Bộ TT-TT sẽ sớm phê duyệt mô hình tổ chức của MobiFone trong tháng 3/2015, tiến hành cấp lại các giấy phép cho MobiFone trong quý II/2015. Khi cổ phần hóa vẫn giữ nguyên thời hạn tính giá trị vốn của MobiFone là ngày 31/3/2015 và không cổ phần hóa bằng mọi giá.
Bộ Thông tin và Truyền Thông (TT-TT) cho biết, chiều ngày 4/3/2015, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son và Thứ trưởng Phạm Hồng Hải đã nghe Tổng công ty viễn thông MobiFone báo cáo việc triển khai nhiệm vụ và định hướng hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2015.
Theo ông Lê Nam Trà, Tổng Giám đốc MobiFone, Tổng Công ty đã hoàn thành việc tổ chức bộ máy gồm 9 công ty kinh doanh, 3 trung tâm vùng miền và các trung tâm khác (VAS, Ứng dụng phát triển, Đo kiểm …) và đã kiện toàn bộ máy lãnh đạo. Ông Trà khẳng định “việc ổn định tổ chức của MobiFone diễn ra minh bạch, đồng thuận, theo đúng quy trình”.
Cũng theo ông Trà, MobiFone đã hoàn thành việc xây dựng Chiến lược kinh doanh và Chiến lược phát triển hạ tầng giai đoạn 2015-2020 , Chiến lược đầu tư mở rộng cơ sở hạ tầng. Kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2015 và những năm tiếp theo được xây dựng dựa trên nguyên tắc “lấy thị trường để định hướng toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh” và “làm hài lòng khách hàng”. Trong thời gian tới, chiến lược kinh doanh của MobiFone không chi là dịch vụ di động mà còn hướng tới cung cấp dịch vụ truyền hình, dịch vụ đa phương tiện và dịch vụ bán lẻ.
Ông Trà cũng cho biết, trong 2 tháng đầu năm 2015, doanh thu phát sinh của MobiFone đạt 15,3% kế hoạch pháp lệnh, lợi nhuận trước thuế đạt 25%.
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Phạm Hồng Hải cho biết, MobiFone từ một nhà khai thác viễn thông thuộc VNPT nay đã trở thành một nhà khai thác viễn thông độc lập hoàn toàn, trong đó có nhiều việc cần phải làm như tài nguyên thông tin, kết nối với doanh nghiệp khác. Vì vậy, MobiFone phải nhanh chóng có kế hoạch trở thành nhà mạng viễn thông độc lập, đàm phán bình đẳng với các doanh nghiệp khác. Một khó khăn nữa là sau khi tách khỏi VNPT, MobiFone chỉ là doanh nghiệp nhỏ trong 3 doanh nghiệp viễn thông lớn hiện nay. Đây là thời điểm MobiFone cần tăng tốc phát triển nhanh mới có cơ hội đuổi kịp hai nhà mạng lớn trong thị trường viễn thông Việt Nam.
Về đề xuất của MobiFone liên quan đến quản lý giá cước, giá thành dịch vụ viễn thông, Thứ trưởng nhấn mạnh trong năm 2015, Chính phủ tiếp tục tạo mọi điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động. Bộ TT&TT không can thiệp như trước, MobiFone cần chủ động hơn về giá cước trên tinh thần không được phá giá thị trường và không bán dưới giá thành.
Liên quan đến tiến trình cổ phần hóa, Thứ trưởng Phạm Hồng Hải yêu cầu Tổng Công ty cần xem xét, đề xuất đối tác chiến lược nước ngoài phù hợp dựa trên tiêu chí về nguồn vốn, kinh nghiệm thị trường, công nghệ để trình lên Bộ TT&TT.
Trong khi đó, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son đánh giá, MobiFone vẫn hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh đã đề ra trong năm 2014 trong hoàn cảnh vừa chạy vừa xếp hàng, vừa tổ chức bộ máy, vừa sản xuất kinh doanh.
