Sau một tuần, tính từ chiều ngày 8.12, khi chính quyền huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam tổ chức buổi đối thoại cùng người dân và phía công ty thép Việt- Pháp về vấn đề người dân cho rằng công ty này hoạt động gây ô nhiễm, đến chiều nay (14.12), hàng trăm người dân vẫn túc trực liên tục tại khu vực để ngăn cản, phản đối, không cho công ty này tiếp tục hoạt động…

Người dân tiếp tục dựng lều phản đối công ty gây ô nhiễm sau buổi đối thoại
4h30 ngày 8.12, kết thúc buổi đối thoại, Chủ tịch UBND huyện Điện Bàn ông Lê Trí Thanh đã đưa ra kết luận hướng giải quyết vụ việc người dân phản đối công ty thép Việt – Pháp hoạt động vì cho rằng công ty này gây ô nhiễm. Theo đó, công ty này phải giảm uất hoạt động về thời gian và công suất. Bên cạnh đó, công ty phải trình chính quyền về hướng di dời nhà máy.
Tuy nhiên, kể từ sau buổi đối thoại trên, người dân địa phương vẫn tiếp tục túc trực hằng ngày trước cổng công ty, không cho công ty này hoạt động. Đến chiều nay (14.12), trao đổi với phóng viên, người dân địa phương cho rằng, lý do họ vẫn tiếp tục ở lại hiện trường để phản đối là vì họ không tin vào hướng giải quyết của chính quyền. Bởi lẽ, người dân cho biết, trước đó đã nhiều lần phía công ty và chính quyền đã hứa sẽ không gây ô nhiễm, nhưng sau đó chẳng bao lâu, công ty này lại tiếp tục hoạt động gây ô nhiễm.
Hiện trường, người dân tiếp tục dựng lều phản đối công ty gây ô nhiễm sau buổi đối thoại
Anh Nguyễn Trung, người dân thôn 7A, xã Điện Nam Đông cho biết:” Chúng tôi ở đây, và sẽ tiếp tục bám trụ phản đối, không cho công ty này hoạt động thêm nữa. Chúng tôi không cho công nhân vào làm việc tại công ty, nhưng chúng tôi sẽ không đập phá đồ đạc”.
Nhiều người dân khác cho biết: Lý do họ ở lại đây là vì trong buổi đối thoại vừa qua có nhiều vấn đề khó hiểu. Cụ thể, công an tỉnh thì nói là công ty này hoạt động đạt chuẩn về môi trường, nhưng Chủ tịch huyện thì cho rằng công ty này dù đạt chuẩn nhưng ít nhiều cũng gây ô nhiễm. "Phía người dân chúng tôi thì chứng kiến cảnh ô nhiễm hằng ngày. Như thế có ô nhiễm hay không, rồi công ty có chắc chắn sẽ di dời hay không?"- một người dân đặt câu hỏi.
Việc người dân phản đối công ty hoạt động khiến cho quá trình sản xuất tại công ty bị gián đoạn, ảnh hưởng nhiều đến các hợp đồng phía công ty với các bên đối tác. Đặc biệt là rơi vào thời điểm nhạy cảm cuối năm, nhiều hợp đồng bị bỏ dở vì quá trình sản xuất bị gián đoạn. Ngoài ra, việc công ty bỗng nhiên bị sự cố, người lao động đến công ty bị người dân ngăn cản không cho vào làm việc càng khiến cho tình hình trở nên trầm trọng.
Người dân địa phương vẫn tiếp tục bỏ công việc để luân phiên nhau túc trực ngăn cản công ty hoạt động, ảnh hưởng nhiều đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương.