Mỹ tiêu diệt ba thành viên cấp cao của Nhà nước Hồi giáo
Ba thành viên cấp cao của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo, trong đó có trợ lý của thủ lĩnh tối cao, đã bị giết trong một cuộc không kích của Mỹ ở Iraq.
NBC News dẫn tin từ các quan chức an ninh Iraq cho biết, Abu Hajar Al-Sufi, là kẻ cao cấp nhất của Nhà nước Hồi giáo (IS) bị tiêu diệt trong cuộc tấn công trên. Tên này là trợ lý chủ chốt của thủ lĩnh tối cao IS Abu Bakr al-Baghdadi.
Hai thành viên còn lại gồm một "chuyên gia về chất nổ" và một "chỉ huy quân sự" ở thành phố phía bắc Tal Afar.
Lầu Năm Góc từ chối xác nhận thông tin trên. Trong khi đó, phát ngôn viên quân đội Mỹ, đại tá Steve Warren, cho hay các cuộc không kích của Mỹ chưa nhằm vào bất cứ lãnh đạo nào của IS, nhưng có thể những kẻ này đã thiệt mạng trong các vụ tấn công nhằm ngăn chặn sự triển khai quân của tổ chức này.
Mỹ đã tiến hành hơn 100 cuộc không kích vào các cứ điểm và phương tiện của IS trên khắp miền bắc Iraq trong những tuần qua theo đề xuất từ chính phủ nước này.
Cuộc không kích mới nhất diễn ra sau khi IS hôm 2/9 đăng tải video quay lại cảnh chặt đầu nhà báo Mỹ thứ hai Steven Sotloff. Một video tương tự về đồng nghiệp của anh là James Foley được chúng tung ra hôm 19/8.
Cái chết của Sotloff một lần nữa kéo theo những chỉ trích rằng Tổng thống Mỹ Barack Obama chưa nỗ lực hết sức để tiêu diệt nhóm khủng bố trên. Tuy nhiên, phó Tổng thống Joe Biden thề rằng nước Mỹ sẽ truy đuổi những kẻ man rợ của IS đến "cổng địa ngục".
---------------------------
Trung Quốc bắt 8 biên tập viên tài chính
Cảnh sát Trung Quốc vừa bắt 8 người, trong đó có tổng biên tập của một trang tin tài chính có tiếng, do nghi ngờ tống tiền nhiều doanh nghiệp.
Các nghi phạm làm việc cho trang tin 21st Century Business Herald (21cbh.com), hai công ty quan hệ công chúng (PR), một ở Thượng Hải và một ở thành phố Thâm Quyến, Quảng Đông, Xinhua dẫn thông tin từ Văn phòng Công an Thượng Hải cho biết. Cảnh sát vây bắt người hôm qua, sau khi nhận được thông tin tố cáo lừa đảo từ nhiều cá nhân và doanh nghiệp.
8 nghi phạm gồm có tổng biên tập họ Liu, phó tổng biên tập họ Zhou, phóng viên và nhân viên phòng marketing của 21cbh.com, cùng lãnh đạo hai công ty PR. Cảnh sát ngờ rằng những người này đã cấu kết để tống tiền hàng chục doanh nghiệp kể từ tháng 11/2013.
Mục tiêu của nhóm nghi phạm gồm những công ty niêm yết hoặc hãng nổi tiếng ở Bắc Kinh, Thượng Hải và Quảng Đông, muốn niêm yết trên sàn chứng khoán, tái cơ cấu hay chuyển đổi kinh doanh. Một khi xác định được những công ty này nhạy cảm với truyền thông, các nghi phạm bắt đầu tiếp cận dưới danh nghĩa đến đưa tin. Sau khi nhận được "những khoản thanh toán lớn", 21cbh.com sẽ đăng tải câu chuyện tích cực với những nội dung mang tính phóng đại về các công ty này.
Phóng viên của 21cbh.com còn bị nghi ngờ nhận tiền để che giấu hoặc xóa bỏ những thông tin tiêu cực. Cảnh sát nói nhóm nghi phạm thu được "những khoản lợi cá nhân rất lớn" nhưng không nêu rõ số tiền. 4 công ty từ chối đưa tiền đã bị 21cbh.com đăng bài "tấn công" hoặc dọa sẽ viết những câu chuyện tiêu cực.
Nhà chức trách đang tiến hành điều tra vụ việc.
21cbh.com, do công ty truyền thông 21st Century Media ở Quảng Đông quản lý, tự nhận là "nhà điều hành truyền thông chuyên nghiệp lớn nhất trong lĩnh vực tài chính và truyền thông kinh doanh Trung Quốc". 21cbh.com có văn phòng tại Thượng Hải, Bắc Kinh và Quảng Châu.
