Ông Lê Thanh Sơn được bầu là Phó Chủ tịch thành phố Hải Phòng
Ngày 28.8, Hội đồng Nhân dân thành phố Hải Phòng đã tổ chức kỳ họp thứ 10 - kỳ họp bất thường, bầu bổ sung chức danh Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố và bầu Ủy viên Ủy ban Nhân dân thành phố khóa XIV, nhiệm kỳ 2011-2016.
Kết quả, 60/66 phiếu (chiếm 89,55%) bầu ông Lê Thanh Sơn giữ chức Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng.
Ông Lê Thanh Sơn sinh ngày 9.7.1960 tại Hải Phòng. Sau khi tốt nghiệp Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội, ông Lê Thanh Sơn trải qua công tác ở các đơn vị: Sở Du lịch, Cục Hải quan, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Phòng.
Từ tháng 8.2013, ông Lê Thanh Sơn là Bí thư Quận ủy Lê Chân. Ông Lê Thanh Sơn có học vị tiến sỹ.
Như vậy, thành phố Hải Phòng hiện có năm Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố.
Hội đồng Nhân dân thành phố Hải Phòng cũng đã bầu bổ sung Ủy viên Ủy ban Nhân dân thành phố đối với ông Dương Ngọc Tuấn - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư.
-----------------------
Cần cơ quan “siêu quyền lực” chống tham nhũng?
TS Đáo Lệ Thu (ĐH Luật Hà Nội), Trưởng nhóm chuyên gia trong nước, đưa ra khuyến nghị trước mắt nên giữ nguyên mô hình cơ quan phòng, chống tham nhũng (PCTN) như hiện nay. Còn về lâu dài cần phát triển bộ phận thực thi pháp luật đặc trách với chức năng và các thẩm quyền về điều tra và truy tố, tức là Ban Nội chính Trung ương có chức năng và thẩm quyền về điều tra và truy tố.
Theo bà Thu, kinh nghiệm thế giới cho thấy một cơ quan chống tham nhũng không có quyền ghi âm bí mật, điều tra hồ sơ tài chính, phong tỏa tài sản và bắt những người tình nghi sẽ là thiết chế thiếu hiệu quả. “Một cơ quan chống tham nhũng cần có khả năng thực hiện theo dõi chuyên sâu, theo dấu vết dòng tiền, xây dựng hoạt động điều tra đặc tình và đưa ra lệnh bắt người bỏ trốn. Với những quyền năng điều tra như vậy cơ quan PCTN mới có thể tập hợp các bằng chứng cần thiết để đảm bảo việc truy tố hiệu quả” - TS Thu nói.
Đồng ý với mô hình Ban chỉ đạo PCTN như hiện nay, luật sư-ĐBQH Trương Trọng Nghĩa cho rằng phải có một định chế rõ ràng chứ không thể trở về trạng thái như trước đây, theo ông Nghĩa, phải có một lực lượng PCTN riêng, có quyền lực đặc thù, tinh nhuệ và độc lập.
Tuy nhiên, PGS-TS Nguyễn Thái Phúc, Giám đốc Học viện Tư pháp, cho rằng việc trao chức năng điều tra và truy tố cho cơ quan PCTN như đề nghị của bà Thu thì sẽ biến Ban Nội chính Trung ương thành một cơ quan “khép kín” có nhiều quyền năng nhưng cũng lắm nguy cơ. “Đảng không phải là Nhà nước, Đảng chỉ lãnh đạo về mặt chính trị. Ban Nội chính là một tổ chức của Đảng chỉ tham mưu về mặt chủ trương chứ không thể làm thay Nhà nước. Làm như thế là sai nguyên lý và nguyên tắc Đảng lãnh đạo chứ không làm thay” - ông Phúc lo ngại.
Ủng hộ ý kiến phản biện của ông Phúc, PGS-TS Nguyễn Tất Viễn, Ủy viên Thường trực Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương, nói: “Cơ quan PCTN không thể là cơ quan “siêu quyền lực” mà cơ quan này cũng phải chịu sự kiểm soát của các quyền lực khác”.
------------------------
Miền Bắc mưa lớn, cảnh báo ngập úng, sạt lở đất
Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn TƯ cho biết do ảnh hưởng của hoàn lưu vùng xoáy thấp kết hợp với gió đông nam hoạt động mạnh nên từ chiều và đêm nay (28/8) ở các tỉnh Bắc Bộ và bắc Trung Bộ sẽ có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to và rải rác có dông.
Tại các tỉnh phía Đông Bắc Bộ mưa to kéo dài liên tục đến sáng ngày 30/8 với tổng lượng mưa phổ biến từ 50- 150mm, có nơi trên 150mm; ở khu vực phía Tây bắc Bộ lượng mưa phổ biến từ 30 – 70mm, có nơi trên 100mm.
Trên hệ thống sông Hồng – Thái Bình từ ngày 29 đến ngày 31 tháng 8, sẽ xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên ở thượng lưu từ 2 đến 3 mét, ở hạ lưu từ 0,5 đến 1 mét. Trong đợt lũ này, lưu lượng lớn nhất đến hồ Sơn La có khả năng lên mức 5000m3/s, đến hồ Hòa Bình có khả năng lên mức 6000m3/s; mực nước trên sông Thao tại Yên Bái có khả năng lên trên mức báo động 1.
Lũ quét và trượt lở đất có nguy cơ cao xảy ra ở các tỉnh vùng núi phía Bắc và Tây Bắc như Tuyên Quang, Yên Bái, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc; đặc biệt ở các huyện như: Na Hang, Hàm Yên, Chiêm Hóa (tỉnh Tuyên Quang); Mù Căng Chải, Trạm Tấu, Yên Bình, Lục Yên, thành phố Yên Bái (tỉnh Yên Bái); Mường Lay, Mường Tè, Tủa Chùa (tỉnh Điện Biên); Bắc Yên, Mộc Châu, Yên Châu (tỉnh Sơn La); Lương Sơn, Kim Bôi, Mai Châu (tỉnh Hòa Bình); Pắc Nậm, Ba Bể, Bạch Thông, Thị xã Bắc Cạn (tỉnh Bắc Cạn); Định Hóa, Đại Từ, Võ Nhai (tỉnh Thái Nguyên); Tam Đảo, Yên Lạc (tỉnh Vĩnh Phúc).
Cần có biện pháp phòng chống ngập lụt ở các vùng trũng, các đô thị ở Đồng Bằng Bắc Bộ như: Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nội, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình.
---------------------
Việt Nam đưa ra sáng kiến tăng cường vai trò hải quân ASEAN
Ngày 27.8, Hội nghị Tư lệnh Hải quân Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 8 đã thảo luận một loạt vấn đề về tiếp tục củng cố lòng tin, sự tín nhiệm và hiểu biết lẫn nhau.
Hội nghị được tổ chức tại thủ đô Bangkok, tập trung thảo luận sáng kiến mở rộng về thực hiện lộ trình hình thành Hải quân ASEAN sau năm 2015. Việc này sẽ góp phần giúp thắt chặt và làm bền vững hơn quan hệ giữa hải quân các nước ASEAN.
Trao đổi với phóng viên TTXVN, Đại tá Nguyễn Ngọc Vinh, Trưởng phòng Đối ngoại Quân chủng Hải quân, cho biết: "Hội nghị tập trung thảo luận về các vấn đề còn chưa được thống nhất tại Hội nghị lần thứ 7 ở Manila, Philippines. Đó là xây dựng lộ trình phát triển hải quân ASEAN, phát triển hội nghị theo hướng Hội nghị Hải quân ASEAN mở rộng tương tự Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+)."
Trong những năm qua, Hải quân Việt Nam đã đóng góp nhiều sáng kiến cho Hội nghị Tư lệnh Hải quân ASEAN và tới nay một số hoạt động vẫn được duy trì như tăng cường tổ chức trao đổi qua đường dây nóng, gặp gỡ giao lưu giữa hải quân các nước, thiết lập tuần tra chung.
Các hoạt động này đã giúp củng cố lòng tin một cách đáng kể, qua đó góp phần bảo vệ hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn trên Biển Đông, tạo ra môi trường phát triển thịnh vượng cho ASEAN.
Đại tá Nguyễn Ngọc Vinh cũng cho biết tại hội nghị lần này, đoàn Việt Nam đã đóng góp ý kiến về tăng cường vai trò của Hải quân ASEAN sau năm 2015, đặc biệt khi ASEAN hình thành cộng đồng.
Theo Đại tá Nguyễn Ngọc Vinh, sau khi được thành lập, cộng đồng ASEAN cần tập trung xây dựng sự tin cậy và đoàn kết trong Hải quân ASEAN để thực sự trở thành một khối thống nhất, đảm đương được trách nhiệm trong việc đảm bảo an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông cũng như trong toàn khu vực.
Quan hệ hải quân giữa các nước ASEAN đang phát triển rất tốt và ngày càng trở nên thực chất. Hội nghị Tư lệnh hải quân ASEAN lần thứ 8 này có vai trò rất quan trọng và có nhiều ý nghĩa, trước khi ASEAN trở thành một cộng đồng chung vào năm 2015.
Dự kiến vào năm 2017, khi ASEAN kỷ niệm 50 năm ngày thành lập, lực lượng Hải quân ASEAN sẽ tổ chức duyệt binh tàu hải quân. Hành động này không chỉ giúp thắt chặt quan hệ và hợp tác giữa hải quân ASEAN mà còn tạo ra một hình ảnh đẹp trong cộng đồng quốc tế.
Từ năm 2001, ASEAN tổ chức Cuộc gặp tương tác hải quân ASEAN. Tuy nhiên, đến năm 2011, khi được tổ chức tại Hà Nội, Việt Nam đã đề xuất nâng cấp lên thành Hội nghị Tư lệnh Hải quân ASEAN và được thống nhất sử dụng từ đó đến nay. Cơ chế này góp phần tăng cường hiểu biết lẫn nhau, tạo điều kiện cho tất cả các bên phối hợp, triển khai nhiều giải pháp hiệu quả trong hoạt động cứu trợ, chống cướp biển và các hoạt động vi phạm luật pháp trên biển.
-----------------------
Việt Nam bảo lưu khả năng khởi kiện Trung Quốc
Đây là khẳng định của ông Lê Hải Bình, người phát ngôn Bộ Ngoại giao tại cuộc họp báo thường kỳ chiều nay 28.8 trước câu hỏi về việc liệu Việt Nam có bảo lưu khả năng khởi kiện Trung Quốc hay không sau chuyến thăm Trung Quốc vừa qua của ông Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Đặc phái viên của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Tại họp báo, ông Lê Hải Bình đã trả lời các câu hỏi của phóng viên.
Liên quan đến chuyến thăm Trung Quốc của ông Lê Hồng Anh, liệu sắp tới có khả năng tái diễn tình trạng căng thẳng trên Biển Đông như thời gian vừa qua?
Về chuyến thăm của ông Lê Hồng Anh, báo chí đã có thông tin đầy đủ. Tôi xin nhấn mạnh rằng trong chuyến thăm này hai bên đã nhất trí về 3 nội dung quan trọng như sau:
Một là, lãnh đạo hai Đảng, hai nước Việt Nam – Trung Quốc tăng cường hơn nữa việc chỉ đạo trực tiếp đối với quan hệ hai Đảng, hai nước, thúc đẩy quan hệ Việt – Trung không ngừng phát triển lành mạnh, ổn định.
Hai là, hai bên tăng cường giao lưu giữa hai Đảng, hai nước; khôi phục và tăng cường hợp tác giữa hai bên trên mọi lĩnh vực như chính trị ngoại giao, quốc phòng, an ninh, kinh tế, thương mại, thực thi pháp luật, nhân văn...
