Một tay súng không rõ danh tính hôm qua 17/3 đã bắn chết luật sư Samiullah Afridi tại thành phố Peshawar, tây bắc Pakistan. Ông Samiullah từng bị đe dọa nhiều lần sau khi nhận bào chữa cho bác sỹ từng giúp CIA tiêu diệt trùm khủng bố Osama Bin Laden.
Luật sư Samiullah Afridi hôm qua 17/3 đang trên đường về nhà thì bị một kẻ không rõ danh tính nã súng vào xe ô tô. Ông Samiullah sau đó đã trúng đạn và tử vong. Cho đến nay, ít nhất hai nhóm phiến quân tách ra từ Taliban đã lên tiếng nhận trách nhiệm về vụ tấn công.
Theo BBC, năm 2013, ông Samiullah đã phải rời khỏi Pakistan đến Trung Đông trong vài tháng sau khi bị các nhóm phiến quân liên tục đe dọa vì nhận bào chữa cho bác sỹ giúp tiêu diệt Bin Laden.
Luật sư Samiullah cho hay: “Tôi nhận vụ án này trên cơ sở nhân đạo, nhưng hiện giờ tôi phải lo lắng cho một điều quan trọng hơn, đó là tính mạng của mình”.
Sau khi trở về quê hương hồi năm ngoái, luật sư Samiullah cho hay ông đã ngừng bào chữa cho vụ việc của vị bác sỹ này.
Bác sỹ Shakil Afridi (người không có quan hệ gì với luật sư Samiullah Afridi dù cùng họ) hiện đang nộp đơn kháng án 33 năm tù giam vì đã đồng lõa với nhóm phiến quân Lashkar-e-Islam gây ra tội ác tại khu vực bộ lạc bản xứ Khyber của ông.
Tuy nhiên, nhiều người nhận định bản án này nhằm trừng phạt bác sỹ Shakil vì đã giúp CIA tìm kiếm trùm khủng bố Bin Laden.
Ông Shakil đã giúp dàn dựng một chương trình tiêm vắc xin giả hiệu nhằm thu thập các mẫu ADN của dân cư nơi sau đó CIA đã tìm thấy và tiêu diệt Bin Laden.
Vụ việc này đã làm rạn nứt mối quan hệ giữa Mỹ và Pakistan, bởi lực lượng tình báo Mỹ đã tiến hành đột kích vào khu dân cư mà không có sự cho phép của Islamabad.
Trung Quốc và Nhật Bản lại xảy ra tranh cãi về chủ quyền đối với quần đảo Senkaku/Điều Ngư sau khi Nhật Bản công bố bằng chứng mới cho thấy quần đảo thuộc chủ quyền nước này...
Tờ Thời báo Nhật Bản ngày 17-3 cho biết, Bộ Ngoại giao Nhật Bản vừa công bố trên trang web của mình một bản đồ trong tập bản đồ xuất bản năm 1969 của Chính phủ Trung Quốc, trong đó sử dụng tiếng Nhật để nhắc tới quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông, thay vì tên tiếng Trung.
Bộ Ngoại giao Nhật Bản tuyên bố, bản đồ (do Cục Khảo sát và Bản đồ quốc gia Trung Quốc xuất bản) là một bằng chứng mới cho thấy, quần đảo nằm tại tỉnh Okinawa là lãnh thổ không thể tách rời của Nhật Bản. Bản đồ của Trung Quốc đã sử dụng tên tiếng Nhật “Senkaku” cho quần đảo này, thay vì tên “Điếu Ngư” mà Bắc Kinh hiện đang sử dụng. Tên của hòn đảo Uotsuri, nằm ở cực tây của quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, cũng được viết bằng tiếng Nhật.
Ngoại trưởng Nhật Bản, ông Fumio Kishida đánh giá, tấm bản đồ trên rất có giá trị và cho biết, Bộ Ngoại giao Nhật Bản đã cân nhắc việc công khai nó.