Chính quyền Trung Quốc đang tăng cường trấn áp hoạt động tống tiền của truyền thông và nạn mua tin. Nhà chức trách đã phát hiện nhiều vấn đề như thẻ nhà báo được cấp cho những người không phải là phóng viên và các trang tin đang dần trở thành tờ quảng cáo hay công ty PR.
---------------------------
Mỹ, EU sắp giáng đòn mạnh vào kinh tế Nga
Phó cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng Ben Rhodes hôm 4-9 xác nhận tại Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Xứ Wales rằng Washington đang lên kế hoạch cho làn sóng trừng phạt mới đối với Nga. Các biện pháp trừng phạt này có thể sẽ được công bố ngay sau lệnh cấm vận của EU dự kiến sẽ sớm hoàn tất trong tuần này.
Theo Reuters, ông Rhodes khẳng định với báo giới rằng Mỹ đã hoàn tất các lệnh trừng phạt mới nhưng không tiết lộ chi tiết các lĩnh vực cụ thể của Nga sẽ hứng chịu.
Trong khi đó, một quan chức chính phủ Anh tiết lộ EU và Mỹ sẽ công bố các biện pháp trừng phạt vào hôm nay (5-9), trong đó có các hạn chế đối với lĩnh vực ngân hàng, năng lượng và quốc phòng của Nga. Theo đó, những nhân vật thân cận với ông Putin sẽ bị đưa vào danh sách cấm vận đi lại.
Thời báo Tài chính của Anh cùng ngày cho biết EU chuẩn bị áp đặt lệnh cấm các tập đoàn dầu khí của Nga huy động vốn từ thị trường tài chính - tiền tệ châu Âu. Biện pháp này được cho là cứng rắn nhất đối với Nga cho tới thời điểm này liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine. Theo đó, lệnh cấm chỉ áp dụng đối với các tập đoàn thuộc sở hữu nhà nước của Nga với trị giá tài sản từ 1.000 tỉ rouble (tương đương 27 tỉ USD) trở lên.
"Chúng tôi muốn chứng tỏ với Nga rằng cách hành xử của họ là không thể chấp nhận và họ nên tôn trọng luật pháp quốc tế" - Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) José Manuel Barroso nhấn mạnh bên lề Hội nghị thượng đỉnh NATO tại Newport - Anh.
Trước đó, các lệnh trừng phạt của Mỹ và EU đã nhằm vào một số ngân hàng lớn nhất của Nga cũng như công ty dầu khí lớn nhất nước này- Rosneft.
Trong một diễn biến khác, Tổng thống Pháp Francois Hollande ngày 4-9 tuyên bố Paris chỉ xúc tiến chuyển giao tàu chiến lớp Mistral cho Nga vào tháng 11 tới nếu Nga đáp ứng điều kiện đạt thỏa thuận ngừng bắn lâu dài và các điều kiện chính trị ở Ukraine được đảm bảo.
Các nhà đóng tàu ở Pháp dự kiến tổ chức một cuộc biểu tình vào ngày 7-9 tới để ủng hộ hợp đồng với Nga. Việc hoãn bàn giao tàu có thể khiến Pháp mất ít nhất 2,6 tỉ USD và khoảng 1.000 việc làm vị ảnh hưởng.
---------------------------
Ukraine bác kế hoạch hòa bình bảy điểm của Nga
Văn phòng tổng thống Nga đã công bố toàn văn kế hoạch hòa bình bảy điểm được Tổng thống Nga Putin công bố trong khuôn khổ chuyến thăm Mông Cổ hôm trước đó.
Theo hãng tin RIA Novosti (Nga) ngày 4-9, kế hoạch hòa bình bảy điểm gồm:
- Ngừng các chiến dịch tấn công của quân đội và các đơn vị tự vệ có vũ trang ở Đông Nam Ukraine trên các trục Donetsk và Luhansk.
- Rút các đơn vị quân đội Ukraine ở khoảng cách đủ để pháo binh và các loại pháo đa nòng không thể pháo kích.
- Chuẩn bị thiết lập cơ chế kiểm soát quốc tế khách quan và hiệu quả để giám sát các điều kiện ngừng bắn và kiểm soát tình hình trong khu vực an toàn.
- Loại trừ sử dụng không quân chống thường dân và các địa phương trong vùng xung đột.
- Tổ chức trao đổi tù binh theo thể thức “đổi tất cả lấy tất cả” không điều kiện tiên quyết.
- Mở các hành lang nhân đạo cho người tản cư và cung cấp hàng cứu trợ cho vùng Donbas, bao gồm Donetsk và Luhansk.