Ba là, hai bên tuân thủ các nhận thức chung quan trọng của lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước, nghiêm túc thực hiện “Thoả thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc”, sử dụng tốt cơ chế đàm phán cấp Chính phủ về biên giới lãnh thổ Việt Nam - Trung Quốc; tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận được, đồng thời tích cực nghiên cứu và bàn bạc các giải pháp mang tính quá độ không ảnh hưởng đến lập trường và chủ trương của mỗi bên, kể cả vấn đề hợp tác cùng phát triển; kiểm soát tốt những bất đồng trên biển, không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp; duy trì đại cục quan hệ Việt – Trung và hoà bình, ổn định trên Biển Đông.
Việt Nam bảo lưu khả năng khởi kiện Trung Quốc
Ông Lê Hải Bình tại buổi họp báo chiều 28.8 - Ảnh: Trường Sơn
Trong chuyến thăm vừa qua ông Lê Hồng Anh tới Trung Quốc thì trong các trao đổi liên quan đến giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông không thấy đề cập đến vai trò của ASEAN cũng như các bên liên quan khác? Liệu có phải các vấn đề tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc trên Biển Đông sẽ được giải quyết qua con đường song phương hay không? Xin cho biết về khả năng Việt Nam bảo lưu việc khởi kiện đối với các hành vi vi phạm của Trung Quốc?
Như đã nêu ở trên, trong chuyến thăm hai bên đã nhất trí nghiêm túc thực hiện “Thoả thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc” (2011), trong thỏa thuận này đã nêu rất rõ các nguyên tắc giải quyết tranh chấp song phương và đa phương như thế nào.
Về việc khởi kiện Trung Quốc, như chúng tôi nhiều lần khẳng định Việt Nam kiên quyết sử dụng mọi biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, phù hợp với hiến chương của Liên Hiệp Quốc, trong đó có Công ước Luật biển (UNCLOS) 1982 để bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và các vùng đặc quyền kinh tế của mình.
Đề nghị xác nhận thông tin về việc 12 ngư dân Việt Nam và tàu cá QNg 95997 bị Philippines bắt hồi 2012 sắp về nước?
Theo thông tin Đại sứ quán Việt Nam tại Philippines, sau một thời gian làm việc tích cực với các cơ quan chức năng sở tại, ngày 27.8 Đại sứ quán Việt Nam tại Philippines đã hoàn tất các thủ tục và sẽ đưa 12 ngư dân của tàu cá QNg 95997 do ông Tiêu Minh Sơn làm thuyền trưởng về nước. Dự kiến các ngư dân sẽ về đến Việt Nam vào ngày 30.8.2014.
Báo chí của Philippines vừa qua cho biết không quân nước này theo dõi và phát hiện có 10 - 12 tàu hải cảnh Trung Quốc hoạt động trái phép ở Biển Đông, khu vực quần đảo Trường Sa. Xin cho biết phản ứng của Việt Nam?
Các cơ quan chức năng của Việt Nam đang xác minh thông tin nêu trên. Tuy nhiên một lần nữa chúng tôi xin khẳng định Việt Nam có chủ quyền không tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Mọi hoạt động của các bên ở hai khu vực này nếu không được sự cho phép của Việt Nam đều là bất hợp pháp và vô giá trị.
Tại Hội nghị Tư lệnh Hải quân ASEAN lần thứ 8 (27.8) đoàn Việt Nam đã đưa ra sáng kiến về tăng cường vai trò của Hải quân ASEAN sau năm 2015 nhằm đối phó với những thách thức trong tương lai. Xin cho biết những sáng kiến này là gì? Hội thảo kỹ thuật về đề xuất lập đường dây nóng ASEAN về các tranh chấp trên biển diễn ra từ ngày 26-28.8 tại Brunei nhằm thúc đẩy sáng kiến đi vào giai đoạn triển khai thực hiện. Xin cho biết các thông tin cụ thể?
Việt Nam nói riêng và ASEAN đang tích cực đóng góp vào việc triển khai cộng đồng ASEAN đến 2015. Các sáng kiến mà Việt Nam đưa ra là một trong những đóng góp cụ thể vào tiến trình này. Hiện ASEAN đang triển khai cụ thể các sáng kiến này vào thực tiễn. Việc triển khai các sáng kiến này thể hiện đóng góp cụ thể của Việt Nam cũng như nỗ lực chung của ASEAN trong việc duy trì hòa bình ổn định an ninh và an toàn hàng hải ở khu vực.
