Theo chuyên gia phân tích, Trung Quốc đang dùng phép thử khi tăng cường thiết bị quân sự lên vùng biên giới giữa Myanmar và Trung Quốc.
Trung Quốc dùng phép thử
Liên quan đến tình hình căng thẳng giữa biên giới Myanmar và Trung Quốc, chiều ngày 19/3, chia sẻ với báo Đất Việt, Thiếu tướng Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược (Bộ Công an) cho biết:
"Thứ nhất, về khách quan mà nói, chúng ta chưa rõ việc ném bom này là có thật hay không có thật. Thứ hai, giả sử có chuyện bom của Myanmar rơi vào lãnh thổ Trung Quốc thì tôi cho rằng đây chỉ là bom rơi đạn lạc thôi chứ Myanmar không bao giờ có ý đồ khiêu chiến hay một ý đồ khác gì với Trung Quốc.
Điều thứ ba, tôi cho rằng quan hệ giữa Trung Quốc và Myanmar có đụng chạm chút ít nhưng không thể vì vụ này dẫn tới đổ vỡ mối quan hệ.
Chỉ có điều, theo tôi, qua vụ việc này, chính quyền ông Thein Sein phải cân nhắc tới việc điều chỉnh chính sách với phương Tây và Trung Quốc".
Ông Cương phân tích: "Dứt khoát chính quyền ông Thein Sein cần phải mở cửa ra với phương Tây nhưng cũng đồng thời phải giữ quan hệ với Trung Quốc. Chính quyền Myanmar không thể tách khỏi Trung Quốc.
Trơng 30-40 năm nay, Trung Quốc đã đầu tư rất lớn vào Myanmar cả về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng.... Bất cứ người nào nắm quyền lực ở Myanmar cũng không thể ngả theo phương Tây được ít ra trong 20-30 năm tới đây."
Nói về mục tiêu trong cách hành xử củaTrung Quốc, Thiếu tướng Lê Văn Cương cho rằng: "Đây không phải lần đầu xảy ra chuyện bom rơi đạn lạc nằm ngoài mục đích, ý đồ của Myanmar nhưng cũng đúng là lần này Trung Quốc làm lớn chuyện hơn.
Họ làm lớn chuyện như vậy là phục vụ chính sách đối ngoại của họ hay còn gọi là phép thử. Nó giống như một con bài của Trung Quốc, chỉ đưa ra có ý nhắc nhở mà thôi. Đây là lời nhắc nhở gián tiếp, một thông điệp ngầm."
Ý đồ của Trung Quốc gặp trục trặc
Trong khi đó, cũng liên quan đến căng thẳng biên giới Myanmar-Trung Quốc, chia sẻ với báo Đất Việt ngày 17/3, nhà nghiên cứu Dương Danh Dy, cựu Tổng lãnh sự Việt Nam tại Quảng Châu, Trung Quốc cho hay: "Trung Quốc rất lo ngại nếu tình hình căng thẳng ở biển Đông xảy ra thì đường ống dẫn dầu của họ từ Trung Đông về Trung Quốc bị cản trở.
Chính vì thế, trong những năm gần đây, Trung Quốc đầu tư vào Myanmar khá nhiều về chính trị, văn hóa để xây dựng đường ống dẫn dầu từ Trung Đông về Trung Quốc.
Trong khi hiện tại mối quan hệ giữa hai nước không được tốt lành như xưa nên ý đồ của Trung Quốc về xây đường ống dẫn dầu gặp trục trặc. Có thể nói, ý đồ của Trung Quốc sẽ khó khăn và khó thực hiện hơn".
Nói về việc Trung Quốc liên tiếp điều thiết bị quân sự đến khu vực biên giới giữa hai nước Myanmar và Trung Quốc sau vụ ném bom nhầm của Myanmar vào lãnh thổ Trung Quốc (theo cáo buộc của Bắc Kinh) làm 4 thường dân thiệt mạng và 9 người khác bị thương, ông Dy nói:
"Khi người dân của họ thiệt mạng, là một nước lớn thì họ phải có phản ứng. Đây là phản ứng hết sức bình thường. Tóm lại, giữa hai bên không ổn thỏa thì một trong những ý đồ của Trung Quốc đều không thuận lợi".
Cũng theo ông Dy: "Căng thẳng biên giới giữa Myanmar-Trung Quốc không ảnh hưởng đến an ninh khu vực vì Myanmar là một lục địa xa xôi. Hơn nữa, trong căng thẳng này, Trung Quốc là nước không hề muốn xung đột xảy ra".
------------------------
Libya cảnh báo nguy cơ các tay súng IS tràn sang châu Âu
Tư lệnh quân đội Libya ngày 19/3 cảnh báo châu Âu sẽ phải đối diện với nguy cơ tấn công khủng bố từ các phần tử thuộc nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) trong thời gian tới.
