tin phap luat logo

 
 
 

Kết cục đáng thương của đôi vợ chồng già

  • Cập nhật : 17/04/2015

 Chứng kiến đôi vợ chồng già dìu nhau trước vành móng ngựa để chịu tội trước pháp luật, những ai dự khán phiên tòa đều không khỏi xót xa, oán trách. Đáng ra họ phải là tấm gương để con cháu noi theo. Ấy vậy mà chỉ một phút hám lời, đôi vợ chồng già lóa mắt trước đồng tiền và lời hứa hẹn của kẻ xấu đã tặc lưỡi “nhắm mắt đưa chân”. Thế rồi, một tấm gương sáng, một cựu chiến binh với hàng loạt huân, huy chương cao quý bỗng chốc vụt tắt. Đôi vợ chồng ấy phải tận hưởng cuộc sống còn lại ở trong tù.

Tương lai sáng lạn
 
Sinh ra và lớn lên tại xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ (Hà Nội), Hoàng Gia Công được cha mẹ cho ăn học với hy vọng sẽ giúp gia đình thoát nghèo, “mở mày mở mặt” với bà con xóm làng. Thế nhưng, Công phụ lòng cha mẹ. Do ham chơi, đua đòi, học chưa hết lớp 6 thì bỏ học. Cuộc sống khó khăn, thiếu thốn, cùng việc Công bỏ học khiến cha mẹ buồn lòng. Cha mẹ Công nghĩ, nếu tiếp tục để Công chơi bời, lêu lổng thì em dễ tiếp xúc với thói hư, tật xấu ngoài xã hội. Chỉ có môi trường quân đội mới giúp Công tu dưỡng, rèn luyện để trưởng thành.
 
Đến năm 1971, khi tròn 18 tuổi, gia đình đã đăng ký để Công nhập ngũ vào Quân đội nhân dân Việt Nam. Thời kỳ này, chiến tranh chống Mỹ, cứu nước diễn ra hết sức quyết liệt tại chiến trường phía Nam. Với nhiều thành tích đạt được trong quá trình chiến đấu chống đế quốc Mỹ xâm lược, Hoàng Gia Công vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huy chương Kháng chiến chống Mỹ, Huân chương Chiến sỹ giải phóng hạng Ba.
 
Những thành tích xuất sắc mà Hoàng Gia Công giành được khiến gia đình ở quê nhà vô cùng vui mừng, phấn khởi. Công trở thành niềm tự hào và tấm gương để mọi người học tập. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, Hoàng Gia Công về địa phương sinh sống. Năm 1977, Hoàng Gia Công kết duyên với chị Đào Thị Lan, một cô gái cùng quê. Họ có với nhau 3 người con.
 
Mặc dù cuộc sống khó khăn, thiếu thốn, hai vợ chồng lao động quần quật chỉ để trang trải cuộc sống, song gia đình luôn tràn ngập tiếng cười. 3 người con ngày một khôn lớn, trưởng thành. Họ noi gương người cha, một cựu chiến binh mẫu mực, để sống có ích cho xã hội. Cuộc sống dần trôi, khi mà Công và Lan đã thành ông, thành bà, những tưởng ở cái tuổi ấy, họ sống an nhàn để tận hưởng giá trị cuộc sống thì biến cố ập đến gia đình.

mo ta anh

Hoàng Gia Công.

Trong thời gian làm lái xe taxi ở khu vực thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ, Hoàng Gia Công có quen một người đàn ông tên Trường, khoảng 40 tuổi ở Hải Phòng. Mặc dù không nắm rõ lai lịch, song giữa Công và Trường có mối quan hệ khá khăng khít. Bất kể có việc gì cần đi lại, Trường đều điện thoại để Công trở đi.
 
Quá trình tiếp xúc, Trường thường tâm sự, kể về gia đình và những đứa con cũng như niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống. Là người thật thà, chất phác, Hoàng Gia Công bị cuốn vào câu chuyện của Trường và tin tưởng y tuyệt đối. Thậm chí, khi Trường nhờ công làm việc phi pháp, Công cũng nhận lời mà không hề biết  hậu quả khôn lường từ việc làm đó.
 
Ma lực đồng tiền
 
Vào đầu tháng 6 năm 2013, Công nhận điện của Trường thông báo cần vận chuyển ma túy từ Hòa Bình về Hà Nội. Ngay sau khi Trường đặt vấn đề, vốn là người hiền lành, chất phác, Công thoáng giật mình, tưởng rằng “chú Trường đùa”. Thế nhưng, sau khi nghe lời “có cánh”, nhất là khi Trường hứa sẽ trả công 15 triệu đồng, Công liền đồng ý mà không hề do dự.
 