Trong khi đó, một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Nhật Bản tuyên bố: “Trung Quốc đã thay đổi tên gọi kể từ khi bắt đầu tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo. Bản đồ này chứng tỏ Trung Quốc đã xem quần đảo thuộc chủ quyền của Nhật Bản và đây sẽ là bằng chứng cho các tuyên bố chủ quyền của Tokio”.
Chính phủ Trung Quốc bắt đầu tuyên bố chủ quyền đối với Senkaku/Điếu Ngư vào những năm 70 của thế kỷ trước, sau khi một báo cáo chỉ ra rằng các khu vực gần quần đảo này có thể có nhiều dầu mỏ và các tài nguyên thiên nhiên khác. Cũng kể từ khi đó, Bắc Kinh bắt đầu gọi quần đảo bằng tên Điếu Ngư.
Sự tồn tại của bản đồ trên đã được một nghị sĩ đảng Dân chủ tự do Nhật Bản tiết lộ hồi tháng trước trong cuộc họp của một ủy ban hạ viện, nhưng gần đây Bộ Ngoại giao Nhật Bản mới quyết định công bố sự tồn tại của tấm bản đồ.
Theo hãng tin Kyodo, ngày 17-3, phản ứng về thông tin trên, Trung Quốc đã bác bỏ tấm bản đồ vừa được Bộ Ngoại giao Nhật Bản công bố. Phát biểu tại một cuộc họp báo, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cho biết, mặc dù ông chưa nhìn thấy tấm bản đồ này song nhấn mạnh tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo đó “không thể bị phủ nhận bởi một hoặc hai người dựa trên một vài tấm bản đồ”. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố: “Nếu cần, tôi có thể cho các bạn xem hàng trăm, thậm chí hàng nghìn tấm bản đồ trong đó đánh dấu rõ ràng quần đảo Điếu Ngư thuộc về Trung Quốc”.
Quan hệ giữa hai nước láng giềng Trung Quốc và Nhật Bản, vốn bị ảnh hưởng bởi các vấn đề lịch sử, đã suy giảm nghiêm trọng vài năm qua do cuộc tranh chấp liên quan tới quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông. Căng thẳng giữa 2 nước liên quan tới quần đảo tranh chấp này đã gia tăng kể từ tháng 9-2012 sau khi Nhật Bản công bố kế hoạch quốc hữu hóa một số đảo thuộc quần đảo này. Đến cuối năm 2013, Trung Quốc đã đơn phương lập vùng nhận dạng phòng không ở Hoa Đông, bao trùm vùng quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
--------------------
Quan hệ Nga - NATO: Nguy cơ đối kháng lâu dài
80 vụ phóng tên lửa, 30 đợt cất cánh của các máy bay tiêm kích, khoảng 800 lần bắn đạn pháo... nằm trong kế hoạch tập trận của hơn 45.000 binh sĩ kéo dài từ ngày 16-3 đến ngày 10-4 trên toàn lãnh thổ, được đánh giá là một trong những đợt phô diễn quân sự lớn nhất của Nga kể từ sau Chiến tranh lạnh.
Trong khi đó, cách đây ít ngày, Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg nhấn mạnh, năm 2015, khối quân sự này sẽ tăng cường các cuộc tập trận với cường độ và quy mô lớn nhất kể từ sau cuộc chiến không tiếng súng này, cũng như đẩy nhanh quá trình thành lập lực lượng phản ứng nhanh (VJTF) gồm 5.000 người triển khai ở các nước đồng minh phía đông, trong đó có Ba Lan và các nước Baltic. Những cuộc điều động lực lượng quân sự liên tiếp được cả Nga và phương Tây thực hiện từ đầu năm tới nay khiến giới quan sát không khỏi lo ngại về việc mở ra một thời kỳ đầy nguy hiểm. Đó là một giai đoạn đối kháng lâu dài với quá trình hàn gắn mâu thuẫn trở nên xa vời giữa hai bên.
