tin phap luat logo

 
 
 

Tin trong nước trưa 30-03-2015: IPU-132: Hướng tới Tuyên bố Hà Nội về phát triển bền vững - Vị thế Việt Nam trong tầm nhìn chiến lược của Lý Quang Diệu

  • Cập nhật : 30/03/2015
 IPU-132: Hướng tới Tuyên bố Hà Nội về phát triển bền vững
Ngày 29/3, Phiên toàn thể thứ nhất của Đại hội đồng IPU đã diễn ra tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội), Chủ tịch Quốc Nguyễn Sinh Hùng điều hành phiên họp.
 
Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận về vai trò, nhiệm vụ và những biện pháp của các Quốc hội và Nghị viện để thực sự “biến những lời nói thành hành động”, thực hiện những mục tiêu phát triển bền vững và đưa ra thông điệp thể hiện sự cam kết mạnh mẽ của cộng đồng các nghị viện trên thế giới trong việc thực hiện có hiệu quả các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) trong 15 năm tới.
 
Hòa bình, an ninh: Điều kiện tiên quyết để phát triển bền vững
 
Phát biểu tại hội nghị, bà Tòng Thị Phóng, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam đã điểm lại một số thành tựu trong việc thực hiện 8 Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDGs). Bên cạnh những thành tựu đã đạt được thì nhiều mục tiêu của MDGs vẫn chưa hoàn thành, chưa giải quyết được tận gốc tình trạng đói nghèo và bất bình đẳng. Điều này đòi hỏi sự tiếp tục nỗ lực, sự hợp tác của các quốc gia, các tổ chức quốc tế và từng cá nhân trên phạm vi toàn cầu để phát triển thực sự bền vững.
 
Bà Tòng Thị Phóng nhấn mạnh: “Những nỗ lực của Việt Nam nhằm đạt được những kết quả quan trọng trong việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ là nhờ những cam kết mạnh mẽ và sự quyết tâm của Việt Nam, sự hợp tác chặt chẽ, linh hoạt của các đối tác phát triển quốc tế, trong đó có sự cố gắng, nỗ lực của Quốc hội Việt Nam trong việc xây dựng các chính sách, mục tiêu quốc gia, khung pháp lý cơ bản cũng như tăng cường vai trò giám sát tối cao trong thực hiện MDGs”.
 
Việt Nam hoan nghênh IPU hỗ trợ các Quốc hội thành viên đẩy mạnh hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm trong việc đóng góp, xây dựng và thực thi các mục tiêu phát triển bền vững sau năm 2015; kiến nghị IPU cùng với các Quốc hội thành viên và các quốc gia xem xét sự phát triển bền vững phải dựa trên 3 trụ cột: Tăng trưởng kinh tế, môi trường được bảo vệ và công bằng, tiến bộ xã hội.
 
Do vậy, Việt Nam tán thành với nội dung cơ bản của 17 Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) mà Liên Hợp Quốc đang soạn thảo, nhất là các nội dung về xóa đói, giảm nghèo, phát triển tiểu vùng và thu hẹp khoảng cách phát triển, bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh nguồn nước, quản lý sử dụng tài nguyên, bảo đảm quyền con người, bình đẳng giới, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, giải quyết tình trạng bất công, bất bình đẳng xã hội, bảo đảm các nhu cầu cơ bản của con người, đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực…
 
Vai trò của Quốc hội và các vị đại biểu Quốc hội cần được nâng cao thông qua việc ban hành, sửa đổi, bổ sung những văn bản pháp luật liên quan trực tiếp đến việc thúc đẩy thực hiện SDGs; quyết định các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách quốc gia để thực hiện SDGs; giám sát việc tổ chức thực hiện cũng như tuyên truyền phổ biến cho cử tri về SDGs và chương trình quốc gia thực hiện SDGs, những người không chỉ thụ hưởng mà còn là lực lượng quan trọng thực hiện công việc này.
 
Bên cạnh đó, cần tiếp tục mở rộng và thúc đẩy thiết lập mối quan hệ đối tác toàn cầu được xây dựng dựa trên việc xây dựng lòng tin và quyết tâm của các Quốc hội vì mục tiêu phát triển bền vững. Tiếp tục các nỗ lực tăng cường hợp tác hiệu quả và mạnh mẽ giữa IPU và Liên Hợp Quốc, phát huy vai trò của các cơ chế hợp tác liên kết kinh tế khu vực, các thể chế tài chính thương mại quốc tế như Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Tổ chức Thương mại Thế giới… trong quá trình thảo luận, xây dựng và thực hiện SDGs.
 