Tư lệnh quân đội Libya, Tướng Khalifar Hifter, đã đưa ra lời cảnh báo nêu trên trong một cuộc phỏng vấn ngày 19/3. Ông cũng cho rằng để chặn đứng hiểm họa IS quân đội Libya rất cần sự hỗ trợ vũ khí và đạn dược từ phương Tây.
“Quân đội Libya sẵn sàng chiến đấu chống lại IS song rất cần sự hỗ trợ của phương Tây. Các phần tử IS tràn sang châu Âu nếu phương Tây không hỗ trợ Libya kịp thời, đặc biệt là trong lĩnh vực quân sự. Theo đó, các tay súng IS sẽ trà trộn vào dòng người nhập cư trái phép tới châu Âu, từ đó các quốc gia này sẽ đối diện với nguy cơ bị tấn công khủng bố”, Tướng Hifter nhận định.
Hiện quân số của IS tại Libya đã được tăng lên khoảng 7.000 tới 7.500 tay súng. Tướng Hifter cho biết IS đang đẩy mạnh chiến dịch tuyển mộ quân từ các nước châu Phi, Arập và Trung Đông, rồi đưa tới huấn luyện ở Syria. Ông cũng cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar hỗ trợ giúp IS đưa các tay súng tới Libya. Tuy nhiên, đây là cáo buộc mà cả Ankara lẫn Doha đều bác bỏ.
Những tuyên bố nêu trên của Tướng Hifter được đưa ra trong thời điểm IS đang nắm quyền kiểm soát ở ít nhất hai thành phố duyên hải của Libya, nơi có thể đưa người nhập cư trái phép vào châu Âu bằng đường thủy.
Ngoài ra, IS cũng đang tăng cường sự hiện diện tại nhiều thành phố khác của Libya nhân lúc tình hình chính trị ở quốc gia Bắc Phi này vẫn chưa ổn định sau khi nhà lãnh đạo Muammar al-Gaddafi bị lật đổ.
-------------------------
Chiến thắng của ông Netanyahu khiến thế giới lo ngại
Việc tái cử hôm 19/3 của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đang không những khiến các nước Trung Đông lo lắng mà bản thân các đồng minh phương Tây của Israel cũng thấy “chán ngán”.
Theo kết quả gần như chính thức được công bố hôm 19/3, đảng bảo thủ Likud của ông Netanyahu giành được 30 ghế, Liên minh Phục quốc Do thái đối lập được 24 ghế, trong khi đó các đảng của người Arập về thứ ba với 13 ghế. Theo các nhà phân tích, thủ đoạn tung ra các quan điểm cực đoan gây không khí kích động trong ngày chót cuộc tranh cử của ông Benjamin Netanyahu rõ ràng đã mang lại cho đảng Likud một chiến thắng hết sức bất ngờ, vượt quá mọi dự đoán.
Tuy nhiên, chiến thắng trên của ông Netanyahu lập tức đã có vị đắng. Nhà Trắng đã chào mừng chiến thắng của Thủ tướng Netanyahu bằng thông lệ ngoại giao chứ không hề xứng với quan hệ đồng minh. Phát ngôn viên Nhà Trắng Josh Earnest tuyên bố: “Tổng thống tiếp tục cho rằng một giải pháp hai nhà nước (Israel và Palestine) là cách tốt nhất để trả lời cho các căng thẳng hiện nay”. Người phát ngôn hành pháp Mỹ cũng cho hay Tổng thống Barack Obama không gọi điện tới Benjamin Netanyahu, nhưng Ngoại trưởng John Kerry đã làm việc này. Theo lời ông Earnest, Mỹ sẽ “đánh giá lại cách tiếp cận” sau khi ông Netanyahu đưa ra những bình luận bác bỏ khả năng thành lập một nhà nước Palestine vào phút cuối trong chiến dịch tranh cử.
Bên cạnh lập trường cực đoan của Thủ tướng Israel về Nhà nước Palestine, Phủ Tổng thống Mỹ còn hết sức quan ngại trước những lời lẽ kỳ thị nhắm vào các cử tri Israel người Arập, những phát biểu “gây chia rẽ” và “nhằm gạt ra bên lề các công dân Israel người Arập”. Cụ thể là, vào đúng ngày bầu cử, Thủ tướng Israel đã đưa lên Facebook một đoạn video với lời báo động: “Chính quyền cánh hữu đang gặp nguy hiểm. Các cử tri Arập sẽ đổ dồn tới các phòng phiếu”. Người phát ngôn của Tổng thống Mỹ nhấn mạnh, các phát biểu như vậy “làm suy yếu các giá trị và các lý tưởng dân chủ, một phần quan trọng của những gì gắn bó Mỹ với Israel”.
