoàn ngoại Daio Paper của Công ty cổ phần đầu tư U&I (Unigroup). Chủ HĐQT Công ty cổ phần Mai và cộng sự (Mai & CO), ông Mai Hữu Tín đã trở thành đối tác mới của Giấy Sài Gòn sau khi mua lại toàn bộ số cổ phần (và nợ) của Công ty giấy Daio (Nhật), với tỉ lệ sở hữu 42,3%, tương đương 416 tỉ đồng vốn điều lệ.
Gần đây, Tập đoàn FPT mua lại 100% cổ phần của công ty RWE IT (Slovakia) còn Vinamilk chi 7 triệu USD mua công ty sữa Mỹ.
Có thể thấy, năm 2015 là năm của hội nhập. Hàng loạt các hiệp định thương mại với nhiều khu vực có hiệu lực trong năm nay, nhiều hiệp định lớn như TPP cũng có thể được ký kết. Sự hội nhập vào sân chơi chung của thế giới là xu thế không thể tránh được, doanh nghiệp nội không chủ động hội nhập thì các doanh nghiệp nước ngoài cũng tự tìm đến.
Những nỗ lực vươn lên của các doanh nhân, doanh nghiệp trong nước về năng lực tài chính, về trình độ quản lý, về sự tự tin... để chơi ngang ngửa với các ông lớn ngoại có lẽ là một tín hiệu đáng mừng.
-----------------------
Dự án metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên “thoát” mức đe phạt 2,5 tỷ đồng/ngày
Mặt bằng cuối cùng trong dự án metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên đã được thống nhất, bàn giao. Như vậy, dự án này sẽ không còn nguy cơ bị nhà thầu Nhật Bản đe phạt 2,5 tỉ đồng/ngày nếu chậm giao mặt bằng.
Chiều 4/3, lãnh đạo UBND thị xã Dĩ An (tỉnh Bình Dương) và lãnh đạo Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Vĩnh Phát (đóng tại phường Bình Thắng, thị xã Dĩ An) đã đạt được thỏa thuận trong việc bàn giao mặt bằng cuối cùng cho Dự án đường sắt đô thị (metro) số 1 Bến Thành – Suối Tiên.
Tại cuộc họp về vấn đề này, đại diện UBND thị xã Dĩ An cho rằng, nội dung cuộc họp là để thực hiện Quyết định 419/QĐ-UBND ngày 13/2/2015 của UBND tỉnh BD về việc giải quyết khiếu nại của Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Vĩnh Phát (Cty Vĩnh Phát), mọi khiếu nại, vướng mắc coi như đã giải quyết xong, việc cân xử lý trước mắt là thực hiện nội dung kết luận tại quyết định này.
Bà Nguyễn Thị Lương – Giám đốc Cty Vĩnh Phát cho rằng, quyết định 419 của UBND tỉnh Bình Dương chưa giải quyết thỏa đáng các khiếu nại của doanh nghiệp. “Vì sự bức bách trong bàn giao mặt bằng cho dự án metro, chúng tôi chấp nhận trước mắt sẽ bàn giao số diện tích đất bị quy hoạch trong dự án metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên, để dự án không bị chậm tiến độ. Riêng số diện tích đất còn lại, bị quy hoạch trong dự án mở rộng xa lộ Hà Nội và dự án bến xe miền Đông mới, chúng tôi sẽ tiếp tục khiếu nại để được bồi thường ở mức giá hợp lý” – Bà Lương khẳng định.
Đến chiều 4/3, mức bồi thường được bà Lương đồng ý là 125 tỷ đồng (chưa tính phần tiền bồi thường giải phóng mặt bằng bổ sung theo quyết định giải quyết khiếu nại lần 2 của UBND tỉnh Bình Dương). Tuy nhiên sau đó bà Lương cho biết muốn tạm ứng một phần tiền (10 tỷ đồng) để làm chi phí di dời tài sản trên phần đất giải tỏa.
Ông Nguyễn Văn Nghĩa - Phó chủ tịch thường trực UBND thị xã Dĩ An cho biết sẽ báo cáo với chủ tịch UBND thị xã để quyết định. Số tiền tạm ứng chi phí di dời sẽ được UBND thị xã quyết định sau khi thẩm định phương án di dời của công ty. Bên cạnh đó, UBND thị xã Dĩ An cũng yêu cầu Cty Vĩnh Phát lập danh sách lao động làm việc tại Cty Vĩnh Phát, có xác nhận của cơ quan chức năng, hoàn tất các thủ tục quyết toán thuế năm 2014… Sau đó, gửi các văn bản, phương án di dời, hồ sơ thuế, danh sách lao động cho cơ quan chức năng thị xã Dĩ An xem xét, để có cơ sở tạm ứng tiền hỗ trợ di dời (10 tỷ đồng), hỗ trợ thiệt hại cho DN do bị ngưng sản xuất và hỗ trợ tiền lương (6 tháng) cho tập thể công nhân, lao động của Cty Vĩnh Phát.