Hòa bình và an ninh được coi là điều kiện tiên quyết, nền tảng vững chắc để đảm bảo việc xây dựng và thực hiện hiệu quả Chương trình nghị sự phát triển sau 2015 và các Mục tiêu phát triển bền vững. Do đó, nỗ lực phấn đấu tăng cường hòa bình, an ninh quốc tế, ngăn ngừa các nguy cơ xung đột tiềm tàng và tìm giải pháp chấm dứt các cuộc xung đột hiện nay là nhiệm vụ lâu dài, cấp bách và trách nhiệm của tất cả các quốc gia. Một trong các biện pháp hữu hiệu góp phần thể hiện trách nhiệm của các nước là tôn trọng luật pháp quốc tế- nền tảng bảo đảm hòa bình, an ninh và ổn định phục vụ phát triển bền vững.
 
Hướng tới Tuyên bố Hà Nội về phát triển bền vững
 
Cố vấn đặc biệt, đại diện Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc, bà Amina Mohammed nhấn mạnh, cần đưa 17 Mục tiêu phát triển bền vững chuyển thành hành động cụ thể. Những mục tiêu, chỉ tiêu cần phải được thực hiện bởi sự hợp tác chặt chẽ của thế giới.
 
Bà Amina cho rằng, Quốc hội đóng vai trò quan trọng trong huy động nguồn lực để đạt kết quả cao nhất trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững; Vai trò kiểm soát của Quốc hội đối với Chính phủ trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững; việc huy động sự tham gia của người dân trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững ….
 
Chủ tịch IPU Saber Chowdhury bày tỏ mong muốn, với chủ đề phát triển bền vững, qua phiên thảo luận chung, các đại biểu tập trung thảo luận để đóng góp thiết thực vào văn bản quan trọng là đưa ra “Tuyên bố của IPU tại Hà Nội”.
 
Tại phiên họp, các thành viên cũng thảo luận và quyết định chương trình hoạt động, quyết định nội dung các kỳ họp Hội nghị IPU, trong đó trọng tâm là: biến đổi khí hậu, khủng bố; phòng tránh rủi ro thiên tai và phát triển bền vững.
 
Phiên họp kéo dài đến hết ngày 29/3.
-------------------------
 Vị thế Việt Nam trong tầm nhìn chiến lược của Lý Quang Diệu
Quan hệ giữa Việt Nam và Singapore đã phát triển vượt bậc trên nhiều phương diện trong những năm gần đây, với điểm nhấn là việc hai nước ký thỏa thuận nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược vào năm 2013. 
 
Và người đã góp phần đặt những viên gạch đầu tiên và bồi đắp cho mối quan hệ này chính là cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu (1923-2015).
 
Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Singapore, Phó Giáo sư (PGS) Alan Chong thuộc Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam (RSIS) nhận định, trong tầm nhìn chiến lược của ông Lý Quang Diệu, “Việt Nam là một đối tác rất đặc biệt trong Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN)” của Singapore. Theo ông Alan Chong - chuyên gia về chính sách đối ngoại của Singapore, ngay khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, Singapore đã muốn có mối quan hệ đặc biệt với Việt Nam. Và sự khởi đầu cho giai đoạn phát triển quan hệ đầu tiên chính là việc cố Thủ tướng Lý Quang Diệu được mời để giúp lên kế hoạch tổng thể cho Việt Nam. PGS Alan Chong cho rằng quan hệ giữa hai nước hiện đã ở giai đoạn phát triển thứ hai, thứ ba và tiếp tục kéo dài.
 
PGS Alan Chong khẳng định việc Singapore hiện là đối tác đầu tư lớn thứ ba vào Việt Nam đã nói lên sự gần gũi trong quan hệ giữa hai nước. Cách tiếp cận Việt Nam của Singapore mang tính thực tế cao, “đôi bên cùng có lợi”. Hai nước đã làm rất nhiều trong việc chia sẻ kinh nghiệm, về phía Singapore là kinh nghiệm trong quản trị. Du lịch và giáo dục cũng là những lĩnh vực hợp tác có thể thúc đẩy nhiều hơn nữa. Có rất nhiều tiềm năng phát triển giữa hai bên và quan hệ đối tác song phương cũng có thể chuyển sang lĩnh vực công nghệ hiện đại, như công nghệ sinh học. Theo PGS Alan Chong, nền nông nghiệp Việt Nam cũng là một cơ hội hợp tác chưa được khai thác đầy đủ. Việt Nam rất có kinh nghiệm trong sản xuất lương thực và với bối cảnh đô thị hạn chế của Singapore, đảo quốc Sư tử sẽ có rất nhiều điều có thể học hỏi từ Việt Nam.
 
