tin phap luat logo

 
 
 

Thủ tục định giá tài sản tranh chấp ra sao?

  • Cập nhật : 10/12/2014

 Tôi đang tranh chấp với nhà hàng xóm vì người này xây nhà, làm hư hỏng nhà của tôi. Khi tôi nộp đơn ra tòa, tòa hướng dẫn là cần phải nhờ cơ quan chức năng định giá nhà của tôi, trong đó xác định phần thiệt hại là bao nhiêu.

Tôi nghĩ việc này thì tòa phải làm để cho khách quan chứ sao lại kêu tôi làm. Nếu tôi làm thì liệu kết quả định giá của tôi có được tòa công nhận không? Tôi có quyền yêu cầu tòa đi định giá để phía bên kia “tâm phục khẩu phục” hay không?
 
Nguyễn Thái Hằng, Châu Văn Liêm, quận 5, TP.HCM
 
Luật sư Đinh Văn Lương, Đoàn Luật sư TP.HCM, trả lời: Theo quy định, nếu các tranh chấp cần phải định giá tài sản để giải quyết thì nhất thiết phải được định giá tài sản. Đồng thời, luật cũng ghi nhận nguyên tắc tôn trọng quyền tự định đoạt của các đương sự là nếu các bên tự quyết định về giá trị khối tài sản đang tranh chấp thì tòa án tôn trọng.
 
Thông tư liên tịch số 02/2014 (TAND Tối cao, VKSND Tối cao, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính) hướng dẫn các bên đương sự tự thỏa thuận về việc xác định giá tài sản, lựa chọn tổ chức thẩm định giá tài sản để xác định giá trị tài sản. Nhà nước tôn trọng sự thỏa thuận của các bên đương sự về việc xác định giá tài sản, lựa chọn tổ chức thẩm định giá tài sản theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp các bên thỏa thuận với nhau hoặc với tổ chức thẩm định giá theo mức giá thấp nhằm trốn tránh nghĩa vụ với Nhà nước.
 
Cũng theo quy định, việc định giá tài sản phải phù hợp với giá thị trường nơi có tài sản tại thời điểm định giá. Nếu tài sản định giá không còn thì việc xác định giá căn cứ vào tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ việc hoặc tham khảo giá của tài sản cùng loại hoặc tài sản có cùng tính năng, tiêu chuẩn kỹ thuật để xác định…
 
Vấn đề thứ hai bạn hỏi là tòa án có được định giá hay không.
 
Thông tư liên tịch cũng quy định là tòa án ra quyết định định giá tài sản khi có đơn yêu cầu của đương sự. Đồng thời, tòa án ra quyết định định giá tài sản mà không phụ thuộc vào yêu cầu của đương sự khi có căn cứ xác định các bên thỏa thuận với nhau hoặc với tổ chức thẩm định giá theo mức giá thấp nhằm trốn tránh nghĩa vụ với Nhà nước.
 
Trường hợp các bên đương sự cùng yêu cầu tòa án, yêu cầu tổ chức thẩm định giá tài sản thì phải nêu cụ thể tên tổ chức thẩm định giá đó. Nếu có đương sự yêu cầu tòa án, yêu cầu một tổ chức thẩm định giá tài sản tiến hành thẩm định giá thì tòa án phải thông báo bằng văn bản cho các đương sự khác trong vụ án dân sự biết. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được văn bản thông báo của tòa án mà đương sự không có ý kiến hoặc có ý kiến đồng ý yêu cầu tổ chức thẩm định giá đó thì tòa án gửi văn bản yêu cầu tổ chức thẩm định giá mà các đương sự đã yêu cầu tiến hành thẩm định giá tài sản.
 
Trong trường hợp có đương sự không đồng ý về tổ chức thẩm định giá thì các đương sự vẫn có quyền yêu cầu tòa án định giá tài sản.

(Theo plo)

Trở về

Xem thêm

    Bài cùng chuyên mục