tin phap luat logo

 
 
 

Án ma túy ách tắc do công văn

  • Cập nhật : 13/11/2014
 Không chỉ riêng TP.HCM, tại TP Đà Nẵng và các địa phương khác trong cả nước cũng đang gặp vướng mắc khi giải quyết án ma túy vì công văn của TAND Tối cao mới ban hành quy định phải giám định hàm lượng chất ma túy trong mọi trường hợp.
 
Thượng tá Nguyễn Văn Hoa, Trưởng phòng CSĐT tội phạm về ma túy (Công an TP Đà Nẵng), cho biết từ ngày 17-9-2014, khi TAND Tối cao có Công văn số 234 quy định “bắt buộc phải trưng cầu giám định hàm lượng của các chất ma túy trong các chất thu giữ nghi là chất ma túy để lấy đó làm căn cứ kết tội các bị cáo” thì công tác xử lý tội phạm ma túy ở địa phương gặp vướng mắc. Hiện ở TP Đà Nẵng đang có tới 45 vụ án mà tòa trả hồ sơ lại cho cơ quan công an yêu cầu giám định hàm lượng ma túy.
 
Cả nước chỉ có một nơi giám định
 
Theo Thượng tá Hoa, trước khi có Công văn 234/2014 thì năm 2007, các cơ quan liên ngành trung ương đã có Thông tư liên tịch số 17 thống nhất việc giám định này. Theo đó, Thông tư 17 quy định chỉ giám định hàm lượng chất ma túy đối với các chất ma túy ở thể rắn được hòa thành dung dịch, sái thuốc phiện, thuốc hướng thần, tiền chất ma túy dùng sản xuất ma túy. Bây giờ trong Công văn 234/2014, TAND Tối cao quy định phải giám định hàm lượng trong tất cả trường hợp nên khi gặp án ma túy các tòa đều phải trả hồ sơ lại cho cơ quan công an.
 
“Trong khi đó, cả nước hiện chỉ có Viện Khoa học hình sự của Bộ Công an là có một số mẫu chuẩn để thực hiện việc giám định. Bây giờ muốn giám định thì phải cử cán bộ đem hồ sơ ra Hà Nội, rất tốn thời gian, công sức, chi phí. Chúng tôi đã đi giám định tám vụ, tốn 4 triệu đồng mà đến nay đã nửa tháng vẫn chưa thấy kết quả. Cả nước 63 tỉnh, thành đều tập trung về Hà Nội. Như vậy có thể thấy lượng án các tòa trả để giám định đang tồn đọng trên cả nước nhiều đến mức nào” - Thượng tá Hoa nói.
 
Cũng theo Thượng tá Hoa, đặc điểm tội phạm ma túy ở Đà Nẵng thường có quy mô nhỏ cho nên có khi chỉ bắt được vài tép heroin đưa đi giám định, tổ chức giám định phân tích rồi thì hết luôn, không còn mẫu vật nữa. “Cho nên bây giờ tòa yêu cầu chúng tôi đi giám định lại hàm lượng thì bó tay, không làm được. Vấn đề này giám đốc Công an TP Đà Nẵng đã báo cáo bộ trưởng Bộ Công an, có văn bản gửi Ban Nội chính Thành ủy để bàn bạc tìm biện pháp thống nhất”.
 
 
 
Từ nay, tất cả vụ án ma túy đều phải giám định hàm lượng. Trong ảnh: Vụ tàng trữ, mua bán trái phép chất ma túy lớn nhất Đà Nẵng do Phạm Thị Nga cầm đầu vừa được Công an TP Đà Nẵng triệt phá. Ảnh: BỬU NGUYỄN
 
Khó cũng phải làm để chống oan sai
 
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Chánh án TAND TP Đà Nẵng Nguyễn Thành cho biết việc giám định hàm lượng chất ma túy nhằm xử cho đúng người, đúng tội, tránh làm oan sai. Cơ quan điều tra khi giám định được hàm lượng thì tòa sẽ xử, còn khi chưa làm được thì phải trả hồ sơ để bổ sung.
 
“Nếu không xác định được hàm lượng chất ma túy thì rất dễ dẫn đến oan sai. Bởi có khi với trọng lượng ấy nhưng trong đó chất gây nghiện không nhiều mà có nhiều tạp chất khác nữa. Do vậy việc xác định hàm lượng chất ma túy là cần thiết để định tội, định khung hình phạt chính xác” - ông Thành giải thích thêm.
 