Cùng chung nhận định với PGS Alan Chong, PGS Vũ Minh Khương thuộc trường Chính sách Công Lý Quang Diệu, cho rằng với Singapore, và trong thời kỳ của ông Lý Quang Diệu, Việt Nam là đất nước rất quan trọng. Ấn tượng về Việt Nam của ông Lý Quang Diệu và các cộng sự không chỉ là việc Việt Nam là quốc gia bản lĩnh mà còn có sức mạnh nhất định trong bảo vệ chủ quyền độc lập. Ông Lý Quang Diệu luôn nói Việt Nam có thể làm được những việc mà không ai có thể làm được. Ngoài ra, cố Thủ tướng Singapore cũng nhận thấy chất lượng nguồn lực Việt Nam rất tiềm tàng. Singapore đã trao khá nhiều học bổng cho học sinh Việt Nam, và các em đều học rất giỏi, tiếp tục phát triển và thành công. Ông Lý Quang Diệu tin rằng một đất nước có bản lĩnh dân tộc cao và tiềm năng con người như vậy sớm hay muộn cũng trở thành một quốc gia mạnh.
 
Với một người có tầm nhìn xa như cố Thủ tướng Lý Quang Diệu, điều tất yếu phải đến là mối quan hệ giữa hai bên được cải thiện và ngày càng phát triển. Một trong những biểu tượng hợp tác thành công nhất giữa Việt Nam và Singapore chính là Khu công nghiệp Việt Nam-Singapore (VSIP) được khởi công xây dựng tại tỉnh Bình Dương năm 1995, và đến nay đã trở thành khu công nghiệp mẫu trên cả nước, với cơ sở hạ tầng hiện đại, thân thiện với môi trường và góp phần thu hút đầu tư nước ngoài rất lớn vào Việt Nam. Dự án VSIP Bình Dương đã nhận được rất nhiều sự quan tâm của cố Thủ tướng Lý Quang Diệu. Bản thân ông cũng đã nhiều lần về thăm tỉnh Bình Dương, và ghi nhận sự phát triển vượt bậc tại đây.
 
Năm 2013, Việt Nam và Singapore đã quyết định nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược, nhân chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Lý Hiển Long. Đại sứ Việt Nam tại Singapore, ông Nguyễn Tiến Minh cho biết, kể từ đó đến nay, quan hệ giữa hai nước tiếp tục phát triển mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực chủ chốt, với nhiều điểm nhấn quan trọng.
 
Về chính trị, hai bên đã tăng cường đối thoại và cùng chia sẻ mối quan tâm chung đến vấn đề duy trì hòa bình, an ninh, ổn định và phát triển trong khu vực, đặc biệt liên quan đến bảo vệ hòa bình và an ninh khu vực và trên Biển Đông.
 
Về kinh tế, trao đổi thương mại giữa hai bên đã tăng 20% trong năm 2014. Hiện Singapore là đối tác thương mại lớn thứ 6 và là đối tác đầu tư lớn thứ ba của Việt Nam, với tổng giá trị đầu tư là 32,7 tỷ USD.
 
Về văn hóa và xã hội, hiện giao lưu giữa nhân dân hai nước cũng rất mạnh mẽ, đặc biệt gần đây Singapore đang thúc đẩy các vấn đề giáo dục và chăm sóc y tế cộng đồng. Rất nhiều học sinh, sinh viên Việt Nam đã và đang chọn Singapore là điểm đến để học tập.
 
Những thực tế trên cho thấy mối quan hệ giữa Việt Nam và Singapore đã thực sự phát triển và ngày càng đi vào chiều sâu thực chất, dưới sự vun đắp và quan tâm rất lớn của cố Thủ tướng Lý Quang Diệu, như PGS Alan Chong đã khẳng định “tương lai giữa hai nước rất tươi sáng… và Singapore luôn coi Việt Nam là đối tác có thể tin cậy trong ASEAN”.
-----------------------
Chuyên gia Lâm nghiệp hiến kế trồng cây xanh đô thị ở Hà Nội
Sấu, muồng, dái ngựa, bằng lăng... là loại cây được chuyên gia hiến kế thay thế cây xà cừ, hoa sữa bởi nó đảm bảo tuổi thọ, môi trường sinh thái cho thủ đô.
 