Có thể nói rằng, khủng hoảng tại Ukraine bắt đầu từ cuộc cách mạng có tên gọi Maidan, dẫn tới việc lật đổ Tổng thống thân Nga Viktor Yanukovich kéo theo sự can dự của nhiều quốc gia đã khiến cấu trúc an ninh, quân sự tại Châu Âu thay đổi đáng kể. Để giữ thế thượng phong trên bàn cờ địa chính trị, các nước lớn trong đó có Nga, Đức, Mỹ và cả NATO bắt buộc phải thay đổi chiến lược quốc phòng, an ninh nhằm tăng cường sức mạnh phòng thủ. Điều này có nguy cơ đẩy Cựu lục địa vào cuộc chạy đua vũ trang mới với những diễn biến khó lường, nhất là khi Hiệp định về lực lượng thông thường ở Châu Âu (CFE) đang đứng trước bờ vực đổ vỡ.
Trên thực tế, CFE được các thành viên NATO và thành viên của khối Hiệp ước Warzsawa trước đây gồm Nga, Ukraine, Kazakhstan và Belarus ký kết khi Chiến tranh lạnh kết thúc năm 1990. Hiệp định này đã được điều chỉnh một lần vào năm 1999 với nội dung nhằm hạn chế số lượng xe tăng, pháo hạng nặng, máy bay chiến đấu và trực thăng tấn công triển khai và tập hợp tại khu vực giữa Đại Tây Dương và dãy núi Ural của Nga.
Vì thế không phải ngẫu nhiên từ nhiều năm nay, CFE được coi là "hòn đá tảng" của an ninh Châu Âu. Tuy nhiên, kể từ khi Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ George Bush triển khai dự án xây dựng Hệ thống phòng thủ chống tên lửa (NMD) vào năm 2002 và NATO thực hiện chiến dịch Đông tiến ồ ạt bằng việc kết nạp 7 thành viên Đông Âu năm 2004, quan hệ Nga và phương Tây ngày càng trở nên căng thẳng.
Nói một cách khác, điện Kremlin và phương Tây đã không thành công trong việc thiết lập được cơ chế đối thoại trên cơ sở tin tưởng lẫn nhau. Kết quả là, "thời kỳ lãng mạn" trong quan hệ giữa hai bên nhanh chóng kết thúc và thay thế bằng một cuộc đối đầu ngày càng gay gắt mà đỉnh cao là những gì đang diễn ra ở Ukraine.
Tuyên bố rút khỏi CFE cách đây ít ngày của Nga đồng nghĩa với việc thời gian tới, số lượng vũ khí hạng nặng có khả năng nhanh chóng được lấp đầy ở khu vực quy định trong hiệp ước - điều mà dư luận bấy lâu nay vẫn lo ngại khi nhắc tới sự sống lại của bóng ma Chiến tranh lạnh. Cuộc chiến lần này có thể khốc liệt hơn nhiều so với cuộc chiến trước vì tâm điểm của nó đã lan tới Ukraine, sát biên giới với Nga.
Nhìn lại quá khứ, sau khi bức tường Berlin sụp đổ, NATO và xứ Bạch dương đã nỗ lực xây dựng mối quan hệ đối tác mới, thay thế cho sự đối đầu. Trong suốt hơn 25 năm qua, mối quan hệ này dù trải qua nhiều thử thách, nhưng vẫn được duy trì với một phương thức hợp tác đặc biệt. Bất kể là rạn nứt sau khủng hoảng tại Kosovo, chiến tranh Iraq hay vấn đề Gruzia, quan hệ Nga và phương Tây luôn sẵn sàng được điều chỉnh để tái lập trạng thái cộng sinh, dù không vững chắc và ổn định.
Trong bối cảnh thế giới hiện nay đang phải đối mặt với nhiều thách thức từ sự lớn dậy của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan và những bất ổn ở khu vực Trung Đông cùng với những nguy cơ đe dọa cuộc sống loài người như an ninh lương thực, biến đổi khí hậu thì một cuộc chiến giữa các cường quốc sẽ phá vỡ hình thái quan hệ từng được thiết lập giữa nhiều quốc gia từ năm 1989. Rõ ràng, điều đó khiến trật tự toàn cầu đứng trước những thay đổi không mong muốn.