Giá dầu thô giảm mạnh, Việt Nam trở lại trạng thái nhập siêu
Giá xuất khẩu dầu thô giảm 56,7% so với cùng kỳ năm 2014 đã khiến kim ngạch xuất khẩu dầu thô giảm 36,5% và xuất khẩu xăng dầu giảm mạnh tới 54,9% so với cùng kỳ, khiến cán cân thương mại thâm hụt 500 triệu USD.
Số liệu vừa công bố của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong tháng 1/2015, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu của cả nước ước tính đạt 12,9 tỷ USD, tăng 0,2% so với tháng trước.
Trong số này, kim ngạch xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước ước đạt 4,4 tỷ USD, tăng 3,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) đạt 8,2 tỷ USD, tăng 0,1%; dầu thô đạt 290 triệu USD, giảm 30%, chủ yếu do giá xuất khẩu dầu thô giảm 21,1% so với tháng trước.
Bên cạnh đó, còn có một số mặt hàng xuất khẩu khác có kim ngạch giảm nhiều là rau quả giảm 31,9%; than đá giảm 31,6%; thủy sản giảm 20,8%; hóa chất giảm 19,8%; chè giảm 17,7%; xăng dầu giảm 16,8%...
Tuy nhiên, một số mặt hàng xuất khẩu vẫn đạt kim ngạch tăng cao so với tháng trước là điện thoại các loại và linh kiện tăng 34,6%; hạt tiêu tăng 20,2%; gạo tăng 13,3%; điện tử, máy tính và linh kiện tăng 10,9%.
So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 1 năm nay vẫn tăng 9,7%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 12,9%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) tăng 8,2%.
Riêng kim ngạch xuất khẩu xăng dầu giảm 54,9%, chủ yếu do giá xuất khẩu dầu thô giảm 56,7% so với cùng kỳ năm 2014; than đá giảm 46,1%; phương tiện vận tải và phụ tùng giảm 42,2%; dầu thô giảm 36,5%; hạt tiêu giảm 20,6%.
Hoa Kỳ vẫn tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước tính đạt 2,6 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2014; EU đạt 2,4 tỷ USD, tăng 10,5%; ASEAN đạt 1,5 tỷ USD, tăng 3,7%; Trung Quốc đạt 1,4 tỷ USD, giảm 2,5%. Nhật Bản đạt 1,3 tỷ USD, tăng 4,9%; Hàn Quốc đạt 610 triệu USD, tăng 13,5%.
Nhập khẩu từ Trung Quốc tăng hơn 47%
Về chiều nhập khẩu, trong tháng 1, kim ngạch hàng hoá nhập khẩu của cả nước tăng 35,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực đầu tư nước ngoài tăng 41,4%; khu vực kinh tế trong nước tăng 28%.
Đáng chú ý, có một số mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước là ô tô tăng 116,5% (riêng ô tô nguyên chiếc tăng 144,5%); phương tiện vận tải khác và phụ tùng tăng 72,4%; sắt thép tăng 65,5%; sản phẩm từ dầu mỏ tăng 59,3%; nguyên phụ liệu dệt may, giày dép tăng 43,2%; vải tăng 38,6%; sản phẩm hóa chất tăng 30%; sợi dệt tăng 29,8%; xe máy và linh kiện, phụ tùng tăng 29,6%; giấy các loại tăng 21,6%; thuốc trừ sâu tăng 21,2%.
Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam trong tháng với kim ngạch ước tính đạt 4,2 tỷ USD, tăng mạnh với 47,1% so với cùng kỳ năm 2014; ASEAN đạt 2 tỷ USD, tăng 26,6%; Hàn Quốc đạt 1,9 tỷ USD, tăng 12,6%; Nhật Bản đạt 1,2 tỷ USD, tăng 66,6%; EU đạt 788,2 triệu USD, tăng 32,4%; Hoa Kỳ đạt 580 triệu USD, tăng 34,1%.
Nhập siêu tháng 1 ước tính 500 triệu USD, bằng 3,9% kim ngạch hàng hóa xuất khẩu, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu gần 1,2 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 690 triệu USD.