Trong khi dư luận vẫn chưa hết nóng về câu chuyện chặt hạ cây xanh tại Hà Nội thì một câu hỏi nóng không kém đang đặt ra: Hà Nội nên trồng cây gì, trồng thế nào thì phù hợp?
 
Để trả lời câu hỏi này, chúng tôi đã tìm đến PGS.TS Ngô Quang Đê, nguyên Trưởng khoa Lâm sinh (Trường Đại học Lâm nghiệp), người từng có nhiều công trình nghiên cứu và áp dụng trong thực tế gần đây về cây trồng đô thị tại Hà Nội.
 
- Dư luận đang phản đối rần rần việc Hà Nội chặt cây xanh, trong đó có nhiều cây xà cừ đại thụ, keo… Quan điểm của ông thế nào?
 
- Xà cừ dù sao vẫn không phải là cây bản địa của Việt Nam, trong khi đó chúng ta không phải là không có những cây bản địa tốt để đảm bảo phù hợp với điều kiện tự nhiên, bền vững và làm cảnh quan đô thị.
 
Đa số xà cừ tại Hà Nội hiện nay đều được trồng từ thời Pháp, từ 1960 trở lại đây ở Hà Nội cũng không trồng xà cừ nữa. Cùng là xà cừ đại thụ, nhưng trồng ở các tỉnh khác, mà tiêu biểu như ở Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) chẳng hạn lại khác, bởi Hà Nội không có không gian cho bộ rễ xà cừ phát triển.
 
Đặc trưng Hà Nội là không gian vỉa hè quá hẹp, nhà cửa san sát ngay bên cạnh cây xanh, trong khi xà cừ gốc và rễ lại quá lớn, tán rất nặng. Vì vậy mùa mưa bão thường gãy đổ, gây ra nhiều vụ tai nạn như chúng ta đã biết. Để đảm bảo an toàn, trước mùa mưa bão người ta buộc phải chặt cành một cách không theo quy trình tạo tán, vì vậy nhiều cây xà cừ ở Hà Nội cũng không còn đảm bảo tán che mát.
 
Vì vậy, những cây xà cừ quá lớn, có nguy cơ mất an toàn, không đảm bảo khả năng làm cảnh quan nữa tôi nghĩ là có thể chặt bỏ để thay thế cây khác phù hợp hơn, tất nhiên không phải cứ xà cừ là chặt đi hết.
 
Đối với cây keo, khả năng tạo tán khá, nhưng tuổi thọ lại quá ngắn, chỉ khoảng 20 năm nên theo tôi cũng có thể từng bước thay thế bằng cây khác. Cây cảnh quan đô thị ngoài các yếu tố tạo tán, còn phải đảm bảo tuổi thọ dài, bởi không phải lúc nào cũng có thể chặt đi trồng lại được.
 
- Vậy theo ông, ở Hà Nội còn loại cây nào nên thay thế nữa không?

- Hoa sữa Hà Nội hiện nay nhiều quá, theo tôi cũng là cây có thể hạn chế bớt để thay thế bằng cây khác. Hiện, Nha Trang cũng đã chặt hoa sữa thay cây khác rồi.
 
Hoa sữa trồng trong khuôn viên, công viên có không gian rộng lớn thì được, nhưng trồng quá dày đặc ở nhiều tuyến phố như ở Hà Nội hiện nay là không ổn, mà chỉ nên giữ lại ken kẽ ở một số lượng thích hợp để tạo hương thoảng là được.
 
Hương hoa sữa độc, chuyện hoa sữa đến mùa khiến người dân sặc sụa, dị ứng, chảy cả nước mắt nước mũi, đã có ý kiến nhiều rồi.
 
- Vậy ông có thể đề xuất Hà Nội nên trồng những cây gì?
 
- Tất cả những cây đã trồng thành công tại Hà Nội như sấu, muồng, dái ngựa, bằng lăng… đều có thể trồng tiếp. Tuy nhiên, cần phải tiếp tục nghiên cứu bổ sung thêm các loại cây mới để đảm bảo đa dạng sinh học và phát triển sinh thái bền vững.
 
Một trong những hạn chế ở Hà Nội hiện nay là mùa đông không có các loại cây ra hoa. Thời gian qua, chúng tôi đang thử nghiệm và đề xuất xem khả năng có thể đưa cây sở về trồng tại Hà Nội hay không. Bởi đây là cây rất thích hợp để trồng làm cảnh quan, tán rộng, lá xanh quanh năm, hoa đẹp, mùi thơm quyến rũ và đặc biệt hoa lại nở vào mùa đông. Lâu nay sở là cây lâm sản ngoài gỗ, trồng lấy quả mới khó, chứ trồng làm cây cảnh quan tôi nghĩ sẽ rất khả thi. Sở cũng là cây trồng có khả năng chống ô nhiễm, cải thiện môi trường rất tốt.
 