Trước đó, mặt bằng thi công dự án metro số 1 TP.HCM đã được giải phóng thông suốt từ quận 1 (TP.HCM) đến thị xã Dĩ An (tỉnh Bình Dương), tuy nhiên chỉ còn vướng mặt bằng của Công ty Vĩnh Phát. Chính vì vậy, gói thầu số 2 của dự án tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên đã chậm trễ nhiều tháng. Phía TP.HCM nhiều lần “cầu cứu” tỉnh Bình Dương nhưng dự án hơn 47.000 tỷ đồng tiếp tục bị “nghẽn” chỉ vì vướng.... một doanh nghiệp. Thậm chí, phía nhà thầu Nhật Bản đã đe phạt chủ đầu tư VN số tiền 2,5 tỉ đồng/ngày nếu chậm bàn giao mặt bằng.
Sau nhiều lần Cty Vĩnh Phát khiếu nại giá đền bù, mức giá đền bù cuối cùng được UBND tỉnh Bình Dương nâng lên cho Cty Vĩnh Phát là 125,1 tỉ đồng. Trong đó, dự án metro Bến Thành – Suối Tiên là 55,3 tỉ đồng, dự án mở rộng xa lộ Hà Nội là 23,7 tỉ đồng và dự án bến xe miền Đông mới là 46 tỉ đồng.
------------------------
Chính phủ “lệnh” kiên quyết sắp xếp, cơ cấu lại ngân hàng yếu kém
Tại Nghị quyết Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2015, Chính phủ đều thống nhất yêu cầu NHNN phải tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu lại hệ thống các TCTD, kiên quyết sắp xếp, cơ cấu lại các TCTD yếu kém; phấn đấu đưa nợ xấu xuống dưới 3% cuối năm 2015.
Chính phủ vừa công bố Nghị quyết Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2015 trong đó, tại Nghị quyết này, Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ và thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, cố gắng đạt và vượt các mục tiêu, chỉ tiêu theo kế hoạch đã đề ra.
Cụ thể, từng Bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục có các giải pháp cụ thể, thiết thực để tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường thuận lợi nhất cho phát triển sản xuất, kinh doanh đầu tư của doanh nghiệp; trong đó, trọng tâm là rà soát, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, cải cách thủ tục hành chính trong các lĩnh vực thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, đất đai, xây dựng, tiếp cận điện, thành lập doanh nghiệp, phá sản doanh nghiệp…
Bên cạnh đó, nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong việc thực hiện Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế và các Đề án tái cơ cấu ngành, lĩnh vực đã được phê duyệt, nhất là đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2014-2015, tập trung cổ phần hóa, thoái vốn ngoài ngành và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.
Đưa nợ xấu xuống dưới 3% vào cuối năm nay
Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tiếp tục điều hành chủ động, linh hoạt chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa để bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ sản xuất, xuất khẩu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
NHNN chỉ đạo ưu tiên vốn tín dụng để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh có hiệu quả. Đồng thời,tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng, kiên quyết sắp xếp, cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém; phấn đấu đưa nợ xấu xuống dưới 3% cuối năm 2015. Phối hợp với các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông vận tải nghiên cứu đề xuất gói tín dụng cho đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương tổ chức triển khai có hiệu quả Luật đầu tư công. Đẩy mạnh hợp tác theo hình thức đối tác công - tư (PPP) và các hình thức đầu tư không sử dụng vốn nhà nước để huy động tối đa nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội.
Bộ này cũng được giao chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, NHNN nghiên cứu, đề xuất các giải pháp bổ sung vốn đối ứng cho dự án ODA, báo cáo Thủ tướng trong tháng 3 này; và sớm báo cáo Thủ tướng xem xét, trình Ủy ban thường vụ Quốc hội về việc bổ sung kế hoạch vốn ODA và vốn đối ứng năm 2015 để đáp ứng tiến độ triển khai các dự án.
Bộ Tài chính phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương quyết liệt triển khai công tác quản lý giá cả các mặt hàng thiết yếu và các mặt hàng do nhà nước quản lý giá theo cơ chế thị trường có sự kiểm soát của nhà nước.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính còn có nhiệm vụ thực hiện tốt thu ngân sách nhà nước, tăng cường công tác quản lý thu, khai thác nguồn thu, triển khai quyết liệt các biện pháp chống thất thu ngân sách, chuyển giá, trốn thuế; điều hành, quản lý chi ngân sách nhà nước chặt chẽ theo đúng dự toán được giao, hạn chế tối đa xử lý bổ sung ngoài ngân sách.
