Trong lúc uống rượu, Hùng đã dùng dao đâm vào ngực bạn nhậu khiến nạn nhân tử vong.
Tin trong nước đáng chú ý ngày 14-08-2014
- Cập nhật : 14/08/2014
Bộ Công an có Thứ trưởng mới
Thủ tướng Chính phủ vừa ký quyết định 1389/QĐ-TTg về việc bổ nhiệm Thứ trưởng Bộ Công an.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm Thiếu tướng Bùi Văn Thành (sinh năm 1958, quê quán Ninh Bình), Phó tổng cục trưởng Tổng cục hậu cần – Kỹ thuật giữ chức Thứ trưởng Bộ Công an.
Quyết định có hiệu lực thi hành từ ngày ký (13-8).
Cùng ngày 13/8/2014, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã ký Quyết định thăng quân hàm từ Thiếu tướng lên Trung tướng đối với ông Bùi Văn Thành.
Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Công an, sáng 14-8, tại Hà Nội, Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an cũng long trọng tổ chức Lễ công bố các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, của Chủ tịch nước về việc bổ nhiệm chức vụ Thứ trưởng Bộ Công an, thăng quân hàm từ Thiếu tướng lên Trung tướng CAND đối với ông Thành.
Như vậy, với việc bổ nhiệm ông Bùi Văn Thành, hiện Bộ Công an có 7 thứ trưởng.
-----------------------
Petrolimex lãi 63 đồng/lít xăng dầu
Chiều 14-8, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam Petrolimex đã công bố tình hình sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm.
Theo đó, 6 tháng qua đơn vị này đạt doanh thu 106.143 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế 856 tỉ đồng, giảm 5% so với cùng kì năm 2013, lợi nhuận sau thuế 672 tỉ đồng. Trong đó lợi nhuận kinh doanh xăng dầu đạt gần 260 tỉ đồng. Tính ra bình quân tương đương 63 đồng/lít,kg.
Theo lãnh đạo Petrolimex, 6 tháng đầu năm 2014 Liên bộ Công Thương-Tài chính đã điều hành linh hoạt, tuy nhiên phần lớn quý I, liên bộ đã không kết cấu đủ lợi nhuận định mức trong giá cơ sở, dẫn đến lãi gộp các mặt hàng đều ở mức thấp.
Bên cạnh đó việc Ngân hàng nhà nước tăng tỉ giá 1% từ 19-6-2014 khiến tập đoàn đã phát sinh lỗ chênh lệch tỉ giá 6 tháng đầu năm là 140 tỉ đồng.
-----------------------
Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ thăm Việt Nam
Nhận lời mời của Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Đoàn đại biểu cấp cao Quân đội Hoa Kỳ do Đại tướng Martin Dempsey, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ làm trưởng đoàn đã tới Hà Nội, bắt đầu chuyến thăm Việt Nam.
Sáng 14/8, Lễ đón Đại tướng Martin Dempsey và đoàn được tổ chức tại Trụ sở Bộ Quốc phòng dưới sự chủ trì của Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ và các tướng lĩnh, sỹ quan cao cấp Quân đội nhân dân Việt Nam. Ngay sau lễ đón, hai bên đã tiến hành hội đàm.
Thay mặt Lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ nhiệt liệt chào mừng Đại tướng Martin Dempsey và đoàn sang thăm Việt Nam, làm việc với Bộ Quốc phòng; cho rằng đây là chuyến thăm có ý nghĩa quan trọng của lãnh đạo Quân đội Hoa Kỳ.
Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ tin tưởng chuyến thăm sẽ tạo dấu ấn mạnh mẽ cho sự phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Quân đội và nhân dân hai nước; phù hợp với với quan hệ đối tác toàn diện đã được thiết lập giữa hai nước.
Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ nhắc lại những kỷ niệm tốt đẹp trong chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ vào tháng 6/2013; đồng thời mong muốn hai bên không ngừng đẩy mạnh quan hệ hợp tác vì hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới.