- Bảo đảm điều động các đội bảo trì đến các địa phương bị ảnh hưởng chiến sự ở vùng Donbas để sửa chữa các cơ sở hạ tầng xã hội thiết yếu.
Thủ tướng Ukraine Arseniy Yatsenyuk tuyên bố Nga đưa ra kế hoạch hòa bình chỉ để lòe cộng đồng quốc tế trước hội nghị NATO nhằm tránh bị cấm vận. Ngày 4-9, Tổng Thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen cho rằng Nga đã can thiệp vào miền Đông Ukraine nên có thể nghi ngờ Nga thực sự muốn ngừng bắn.
---------------------------
NATO sẽ xem lại chiến lược đối với Nga
Hai chủ đề nóng được thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Newport (xứ Wales) ngày 5-9. Đó là đối phó với phiến quân Nhà nước Hồi giáo và đối phó với Nga.
Chủ đề đầu tiên được thảo luận trong bữa tối của các nguyên thủ quốc gia NATO vào đêm 4-9. Bên lề hội nghị sẽ có nhiều cuộc vận động thành lập liên minh quốc tế ngăn chặn mối đe dọa Nhà nước Hồi giáo. Trong cuộc chiến mới này, NATO có thể giữ vai trò điều phối như Reuters dẫn nguồn từ chính phủ Anh ghi nhận.
Chủ đề quan trọng là đối phó với Nga. Trước thềm hội nghị, Tổng thống Obama đã bay đến Estonia để trấn an ba nước vùng Baltic rằng NATO sẽ không để Nga can thiệp vào Ukraine. Trong lúc đó, Pháp đã chơi ép Nga khi tuyên bố ngừng giao chiến hạm Mistral cho Nga.
Từ Mông Cổ, Tổng thống Nga Putin đã cao tay ấn trình bày kế hoạch hòa bình bảy điểm giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine. Dù vậy, vừa đến Newport, Tổng Thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen vẫn tuyên bố tiếp tục lên án Nga tấn công Ukraine.
Năm 1997, NAtO đã ký với Nga một văn kiện gọi là “Hiệp ước nền tảng NATO-Nga”. Hiệp ước minh định hai bên không coi nhau như kẻ thù và NATO cam kết không triển khai quân thường trực ở các nước Đông Âu gia nhập NATO sau khi Liên Xô tan rã.
Như vậy cũng dễ hiểu NATO phải bám vào lập luận “Nga tấn công Ukraine” thì hội nghị thượng đỉnh NATO lần này mới có thể xem xét lại chiến lược đối với Nga và mới thông qua được “Kế hoạch sẵn sàng hành động” nhằm triển khai nhanh hàng ngàn quân trong tình huống khủng hoảng.
Trước khi hội nghị NATO khai mạc, hai cây bút gạo cội Barack Obama và David Cameron đã viết một bài bình luận viết chung đăng trên báo The Times (Anh) ngày 4-9 xem như chỉ đạo trước hội nghị. Hai tác giả hô hào: “Chúng ta phải tiếp tục tăng cường các phương tiện cho Ukraine” dù Ukraine chưa phải là thành viên NATO.
Hai tác giả cũng nhấn mạnh lực lượng phản ứng nhanh NATO sẽ được triển khai đến bất kỳ nơi nào trên thế giới. Tuy nhiên, có thể thấy rõ NATO mong muốn đưa lực lượng này đến các nước bên cạnh Nga trước đã. Đây là lúc áp dụng chiêu thúc bên sườn để buộc nhượng bộ!
---------------------------
Nghị sĩ Nhật - Philippines thành lập liên minh hàng hải
Một nhóm các nghị sĩ Nhật Bản và Philippines đã thành lập một “Liên minh nghị viện vì an toàn hàng hải ở châu Á” ngày 3-9.
Đồng thời nhất trí thúc đẩy các giải pháp hòa bình giải quyết tranh chấp trên biển ở châu Á.
Đoàn đại biểu Nhật Bản gồm sáu nghị sĩ đã gặp các nghị sĩ thượng và hạ viện của Philippines, cũng như một số quan chức của cơ quan tuần duyên nước này.
Sáu nghị sĩ Nhật Bản, cùng 13 nghị sĩ Philippines, đã ký “Văn kiện chung về hợp tác thúc đẩy pháp quyền trên biển”.
Văn kiện nói hai phía “sẽ khuyến khích các thành viên của quốc hội hai bên cùng nỗ lực thành lập một hiệp hội với tên gọi “Liên minh nghị viện vì an toàn hàng hải ở châu Á”, nhằm bảo vệ và thúc đẩy trật tự trên biển dựa trên luật pháp quốc tế”.
