tin phap luat logo

 
 
 

Suýt ly hôn vì… hũ muối, hũ đường

  • Cập nhật : 10/10/2014

 Hai bà sui ở chung, thỉnh thoảng người này nhón của người kia chút muối, chút đường khiến vợ chồng đôi trẻ suýt chia lìa.

Hầu như sáng nào tiếng vỡ bát đĩa, tiếng đay nghiến nhau của hai vợ chồng họ cũng làm ồn ào cả khu phố. Ở bên cạnh, chị Ngô Thị Hương (là hòa giải viên phường Tây Thạnh, quận Tân Phú, TP.HCM) nghe người chồng mắng vợ: “Mày cũng giống như mẹ mày, đồ ăn cắp!”. Chị vợ đáp trả: “Mày đánh tao thì biến đi, về mà sống với con mẹ mày vừa ăn cắp vừa la làng đi”. “Mày đi đi, biến ra khỏi nhà tao đi. Chẳng cần mày cha con tao cũng sống tốt!” - anh chồng hét lên.
 
Bỏ nhà đi cho biết mặt
 
Những lần trước đây, vợ chồng họ cãi nhau rồi đâu sẽ vào đấy, vợ ở nhà chăm con còn chồng đi làm. Nhưng hôm nay câu chuyện có vẻ đã lên cao trào. Sau khi cãi nhau với chồng, chị vợ vội vàng mang hết đồ đạc, nồi niêu xoong chảo, tivi, tủ lạnh qua nhà hàng xóm gửi. Bỏ hai đứa con nhỏ lại cho chồng, chị rời khỏi căn nhà cho người chồng biết mặt.
 
Vắng vợ, ông bà nội, ngoại lại ở quê, anh chồng chỉ biết ngồi nhà ôm con.
 
Những ngày sau đó chẳng thấy tiếng cãi nhau của vợ chồng nhà hàng xóm nữa, chị Hương thấy lạ nên qua hỏi thăm. Thấy chị, anh chồng nói như cầu cứu: “Vợ em về quê mà chẳng để lại tiền, giờ sữa con hết, tiền lại chẳng có, hay chị cho em vay một ít”. Đưa tiền cho người chồng đi mua đồ ăn, chị Hương ở lại chơi với hai đứa nhỏ, lúc này chị mới hiểu được nguyên nhân dẫn đến những cuộc cãi vã của vợ chồng họ.
 
Chị vợ làm nghề mua bán ve chai, còn anh chồng thì làm nghề sửa ống nước. Học vấn cả hai đều thấp nên những lần cãi nhau chẳng ai nhường ai. Vừa cho con ăn cháo anh vừa nói: “Nó viết đơn ly hôn kêu em ký rồi về quê sống với bố mẹ rồi. Một tuần nay phải ở nhà chăm con em mới hiểu được rằng mình đã sai khi đánh vợ”.
 
 
Một tiểu phẩm về tình huống hòa giải viên cơ sở “ra tay” trong một cuộc thi hòa giải viên giỏi. (Ảnh tư liệu)
 
Chiến tranh từ… hũ muối, hũ đường
 
Anh chồng kể trước đây khi anh chị chưa cưới nhau, cha mẹ hai bên đều từ quê vào Sài Gòn buôn bán. Do hai gia đình khá thân nhau, lại là đồng hương nên cùng thuê chung một căn nhà ở cho đỡ chi phí. Cả hai gia đình sống với nhau rất vui vẻ, hòa thuận cho đến khi hai anh chị cưới nhau.
 
Sau khi cưới, vợ chồng anh tuy ở riêng phòng nhưng lại cùng chung một căn nhà với cả hai bên nội, ngoại. Tất nhiên việc ăn uống, sinh hoạt “ba bên” đều tách biệt. Vợ chồng anh được sống riêng một tầng lầu thì căn bếp tách biệt, còn căn bếp của mẹ anh và mẹ chị thì lại ở gần nhau. Mỗi khi thấy hũ muối, củ hành hay thùng gạo… nhà mình vơi đi thì mẹ anh lại nghi mẹ chị chính là thủ phạm và ngược lại.
 
