Washington đã kêu gọi đồng minh suy nghĩ thật kỹ trước khi gia nhập ngân hàng do Trung Quốc dẫn đầu, sau khi Pháp, Đức và Ý ngày 17/3 tuyên bố muốn trở thành các thành viên sáng lập của Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB).
Theo Guardian, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius và Bộ trưởng Tài chính nước này Michel Sapin hôm qua 17/3 đã thông báo Pháp quyết định tham gia vào ngân hàng AIIB. Cùng ngày, Đức và Ý cũng tuyên bố tham gia ngân hàng do Bắc Kinh đứng ra thành lập này.
Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schaeuble hôm qua tuyên bố trong chuyến thăm Bắc Kinh rằng cũng như Pháp và Ý, Đức "muốn mang kinh nghiệm lâu nay của mình nhằm giúp ngân hàng AIIB tạo dựng danh tiếng tốt. Chúng tôi muốn góp phần vào sự phát triển tích cực của kinh tế châu Á, một châu lục mà các công ty của Đức đang tích cực tham gia".
AIIB sẽ có số vốn ban đầu là 50 tỷ USD. Hồi tháng 10 năm ngoái, Trung Quốc và 20 quốc gia khác đã ký kết một bản ghi nhớ thành lập AIIB, đặt trụ sở tại Bắc Kinh.
Theo giới quan sát, AIIB là một nhân tố quan trọng trong cuộc chạy đua quyền lực và ảnh hưởng giữa Mỹ và Trung Quốc tại Thái Bình Dương. AIIB sẽ là một đối thủ đáng gờm của của Ngân hàng thế giới (WB), một định chế tài chính mà Mỹ có vai trò quan trọng. Bởi vậy, Mỹ cùng các đồng minh thân thiết ở châu Á là Nhật Bản và Hàn Quốc đã từ chối tham gia vào AIIB.
Đến tuần trước, trong một động thái nhằm tăng cường quan hệ với Trung Quốc, London đã bất ngờ tuyên bố muốn tham gia ngân hàng này.Tính đến nay, 4 nền kinh tế lớn nhất châu Âu (Anh, Đức, Pháp, Ý) đã thông báo về kế hoạch gia nhập định chế này chỉ trong vòng một tuần.
Trước thông tin các nước châu Âu quan tâm đến việc gia nhập ngân hàng do Bắc Kinh đứng đầu, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi phát biểu: “Chúng tôi hoan nghênh các quốc gia gia nhập AIIB để trở thành các thành viên sáng lập. Ngân hàng này là một tổ chức đầu tư đa phương mở và toàn diện và sự tham gia của các nước ngoài khu vực sẽ tăng cường tính đại diện rộng rãi của AIIB”.
Giống như từng phản ứng với quyết định của Anh, Mỹ đã đưa ra cảnh báo đối với động thái mới đây của 3 nước Đức, Pháp, Ý.
Báo chĩ Mỹ đưa tin, phát biểu trong phiên điều trần tại Quốc hội ngày 17/3, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jack Lew kêu gọi các đồng minh châu Âu “cân nhắc thật kỹ” trước khi ký tham gia AIIB vì Washington lo ngại ngân hàng này “sẽ trở thành đối thủ” của các tổ chức tài chính truyền thống của thế giới hiện do Mỹ chi phối như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và WB.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jacob Lew cho hay Washington quan ngại rằng liệu ngân hàng mới do Trung Quốc đứng đầu này có tuân thủ các tiêu chuẩn cao mà các tổ chức tài chính quốc tế đã đặt ra hay không. Nhà Trắng ra thông báo tỏ ý thất vọng nhưng vẫn bày tỏ hy vọng Anh và các đồng minh châu Âu sẽ sử dụng ảnh hưởng của mình để “thúc đẩy AIIB theo đuổi các tiêu chuẩn cao.”
Về phần mình, các nước Âu tin tưởng rằng khi gia nhập AIIB, họ sẽ đảm bảo tốt hơn các tiêu chuẩn quản trị của ngân hàng này.
AFP dẫn một nguồn tin trong chính phủ Đức cho biết Berlin cũng muốn AIIB đạt các tiêu chuẩn cao của Ngân hàng Thế giới và các tổ chức tài chính khác trong khu vực. “Chúng tôi đang hoạt động trên nguyên tắc làm những điều tốt nhất trong việc xây dựng các tiêu chuẩn của AIIB”, nguồn tin nói.