Phát biểu tại buổi hội đàm, Đại tướng Martin Dempsey bày tỏ vui mừng được sang thăm Việt Nam; cho biết đây là chuyến thăm chính thức Việt Nam đầu tiên của Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ và cũng là chuyến thăm được cá nhân ông chờ đợi từ nhiều năm nay.
Tại buổi hội đàm, hai bên cùng đánh giá kết quả hợp tác quốc phòng song phương trong thời gian qua trên cơ sở “Bản ghi nhớ về thúc đẩy hợp tác quốc phòng song phương” và thống nhất phương hướng hợp tác trong thời gian tới. Theo đó, hai bên sẽ đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực khắc phục hậu quả chiến tranh, tìm kiếm cứu nạn, cứu trợ thảm họa thiên tai, đào tạo; tăng cường chia sẻ thông tin, hợp tác thực thi pháp luật trên biển.
Theo chương trình, trong thời gian thăm và làm việc tại Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ và đoàn đại biểu cấp cao Quân đội Hoa Kỳ sẽ đến chào xã giao Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh; thăm thành phố Đà Nẵng và Dự án xử lý môi trường ô nhiễm chất dioxin và một số đơn vị trên địa bàn./.
----------------------------
Dự kiến cuối năm nay Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ thăm VN
Các hoạt động trao đổi đoàn giữa Việt Nam và Mỹ sẽ tiếp tục được tăng cường trong thời gian tới.
Tại cuộc họp báo thường kỳ chiều 14-8, trả lời câu hỏi của phóng viên về hợp tác quốc phòng giữa Việt Nam và Mỹ qua việc Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ Martin Dempsey đang có chuyến thăm Việt Nam cũng như theo dự kiến vào cuối năm nay, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cũng sẽ thăm Việt Nam, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình cho biết:
Các hoạt động trao đổi đoàn cũng như nhiều hoạt động khác là những bước đi cụ thể nhằm thúc đẩy và triển khai Quan hệ đối tác toàn diện giữa Việt Nam và Mỹ được xác lập vào tháng 7/2013.
Ông Lê Hải Bình cũng cho biết, trong thời gian tới, các hoạt động trao đổi đoàn giữa Việt Nam và Mỹ sẽ tiếp tục được tăng cường, qua đó đóng góp tích cực vào việc thúc đẩy mối Quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước.
Cũng tại cuộc họp báo này, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc mới đây Reuters dẫn lời một quan chức ngoại giao Mỹ cho biết, Mỹ sẽ theo dõi tình hình Biển Đông để giúp hạ nhiệt căng thẳng, ông Lê Hải Bình cho biết:
Việt Nam hoan nghênh mọi sự đóng góp tích cực và có tính xây dựng của các quốc gia trong và ngoài khu vực trong việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông.
Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 47 (AMM-47) và các hội nghị liên quan diễn ra mới đây tại Myanmar, các Bộ trưởng đã đặc biệt quan tâm và bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình căng thẳng ở Biển Đông; nhấn mạnh yêu cầu không để tái diễn những sự kiện tương tự.
Các Hội nghị cũng đã nhấn mạnh vào việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải ở Biển Đông, cũng như yêu cầu các bên liên quan cần phải tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982; giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không làm phức tạp thêm tình hình; thực hiện kiềm chế, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực; đồng thời thực thi đầy đủ Tuyên bố Ứng xử của cac bên ở Biển Đông (DOC). Đặc biệt, cần đẩy mạnh thương lượng thực chất để sớm tiến tới Bộ Quy tắc về ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC).
Ông Lê Hải Bình cũng cho biết, ASEAN và các đối tác của mình sẽ tích cực triển khai các kết quả đạt được trong các Hội nghị vừa qua.
-----------------------------
Từ 2015: Công chức, viên chức cũng phải đi nghĩa vụ quân sự
Đó là ý kiến được Đại tướng Phùng Quang Thanh – Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nêu ra trong phiên thảo luận của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (ngày 14- 8) về dự thảo Luật nghĩa vụ quân sự sửa đổi.