Bộ Công Thương thực hiện đồng bộ các biện pháp đẩy mạnh xuất khẩu; xây dựng các giải pháp về thị trường, xúc tiến thương mại, khai thác tối đa thị trường hiện có, phát triển thị trường mới, có tiềm năng để xuất khẩu các mặt hàng có giá trị gia tăng và giá trị kim ngạch cao. Chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương liên quan mở rộng hệ thống phân phối xăng E5, đồng thời kiểm soát chặt chẽ chất lượng để bảo vệ quyền lợi người sử dụng.
---------------------
Tony Blair: Cải cách không vấp phải phản đối là cải cách tồi
Với vai trò cố vấn cấp cao Chính phủ Việt Nam, kinh nghiệm cải cách khi còn tại nhiệm, cựu Thủ tướng Anh Tony Blair đã chia sẻ các vấn đề cải cách Doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) và cho rằng: Cải cách không vấp phải phản đối là cải cách tồi và cần phải xem lại.
Chiều ngày 4/3 sau khi làm việc với Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng về cổ phần hóa (CPH) Vietnam Airlines, ông Blair đã có buổi làm việc với Bộ Kế hoạch & Đầu tư (KH&ĐT) cùng nhiều chuyên gia, học giả kinh tế Việt Nam về các vấn đề của cải cách DNNN, hợp tác công tư (PPP) và thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Đây là 3 chủ đề do Bộ KH-ĐT đặt hàng sau 10 tháng nghiên cứu của Văn phòng Tony Blair (Tony Blair Associates) tại Việt Nam
Cổ phần 5% là xong thì có gì thay đổi?
Mở đầu cuộc đối thoại, Bộ trưởng KH&ĐT Bùi Quang Vinh đưa ra những số liệu về cải cách DNNN, ông cho biết: Từ con số 12.000 DNNN trong năm 1990, đến nay Việt Nam đã giảm được còn 5.600 DNNN, trong đó 800 là 100% vốn Nhà nước, còn lại đã được CPH ở nhiều mức độ khác nhau. Các DN này đang được giao quản lý một khối tài sản khổng lồ - 3 triệu tỷ đồng, trong đó vốn nhà nước 1,1 triệu tỷ đồng.
“DNNN đang chi phối nhiều ngành, lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế, chỉ chiếm 1% tổng số DN nhưng đóng góp 85% sản lượng điện, 90% dịch vụ viễn thông, 56% tài chính tín dụng, 70% đầu mối xuất khẩu gạo... Nhưng hiệu quả và vai trò trong nền kinh tế quốc dân của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, nhất là những doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, vẫn còn tranh cãi", Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói.
Tuy nhiên, nhận định về CPH và công tác cải cách của DNNN chưa đi vào thực chất, Bộ trưởng Vinh chỉ rõ: Sau 20 năm thực hiện chủ chương cổ phần hóa DNNN đã được xác định là thành công, nhìn số lượng DNNN được cổ phần thấy chuyển biến rõ nét và tốt. Nhưng khi vào thực tế, lại thấy còn nhiều vấn đề. Đó là, tỉ trọng CPH trong các DNNN rất thấp, nhất là các tập đoàn lớn, có nơi bán cổ phần không quá 5%, Nhà nước vẫn nắm giữ vốn 95%.
"Nếu chỉ như thế đã coi là CPH xong, thì những tập đoàn, tổng công ty này đâu có gì thay đổi. Bộ máy tổ chức vẫn thế, nhân sự vẫn thế, quy trình xét duyệt vẫn vậy. Việc quản trị doanh nghiệp mong thay đổi được theo hướng hiện đại, dân chủ, có kiểm soát, cũng không đạt được. Chưa kể, mới 5-10% đã được coi là CPH xong, được hoạt động như mô hình doanh nghiệp cổ phần, sẽ tạo kẽ hở trong quản lý, quyền cao lên mà kiểm soát thấp đi, rất nguy hiểm cho nền kinh tế, ta đã có nhiều bài học, phải trả giá", Bộ trưởng Vinh nói rõ.
Bộ trưởng Vinh nói thêm: "Vì vậy phải làm thực chất, để có nhiều cổ đông tham gia và có vai trò trong quản trị, nâng cao chất lượng doanh nghiệp. Đảng và Chính phủ đã khẳng định DNNN vẫn là lực lượng nòng cốt của nền kinh tế, vậy tới đây vai trò của DNNN sẽ đến đâu, ở những lĩnh vực nào, mức độ, liều lượng...".