----------------------
Brazil: Đảng đối lập kêu gọi điều tra Tổng thống về tội tham nhũng
Đảng đối lập của Brazil ngày 17/3 tuyên bố sẽ kêu gọi Tòa án tối cao điều tra sự liên đới của nữ Tổng thống Dilma Rousseff trong vụ tham nhũng hàng trăm triệu USD tại tập đoàn dầu khí quốc gia Petroleo Brasileiro SA (Petrobras), nơi bà Rousseff từng đảm nhiệm vị trí lãnh đạo.
Động thái này được đưa ra một ngày sau khi các công tố viên Brazil buộc tội chuyên gia tài chính của đảng Lao động của Tổng thống Rousseff, ông Joao Vaccari, vì tội danh tham nhũng và rửa tiền. Các công tố viên cho rằng ông Vaccari biết rằng số tiền tài trợ đảng Lao động có được từ hoạt động tham nhũng tại tập đoàn Petrobras nhưng vẫn nhận chúng.
Hiện Tòa án tối cao Brazil đang điều tra 34 chính trị gia, bao gồm cả phát ngôn viên của cả hai viện Quốc hội vì tội tham nhũng tại tập đoàn Petrobras, nhưng bà Rousseff không nằm trong danh sách này.
Chủ tịch đảng đối lập PSDB Aecio Neves, người đã bị Tổng thống Rousseff đánh bại trong cuộc bầu cử tháng 10 năm ngoái với một tỉ số sít sao, ngày 17/3 đã tuyên bố rằng đảng của ông cùng một số đảng nhỏ khác hôm nay 18/3 sẽ có cuộc họp với Tòa án tối cao Brazil và yêu cầu điều tra vụ việc trên.
Tổng thống Rousseff mới đây đã phủ nhận các cáo buộc tham nhũng khi bà giữ cương vị Chủ tịch Hội đồng quản trị của Tập đoàn này từ năm 2003 đến năm 2010, khoảng thời gian mà phần lớn các vụ tham nhũng xảy ra. Bà Rousseff cũng kêu gọi mở một cuộc điều tra toàn diện về các cáo buộc này.
Hiện Tổng thống Brazil đang phải đối mặt với làn sóng bất bình của người dân trước cáo buộc tham nhũng trên. Hôm Chủ nhật 15/3, hơn 1 triệu người trên khắp đất nước Brazil đã xuống đường biểu tình đòi Tổng thống phải nhận lỗi.
Các công tố viên Brazil đã đưa ra cam kết sẽ tìm cách lấy lại 500 triệu reais, tương đương 154 triệu USD, bị thất thoát do các hợp đồng với giá cao giữa tập đoàn dầu khí nhà nước Petrobras với các nhà thầu tư nhân. Tuy nhiên, các nguồn tin tòa án cho hay họ nghi ngờ số tiền bị ăn chặn tại tập đoàn này còn cao hơn thế.
---------------------
Ukraina: Gốc rễ xung đột đang được giải quyết?
Ngày 17/3, Quốc hội Ukraina đã thông qua bản dự thảo luật trao quy chế đặc biệt và quyền tự trị hạn chế cho các khu vực do lực lượng ly khai kiểm soát ở miền đông. Đây được coi là một bước tiến lớn trong tiến trình giải quyết xung đột tại quốc gia này.
Dự thảo trên do Tổng thống Ukraina Petro Poroshenko đề xuất và cho hay đây là một phần trong thỏa thuận hòa bình được 4 bên (gồm Ukraina, Nga, Pháp, Đức) thống nhất tại thủ đô Minsk của Belarus hồi tháng trước (còn được gọi là thỏa thuận Minsk 2).
Quy chế đặc biệt danh cho miền đông có thời hạn khoảng 3 năm sau khi các địa phương này đã tiến hành tổ chức các cuộc bầu cử địa phương theo đúng quy định của luật pháp Ukraina và có sự giám sát của quốc tế. Với quy định trên, các khu vực miền đông Ukraina sẽ có nhiều quyền tự trị hơn, nhất là được quyền sử dụng tiếng Nga một cách rộng rãi và tự do hợp tác với Nga.
