Mỗi ngày, các NM luyện phôi thép trên địa bàn tỉnh phát sinh hàng trăm tấn bụi lò, xỉ thép và đất phế mới. Trong khi đó, hàng chục ngàn tấn chất thải từ hoạt động sản xuất của các nhà máy luyện thép (NMLT) này vẫn chưa có phương án xử lý, gây ô nhiễm môi trường. Thực trạng đang ở mức báo động, nhưng 2 NMLT mới đang “nhăm nhe” đi vào hoạt động trong năm 2015, đưa công suất luyện phôi thép trên địa bàn tỉnh lên tới 4,75 triệu tấn/năm.

Thép phế liệu chất thành ‘’núi’’, chưa được xử lý trong Cty thép Đồng Tiến.
Phát triển quá nóng, địa phương bị động
Tính đến tháng 7.2014, hơn 34.000 tấn bụi lò thép phát sinh từ các NM thép trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vẫn đang nằm kho chờ xử lý. Trong khi chờ giải quyết thì khối lượng bụi lò ngày một gia tăng, gây nguy cơ tác động xấu tới môi trường. Trung bình mỗi ngày các NM này tiếp tục thải ra hàng trăm tấn bụi lò mới. Và chỉ trong một thời gian ngắn nữa, các NM này sẽ không còn chỗ để chứa lượng bụi lò phát sinh, nguy cơ phải đóng cửa các NM thép do không được nhập nguyên liệu đầu vào.
Theo thống kê của Sở TNMT tỉnh, trên địa bàn tỉnh hiện có 5 NMLT gồm: Cty TNHH thép Đồng Tiến; Cty CP thép Pomina 2; CN Cty CP thép Pomina - Pomina 3; Cty thép Miền Nam và Cty TNHH thép Fuco. Tổng công suất hoạt động của 5 NM là 3,25 triệu tấn/năm. Dự kiến trong quý II/2015, hai NM luyện phôi thép của Cty TNHH Posco SS Vina và Cty TNHH Vina Kyoei đi vào hoạt động, nâng tổng công suất luyện phôi thép trên địa bàn tỉnh từ 3,25 triệu tấn lên 4,75 triệu tấn/năm. Do đó số lượng bụi lò phát sinh rất lớn.
Theo Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh BR-VT, tại VN thời điểm hiện nay chưa có đơn vị nào có năng lực xử lý loại chất thải này. Các NM buộc phải đóng bao, lưu giữ trong các nhà kho, không bảo đảm quy định về quản lý chất thải nguy hại (CTNH). Ông Lê Tân Cương - Chi Cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TNMT tỉnh BR-VT) - cho biết: Nguyên nhân quan trọng là do tỉnh phát triển quá nhanh về lĩnh vực luyện thép. Trước năm 2012, chỉ có 3 NM hoạt động, khối lượng chất thải phát sinh khoảng 238 tấn/ngày. Sau năm 2012, có 5 NM hoạt động với công suất 3,25 triệu tấn/năm. Do vậy, tỉnh bị động, không đủ điều kiện tổ chức xử lý chất thải từ sản xuất của ngành thép.
Quyết tâm xử lý bụi lò thép
Theo UBND tỉnh BR-VT, hiện chưa có cơ sở xử lý đối với bụi lò thép hiện nay trên địa bàn tỉnh. Tổng cục Môi trường đã cho phép Cty TNHH MTV kim loại màu Thái Nguyên và Cty CP kim loại màu Việt Bắc vận chuyển ra Thái Nguyên xử lý. Tuy nhiên, việc vận chuyển chưa được các cơ quan chức năng khác chấp thuận nên chưa thực hiện được. Hiện nay, lượng bụi đang tồn lưu tại các NM thép khoảng 34.000 tấn. Đây là một thách thức lớn về môi trường, không đảm bảo điều kiện cho việc nhập khẩu thép phế liệu cho sản xuất của các NM.
Mới đây, UBND tỉnh đã ban hành quyết định phê duyệt danh mục dự án, lựa chọn nhà đầu tư dự án NM xử lý bụi lò thép tại khu xử lý chất thải tập trung 100ha tại xã Tóc Tiên (H.Tân Thành). Hiện Tập đoàn Taiwan Steel Union (Đài Loan) đã kiến nghị UBND tỉnh cho phép đầu tư dự án xử lý bụi lò tại tỉnh, công suất khoảng 100.0000 tấn/năm. Theo UBND tỉnh BR-VT, nếu dự án này thành công sẽ giải quyết dứt điểm tình trạng bụi thép như hiện nay.
Ông Lê Văn Sâm - GĐ Sở TNMT tỉnh BR-VT kiến nghị: Dự án phải có dây chuyền khép kín, để xử lý lượng xỉ còn lại (khoảng 77%), đảm bảo xử lý triệt để lượng bụi lò phát sinh từ các NM luyện phôi thép.
Bụi lò luyện thép gồm các kim loại độc hại như kẽm, chì, crom… được Bộ TNMT xếp vào danh mục chất thải nguy hại như chì, asen... dễ hòa tan, thẩm thấu, ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Lượng bụi phát sinh trong quá trình sản xuất phụ thuộc vào công nghệ luyện thép, thông thường tương đương khoảng 1,5-2,5% sản lượng sản phẩm phôi thép.
Theo: LĐ