tin phap luat logo

 
 
 

Vụ siêu lừa Huyền Như -2: Sẽ triệu tập giám đốc Vietinbank - Huyền Như đòi biệt thự 43 tỷ cho mẹ

  • Cập nhật : 16/12/2014

 Sẽ triệu tập giám đốc Vietinbank đến phiên xử Huyền Như

Chấp nhận yêu cầu của luật sư Ngân hàng ACB, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP HCM cho biết sẽ triệu tập giám đốc Vietinbank chi nhánh TP HCM Nguyễn Văn Sẻ đến phiên xử phúc thẩm vụ án Huyền Như chiếm đoạt 4.000 tỷ.
 
Chiều 15/12, phiên tòa phúc thẩm xét xử Huỳnh Thị Huyền Như (nguyên trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ, ngân hàng Vietinbank chi nhánh TP HCM) và các đồng phạm mới đi vào phần chính. Trước hàng loạt kiến nghị của những luật sư trong phần thủ tục sáng nay, HĐXX chỉ chấp nhận một phần đề nghị của ông Lưu Văn Tám – bảo vệ quyền và lợi ích cho Ngân hàng ACB - về việc triệu tập ông Nguyễn Văn Sẻ (Giám đốc Vietinbank chi nhánh TP HCM) đến tòa với tư cách là người làm chứng.
 
Về kiến nghị triệu tập cả ông Phạm Huy Hùng (nguyên Chủ tịch Vietinbank), giám đốc trung tâm công nghệ thông tin - kế toán trưởng các chi nhánh Vietinbank, HĐXX không chấp nhận bởi cho rằng Vietinbank đã có 3 người đại diện theo ủy quyền và những người này có trách nhiệm trả lời mọi vấn đề liên quan.
 
Đối với bà Nguyễn Thị Minh Hương và ông Trương Minh Hoàng (Phó giám đốc Vietinbank chi nhánh TP HCM), tòa đã triệu tập với tư cách là người có quyền và nghĩa vụ liên quan như cấp sơ thẩm đã áp dụng nhưng họ đã có đơn xin xét xử vắng mặt. “Vì được mời đến tòa với tư cách là người có quyền và nghĩa vụ liên quan nên tòa không thể áp dụng các biện pháp áp giải”, chủ tọa Quảng Đức Tuyên cho biết.
 
HĐXX cũng bác yêu cầu của luật sư Lưu Văn Tám về việc triệu tập nguyên thành viên HĐQT và Ban giám đốc ngân hàng ACB gồm: ông Trần Xuân Giá, Nguyễn Đức Kiên, Trịnh Kim Quang, Lý Xuân Hải… Lý do được đưa ra là vì đây là vụ án lừa đảo do Huyền Như và đồng phạm thực hiện, tòa không xem xét tội danh Cố ý làm trái quy định của nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng đối với những người này nên không cần thiết phải triệu tập. "Hơn nữa, về phía Ngân hàng ACB đã có người đại diện theo ủy quyền, người này sẽ trả lời các câu hỏi của luật sư", HĐXX nêu.
 
Yêu cầu của luật sư Ngân hàng ACB về việc bác tư cách tham gia tố tụng của luật sư Nguyễn Tấn Hùng (Đoàn Luật sư Hà Nội) - người đại diện cho Vietinbank - tại phiên tòa phúc thẩm cũng không được HĐXX chấp nhận. "Ông Hùng không tham gia phiên tòa với tư cách là người bảo vệ quyền lợi cho Vietinbank mà là người đại diện theo ủy quyền nên không phải là đối tượng điều chỉnh của Luật Luật sư, cũng không vi phạm quy tắc đạo đức hành nghề", chủ toạ nhận định.
 
Luật sư Trần Minh Hải bào chữa cho bị cáo Huỳnh Hữu Danh (nhân viên Ngân hàng TMCP Quốc tế chi nhánh TP HCM) và bảo vệ cho Ngân hàng Phương Đông đề nghị triệu tập đại diện công ty Thịnh Phát và Phúc Vinh để làm rõ số tiền mà Huyền Như đã chiếm đoạt của thân chủ mình để trả nợ cho hai công ty này. Tuy nhiên, các công ty này đã đã rút kháng cáo và số tiền Huyền Như chiếm đoạt của Ngân hàng Phương Đông trả cho 2 công ty này đã thể hiện rõ trong hồ sơ nên HĐXX cho rằng không cần thiết phải triệu tập.
 