-----------------------
Việt Nam - Trung Quốc thỏa thuận kiểm soát bất đồng trên biển
Tại Đại lễ đường Nhân dân Trung Quốc chiều 27-8, ông Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Đặc phái viên của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đã có cuộc hội kiến với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình.
Tại cuộc gặp, Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh đề nghị lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước tăng cường chỉ đạo để quan hệ hai Đảng, hai nước Việt Nam - Trung Quốc sớm khôi phục và phát triển lành mạnh, ổn định trên mọi lĩnh vực. Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan hữu quan của mỗi bên nghiêm túc thực hiện “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc”.
Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định Đảng, chính phủ và nhân dân Trung Quốc hết sức coi trọng phát triển quan hệ với Việt Nam. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng nhất trí việc thực hiện tốt các nhận thức chung nhằm khôi phục và phát triển quan hệ hai Đảng, hai nước mà lãnh đạo hai bên đã thống nhất.
Sáng cùng ngày, Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh đã hội đàm với ông Lưu Vân Sơn, Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Bí thư Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc. Kết thúc hội đàm này, Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh và ông Lưu Vân Sơn nhất trí về ba nội dung quan trọng. Trong đó có nội dung: Hai bên tuân thủ các nhận thức chung quan trọng của lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước. Nghiêm túc thực hiện “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc”… kiểm soát tốt những bất đồng trên biển, không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp.
-----------------------
TPHCM: Đầu tư hơn 2.100 tỷ đồng mở rộng quốc lộ 1 qua tỉnh Ninh Thuận
Sáng 26/8, công ty Cổ phần đầu tư hạ tầng kỹ thuật TPHCM (CII) và Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) đã ký kết hợp đồng tín dụng, tài trợ vốn đầu tư xây dựng công trình mở rộng quốc lộ 1, đoạn qua tỉnh Ninh Thuận theo hình thức hợp đồng BOT.
Dự án xây dựng mở rộng quốc lộ 1, đoạn qua tỉnh Ninh Thuận đã được Bộ Giao thông vận tải giao cho CII triển khai thực hiện đầu tư, với chiều dài 37km, mặt cắt ngang rộng 20,5m. Trong đó, đầu tư cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới khoảng 35 cầu nhỏ.
Tổng mức đầu tư của dự án là 2.110 tỷ đồng. Dự kiến dự án sẽ hoàn thành sau 17 tháng thi công, thời gian thu vốn hoàn vốn là 22 năm 2 tháng.
Theo hợp đồng ký kết, Vietinbank sẽ tài trợ nguồn vốn tương ứng hơn 1.688 tỷ đồng để triển khai dự án.
Cũng tại buổi lễ này, CII và Vietinbank đã ký kết hợp đồng dự án đầu tư xây dựng nhà máy nước Tân Hiệp, giai đoạn 2, với tổng số vốn vay hơn 960 tỷ đồng.
Theo quy hoạch tổng thể cấp nước của TPHCM đến năm 2025 đã được phê duyệt thì có 2 dự án được ưu tiên gồm: dự án xây dựng nhà máy nước Thủ Đức 3 và nhà máy nước Tân Hiệp, với công suất mỗi nhà máy đạt 300.000m3/ngày.
-----------------------
Ra mắt Cục Cảnh sát PCCC trực thuộc Bộ Công an
Sáng ngày 26/8, tại Hà Nội, Bộ Công an đã tổ chức lễ ra mắt Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH) trực thuộc Bộ Công an.
Ngày 25/3/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an. Theo đó, Cục Cảnh sát PCCC và CNCH được nâng cấp từ Cục trực thuộc Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội lên trực thuộc trực tiếp Bộ Công an.
