tin phap luat logo

 
 
 

Đoàn viên nghiệp đoàn nghề cá vẫn quá nhọc nhằn

  • Cập nhật : 02/12/2014
Đó là nhận định của nhiều người khi dự Hội nghị báo cáo kết quả nghiên cứu chuyên đề “Điều kiện lao động, đời sống của đoàn viên nghiệp đoàn nghề cá” do Tổng LĐLĐVN tổ chức ngày 24.11 tại Hà Nội.

mo ta anh

Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Nguyễn Văn Ngàng phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. (Ảnh: Xuân Trường)

Đến dự Hội nghị có ông Nguyễn Văn Ngàng - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN; ông Vũ Quang Thọ - Viện trưởng Viện Công nhân Công đoàn (CNCĐ) thuộc Tổng LĐLĐVN, lãnh đạo các ban của Tổng LĐLĐVN và đại diện một số LĐLĐ các tỉnh, TP vùng duyên hải trong cả nước
 
Đời sống còn lắm gian nan
 
Theo Viện CNCĐ thuộc Tổng LĐLĐVN, từ tháng 4 đến tháng 7 vừa qua, viện đã tổ chức khảo sát 1.500 ngư dân, đoàn viên nghiệp đoàn cơ sở nghề cá (NĐNC) trên địa bàn Quảng Ninh và một số tỉnh, TP miền Trung và Đồng bằng sông Cửu Long để tìm hiểu thực trạng điều kiện LĐ, đời sống của đoàn viên NĐNC. Kết quả khảo sát cho thấy: Hầu hết ngư dân (chiếm 93%) cho biết tiền lương, tiền công của họ được thanh toán dựa trên thành quả mỗi chuyến ra biển. 
 
Trong trường hợp ra khơi không thể đánh bắt được, thu nhập từ bán sản phẩm không bù được chi phí, thì cả chủ thuyền và bạn thuyền đều không có công. Thu nhập bình quân của LĐ nghề cá khoảng 4 triệu đồng/tháng, chỉ có 15,5% số ngư dân có thu nhập đạt trên 5 triệu đồng/tháng. 83,0% có nhà ở bán kiên cố và còn 3,1% hiện không có nhà ở mà phải ở trên tàu, thuyền hoặc ở nhờ nhà người thân, bạn bè. Có 18,3% cho biết, họ thường xuyên phải vay mượn tiền để trang trải cuộc sống.
 
Có 21,1% cho biết, gia đình họ có con không được đi học hoặc phải nghỉ học giữa chừng (chủ yếu là lớp 6 - lớp 9); có 41,8% nói rằng lý do con không được đi học là do gia đình gặp khó khăn về kinh tế; 15,2% cho biết lý do vì nhận thức và khả năng tiếp thu của con hạn chế.
 
Có 44,9% cho biết khó khăn của họ là do thiếu vốn để đầu tư sản xuất; 49,7% cho hay giá cả tiêu thụ sản phẩm thấp và thường xuyên bị ép giá; 15,8% nói gặp khó khăn không có thời gian chăm sóc gia đình, nuôi dạy con cái và 41,1% cho biết khó khăn họ gặp phải là việc làm không ổn định, thu nhập thấp…
 
Một số kiến nghị
 
Trước thực trạng nêu trên, Viện CNCĐ đã đưa ra nhiều kiến nghị quan trọng, trong đó có kiến nghị Nhà nước tiếp tục chỉ đạo thực hiện Quyết định 1690/QĐ - TTg ngày 16/9/2010 của Thủ tướng Chính Phủ phê duyệt về chiến lược phát triển thuỷ sản đến năm 2020, đẩy mạnh nghiên cứu và chuyển giao KHKT trong nghề khai thác hải sản. Chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ - CP ngày 7.7.2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thuỷ sản, hỗ trợ ngư dân vay vốn đổi mới trang thiết bị, tàu thuyền, ngư cụ. Tín chấp, cho vay số tiền lớn, lãi suất thấp, thời gian dài, đủ để đóng tàu sắt, to, công suất lớn, trang bị hiện đại để cải thiện điều kiện LĐ của đoàn viên NĐNC và ngư dân. 
 
Chỉ đạo nâng mức hỗ trợ đánh bắt xa bờ lên 5 - 6 chuyến/năm (hiện nay là 4 chuyến/năm); trang bị thêm các phương tiện thông tin hiện đại cho các tàu thuyền đánh bắt hải sản. Các địa phương cần đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, cảng biển, chỗ neo đậu tránh bão, sắp xếp lại các dịch vụ, hậu cần, tiêu thụ sản phẩm thuận tiện, hạn chế việc ngư dân phải vay tiền của tư nhân với lãi suất cao, bị ép giá khi mua bán thuỷ hải sản. 
 
Tổng LĐLĐVN chỉ đạo LĐLĐ các tỉnh duyên hải và CĐ NNPTNTVN tổng kết rút kinh nghiệm về việc thành lập và hoạt động của NĐNC. Chú trọng các hoạt động theo chức năng nghiệp vụ của NĐNC như đại diện bảo vệ lợi ích NLĐ, xây dựng mối quan hệ giữa chủ tàu, chủ phương tiện và ngư dân, tăng cường hiểu biết pháp luật, cải thiện điều kiện LĐ, đảm bảo sức khoẻ, an toàn trong hoạt động đánh bắt trên biển …
Phát biểu khai mạc Hội nghị báo cáo kết quả nghiên cứu chuyên đề “Điều kiện lao động, đời sống của đoàn viên nghiệp đoàn nghề cá” do Tổng LĐLĐVN tổ chức ngày 24.11 tại Hà Nội, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Nguyễn Văn Ngàng nêu rõ: Việc nghiên cứu điều kiện LĐ, đời sống của đoàn viên NDDNC, trên cơ sở đó đề xuất các biện pháp cải thiện là vấn đề cần thiết trong tình hình hiện nay. 
 
Bởi vậy, đầu năm 2014,Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN đã giao Viện CNCĐ khảo sát tình hình đời sống và điều kiện làm việc của đoàn viên NĐNC. Tôi hy vọng, những kết quả khảo sát, nghiên cứu của Viện sẽ được vận dụng vào công tác chỉ đạo xây dựng NĐNC, nâng cao đời sống, cải thiện điều kiện LĐ cho ngư dân nói chung và NĐNC nói riêng, góp phần nâng cao vị thế của CDDVN đối với xã hội.
 
Kể từ khi thí điểm thành lập NĐNC đầu tiên (tại xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) vào ngày 15.9.2011 đến nay cả nước đã có 61 NĐNC với 10.700 đoàn viên.

Theo: LĐ

Trở về

Xem thêm

    Bài cùng chuyên mục