Trong thâm tâm, Công nghĩ, mình sống lương thiện chắc các anh Công an cũng không để ý. “Mà hằng ngày có biết bao chuyến hàng vận chuyển ấy thôi, có làm sao đâu”. Vậy là, người đàn ông ở tuổi lục tuần bỗng dưng rạo rực như hồi trai trẻ. Những năm tháng chiến đấu ở chiến trường, đánh đuổi giặc ngoại xâm không làm ông dao động, nay ông bị đánh gục bởi ma lực đồng tiền. Và rồi điều gì đến đã đến.
 
Như giao hẹn, Trường đề nghị Công đúng 19h ngày 7/6/2013 có mặt tại khu vực đèo dốc cua đá trắng thuộc xã Phú Cường, huyện Tân Lạc (Hòa Bình) để nhận 7 bánh heroin của người dân địa phương. Trường giao cho Công một bọc nilon màu đen, trong đó có 1,5 tỷ đồng. Sau khi thống nhất phương thức giao dịch, cả 2 ra về, hẹn ngày gặp lại. Tối hôm đó, Công trằn trọc, không ngủ được. Công lo sợ kế hoạch bị bại lộ, sẽ ảnh hưởng tới danh dự và uy tín đã gây dựng trước đây. Nhưng Công tặc lưỡi, “chỉ làm một chuyến rồi nghỉ”. Thế rồi, Công chìm trong giấc ngủ say.

mo ta anh

Đào Thị Lan.

Khoảng 14h ngày 7/6/2013, Công mượn xe ôtô của con trai là Hoàng Gia Long để vận chuyển hàng. Khi Long gặng hỏi thì Công cho biết là “đi thăm người ốm” ở Hòa Bình. Sau đó, Công cùng vợ là Đào Thị Lan vượt gần 100km có mặt tại khu vực dốc cua đá trắng thuộc xã Phú Cường, huyện Tân Lạc. Đúng theo kế hoạch, khoảng 15 phút sau, có người đàn ông lạ mặt đến giao cho Công một áo mưa, trong đó có 7 bánh heroin. Sau khi nhận hàng, Công để heroin dưới sàn xe, rồi ung dung điều khiển về Hà Nội.
 
Tuy nhiên, khi đến địa phận xóm Bái, xã Phú Cường, huyện Tân Lạc, Công bị lực lượng Cảnh sát phòng chống ma túy Công an Hòa Bình phát hiện, bắt giữ cùng tang vật. Lúc này, bầu trời như đổ sập, Công gục ngã. Tất cả những gì tốt đẹp nhất của người đàn ông từng là cựu chiến binh với nhiều phần thưởng cao quý trở nên tan biến. Khám xét nơi ở của Công, lực lượng Công an còn thu giữ 3,1g thuốc phiện “do một người Mông cho để chữa bệnh”.
 
Với hành vi phạm tội nêu trên, Hoàng Gia Công và Đào Thị Lan đã bị truy tố về tội “Vận chuyển trái phép chất ma túy” theo điểm b, khoản 4, Điều 194 Bộ luật Hình sự. Ngoài ra, với hành vi cất giấu 3,1g thuốc phiện, Hoàng Gia Công còn bị truy tố về tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy” theo khoản 1, Điều 194 Bộ luật Hình sự. Hội đồng xét xử đã tuyên phạt Hoàng Gia Công 2 năm tù về tội “tàng trữ trái phép chất ma túy”, tù chung thân về tội “vận chuyển trái phép chất ma túy”, tổng hình phạt cho cả 2 tội danh là chung thân, tuyên phạt Đào Thị Lan 16 năm tù về tội “vận chuyển trái phép chất ma túy”.
 
Phiên tòa khép lại, những người dự khán ái ngại cho số phận đôi vợ chồng già. Chỉ sau một thời gian tạm giam, Công và Lan suy sụp hoàn toàn, cơ thể tiều tụy. Chỉ vì một phút hám lời không làm chủ được bản thân, Công và Lan phải trả giá vì hành động tội lỗi của mình. Có lẽ trong thâm tâm, đôi vợ chồng già không thể ngờ lại có kết cục này. Các cụ xưa có câu “gieo gió thì gặp bão”, vụ án trên là bài học để mỗi chúng ta hãy sống lương thiện, sống có trách nhiệm với cộng đồng, với xã hội. Có như vậy, những vụ việc đáng tiếc như trên mới không tái diễn.
 
Theo: Hoàng Việt - CAND
Trở về

Xem thêm

    Bài cùng chuyên mục