Bộ trưởng cho biết, Bộ sẽ sớm phê duyệt mô hình tổ chức của MobiFone trong tháng 3/2015. Việc cấp lại các giấy phép cho MobiFone sẽ được tiến hành trong quý II/2015 vì MobiFone chuyển đổi từ Công ty lên Tổng Công ty nên phải cấp lại giấy phép.
Về cổ phần hóa MobiFone, Bộ trưởng khẳng định vẫn giữ nguyên thời hạn tính giá trị vốn của MobiFone là ngày 31/3/2015 và việc cổ phần hóa được thực hiện trên nguyên tắc có lợi cho đất nước, có lợi cho doanh nghiệp, không cổ phần hóa bằng mọi giá.
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho rằng, thuận lợi của MobiFone mà không phải nhà mạng nào cũng có đó là Tổng công ty MobiFone được quản lý chặt chẽ, quản trị tiên tiến, nhân lực chất lượng cao, có bề dày kinh nghiệm thực tiễn, có truyền thống kinh doanh tốt với tỉ suất lợi nhuận cao.
Trên cơ sở những thuận lợi đó, Bộ trưởng yêu cầu MobiFone cần tăng tốc phát triển nhanh, bền vững, đầu tư vào công nghệ mới, dịch vụ mới theo hướng đi tắt đón đầu. Có 5 vấn đề Bộ trưởng nhắc nhở MobiFone cần lưu ý, đó là: bám sát chiến lược kinh doanh đã được phê duyệt; kiện toàn bộ máy để trong tháng 3 cơ bản hoàn thành; kiện toàn chức danh Chủ tịch Hội đồng thành viên, Phó Tổng Giám đốc phụ trách tài chính…; đầu tư hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng kinh doanh; chú trọng phối hợp, liên kết trong và ngoài ngành (với VNPT, VNPost…); chăm lo xây dựng Đảng, Đoàn thể trong sạch, vững mạnh.
Dồn hết vốn liếng, thậm chí đi vay lãi về để buôn các loại đặc sản, song, Tết đã hết từ lâu mà hàng vẫn ế đầy nhà... Nhiều thương lái lỗ đậm, thậm chí còn trắng tay, vướng vào nợ nần.
Vừa dứt cuộc điện thoại khách hỏi thuê lại cửa hàng, chị Bùi Thị Châu ở Nghĩa Tân (Cầu Giấy, Hà Nội) thở dài thườn thượt bởi tiền thuê cửa hàng mỗi tháng mất đứt 10 triệu, trong khi đống bưởi Diễn chị nhập về bán Tết đến giờ vẫn còn ngập nhà.
Chị Châu tâm sự, Tết năm ngoái chị cũng nhập gần 1.000 quả bưởi Diễn ở Bắc Giang về bán kèm với các loại hoa quả, đến 29 Tết thì cháy hàng. Đến mấy chục quả để dành ăn Tết chị cũng đem ra bán nốt. Tính ra, vợ chồng chị kiếm được khoản kha khá từ số bưởi Diễn này.
Đến Tết năm nay, anh chị dồn hết vốn liếng hai vợ chồng có, chồng chị còn đi vay lãi thêm 150 triệu đồng nữa, tổng cộng hơn 200 triệu làm vốn lên Bắc Giang lấy bưởi Diễn về bán.
Những ngày đầu, cửa hàng chị khá đông khách. Song, càng gần đến Tết, người mua càng thưa dần, trái hẳn với tính toán của hai vợ chồng. Có ngày, chị chỉ bán được chưa đầy trăm quả bưởi. Thấy ế ẩm, chồng chị huy động cả bố mẹ từ quê ra rồi chia bưởi đi bán ở những tuyến đường cửa ngõ, đông người qua lại nhưng cũng chẳng khá hơn.
Đến hết Tết, lãi không thấy đâu. Cả bán lẻ lẫn bán buôn vợ chồng chị mới thu được gần 160 triệu đồng, giờ bưởi còn đầy nhà, chị Châu lo lắng.