Văn kiện cũng yêu cầu “các quốc gia nên làm rõ những tuyên bố chủ quyền của họ trên biển dựa trên luật pháp quốc tế; không sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực để áp đặt các tuyên bố chủ quyền; và các quốc gia nên tìm cách giải quyết tranh chấp bằng các phương tiện hòa bình, tránh những hành động đơn phương làm thay đổi nguyên trạng bằng vũ lực và đe dọa”.
Trong số những người ký văn kiện có nghị sĩ Philippines Rodolfo Biazon, hiện là chủ tịch ủy ban quốc phòng và an ninh ở quốc hội nước này.
* Trong một diễn biến khác, ngày 2-9, Bộ quốc phòng Nhật Bản đã đề xuất tăng ngân sách lên mức cao nhất nhất kể từ thế chiến thứ hai.
Theo AFP, Bộ quốc phòng Nhật Bản muốn ngân sách của họ sẽ là 5,05 nghìn tỉ yen (49,3 tỉ USD) cho năm tài khóa này, tập trung cho việc bảo vệ hàng loạt đảo của Nhật Bản từ Kyushu tới gần Đài Loan.
Nếu được thông qua, đây sẽ là năm thứ ba liên tiếp Nhật Bản tăng ngân sách quốc phòng.
Trong danh sách mua sắm mới của Bộ quốc phòng bằng ngân sách tăng thêm có 20 máy bay tuần tra biển P1, với giá tổng cộng 378 tỉ yen (3,6 tỉ USD). Ngoài ra, danh sách mua sắm còn có năm máy bay MV-22 Osprey, ba máy bay tàng hình Global Hawk và sáu máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ mới F-35.
Bộ quốc phòng Nhật Bản cũng muốn có tiền để thành lập một tiểu đoàn lính thủy đánh bộ mới đóng ở quần đảo Nansei Shoto nằm ở khu vực tiếp giáp giữa biển Hoa Đông và Thái Bình Dương
---------------------------
Mỹ-Hàn lập đơn vị loại bỏ vũ khí hủy diệt của Triều Tiên
Bộ Quốc phòng Hàn Quốc ngày 4-9 cho biết nước này và Mỹ đã nhất trí thành lập một đơn vị quân đội chung vào đầu năm 2015, một phần của việc chuẩn bị cho bất kỳ cuộc chiến tranh nào trong tương lai giữa 2 miền Triều Tiên.
Đây là lần đầu tiên quân đội Mỹ thành lập đơn vị với một nước khác.
Đơn vị chung này có sự tham gia của Đơn vị bộ binh số 2 của Mỹ tại Uijeongbu (phía Bắc thủ đô Seoul - Hàn Quốc) và một đơn vị cấp lữ đoàn của Hàn Quốc. Bên cạnh đó, lực lượng này sẽ do sĩ quan cấp thiếu tướng của Mỹ đứng đầu, một tướng bộ binh của Hàn Quốc sẽ làm phó chỉ huy. Số lượng sĩ quan sẽ được chia đều cho cả 2 bên.
Trước đó, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JCS) Choi Yun-hee và Tư lệnh quân đội Mỹ tại Hàn Quốc - Tướng Curtis Scaparrotti đồng ý thành lập một đơn vị phối hợp. Theo Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, đơn vị chuyên tiến hành các chiến dịch trong thời chiến để củng cố khả năng phòng thủ của các lực lượng phối hợp ở cấp chiến thuật.
Trong thời bình, đơn vị này dự kiến có khoảng 30 binh lính. Vào thời chiến, số lượng sẽ được tăng cường, trong đó binh lính Hàn Quốc đóng vai trò chính. Các chi tiết về sứ mệnh của đơn vị mới vẫn chưa được tiết lộ. Tuy nhiên, theo hãng tin Yonhap, đơn vị này sẽ được giao nhiệm vụ thực hiện các chiến dịch đặc biệt như "loại bỏ kho vũ khí hủy diệt hàng loạt của CHDCND Triều Tiên" trong trường hợp nổ ra một cuộc chiến tranh toàn diện trên bán đảo Triều Tiên.
Việc thành lập đơn vị mới sẽ không làm thay đổi kế hoạch tái bố trí các căn cứ quân sự của Mỹ tại Hàn Quốc. Khoảng 28.500 binh lính Mỹ đang đồn trú ở nước này. Theo một thỏa thuận ký năm 2004, Seoul và Washington sẽ chuyển cơ quan đầu não quân đội Mỹ ở trung tâm Seoul và Đơn vị Bộ binh số 2 ở Uijeongbu, phía Bắc Seoul, đến doanh trại Humphreys ở TP Pyeongtaek, cách Seoul khoảng 70 km về phía Nam, vào cuối năm 2016.