Mới đầu hai bà chỉ nghi ngờ nên mang chuyện kể cho con gái và con trai mình nghe chứ chẳng phản ứng gì. Thế nhưng cứ mỗi lần nấu ăn, mẹ anh và cả mẹ chị đều thấy mấy thứ gia vị của nhà mình chả hiểu sao nó cứ vơi đi. Cả hai âm thầm lên kế hoạch “phục kích” để… bắt quả tang bên kia.
 
Những người nấu nướng rất bực khi nồi canh đã chín mà nhìn cái hũ bột ngọt hết veo. Trong khi đó, gần trong tầm tay của mình là… cái hũ bột nêm của bà sui gia. Vậy là tiện tay ta nhón một ít, như thế cũng đâu có quá đáng…
 
Nào ai biết mọi hành vi của bên này hoàn toàn nằm trong tầm ngắm của bên kia. Thế là quả tang rồi, cấm có chối cãi nữa nhé. Và khẩu chiến diễn ra. Mối quan hệ thông gia, tình đồng hương, bè bạn bấy lâu bỗng chốc đổ sông đổ biển.
 
Căn nhà được trả lại cho chủ, hai gia đình thông gia cũng bỏ luôn nghề buôn bán ở Sài Gòn và dọn về quê sống.
 
Hàn gắn vợ chồng, hóa giải cả sui gia
 
Câu chuyện nói trên xảy ra đã lâu nhưng trong tâm trí của những người trong cuộc thì nó chẳng thể nhạt nhòa. Những khi người này đang bực người kia mà lại nhìn thấy cái hũ muối, hũ đường, thế là vợ chồng lại lôi chuyện xưa ra nhiếc móc, miệt thị nhau. Ở đời vợ chồng kỵ nhất chuyện người này xúc phạm bố mẹ người kia, lúc đó nguy cơ giọt nước tràn ly khó mà hốt lại. Vì vậy, chuyện chị vợ xách gói ra đi âu đó cũng là điều dễ hiểu.
 
Nghe anh chồng kể chuyện, chị Hương nghĩ cách hàn gắn. Chị xin số điện thoại của người vợ và cả số điện thoại của ông bà nội, ngoại. “Tôi nghĩ mâu thuẫn của vợ chồng họ chẳng lớn, hơn nữa nó lại xuất phát từ hai bà mẹ chứ chẳng phải từ chính hai vợ chồng. Tôi bèn gọi điện thoại hẹn gặp hai bên để nói chuyện. Khi nghe tôi kể đầu đuôi câu chuyện và tình trạng hôn nhân của con mình, hai bà mẹ ai cũng thấy có lỗi với con cái họ nhưng chẳng ai nhận phần sai về mình. Người này đổ lỗi do người kia và ngược lại. Cho đến khi tôi nhắc đến hai đứa cháu rất cần sự chăm sóc của người mẹ, các bà mới miễn cưỡng xin lỗi nhau, xem như giảng hòa. Xong, tôi nhắn tin cho anh chồng mang hai đứa con đến giao cho vợ. Ôm con vào lòng, chị vợ bật khóc rồi ngoan ngoãn theo chồng về mái ấm” - chị Hương kể.
 
Nhậu say quậy chồng, nẹt luôn cả công an
 
23 giờ đêm, bà Dương Thị Nguyệt, Chủ tịch Hội Người cao tuổi phường 14, quận 10 (TP.HCM), nhận được tin có một phụ nữ trẻ ra đường vừa la hét, vừa nằm lăn lê bắt một công an phải xin lỗi mình. Bà Nguyệt tức tốc đến hiện trường. Đến nơi, bà thấy một người đàn ông đứng ngoài cố năn nỉ: “Em say rồi, đừng làm như vậy người ta cười cho”. Nhưng cô gái kệ, vẫn ôm chân một chiến sĩ công an bắt phải quỳ xuống xin lỗi mình, nếu không cô ta sẽ nằm như thế mãi và sẽ kiện ra tòa để đòi lại danh dự. Anh công an đứng đỏ mặt vì ngại.
 