Trước tình hình kinh tế - xã hội ngày càng phát triển, nguy cơ cháy nổ ngày càng tăng, yêu cầu đối với công tác PCCC và CNCH ngày càng cao. Thời gian qua, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH không ngừng lớn mạnh, đến nay cả nước đã có 13 Cảnh sát PCCC tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, 50 Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH trực thuộc Công an tỉnh. Theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, đến năm 2015, cả nước sẽ có 20 Cảnh sát PCCC tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Cục Cảnh sát PCCC và CNCH có trách nhiệm giúp Bộ trưởng Bộ Công an tham mưu với Đảng, Nhà nước các chủ trương, đường lối, chính sách về PCCC và CNCH; thực hiện chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực PCCC theo Luật PCCC; tổ chức thực hiện và chỉ đạo, hướng dẫn lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH theo đúng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và quy định của Bộ trưởng. Cục Cảnh sát PCCC và CNCH có 15 đơn vị đầu mối trực thuộc.
Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và CNCH hiện nay là Đại tá, Tiến sĩ Đoàn Việt Mạnh, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Phòng cháy, chữa cháy.
-----------------------
Gần 2.000 tỷ đồng xây quảng trường lớn nhất Việt Nam
Rộng gần 30 ha, quảng trường trung tâm và công viên bờ sông tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP HCM sẽ là không gian công cộng lớn nhất nước.
Khu trung tâm mới của TP HCM sẽ như thế nào
UBND TP HCM vừa có văn bản khẩn gửi Thường trực HĐND thành phố xin chủ trương sớm triển khai dự án xây dựng Quảng trường trung tâm và Công viên bờ sông trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm theo hình thức hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao) để hoàn thành đồng bộ cùng với 4 trục đường chính trong khu đô thị này đã được xây dựng.
Dự án có tổng diện tích khu vực quy hoạch gần 30 ha, trong đó quảng trường trung tâm rộng hơn 20 ha, còn lại là diện tích công viên bờ sông. Quy mô người sử dụng tối đa trên toàn khu vực là 430.000 người... Tổng mức đầu tư theo nghiên cứu đề xuất của tư vấn Deso Defrain Souquet Associates (Pháp) dự kiến khoảng 1.970 tỷ đồng.
Đây sẽ là trung tâm diễn ra các hoạt động giao lưu, tổ chức các lễ hội văn hóa, chính trị, đồng thời là một không gian công cộng với các hoạt động thường nhật phục vụ người dân thành phố và du khách. Nơi này cũng là nơi tập trung cao nhất các công trình kiến trúc tiêu biểu, cảnh quan cây xanh mang tính biểu trưng và là điểm nhấn của Khu Trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm.
Theo UBND thành phố, do quảng trường và công viên bờ sông có vị trí tiếp giáp trực tiếp với các tuyến đường chính của khu này nên việc sớm đầu tư dự án kết hợp với việc xây dựng hoàn thành 4 tuyến đường trong Khu đô thị Thủ Thiêm sẽ tiết kiệm về chi phí đầu tư, rút ngắn thời gian hoàn thành dự án, giảm thiểu tác động môi trường, đảm bảo hiệu quả và lợi ích cho thành phố.
Bên cạnh đó, việc xây dựng quảng trường trung tâm và công viên bờ sông thuộc Khu đô thị mới Thủ Thiêm sẽ tạo sức hấp dẫn đầu tư, làm gia tăng hiệu quả kêu gọi đầu tư các dự án trong Thủ Thiêm, đặc biệt là các dự án thuộc khu lõi trung tâm.
Vào cuối tháng 5, Thủ tướng đã đồng ý cho phép thành phố bổ sung dự án xây dựng quảng trường trung tâm và công viên bờ sông (là dự án BT bổ sung) vào Hợp đồng BT đầu tư xây dựng 4 tuyến đường chính trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm và được thực hiện đồng thời với các dự án trong khuôn khổ hợp đồng BT đã được ký kết giữa UBND thành phố và nhà đầu tư.
Trước đó, 4 tuyến đường trung tâm đã được khởi công vào giữa tháng 2 với tổng số vốn hơn 12.000 tỷ đồng (bao gồm chi phí lãi vay và dự phòng trượt giá). Nhà đầu tư cam kết hoàn thành dự án này trong vòng tối đa 36 tháng kể từ ngày khởi công.