Đối với các yêu cầu khác của luật sư về việc triệu tập những cá nhân, tổ chức người có liên quan, trong quá trình xét xử, HĐXX sẽ xem xét, nếu thấy cần thiết sẽ triệu tập bổ sung.
 
Sau khi kết thúc phần mở đầu, đến 15h chiều nay, chủ tọa bắt đầu công bố nội dung bản án sơ thẩm dài gần 200 trang. Theo đó, năm 2007, Như vay trên 200 tỷ đồng với lãi suất cao để đầu tư kinh doanh bất động sản ở nhiều tỉnh thành. Từ năm 2010, do thua lỗ, Như lợi dụng quyền trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ, giả danh Vietinbank chi nhánh Nhà Bè và chi nhánh TP HCM huy động tiền của các khách hàng rồi chiếm đoạt. 
 
Với tư cách là trưởng phòng giao dịch, Như đã đưa ra mức lãi suất cao để dụ các tổ chức, cá nhân sau đó thực hiện hàng loạt hành vi gian dối như làm giả 8 con dấu của các đơn vị, giả chữ ký và lừa luôn lãnh đạo Vietinbank để chiếm đoạt tổng cộng gần 4.000 tỷ đồng của 3 ngân hàng, 9 công ty và 3 cá nhân.
 
Xử sơ thẩm hồi cuối tháng 1, TAND TP HCM đã tuyên phạt Như mức án chung thân về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, 6 năm tù về tội Làm giả con dấu tài liệu của cơ quan tổ chức, tổng hợp hình phạt bị cáo phải chấp hành là chung thân. Sau đó, Như chấp nhận mức hình phạt, chỉ kháng cáo phần dân sự khi đề nghị trả lại căn biệt thự trị giá 43 tỷ đồng thuộc dự án The Nam Hải tại Quảng Nam, vì cho rằng đây là tài sản riêng của mẹ, không phải mua bằng tiền chiếm đoạt được.
 
Liên quan đến vụ án, 22 bị cáo khác cũng bị kết án từ 1 năm tù treo đến 20 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản cùng các tội Cho vay lãi nặng; Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Trong đó có 13 bị cáo nguyên là trưởng, phó phòng, cán bộ các phòng giao dịch thuộc ngân hàng Vietinbank và nhiều giám đốc, phó giám đốc của các doanh nghiệp.
 
Ngoài Như, gần 20 bị cáo khác cũng có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và kêu oan. Hầu hết bị hại và nguyên đơn dân sự đều có kháng cáo đề nghị xem xét lại tư cách tham gia tố tụng của Vietinbank và đòi ngân hàng này phải có trách nhiệm trong việc bồi thường gần 4.000 tỷ đồng mà Huyền Như đã chiếm đoạt
(VNEX)
-------------------------
Huyền Như đến tòa đòi biệt thự 43 tỷ cho mẹ
Sáng nay, trong chiếc áo màu xanh đậm rộng thùng thình, Huyền Như lộ rõ sự mệt mỏi khi được đưa đến tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP HCM. 
 
Đúng 8h ngày 15/12, Huỳnh Thị Huyền Như (nguyên trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ, ngân hàng Vietinbank chi nhánh TP HCM) cùng các bị cáo bị tạm giam được đưa đến toà rồi nhanh chóng được dẫn vào phòng lưu phạm. Nhiều bị cáo tại ngoại cũng có mặt từ rất sớm để làm thủ tục.
 
Mặc chiếc áo sơ mi đồng phục màu xanh đậm rộng thùng thình, Huyền Như lầm lũi, lộ rõ vẻ mệt mỏi trong ánh mắt sau cặp kính cận. Sau khi tham gia phiên tòa xét xử Nguyễn Đức Kiên tại Hà Nội với tư cách người có quyền và nghĩa vụ liên quan, Huyền Như đã được đưa vào TP HCM để dự phiên phúc thẩm vụ án lừa đảo chiếm đoạt 4.000 tỷ đồng do bị cáo và các đồng phạm thực hiện.
 