Một số cây khác như trà bạch, trà hồng, trà đỏ hiện nay ở Nhật trồng rất nhiều, rất đẹp và cũng có thể trồng tại Hà Nội. Cây dổi bắc hiện cũng đang là “ứng cử viên” rất sáng có thể trồng làm cây cảnh quan ở Hà Nội, cây này Việt Nam có sẵn, hoa thơm, màu sắc đẹp, không độc, bộ lá có hai màu lục – hồng rất đẹp mắt. Dổi bắc đã trồng thử nghiệm làm cảnh quan nhiều nơi như ở khuôn viên Trường CĐ Nông lâm Đông Bắc (Bộ Nông nghiệp-Phát triển Nông thôn) tại Quảng Ninh cho kết quả rất mĩ mãn, cây này cũng đã trồng rất đẹp tại Khu đô thị Ecopark (Hà Nội)…
 
Tất nhiên, đối với Hà Nội hiện nay thì trồng cây gì, kể cả cây mới hay cây cũ đều phải trồng thử nghiệm trước, chưa nên đưa vào trồng ồ ạt.
 
- Vì sao ông cho rằng không nên trồng ồ ạt một loại cây nào đó?

- Điều kiện khí hậu, thời tiết, đất đai, nguồn nước… tại Hà Nội đã thay đổi rất nhiều. Chẳng hạn như trước đây, cây sáo đen trồng ở Hà Nội cây nào là thành công cây đó, nhưng bây giờ cây này trồng không thể sống được nữa. Ngay cả những cây đã trồng thành công trước đây như sấu, bằng lăng, dổi… bây giờ trồng mới chưa chắc đã sống được, vì vậy muốn trồng số lượng lớn tại Hà Nội cũng phải trồng thử nghiệm cái đã, không nên vội vàng trồng đại trà ngay bởi rủi ro rất lớn.
 
Xét về mặt đa dạng sinh học, cơ cấu các loài cây cảnh quan ở Hà Nội còn quá đơn điệu, mặc dù theo thống kê trên địa bàn thành phố hiện có hơn 100 loài khác nhau, nhưng cơ bản chỉ có khoảng 25 loài chiếm tỉ lệ áp đảo.
 
Vì vậy, quan điểm của tôi là không nên trồng đại trà một loại cây nào đó, mà phải trồng thật đa dạng nhiều loài khác nhau mới đảm bảo bền vững được. Dĩ nhiên, trồng cây gì thì cũng phải có quy hoạch cụ thể, bài bản, chứ không phải thích trồng chỗ nào là trồng. Cái này trước đây Hà Nội đã từng có, nhưng sau đó người ta trồng tùm lum. Thành ra bây giờ tại nhiều tuyến phố Hà Nội, nhìn hàng cây rất hổ lốn, cây cao cây thấp, đủ thứ bà chằng loại cây mà chẳng cây nào ra cây nào.
 
- Ông có lưu ý cơ bản nào về mặt tiêu chí và kỹ thuật khi Hà Nội trồng cây cảnh quan?
 
- Nói chung, cây xanh được đường phố ở Hà Nội cơ bản phải xét tới mấy yếu tố như chịu được điều kiện đất đai, thời tiết đặc thù tại Hà Nội; chống chịu được gió bão; hình dáng đẹp, tán có hình khối vừa tạo dáng vừa che bóng được; hoa – quả có mùi thơm thì tốt, hay ít nhất phải không độc, không gây ô nhiễm; cây phải ít sâu bệnh…
 
Về mặt kỹ thuật, cần hết sức lưu ý đến vấn đề ô nhiễm đất trước khi trồng. Tại các vị trí trồng phải xem xét kỹ xem có bị ô nhiễm xăng, dầu, chất thải công nghiệp độc hại nào không. Nếu có thì phải tuyệt đối đào hố bỏ đi khoảng 1-2 m3 và thay bằng đất mới đảm bảo tiêu chuẩn.
 
PGS.TS Ngô Quang Đê là người có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực tư vấn, thiết kế cây xanh cho nhiều công trình lớn tại Hà Nội. Ông là người tiên phong đề xuất, phát triển và thành lập Bộ môn Lâm nghiệp Đô thị hiện nay của Trường Đại học Lâm nghiệp.
-----------------------

Tin Phap Luat Tin Phap LuatTổng hợp

Trở về

Xem thêm

Bài cùng chuyên mục