-------------------------
TPBank thu xếp gói tín dụng 400 triệu USD cho Vietjet mua máy bay
Theo nội dung thỏa thuận ngày 29/1, TPBank cam kết thu xếp gói tín dụng cho Vietjet để mua máy bay từ nay đến năm 2020 với tổng hạn mức 400 triệu USD. Số máy bay được tài trợ nằm trong khuôn khổ hợp đồng mua 100 máy bay mà Vietjet đã ký với Airbus.
Sáng 29/1, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) và Công ty Cổ phần Hàng không Vietjet (Vietjet) đã ký thỏa thuận hợp tác tài trợ tín dụng mua máy bay giai đoạn 2015-2020.
Theo nội dung thỏa thuận này, TPBank cam kết thu xếp gói tín dụng cho Vietjet để mua máy bay từ nay đến năm 2020 với tổng hạn mức 400 triệu USD. Thỏa tuận này ghi nhận sự hợp tác giữa TPBank và Vietjet, sau sự kiện hai bên thực hiện tốt đẹp hợp đồng tín dụng bán và thuê lại máy bay hồi tháng 9/2014.
Số máy bay được tài trợ theo thỏa thuận này nằm trong khuôn khổ hợp đồng mua 100 máy bay mà Vietjet đã ký với Hãng chế tạo máy bay Airbus.
Lâu nay, lĩnh vực tài chính hàng không vẫn do các định chế tài chính lớn của nước ngoài kiểm soát. Việc các ngân hàng Việt Nam bắt đầu tham gia vào thị trường này cho thấy tiềm lực và khả năng của các ngân hàng trong nước đã được nâng cao có thể tự tin tham gia vào thị trường tài chính hàng không đầy sôi động và phức tạp.
Phát biểu tại lễ ký, ông Nguyễn Hưng - Tổng giám đốc TPBank cho biết: “Thông qua việc ký kết thỏa thuận tài trợ tín dụng mua máy bay, TPBank và Vietjet sẽ cùng nhau khai thác tốt thế mạnh của mỗi bên để cùng phát triển. Từ đó, giúp Vietjet phát triển đội tàu bay đáp ứng nhu cầu tăng trưởng của thị trường vận tải hàng không mà Vietjet đang hướng tới, tạo điều kiện để khách hàng tiếp cận dịch vụ của mỗi bên dễ dàng và thuận lợi hơn”.
Năm 2014 vừa qua, TPBank đã có những bứt phá ngoạn mục khi có tổng tài sản vượt qua mốc 50 nghìn tỷ đồng, tín dụng tăng trưởng hơn 50%, lợi nhuận vượt kế hoạch 22%, nợ xấu chỉ ở mức 1%.
Còn Vietjet là hãng hàng không trẻ nhưng có sự tăng trưởng mạnh, mang đến một xu hướng phát triển mới cho thị trường hàng không Việt Nam và khu vực. Hiện nay, Vietjet đang vận hành đội tàu có 20 chiếc Airbus A320, hàng năm sẽ tăng thêm từ 9 – 10 chiếc. Hàng ngày, VietJet có 150 chuyến bay trên 28 đường bay trong nước và quốc tế. Ngày 31/1/2015, hãng sẽ đón hành khách thứ 10 triệu.
-----------------------
Sắp khởi công dự án Hateco Hoàng Mai
Ngày 31/1/2015, Công ty CP Hateco Hà Nội sẽ chính thức khởi công dự án Hateco Hoàng Mai tại phường Yên Sở, quận Hoàng Mai, Hà Nội.
Đây là dự án phức hợp đồng bộ với Tổ hợp văn phòng, nhà ở hiện đại kết hợp dịch vụ thương mại mang thương hiệu Hateco đầu tiên có mặt tại Hà Nội, đánh dấu bước tiến công vào thị trường bất động sản của chủ đầu tư Hateco Hà Nội.