Cải cách sẽ luôn vấp phải sự phản kháng
Tham gia buổi thảo luận với ông Blair có mặt của nhiều quan chức Chính phủ, các học giả, chuyên gia kinh tế trong nước cùng đại diện các DNNN đã và đang trong quá trình xây dựng chính sách và áp dụng CPH các DNNN. Nhiều câu hỏi đặt ra xung quanh những khó khăn vướng mắc từ việc CPH các DNNN xuất phát từ yếu tố con người, những người không muốn hoặc không thích cổ phần hóa, cựu Thủ tướng Anh khẳng định: Tất cả thay đổi đều khó khăn, vì khi thay đổi 1 hệ thống bao giờ cũng có người không thích sự thay đổi đó.
"Khi còn làm Thủ tướng Anh cũng như khi cố vấn cho các Chính phủ và tổ chức trên thế giới, mợi cải cách và thay đổi đều vấp phải sự phản đối, không ít thì nhiều. Tuy nhiên, hãy cố gắng làm vì qua thời gian, cải cách tạo ra được lợi ích và sự ủng hộ đó sẽ lớn hơn sự phản kháng", ông Blair cho biết.
Ông Blair cho biết thêm: bài học ở thế giới hay tại Anh, là cải cách DNNN tuy có sự phản kháng ban đầu nhưng sau này đã dẫn tới thu hút nhiều đầu tư FDI, sức mạnh của nền kinh tế là kết quả của cái cách trong 30 năm qua đã thực hiện và cuối cùng đem lại sức mạnh cho nền kinh tế.
“Hồi tôi còn làm Thủ tướng bắt đầu tư nhân hóa, nhiều chống đối ngay từ người lao động và đại diện của họ. Thế giới thay đổi nhanh, nếu ko thay đổi bản thân mình bao giờ cũng tụt hậu lại, khi chúng tôi tư nhân hóa công ty viễn thông của Anh, phản đối ghê gớm, tôi phải đứng cả đêm ở Quốc hội để giải trình. Tuy nhiên đến nay, có ai bảo lại quay trở lại quốc hữu hóa DN viễn thông ấy thì chắc chắn sẽ bị phản đối ngược lại”, ông Blair cho biết.
Ông Blair chỉ rõ thêm: Nhà nước có tầm quan trọng chiến lược trong một số lĩnh vực, cần có để đảm bảo phúc lợi xã hội, lợi ích quốc gia, đặt ra khuôn khổ cho nền kinh tế. Nhưng nhà nước không giỏi điều hành các tổ chức kinh doanh, và không giỏi trong đổi mới, sáng tạo. Việt Nam có lợi thế là trên thế giới có nhiều ví dụ, cả thành công và thất bại, ở cả những nước đang phát triển và phát triển, để rút kinh nghiệm và học tập:
Ai cũng gật thì chưa phải đổi mới
Trả lời các câu hỏi của các chuyên gia, học giả Việt Nam tại Hội nghị về cơ chế nhân sự, quản lý, sở hữu và hình mẫu cải cách DNNN thế nào cho phù hợp, cựu Thủ tướng Anh cho đưa ra cho biết: "Tại Anh, khi bắt tay vào cải cách giáo dục, nhà trường, chúng tôi chọn ngôi trường mọi người nhận định là yếu kém để người ta không cho ngôi trường ấy tồn tại là hiệu quả.
Như vậy, kinh nghiệm của chúng tôi là khi bắt đầu cải cách phải lựa chọn cẩn thận để làm sao có kết quả. Lời khuyên của tôi là chọn được dự án điển hình, thiết thực để chỉ cho người ta thấy và nhân rộng. Khi tôi còn làm việc ở Chính phủ Anh, nếu không có chống đối là cải cách tồi, không la hét phản đối cũng phải xem lại và có thể đề xuất đó không phải là hay".
Những nền kinh tế thành công trên thế giới hôm nay điển hình như Singapore, những năm 60 họ là những nước thuộc thế giới thứ - kém phát triển nhất. Đến nay, đã có nhiêu nước nền kinh tế thứ 3 giờ đã là hàng đầu, câu trả lời rõ ràng vì họ cởi mở nền kinh tế, vai trò Nhà nước sang kiến tạo, chiến lược và để cho tư nhân phát triển. Ngành công nghiệp xe hơi của Anh những năm 80 thay đổi, không phải do Anh, mà do Nhật Bản, họ thay đổi hoàn toàn công nghiệp ô tô của chúng tôi, và các DN Anh đã phải học hỏi nếu để có ngày hôm nay.
“Đúng là cải cách ko có phản đối không phải cải cách, vì không đụng chạm ai. phản đối, chưa đồng thuận để làm cải cách tốt hơn. Tất cả không phải ngại khi đưa ra quan điểm mới, cách làm mới. Vì phản đối là chúng ta đang đổi mới, còn cái gì đưa ra ai cũng gật thì chưa có gì đổi mới cả”, Bộ trưởng Vinh tán đồng quan điểm với ông Blair.
-----------------------