Theo chị Châu, Tết mọi người còn mạnh tay chi tiêu, chứ ra Tết còn khó bán hơn. Mở cửa hàng từ 6 giờ sáng đến lúc đi ngủ chị chỉ bán được 20-30 quả, giá 25.000 đồng/quả (bán chịu lỗ để thu hồi vốn). Điều khiến chị lo lắng hơn là bưởi hiện đã xuống nước, 1-2 tuần nữa không bán hết thì chỉ có đổ bỏ - đồng nghĩa với việc thua lỗ, mất sạch vốn liếng.
"Hiện chị rao cho thuê lại cửa hàng để rút tiền đặt cọc lúc thuê về trả tiền lãi vay buôn bưởi vừa qua", chị Châu than thở.
Tương tự, anh Nguyễn Văn Trường bỏ vốn ôm cả mấy vườn cam Cao Phong về bán Tết nhưng hết Tết cam vẫn còn tồn cả tấn nữa. Đến hôm vừa mùng 4 Tết anh phải thuê xe đánh hàng về bán thanh lý với giá 20.000 đồng/kg, chấp nhận lỗ vốn.
Anh Trường kể, vốn bỏ ra để buôn cam là 450 triệu đồng, đến chiều 30 Tết anh nghỉ bán mà chỉ thu được 390 triệu, còn khoảng 60 triệu nữa mới kéo đủ gốc. Trong khi đó, cam ở nhà còn tồn lại quá nhiều. Ế ẩm, lại sợ cam để lâu thì hỏng nên ngày mùng 4, anh lại thuê xe đánh toàn bộ số cam tồn về quê đằng vợ để bán thanh lý với giá 20.000 đồng/kg, chấp nhận lỗ hơn 40 triệu đồng. "Đó là nguyên tiền gốc bỏ ra lấy cam chứ chưa nói gì đến tiền vận chuyển, tiền thuê người bán, thuê địa điểm bán", anh nói.
"Chẳng bù trước đây buôn thúng bán mẹt ở ngoài vỉa hè, hết Tết anh cũng đút túi khoảng 15-20 triệu đồng. Năm nay làm ăn to, quyết buôn một chuyến để giữa năm lấy tiền xây nhà cho bố mẹ ở quê, vậy mà tiền lãi không thấy đâu giờ còn mắc nợ", anh Trường ngao ngán.
Một cậu bạn của anh Trường còn cắm sổ đỏ vay tiền "đánh" hàng Tết, lỗ trên 50 triệu, lãi chưa trả được, giờ đang phải chạy vạy, tìm cách bán hết chỗ cam ế với hi vọng vớt vát đôi chút vốn rồi vay thêm tiền họ hàng cho đủ để rút sổ đỏ về.
Lý giải nguyên nhân vì sao đặc sản Tết ế ẩm, anh Trường cho hay, đặc sản Tết nhiều, người buôn đặc sản cũng lắm. Dạo qua các con phố những ngày Tết, đâu đâu cũng thấy bán đủ các loại đặc sản như: bưởi Diễn, bưởi da xanh, cam Cao Phong rồi, cam canh, bưởi hồ lô, dưa hấu thỏi vàng...
"Người bán thì nhiều mà người mua thì ít. Ai 'ôm' hàng nhiều thì ế nhiều", anh nói.
Chị Châu cũng thừa nhận rằng, mặt hàng bưởi Diễn năm nay tràn ngập phố. Thậm chí, trên đường Hồ Tùng Mậu, vào những ngày cận Tết, bưởi Diễn còn bày bán vàng cả vỉa hè.
Bưởi nhà chị là bưởi Diễn trồng ở Bắc Giang, vườn cây đã được 18 năm tuổi, bưởi ăn không khác gì so với giống bưởi Diễn "xịn". Song, do Tết, đặc sản ở các tỉnh đổ về Hà Nội quá nhiều, dân lại thích mua những quả mới lạ nên đặc sản bưởi Diễn cũng khó bán, dẫn đến ế ẩm hơn.
"Cũng may, hết Tết số tiền vay nợ vợ chồng chị đã thu lại đủ, số tiền lỗ chỉ là tiền vợ chồng chị dành dụm được, nhưng từ giờ hai vợ chồng chị tay trắng, bắt đầu lại từ con số 0", chị Châu thở dài.