Công chức, viên chức cũng phải đi NVQS
Theo ông Thanh, quy định hiện nay chỉ miễn thực hiện nghĩa vụ quân sự tại ngũ đối với một số đối tượng như cán bộ, công chức, viên chức, thanh niên xung phong đã làm việc tại vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn từ 24 tháng trở lên. Những người đang làm công chức, viên chức còn lại không được miễn.
Tuy nhiên, thực tế theo ông Thanh, đi nghĩa vụ quân sự có tới 90% là con em nông dân, còn các cán bộ, công chức, viên chức đang làm trong đội ngũ chính trị, xã hội gần như không tuyển. “Tới đây chúng ta sẽ phải xem lại vấn đề này để đảm bảo sự công bằng. Và từ năm 2015 trở đi chúng ta sẽ tập trung gọi đối tượng này đi nghĩa vụ quân sự” – ông Thanh nhấn mạnh.
Cũng theo ông Thanh, Luật Nghĩa vụ quân sự hiện hành quy định đối tượng tạm hoãn gọi nhập ngũ đối với học sinh, sinh viên đang học tập tại trường trung học phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học trong thời bình là quá rộng, gây khó khăn trong quá trình xét duyệt gọi công dân nhập ngũ đã được giải trình như trên. Vì thế, dự thảo Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi) chỉ quy định tạm hoãn gọi nhập ngũ đối với học sinh đang học phổ thông, sinh viên đang học chương trình đào tạo đại học hệ chính quy trong hệ thống giáo dục quốc dân. Những trường hợp không thuộc đối tượng trên sẽ được gọi nhập ngũ và bảo lưu kết quả để sau khi hoàn thành nghĩa vụ phục vụ tại ngũ sẽ được các nhà trường thuộc các cơ sở giáo dục tiếp nhận lại để tiếp tục học tập.
Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đề nghị cần bình đẳng trong việc thực hiện nghĩa vụ quân sự: “Ngày trước thỉnh thoảng tôi còn thấy gọi công chức, viên chức đi nghĩa vụ quân sự, nhưng bây giờ thì lại không thấy còn nữa. Như thế là không bình đẳng. Ngay những người làm trong Văn phòng Quốc hội nếu đang ở độ tuổi cũng phải đi nghĩa vụ quân sự ” – bà Ngân nêu ý kiến.
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng lưu ý, không nên miễn, chỉ miễn khi không đủ sức khỏe. “Công an cũng phải làm nghĩa vụ quân sự, làm nghĩa vụ quân sự xong rồi về làm công an. Các đồng chí mà nói đến câu chuyện miễn, miễn nghĩa vụ quân sự là không được” – ông Hùng nhấn mạnh.
Việc có quy định nghĩa vụ thay thế nghĩa vụ quân sự vào dự thảo Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi) để bảo đảm công bằng đối với công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự là nội dung cũng gây ra nhiều ý kiến khác nhau. Tuy nhiên Chính phủ cho rằng, thực hiện nghĩa vụ quân sự là nghĩa vụ vẻ vang của công dân phục vụ trong Quân đội nhân dân Việt Nam.
Thực hiện nghĩa vụ quân sự bao gồm phục vụ tại ngũ và phục vụ trong ngạch dự bị từ đủ 18 tuổi đến hết tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự theo quy định của pháp luật. Nếu quy định nghĩa vụ thay thế nghĩa vụ quân sự sẽ làm mất ý nghĩa thiêng liêng về nghĩa vụ quân sự là nghĩa vụ vẻ vang của công dân đã thấm sâu vào tiềm thức của Nhân dân và cả dân tộc Việt Nam. Do đó, Chính phủ đề nghị không quy định nghĩa vụ thay thế nghĩa vụ quân sự vào dự thảo Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi).
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu và nhiều đại biểu khác đề nghị cần có nhiều hình thức để công dân được thực hiện nghĩa vụ quân sự, chứ không nhất thiết cứ phải vào quân đội.