HĐXX phiên phúc thẩm gồm ông Quảng Đức Tuyên (Phó Chánh án Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP HCM) làm chủ tọa và hai thẩm phán. Giữ quyền công tố là Kiểm sát viên cao cấp Nguyễn Thế Thành - Phó Viện phúc thẩm 3, cùng một kiểm sát viên dự khuyết.
 
Bào chữa cho Huyền Như có 2 luật sư. 32 luật sư còn lại làm nhiệm vụ bào chữa cho các bị cáo khác và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự.
 
Nêu ý kiến trong phần mở đầu phiên tòa, luật sư Lê Văn Tám - bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp cho Ngân hàng Á Châu (ACB) - đề nghị HĐXX triệu tập những người nguyên là lãnh đạo ngân hàng ACB trong đó có Nguyễn Đức Kiên, Phạm Trung Cang, Lý Xuân Hải… Ngoài ra, danh sách luật sư Tám đề nghị tòa triệu tập còn có ông Phạm Huy Hùng (nguyên chủ tịch ngân hàng Vietinbank), Nguyễn Văn Sẻ, Nguyễn Thị Minh Hương (giám đốc và phó giám đốc Vietinbank chi nhánh TP HCM) cùng một số lãnh đạo khác. "Những người này liên quan đến những sai phạm của Huyền Như nên cần thiết phải triệu tập", luật sư nói.
 
Luật sư của ACB cũng đề nghị HĐXX xác định lại tư cách tham gia tố tụng của luật sư Nguyễn Tấn Hùng (Đoàn luật sư Hà Nội), đại diện theo ủy quyền cho Vietinbank. "Tại phiên tòa sơ thẩm, luật sư Hùng đã cung cấp dịch vụ pháp lý cho Huyền Như với tư cách là người bào chữa, còn hôm nay luật sư Hùng lại bảo vệ quyền lợi cho Vietinbank. Điều này vi phạm Luật luật sư cũng như vi phạm đạo đức nghề nghiệp", luật sư Tám nêu.
 
Một luật sư khác bảo vệ quyền và lợi ích cho ngân hàng ACB cũng đề nghị tòa triệu tập nhiều cán bộ bao gồm cả người phụ trách về công nghệ thông tin, kế toán trưởng của Vietinbank ở các chi nhánh có liên quan và 29 cá nhân, tổ chức những người mà theo kết luận của cơ quan điều tra là có nhận tiền mà Huyền Như đã chiếm đoạt của ACB.
 
Một số luật sư khác đề nghị tòa triệu tập thêm những người có liên quan đến sai phạm của Huyền Như trong việc chiếm đoạt số tiền của tổ chức, cá nhân do mình bảo vệ.
 
Sau khi các luật sư nêu kiến nghị, HĐXX đã quyết định sẽ hội ý để xem xét trong thời gian nghỉ trưa.
 
Trong phiên xử sơ thẩm hồi cuối tháng 1, TAND TP HCM đã tuyên phạt Như mức án chung thân về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, 6 năm tù về tội Làm giả con dấu tài liệu của cơ quan tổ chức, tổng hợp hình phạt bị cáo phải chấp hành là chung thân. Sau đó, Như chấp nhận mức hình phạt, chỉ kháng cáo phần dân sự khi đề nghị trả lại căn biệt thự trị giá 43 tỷ đồng thuộc dự án The Nam Hải tại Quảng Nam, vì cho rằng đây là tài sản riêng của mẹ, không phải mua bằng tiền chiếm đoạt được.
 
Liên quan đến vụ án, 22 bị cáo khác cũng bị kết án từ 1 năm tù treo đến 20 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản cùng các tội Cho vay lãi nặng; Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Trong đó có 13 bị cáo nguyên là trưởng, phó phòng, cán bộ các phòng giao dịch thuộc ngân hàng Vietinbank và nhiều giám đốc, phó giám đốc của các doanh nghiệp.
 