-----------------------
Đề xuất phá giá tiền Đồng 3-4% để “trả lại sức cạnh tranh”
Theo đề xuất của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), NHNN nên chủ động phá giá tiền đồng từ 3-4% trong vòng 2-3 năm tới, thông qua một số bước với biên độ 1-1,5%, để trả lại sức cạnh tranh cho hàng hoá sản xuất nội địa.
Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) – Đại học Kinh tế, Đại học quốc gia Hà Nội vừa công bố báo cáo vĩ mô quý IV/2014, trong đó cho biết, tỉ giá dao động tuơng đối lớn trong năm 2014, buộc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) can thiệp hai lần vào thị trường tiền tệ.
Trong năm vừa qua, tỉ giá chính thức tăng khoảng 1,4% và nằm trong giới hạn điều hành của NHNN (1,53%) trong khi tỉ giá tự do tăng hơn 2%. Không dưới 2 lần NHNN đã can thiệp vào phía cung với lượng ngoại tệ bán ra khoảng 1,5 đến 2 tỉ USD.
Một lượng vốn lớn dưới dạng tiền gửi rút ra khỏi thị trường nội địa trong quý II và nhu cầu ngoại tệ gia tăng cuối quý IV là hai trường hợp đáng chú ý. Tỉ giá chính thức tăng gần 1% trong quý IV lên trên 21.400 VND/USD trong khi tỷ giá phi chính thức là 21.600 VND/USD.
Theo nhận định của nhóm nghiên cứu, so với nhiều đồng tiền tại thị trường mới nổi khác, đồng Việt Nam tỏ ra tương đối ổn định so với đồng USD. Cơ chế neo đồng VND vào USD được đảm bảo bằng việc can thiệp chủ động trên thị trường tiền tệ, kết hợp với dự trữ ngoại hối tương đối lớn và rủi ro vĩ mô thấp cho phép Việt Nam chủ động giới hạn độ mất giá của tiền đồng. Một bất cập của chính sách này là hậu quả tăng giá của VND so với USD và các ngoại tệ khác.
Theo VEPR, xu hướng này âm thầm diễn ra trong nhiều năm qua làm suy yếu sức cạnh tranh của hàng hoá sản xuất trong nước trước hàng nhập khẩu và hàng hoá trên thị trường quốc tế, và gián tiếp trợ giá cho tiêu dùng hàng nhập khẩu tại thị trường trong nước.
Nhóm nghiên cứu cho răng, sau nhiều năm có lạm phát cao, việc neo giá trị VND vào USD - khiến VND bị định giá cao - đã gây bất lợi cho hàng xuất khẩu và hàng hoá trong nước trước hàng nhập khẩu. Ảnh hưởng này trong nửa cuối 2014 còn nhân lên khi đồng USD tăng giá so với nhiều đồng tiền khác trên thế giới, khiến VND tiếp tục mạnh lên và hàng hoá nhập khẩu rẻ hơn.
“Điều chỉnh tỉ giá với biên độ hẹp trong nhiều năm gần đây là quá thận trọng và tiếp tục làm suy yếu khả năng cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam” – báo cáo của VEPR nhận định.
Nhóm nghiên cứu cho rằng, NHNN nên chủ động phá giá tiền đồng từ 3-4% trong vòng 2-3 năm tới, thông qua một số bước với biên độ 1-1,5%, để trả lại sức cạnh tranh cho hàng hoá sản xuất nội địa.
----------------------
Việt Nam "vô địch" ASEAN xuất khẩu vào Mỹ năm 2014
Năm 2014, Việt Nam đã vượt qua hai nước xuất khẩu lớn trong ASEAN vào Mỹ là Thái Lan, Malaysia để trở thành nước xuất khẩu số 1 vào thị trường này.
Theo số liệu thống kê của Việt Nam và Mỹ, năm 2014 kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam – Hoa Kỳ đạt 36,3 tỉ USD, trong đóng kim ngạch xuất khẩu đạt 30,6 tỉ USD, tăng 25%, nhập khẩu đạt 5,7 tỉ USD, tăng 13,6%. Việt Nam xuất siêu tại thị trường Mỹ 24,9 tỉ USD, mức xuất siêu cao nhất từ trước đến nay.
