tin phap luat logo

 
 
 

Đề xuất tòa án phải thụ lý mọi tranh chấp dân sự

  • Cập nhật : 24/09/2014

 Tòa án không được từ chối các yêu cầu khởi kiện dân sự của người dân, bỏ thời hiệu khởi kiện tranh chấp tài sản thừa kế là hai nội dung nhận nhiều sự quan tâm của đại biểu Quốc hội khi thảo luận dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi.

 
 
Sáng nay, ngày làm việc đầu tiên của phiên họp 31, Ủy ban Thường vụ thảo luận về dự án Bộ Luật dân sự (sửa đổi). Trong 700 điều của Bộ luật hiện hành, dự án mới đề xuất giữ lại 263 điều, bãi bỏ đến 149 điều, còn lại là sửa đổi, bổ sung.
 
Một trong những vấn đề nhận nhiều sự quan tâm là đề xuất tòa án phải thụ lý tất cả những vụ khởi kiện dân sự của người dân dù nội dung khởi kiện chưa có trong pháp luật hiện hành. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội Nguyễn Văn Hiện, việc này là chưa phù hợp. “Luật chưa quy định mà cứ bắt giải quyết thì dựa vào đâu? Ta không giải quyết kiểu này được, chưa có luật thì chưa thể thụ lý”, ông Hiện, người từng đứng đầu ngành tòa án, nói.
 
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng không đồng tình với quan điểm của ông Hiện, cho rằng nếu tòa không giải quyết tức là đã "từ chối quyền công dân”.
 
Ông Ksor Phước, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho rằng tòa án là đơn vị duy nhất xét xử các tranh chấp, có vai trò bảo vệ quyền lợi của nhân dân. “Bây giờ ta bảo có luật mới xem xét, cuộc sống luôn luôn vận động nên có những cái chưa có luật. Mỗi lúc như thế chúng ta lại chờ luật, chờ 500 vị đại biểu ngồi xem xét thống nhất mới ra luật thì không ổn”, ông Ksor Phước lập luận.
 
“Tòa không thể từ chối các vụ việc. Có điều cần quy định cụ thể hơn nếu xét xử những vấn đề luật chưa ban hành thì phải như thế nào", Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc nhấn mạnh.
 
Bên cạnh quyền, trách nhiệm của tòa án, việc không quy định thời hiệu khởi kiện tranh chấp tài sản thừa kế cũng là thay đổi lớn trong nội dung sửa đổi lần này. Ông Hiện một lần nữa không đồng ý vì cho rằng bấy lâu nay mọi vụ khởi kiện, tranh chấp đều có thời hiệu. Nếu bỏ đi bất cứ lúc nào người dân cũng có thể khởi kiện. Quyền thừa kế sẽ kéo dài từ đời con đời cháu sang đời chắt.
 
“Bỏ đi như thế thì chết. Nếu như thế này không đảm bảo tính ổn định, là khuyến khích tranh chấp”, ông Hiện nói.
 
Trong phiên họp sáng nay, nhiều ý kiến không tán thành việc Ban soạn thảo đề xuất đổi thuật ngữ “quyền sở hữu tài sản” thành “vật quyền”, “quan hệ sở hữu tài sản về mặt dân sự” thành “trái quyền”…., vì cho rằng đang Hán Việt hóa từ ngữ vốn đã được thuần Việt trong bộ luật cũ.
 
Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng không nên sửa những từ ngữ đã quen dùng. "Ví dụ với từ vật quyền, chúng ta mất công định nghĩa nó là quyền sở hữu tài sản, lại đúng khái niệm mà luật cũ đã sử dụng. Vậy để làm gì, có cần sửa không?”, ông Hùng chất vấn.
 
Cuối phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhận xét cần bám sát Hiến pháp để quy định, sửa đổi; phải xem xét kỹ mối quan hệ với các luật chuyên ngành.
 
Dự án Bộ Luật Dân sự (sửa đổi) sẽ tiếp tục được cho ý kiến ở các kỳ họp sau trước khi được trình thông qua ở kỳ họp Quốc hội cuối năm 2015.
 
Chiều nay, Ủy ban Thường vụ cho ý kiến về Luật Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật.

(Theo vnexpress)

Trở về

Xem thêm

  • VKS kháng nghị vì tòa xử quá vội vàng1

    VKS kháng nghị vì tòa xử quá vội vàng

    VKSND TP Cà Mau vừa kháng nghị một bản án dân sự của TAND cùng cấp với nhận định tòa đưa vụ án ra xét xử quá vội vàng, dẫn tới việc phán quyết của tòa chưa đảm bảo khách quan, toàn diện.

  • Tự in sách bán, thời hiệu kiện tính sao?2

    Tự in sách bán, thời hiệu kiện tính sao?

    Trong một vụ xâm phạm quyền tác giả, có ý kiến cho rằng phải áp dụng Luật Thương mại để tính thời hiệu khởi kiện nhưng theo các thẩm phán giải quyết án thì đây là tranh chấp đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng nên chỉ áp dụng BLDS và BLTTDS.

Bài cùng chuyên mục