Dự án tọa lạc trên khuôn viên rộng hơn 7.000 m2 tại phường Yên Sở, Hoàng Mai (Hà Nội) - nơi tập trung nhiều dự án lớn, cơ sở hạ tầng hiện đại, dân trí cao, tiện ích đồng bộ với trường học, bệnh viện, các khu giải trí và mua sắm sầm uất. Dự án cũng nằm liền kề với công viên Hồ điều hòa Yên Sở - Dự án hồ điều hòa lớn nhất khu vực Đông Nam Á, gần các tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, đường trên cao cầu Thanh Trì –Phạm Hùng, đường trên cao Minh Khai -Vĩnh Tuy,…
Theo công bố từ chủ đầu tư, dự án Hateco Hoàng Mai có quy mô 2 tòa tháp cao 28 tầng với tổng số 744 căn hộ với diện tích từ 46m2 đến 78m2 dành cho căn hộ 2 phòng ngủ, từ 80m2 đến 105m2 là những căn hộ có 3 phòng ngủ. Mật độ xây dựng thấp, khối đế 52% và khối tháp 44% đảm bảo một kết cấu vững chắc đồng thời tạo nên thiết kế ấn tượng, hiện đại cho công trình.
Điểm nhấn nổi bật của Hateco Hoàng Mai là yếu tố “thoáng” đón ánh sáng tự nhiên ở từng không gian trong mỗi căn hộ. Dự án đủ điều kiện vay ưu đãi gói 30.000 tỷ đồng.
Ngoài ưu điểm về thiết kế, các căn hộ Hateco Hoàng Mai được chủ đầu tư rất chú trọng đến tiến độ thi công khi lựa chọn nhà thầu thi công uy tín cũng như chọn các vật liệu, thiết bị cao cấp. Dự án được trang bị nội thất như sàn gỗ cao cấp, gạch lát cao cấp, thiết bị vệ sinh tiêu chuẩn, các thiết bị cáp internet, truyền hình, thiết bị ánh sáng, hệ thống thông gió,….
Hateco Hà Nội cũng đã lên kế hoạch đầu tư cho dự án hệ thống hạ tầng tiện ích, dịch vụ hoàn hảo như phòng gym, vườn cây dạo, siêu thị, ngân hàng, nhà hàng, quán Café, nhà trẻ,..và thiết kế các khoảng cây xanh đan xen.
Dự án dự kiến sẽ được đưa vào sử dụng vào cuối năm 2016.
-----------------------
Mua mũ bảo hiểm dởm về gắn mác thương hiệu bán ra thị trường
Cơ sở sản xuất mũ bảo hiểm của ông Dũng chuyên mua nguyên liệu trôi nổi trên thị trường về lắp ráp, gia công lại rồi cho công nhân gắn nhãn mác của các hãng có thương hiệu đem ra thị trường bán với giá rẻ.
Chiều 28/1, Đội Quản lý thị trường (QLTT) 3A, Chị Cục QLTT TP.HCM phối hợp với Cảnh sát kinh tế công an TP.HCM tiến hành kiểm tra cơ sở sản xuất nón bảo hiểm tại địa chỉ 5/28 Khiếu Năng Tĩnh (phường An Lạc A, quận Bình Tân) do ông Võ Minh Dũng làm chủ.
Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện bên trong cơ sở này có nhiều công nhân đang thực hiện các công đoạn dán tem, lắp ráp các linh kiện để hoàn thiện mũ bảo hiểm (MBH). Qua thống kê, có hàng trăm chiếc MBH thành phẩm nhái các thương hiệu và hàng ngàn chiếc MBH đang trong quá trình hoàn thiện.
Làm việc với đoàn kiểm tra, chủ cơ sở không xuất trình được giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và hóa đơn chứng từ hàng hóa. Ông Dũng khai nhận, cơ sở này mới đi vào hoạt động khoảng 1 tháng nay. Nguyên liệu được ông Dũng mau từ nhiều đầu mối trôi nổi trên thị trường, sau đó thuê công nhân gia công, nhái sản phẩm của các thương hiệu rồi bán ra thị trường với giá rẻ.
Đoàn kiểm tra đã lập biên bản, tạm giữ toàn bộ tang vật bao gồm phương tiện, máy móc, nhãn hiệu hàng hóa, hàng hóa có dấu hiệu vi phạm để tiếp tục điều tra, xử lý.
------------------------