Cũng như Mỹ, Liên minh châu Âu chúc mừng Thủ tướng Israel tái đắc cử, nhưng nhấn mạnh đến việc cần phải tái khởi động tiến trình hòa bình với Palestine. Ngoại trưởng Pháp kêu gọi tân chính phủ Israel hành động có trách nhiệm và tái khẳng định sự ủng hộ của Paris đối với giải pháp một Nhà nước Palestine. Người phát ngôn của Thủ tướng Anh David Cameron cũng nhấn mạnh hy vọng hòa bình tại Trung Đông với giải pháp hai nhà nước.
Đại diện ngoại giao EU, Federica Mogherini, đã chúc mừng chiến thắng của ông Netanyahu và kêu gọi tái khởi động lại tiến trình hòa bình Israel-Palestine. Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas nói ông sẽ làm việc với bất kỳ chính phủ Israel nào chấp nhận giải pháp hai nhà nước mà theo ông nếu không chấp nhận điều này thì các cuộc đàm phán hòa bình sẽ “không có cơ hội nào”.
LHQ cũng ra thông báo nhấn mạnh luôn tin tưởng tiến trình hòa đàm Israel-Palestine là biện pháp "tốt nhất và duy nhất" đối với Tel Avip để có thể duy trì một quốc gia dân chủ.
Các nhà quan sát cho rằng nếu ông Netanyahu thực sự duy trì ý định chống có giải pháp có hai quốc gia cho cuộc tranh chấp từ lâu nay ở Trung Đông, điều này có thể buộc tổng thống sắp tới của Mỹ, cho dù ở đảng nào, cũng phải có chọn lựa giữa vị thủ tướng Israel và chính sách của Mỹ về Trung Đông đã có từ nhiều năm nay và được sự ủng hộ của cả hai đảng tại quốc hội.
Điều này cũng sẽ tạo khó khăn hơn cho Washington khi vẫn ngăn cản các nhà lãnh đạo Palestine đưa vấn đề ra trước LHQ cũng như các tổ chức quốc tế khác. Mỹ, các nước châu Âu và LHQ đều đồng ý cho người Palestine thành lập một quốc gia độc lập thay vì chế độ bán tự trị dưới sự kiểm soát của Israel. Tuy nhiên, Mỹ chủ trương theo một đường lối hòa hoãn, muốn có sự thỏa hiệp từng bước giữa Palestine và Israel, không tán thành để Palestine tự ý định đoạt... Các giới chức Mỹ cao cấp nói rằng mặc dù Chính quyền Obama hãy còn cân nhắc các giải pháp, nhưng theo họ Mỹ có thể giảm bớt sự kiên quyết chống đối việc người Palestine tự tìm con đường lập quốc qua Hội đồng bảo an LHQ.
Các chuyên gia cảnh báo rằng phương Tây rồi đây sẽ không có lựa chọn nào khác là buộc phải làm việc với tân chính phủ tương lai của Thủ tướng Netanyahu, với lập trường hết sức cứng rắn. Như vậy, hoặc Mỹ và châu Âu sẽ can dự vào Trung Đông với một kế hoạch, một quyết tâm, bằng không họ sẽ chứng kiến một cuộc chiến mới tại Dải Gaza.
-------------------------
Nhật Bản xét xử thuyền trưởng Trung Quốc khai thác trái phép san hô
Ngày 19/3, truyền thông Nhật Bản đưa tin tòa án ở thành phố Yokohama đã mở phiên tòa xét xử bị cáo Xiehua Wen với cáo buộc vi phạm luật pháp Nhật Bản.
Sau khi xét xử, cơ quan kiểm sát Nhật Bản đã đề nghị mức phạt 18 tháng tù giàm và phạt tiền 4 triệu yen, tương đương 210.000 Nhân dân tệ, với bị cáo Xiehua Wen.
Dự kiến, phiên tòa sẽ kéo dài tới ngày 9/4 trước khi ra phán quyết cuối cùng.
Hồi tháng Giêng vừa qua, Xiehua Wen đã thừa nhận tội trạng trên trong phiên tòa đầu tiên. Lý do mà Wen đưa ra khi khai thác trái phép san hô trong vùng biển gần đảo Yomeshima thuộc quần đảo Ogasawara của Nhật bản là để kiếm lời.
Trong thời gian qua, lực lượng tuần duyên Nhật Bản cho biết đã phát hiện hàng trăm vụ tàu cá Trung Quốc tiến vào lãnh hải của nước này xung quanh quần đảo Ogasawara. Để ngăn chặn tình trạng đánh bắt trộm san hô, lực lượng tuần duyên Nhật Bản đang tăng cường giám sát các tàu cá Trung Quốc.
Quần đảo Ogasawara nằm cách Tokyo chừng 1.000 km về phía nam bao gồm khoảng 30 hòn đảo và được biết đến với nguồn san hô phong phú.
----------------------