Được xác định là người đóng vai trò giúp sức tích cực cho Như trong việc chiếm đoạt tiền của các ngân hàng, Võ Anh Tuấn - nguyên phó giám đốc Vietinbank chi nhánh Nhà Bè - nhận mức án 20 năm tù, Đào Thị Tuyết Nhung 10 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ngoài ra bị cáo Nhung còn bị phạt 2 năm tù về tội Cho vay lãi nặng. Hai bị cáo này đều có đơn xin giảm nhẹ hình phạt, trong khi VKSND đã kháng nghị theo hướng tăng hình phạt đối với hai bị cáo này.
 
16 bị cáo khác cũng có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và kêu oan. Hầu hết bị hại và nguyên đơn dân sự đều có kháng cáo đề nghị xem xét lại tư cách tham gia tố tụng của Vietinbank và đòi ngân hàng này phải có trách nhiệm trong việc bồi thường gần 4.000 tỷ đồng mà Huyền Như đã chiếm đoạt
 
Bản án sơ thẩm xác định, năm 2007, Như vay trên 200 tỷ đồng với lãi suất cao từ tín dụng đen để đầu tư kinh doanh bất động sản ở nhiều tỉnh thành và chơi chứng khoán. Đến năm 2010, do việc kinh doanh thua lỗ, để có tiền trả nợ, Như nảy sinh ý định lợi dụng quyền trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ, giả danh Vietinbank chi nhánh Nhà Bè và chi nhánh TP HCM huy động tiền của các khách hàng rồi chiếm đoạt.
 
Để thực hiện ý định, Như đã thuê làm giả 8 con dấu, giả chữ ký để dụ 9 công ty, 3 ngân hàng và cùng nhều cá nhân gửi tiền vào Vietinbank với lãi suất cao sau đó làm giả sổ tiết kiệm, lệnh chi để chiếm đoạt tổng số tiền gần 4.000 tỷ đồng.
 
Trong đó, từ tháng 10/2010 đến tháng 9/2011, thông qua hai cán bộ là phó phòng quản lý quỹ và phó phòng kế toán của ngân hàng ACB, Như đã huy động của nhà băng này hơn 1.100 tỷ đồng với mức lãi suất “trên trời” là 14%/năm (trong hợp đồng) và số tiền lãi chênh lệch ngoài hợp đồng từ 3,8 đến 4,5%. Để hợp thức hóa số tiền gửi này, Như thỏa thuận với ACB ký hàng chục hợp đồng tiền gửi cho hơn 20 nhân viên của ngân hàng này đứng tên.
 
Để tạo lòng tin, Như vẫn trả lãi đầy đủ cho những khoản vay này, xong thực tế số tiền gốc thì bị chị ta làm giả lệnh chi để chiếm đoạt và chuyển tiền thẳng từ những tài khoản này cho các chủ nợ trong quỹ tín dụng đen. Tổng cộng Như đã chiếm đoạt của ACB hơn 718 tỷ đồng. Trong đó, Như khai đã "lót tay" cho cán bộ ngân hàng này 3,7 tỷ đồng chênh lệch ngoài hợp đồng.
 
Liên quan đến khoản thiệt hại hơn 718 tỷ đồng, cựu phó chủ tịch HĐQT ACB Nguyễn Đức Kiên cùng 5 lãnh đạo cấp cao của ngân hàng này đã bị cáo buộc về hành vi cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây thiệt hại nghiêm trọng và đã được đưa ra xét xử trong một vụ án khác.
 
Sau khi xét xử sơ thẩm, TAND TP HCM cũng kiến nghị tới các cơ quan chức năng về việc điều tra và khởi tố thêm nhiều cá nhân, cán bộ của các công ty, ngân hàng liên quan về hành vi giúp sức hoặc sai phạm dẫn đến để Như chiếm đoạt số liền lớn.
 
Phiên xử phúc thẩm dự kiến sẽ kéo dài đến ngày 31/12.
(theo VNEX)
-------------------------
Căng thẳng ngay từ phần thủ tục
Đúng 9g, chủ toạ Quảng Đức Tuyên tuyên bố phiên xử phúc thẩm vụ án Huỳnh Thị Huyền Như bắt đầu.
 