Bà Nguyệt lên tiếng: “Giờ con muốn công an xin lỗi phải không?”. Cô gái quắc mắt: “Đúng thế, bà là ai?”. “Cô là cô Nguyệt hòa giải viên ở phường mình đây, con biết cô không?”. Nét mặt cô gái dịu xuống: “Cô có bảo vệ quyền lợi cho con được không? Con đang gây lộn với chồng mà nó (chỉ anh công an) đến nói con là đồ này nọ. Con sẽ quậy nó tới bến luôn!”. “Con gái ai lại nằm ngoài đường thế này. Nếu con muốn công an xin lỗi mình thì phải về nhà chứ ai lại bắt họ xin lỗi ở đây” - bà Nguyệt xoa dịu cô gái.
 
Đưa cô gái về phường thì nghe người đàn ông đi cùng ríu rít xin lỗi:  “Cô và mấy anh thông cảm, vợ con say rồi. Hôm nay nó bỏ đi sinh nhật bạn để con phải đi tìm khắp nơi. Uống say về nó kiếm chuyện rồi mắng chửi chồng, giận quá con có cho nó bạt tai. Nó hét lên rồi đập phá đồ đạc trong nhà nên bố mẹ con gọi công an khu vực đến. Vì thấy cô ấy đang đánh chồng rồi đập phá đồ đạc, anh công an có lỡ lời rằng “đồ đàn bà ngu, mất nết”. Vậy là cô ấy từ gây gổ với chồng quay sang gây sự với công an”.
 
Anh công an lên tiếng: “Biết mình sai, con đã xin lỗi, vậy mà chị ta chạy ra đường nằm lăn bắt con phải quỳ xuống xin lỗi khiến mọi chuyện ầm lên”. “Giờ khuya rồi, mấy đứa về nhà ngủ đi, có gì mai nói chuyện” - bà Nguyệt lệnh.
 
Sáng hôm sau, sau khi khuyên bảo cô gái, bà Nguyệt cũng ôn tồn với anh cảnh sát khu vực còn trẻ: “Đồng chí làm như thế là không được. Khi người dân gọi đến, đáng lẽ đồng chí phải nhẹ nhàng khuyên bảo, nếu họ có sai phạm thì lập biên bản xử lý, ai lại nói người ta như thế”. Rồi dưới sự chứng kiến của lãnh đạo địa phương, cô gái và anh công an bắt tay xin lỗi nhau…

(Theo plo)

Trở về

Xem thêm

  • 1

    Nghĩa vụ cấp dưỡng của cha mẹ đối với con khi ly hôn

    Hỏi: Cháu ngoại tôi chưa thành niên và hiện đang sống với tôi, bố mẹ cháu đã ly hôn, cả hai đã kết hôn với người khác. Nhiều tháng nay, bố mẹ cháu không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng đối với cháu. Xin hỏi quý báo, nghĩa vụ cấp dưỡng của bố mẹ đối với con và người có quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng được pháp luật quy định như thế nào? (Lê Thị Ngọ, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh)

  • Đòi ly dị vì... cái quần đùi2

    Đòi ly dị vì... cái quần đùi

    Bất kể đi chợ, đưa đón con đi học hay đi dạo… người vợ đều mặc quần đùi ngắn cũn khiến người chồng không thể chấp nhận được, thế là mâu thuẫn xảy ra.

  • Căm giận tột cùng: Con bị cha đốt, mẹ bị thẩm phán gạ tình3

    Căm giận tột cùng: Con bị cha đốt, mẹ bị thẩm phán gạ tình

    Chị Lê Thị Hà người mẹ khốn khổ trong vụ án "cha tẩm xăng đốt con" gây phẫn nộ dư luận mới đây vừa tiết lộ thêm một tình tiết bất ngờ. Theo chị, vị thẩm phán thụ lý đơn xin ly hôn với người chồng vô nhân tính đã gạ tình, vòi tiền nên việc xin ly hôn của chị bị trì hoãn.

Bài cùng chuyên mục