Thẩm phán Lê Thị Ngọc Hà (Phó Chánh án TAND TP Đà Nẵng) cũng cho hay sở dĩ có công văn hướng dẫn của TAND Tối cao là do trước đây trong quá trình xử lý các vụ án liên quan đến ma túy thì có một số phạm nhân gửi đơn thư kêu oan tới các cơ quan chức năng. “Để tránh tình trạng oan sai, xử đúng tội, đúng khung hình phạt nên TAND Tối cao mới có hướng dẫn này” - bà Hà nói.
 
Sẽ họp liên ngành để thống nhất
 
Tại hội nghị chuyên đề về án ma túy do VKSND TP.HCM tổ chức ngày 31-10 vừa qua, đại diện công an, VKS TP.HCM cũng than phiền rằng Công văn 234/2014 quy định khác BLHS hiện hành và Thông tư liên tịch 17/2007, gây khó khăn cho các cơ quan tố tụng TP.HCM.
 
Cụ thể, các điều 193, 194, 195 BLHS quy định khi xác định các chất ma túy là heroin hay chế phẩm heroin thì dựa vào trọng lượng chứ không cần xác định hàm lượng để định tội, định khung hình phạt đối với người phạm tội. Thông tư 17/2007 cũng chỉ bắt buộc giám định hàm lượng trong một số trường hợp nhất định. Nhưng Công văn 234/2014 lại bắt buộc phải giám định hàm lượng trong mọi trường hợp. Hệ quả là với các vụ án chưa xét xử, các tòa đều trả hồ sơ yêu cầu CQĐT trưng cầu giám định, còn với các vụ chưa truy tố thì đây là một thủ tục bắt buộc mà CQĐT sẽ phải thực hiện để từ đó định tội, định khung hình phạt lại với nghi can.
 
Hai ngành công an, VKS TP.HCM cũng nêu ra những khó khăn tương tự như ý kiến của Thượng tá Hoa trong bài viết. Được biết vì không đồng thuận với Công văn 234/2014, lãnh đạo VKSND Tối cao đã có văn bản kiến nghị chánh án TAND Tối cao xem xét lại. Ông Bùi Xuân Cường (Phó Vụ trưởng Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử án ma túy VKSND Tối cao) cho biết sắp tới, VKSND Tối cao sẽ tổ chức cuộc họp liên ngành giữa ba cơ quan Bộ Công an - VKSND Tối cao - TAND Tối cao để có tham mưu về Công văn 234/2014 nhằm tháo gỡ vướng mắc.
 
Đà Nẵng sẵn sàng mua máy, mẫu chuẩn
 
Nếu cứ để việc giám định này cho một mình Viện Khoa học hình sự Bộ Công an thực hiện thì các địa phương sẽ phải chạy ra chạy vào, sẽ rất tốn kém, làm thời gian giải quyết án bị kéo dài. Do đó lãnh đạo TP Đà Nẵng đồng ý với Công an TP là làm văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công an đề nghị cho phép Đà Nẵng mua máy và mẫu chuẩn để giám định hàm lượng ma túy. Dù bỏ ra mấy tỉ đồng, Đà Nẵng cũng sẽ sẵn sàng mua một cái máy như vậy để phục vụ công tác giám định chất ma túy cho TP và có thể phục vụ cho cả khu vực miền Trung. Phải có cái máy như vậy ở Đà Nẵng để khi bắt được đối tượng buôn bán ma túy thì cơ quan chức năng giám định và xử lý ngay cho kịp thời. Nếu Công an TP Đà Nẵng không thể mua được mẫu chuẩn của Liên Hiệp Quốc thì TP sẵn sàng hỗ trợ thêm tiền để nhờ các đơn vị có thẩm quyền đi mua giùm. Khi có máy, có mẫu chuẩn để giám định hàm lượng chất ma túy thì cứ thực hiện theo Công văn 234 của TAND Tối cao để xử lý hình sự cho chính xác.
 
Ông HUỲNH ĐỨC THƠ, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng

(Theo plo)

Trở về

Xem thêm

    Bài cùng chuyên mục