Sau khi nghe thư ký báo cáo những người có mặt, vắng mặt, chủ toạ bắt đầu phần thẩm vấn lý lịch đối với các bị cáo; sau đó chuyển qua thẩm tra lý lịch đại diện các ngân hàng, các công ty và các cá nhân là nguyên đơn dân sự, người bị hại và người có quyền và nghĩa vụ liên quan...
 
Phiên toà phúc thẩm lần này chỉ có 34 luật sư tham gia (so với phiên sơ thẩm có tới 47 luật sư tham gia). Có nhiều trường hợp trong đầu giờ luật sư có mặt nhưng đến phần chủ toạ điểm danh lại vắng và ngược lại.
 
Chủ toạ công bố thành phần HĐXX bao gồm chủ toạ là thẩm phán Quảng Đức Tuyên, hai thẩm phán phụ xử là Phan Thanh Tùng và Mai Thị Tố Oanh. Một thẩm phán dự khuyết là ông Đặng Văn Thành.
 
Đại diện VKS tham gia phiên xử là ông Nguyễn Thế Thành, (Phó viện trưởng Viện Phúc Thẩm III, VKS tối cao) và có một kiểm sát viên dự khuyết là ông Nguyễn Thanh Tùng. Thư ký phiên xử là hai ông Nguyễn Trọng Quyết, Thái Văn Quỳnh. Việc công bố này là để giúp mọi người tham gia phiên xử tuỳ theo tư cách tố tụng biết được quyền và nghĩa vụ cơ bản của mình. 
 
Ngược lại với công tố cho rằng phần thủ tục HĐXX đã tiến hành đúng luật định, không có thêm ý kiến gì thì phía luật sư lại có nhiều ý kiến yêu cầu HĐXX phải xem xét giải quyết rốt ráo ngay.
 
Cụ thể, tại phiên xử này, tất cả mọi người đến dự phiên toà phải trình giấy triệu tập và các loại giấy tờ tùy thân khác và buộc phải gửi lại cặp, giỏ xách bên ngoài. Ngay trong phần thủ tục nhiều luật sư bức xúc cho là việc bị bộ phận giám sát trật tự phiên toà giữ cặp hồ sơ bên ngoài, không được mang máy tính, ipad vào tòa là không đúng, cản trở việc tham gia làm việc của họ.
 
Có luật sư nhấn mạnh HĐXX, thư ký, đại diện VKS đều có thể sử dụng máy tính, ipad nhưng luật sư thì không là không vô lý, không đúng luật.... Đáng chú ý, luật sư ngân hàng ACB đề nghị toà xem lại tư cách của một luật sư là một trong ba người đại diện của VietinBank tại toà. Bởi vị luật sư này tại phiên sơ thẩm bào chữa cho bị cáo Huyền Như nay lại đại diện cho VietinBank. Như vậy luật sư đã nhận dịch vụ pháp lý cho hai khách hàng có quyền lợi đối lập nhau trong vụ án hình sự, điều mà luật cấm. Tuy nhiên, ý kiến này bị luật sư phía VietinBank phản đối vì cho rằng giữa Huyền Như và VietinBank không có sự đối lập về quyền lợi.
 
Cạnh đó, luật sư ACB cũng đề nghị HĐXX triệu tập các nguyên lãnh đạo ACB như Nguyễn Đức Kiên, Trần Xuân Giá, Lý Xuân Hải,Lê Vũ Kỳ, Phạm Trung Cang, Huỳnh Quang Tuấn... ( các bị cáo trong vụ án Bầu Kiên sẽ tuyên án vào ngày hôm nay tại Hà Nội) cùng các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo VietinBank để làm rõ một số vấn đề trong vụ án. Theo luật sư, việc triệu tập này là cần thiết.
 
Các luật sư khác cũng yêu cầu triệu tập một số nguyên đơn dân sự rút kháng cáo, lãnh đạo, kế toán, nhân viên VietinBank để làm rõ nhiều vấn đề về nguồn tiền bị chiếm đoạt trong vụ án luân chuyển thế nào.
 
11g HĐXX tạm nghỉ để hội ý xem xét các yêu cầu của luật sư và 13g30 phiên xử sẽ tiếp tục.
-------------------------

Tin Phap Luat Tin Phap Luattổng hợp

Trở về

Xem thêm

Bài cùng chuyên mục