-----------------------
EU tăng tài trợ ODA cho Việt Nam thêm 30%
Chiều 12-8, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp bà Catherine Ashton, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) về chính sách đối ngoại và an ninh.
Tại buổi tiếp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng chuyến thăm Việt Nam của bà Catherine Ashton lần này và của Chủ tịch EC Manuel Barroso sắp tới sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy quan hệ song phương.Trên tinh thần này, Thủ tướng đề nghị EU sớm phê chuẩn Hiệp định khung Đối tác và Hợp tác toàn diện (PCA) Việt Nam-EU; ủng hộ sớm kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) Việt Nam-EU.
Bà Catherine Ashton cho biết chuyến thăm của bà tới Việt Nam và chuyến thăm sắp tới của Chủ tịch EC Manuel Barroso thể hiện mong muốn của EU trong việc thắt chặt hơn nữa quan hệ với Việt Nam. Bà chính thức thông báo EU đã quyết định tăng tài trợ ODA thêm 30% so với giai đoạn trước cho Việt Nam trong năm năm tới. Theo bà, quyết định này trong bối cảnh EU đang gặp khó khăn đã chứng minh niềm tự hào của EU trong quá trình hợp tác với Việt Nam cũng như mong muốn đồng hành với Việt Nam trên con đường phát triển.
Bà Catherine Ashton cho rằng EU đang nỗ lực và mong muốn thúc đẩy trong thời gian sớm nhất có thể để phê chuẩn PCA cũng như kết thúc đàm phán FTA với Việt Nam. Bà cho biết hai bên sẽ tích cực làm việc nhằm đảm bảo Việt Nam đáp ứng đầy đủ các tiêu chí để EU sớm trao quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam.
---------------------------
Tàu ngầm Kilo thứ ba sẽ về Việt Nam vào cuối năm
Truyền thông Nga đưa tin, tàu ngầm thứ ba trong số 6 tàu ngầm Việt Nam mua của Nga trong Đề án 636 sẽ về căn cứ Cam Ranh, Việt Nam vào cuối năm nay 2014.
Chiếc tàu ngầm động cơ diesel - điện thứ ba của đề án 636 đóng tại “Nhà máy đóng tàu Admiralty” ở Saint Petersburg cho Hải quân Việt Nam sẽ được đưa đến căn cứ ở Cam Ranh vào cuối năm 2014.
“Ở thời điểm hiện tại, trên chiếc thứ ba của lô hàng xuất khẩu đang tiến hành hoàn thiện chương trình thực hành trên biển của thủy thủ đoàn bên đặt hàng. Đó đã là giai đoạn đào tạo trên biển thứ hai. Giai đoạn đầu đã diễn ra thành công từ ngày 1 đến 20/7 trong khu vực đảo Hogland. Trong giai đoạn đầu, tàu đã ở dưới lòng nước 57 giờ”, hãng thông tấn Nga dẫn lời nguồn tin cho hay.
Cũng theo nguồn tin này, vào 20/8, tàu sẽ quay trở lại nhà máy và 10 ngày sau tàu lại ra biển một lần nữa. “Tàu sẽ được chuyển giao cho khách hàng vào tháng 11”,- ông cho biết.
Chiếc thứ tư của lô hàng này gần đây vừa bắt đầu các cuộc thử nghiệm trên biển cấp nhà máy.
Theo kế hoạch, thân của chiếc tàu thứ năm và thứ sáu đang được xây dựng. “Việc hạ thủy chiếc thứ sáu của lô hàng này được lên kế hoạch thực hiện vào tháng 9 năm sau”, nguồn tin cho biết.
Trước đó, Nga đã bàn giao cho Việt Nam hai chiếc tàu ngầm trong Đề án 636. Tàu ngầm đầu tiên Hà Nội đã được đưa tới Cam Ranh vào tháng 1 đầu năm nay, trong khi tàu ngầm TP Hồ Chí Minh được bàn giao và đưa về Việt Nam vào tháng 3.