Với kim ngạch thương mại hai chiều tăng nhanh, xuất khẩu bức phá mạnh mẽ và xuất siêu lớn, Việt Nam đã vượt qua các đối thủ khác như Thái Lan, Malaysia để trở thành nước xuất khẩu số 1 vào Mỹ. Theo ghi nhận, xuất khẩu của Thái Lan sang Mỹ năm 2014 chỉ đạt 27,1 tỉ USD, còn xuất khẩu của Malaysia sang Mỹ năm 2014 cũng chỉ đạt 30,4 tỉ USD.
Trước đó tháng 10/2014 Phòng Thương mại và Công nghiệp Hoa Kỳ (AmCham) đã dự báo năm 2014, Việt Nam có thể xuất khẩu vào Mỹ 29,4 tỷ USD. AmCham cũng đưa ra nhận định tăng trưởng xuất khẩu 14 năm (2000 - 2014) của Việt Nam vào Mỹ ngày càng mạnh mẽ, gấp 36 lần từ mốc 800 triệu USD (năm 2000) đến 29,4 tỷ USD (năm 2014).
Hiện, dệt may đang là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vào Mỹ với giá trị kim ngạch cả năm đạt 10 tỷ USD, đóng góp 1/3 giá trị xuất khẩu của hàng hóa Việt Nam sang Mỹ. Hàng dệt may của Việt Nam cũng chiếm 9,26% thị trường dệt may của Mỹ.
Sau 14 năm, Việt Nam đã chiếm khoảng 22% giá trị xuất khẩu của ASEAN vào Mỹ năm 2014 và lần đầu tiên vượt qua các nước lớn của ASEAN như Malaysia (21,6%), Thái Lan (19.8%) và Indonesia (14.7%)… trở thành nước xuất khẩu lớn nhất về giá trị kim ngạch và tăng trưởng xuất khẩu cao nhất vào Mỹ.
Với triển vọng Hiệp định Thương mại xuyên Thái Bình Dương sẽ được 12 nước hoàn tất ký kết vào cuối năm nay 2015, giá trị kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ từ năm 2015 sẽ có sự bứt phá đáng kể. Ước tính của AmCham, đến năm 2020 kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ có thể đạt 57 tỉ USD.
Theo nhận định, khi TPP không có sự tham gia của Trung Quốc, ngành dệt may Việt Nam sẽ có cơ hội tăng thị phần và chiếm lĩnh được thị trường tiêu dùng hàng dệt may của Mỹ, bởi hiện hàng dệt may của Việt Nam đang phải cạnh tranh rất quyết liệt với hàng dệt may đến từ Trung Quốc.
Cuối tháng 9/2014 theo thống kê mức tăng trưởng bình quân của dệt may Việt Nam vào Mỹ lên tới 14,85% trong khi tăng trưởng dệt may Trung Quốc vào Mỹ giảm -0,32%. Tăng trưởng của dệt may Việt Nam bỏ xa đối thủ xuất khẩu lớn khác về kim ngạch, tốc độ tăng trưởng như: Ấn Độ, Bangladesh, Indonesia.
Hiện các mặt hàng như thủy sản, hoa quả và đồ gỗ có xuất khẩu từ Việt Nam đang tăng đáng kể tại thị trường Mỹ. Hiện 10 mặt hàng có giá trị kim ngạch xuất khẩu cao nhất của Việt Nam: dệt may đạt 9,8 tỉ USD, giày dép đạt 3,3 tỉ USD; đồ gỗ xuất cũng đạt 2,2 tỉ USD, thủy sản đạt 1,7 tỉ USD, túi xách, va li, mũ đạt 1 tỉ USD, hạt điều 636 triệu USD và hạt tiêu đạt 255 triệu USD.
Năm 2014, Hoa Kỳ cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam năm 2014 và 1 trong 7 nhà đầu tư lớn nhất của Việt Nam với khoảng 10 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp (FDI).
-----------------------