Thỏa thuận Minsk 2 gồm 3 điểm chính. Điểm đầu tiên là ngừng bắn chính thức có hiệu lực vào nửa đêm ngày 15/2 (4 giờ ngày 16/2 theo giờ Hà Nội). Điểm chủ yếu thứ hai của thỏa thuận là hai bên buộc phải rút khỏi đường chiến tuyến hiện nay, để tạo thành một vùng đệm, có chiều rộng từ 50 km đến 70 km, thay vì 30 km theo thỏa thuận tại Minsk 1 hồi tháng 9/2014. Phe ly khai sẽ phải rút về phía sau đường chiến tuyến được xác định hồi tháng 9/2014.
Điểm cuối cùng của thỏa thuận Minsk 2 là giải pháp chính trị tổng thể dài hạn cho Ukraina, trong đó nhiệm vụ hàng đầu là cải cách hiến pháp, tính tới quyền của người dân vùng Donbass. Tiếp theo là vấn đề biên giới có sự thống nhất với lực lượng ly khai Donbass, vấn đề nhân đạo, thực thi luật quy chế đặc biệt cho Donetsk và Lugansk.
Trong số các giao kèo trên thì điểm thứ 3 được cho là quan trọng nhất vì nó sẽ giúp giải quyết nguồn gốc của xung đột hiện nay giữa chính phủ Kiev với các tỉnh miền đông Ukraina. Không có được điều này, xung đột Ukraina còn kéo dài.
Thực tế cho thấy, thỏa thuận Minsk 1 ngày 5/9/2014 đã liên tục bị phá vỡ trên thực tế vì các bên đã không giải quyết được mấu chốt của vấn đề: quyền và nghĩa vụ của người nói tiếng Nga ở miền đông Ukraina.
Việc cải cách hiến pháp Ukraina theo như ghi trong thỏa thuận Minsk hôm 12/2/2015 sẽ được tiến hành từ nay đến cuối năm 2015 đưa vào hiệu lực bản hiến pháp mới với trọng tâm là phi tập trung hóa quyền lực. Đầu tiên, quốc hội Ukraina phải sửa đổi hiến pháp liên quan tới quy chế cho các nước cộng hòa tự xưng Donetsk và Lugansk, sau đó mới đến những chỉnh sửa khác về mặt thể chế.
Hiện tại, đại diện của Nhà nước Cộng hòa Nhân dân tự xưng Donetsk và Lugansk cho rằng việc sửa đổi luật trao quy chế đặc biệt và quyền tự trị hạn chế trên vi phạm thỏa thuận Minsk 2.
Mặc dù vậy, rõ ràng các bước trong thỏa thuận này đang được thực thi một cách nghiêm túc và như vậy mở ra cơ hội hòa bình cho Ukraina trong thời gian tới.
----------------------
Trung Quốc điều tra Phó Chánh Văn phòng chính quyền Thượng Hải
Thành ủy Thượng Hải ngày 17/3 tiết lộ Cơ quan kiểm tra giám sát kỷ luật Trung Quốc đã tiến hành điều tra tham nhũng với Phó chánh văn phòng chính quyền thành phố Thượng Hải Đới Hải Ba.
Theo China News, trang web của Cơ quan kiểm tra giám sát kỷ luật Trung Quốc (CCDI) ngày 17/3 đưa ra thông báo cho biết, Phó Chánh Văn phòng chính quyền thành phố Thượng Hải Đới Hải Ba “bị tình nghi vi phạm kỷ luật nghiêm trọng”, và đang bị CCDI lập án điều tra hành vi có dấu hiệu tham nhũng của ông này.
Đới Hải Ba, sinh tháng 7/1962, là người Tĩnh Giang, tỉnh Giang Tô. Tháng 5/1984, ông Đới được kết nạp vào Đảng cộng sản Trung Quốc, sau đó tham gia công tác vào tháng 8/1984.
Đới Hải Ba từng tốt nghiệp Đại học giao thông Thượng Hải chuyên ngành công trình cơ giới. Ông từng giữ các chức vụ như: Phó Bí thư Đoàn Thanh niên Đaị học giao thông Thượng Hải; Phó Bí thư Đoàn Thanh niên thành phố Thượng Hải kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Thanh niên thành phố Thượng Hải; Phó Bí thư đảng ủy khu vực Hỗ Đông thành phố Thượng Hải; Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế và thông tin hóa thành phố Thượng Hải; Phó Chủ nhiệm Ủy ban quản lý khu thương mại tự do Thượng Hải; Phó Chánh Văn phòng Chính quyền thành phố Thượng Hải.
Ông Đới Hải Ba là quan chức cấp cao thứ 11 của Trung Quốc bị điều tra tham nhũng trong năm 2015.
----------------------