tin phap luat logo

 
 
 

Tin thế giới chiều 21-03-2015: Ai thắng trong “cuộc chiến cấm vận”? - Trung Quốc chỉ trích Phó đô đốc Mỹ vì đề xuất tuần tra chung Biển Đông

  • Cập nhật : 21/03/2015

 Ai thắng trong “cuộc chiến cấm vận”?

Đã một năm kể từ khi các lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) có hiệu lực ngày 17-3-2014, kéo theo một lệnh trừng phạt đáp trả của Moscow. Dù cả hai bên đều chịu thiệt hại trong "cuộc chiến cấm vận” nhưng kết quả của nó không bao giờ được như phương Tây mong đợi. 
 
Dù các lệnh trừng phạt đã khiến giá cả các mặt hàng ở Nga tăng giá nhẹ, chúng vẫn không thể kiềm chế được sức mua của người dân. Thực tế, vấn đề của Moscow trước các lệnh trừng phạt này chủ yếu thuộc ngành công nghiệp dầu mỏ bởi nó khiến giá dầu mỏ giảm. Hiệu ứng không ngờ tới của các lệnh trừng phạt này lại chính là Nga bắt đầu đa dạng hóa các nhà cung cấp nông sản trong nước, xem lệnh trừng phạt đáp trả của họ đối với mặt hàng nông sản của châu Âu như một động lực để tìm kiếm thêm các đối tác kinh tế ngoài châu Âu, như Ai Cập chẳng hạn. Điều này hoàn toàn phù hợp với chính sách đa cực của Nga.
 
EU họp bàn về lệnh trừng phạt đối với Nga
 
Nguyên thủ quốc gia và đại diện của 28 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) bắt đầu các cuộc thảo luận tại Hội nghị thượng đỉnh của khối này diễn ra trong hai ngày 19 và 20-3 tại thủ đô Brussels, Bỉ. Hội nghị tập trung thảo luận về cách thức giúp các nước châu Âu giảm sự phụ thuộc vào khí đốt Nga, cuộc xung đột tại miền Đông Ukraine và việc kéo dài các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào Nga. Trước đó, lãnh đạo Mỹ và Đức đã có cuộc điện đàm, từ đó khẳng định sẽ tiếp tục duy trì lệnh trừng phạt đối với Nga.
 
Trong khi đó, trước những lệnh trừng phạt tới tấp của châu Âu, chủ nghĩa yêu nước và sự đoàn kết ở Nga lại trỗi dậy mạnh mẽ. Trong khi không đáp trả mạnh tay đối với phương Tây, Nga lại có cơ hội để nhận ra rằng không nên quá dựa dẫm vào các đối tác kinh tế EU, mà phải phát triển thêm nhiều đối tác ở các khu vực khác. Theo một cách nào đó, lệnh trừng phạt của EU như đã tiếp sức cho nước Nga trên con đường đa cực, với sự ủng hộ toàn diện của người dân trong nước.
 
Châu Âu chia rẽ
 
Ngược lại, chính việc trừng phạt Nga đã có tác dụng ngược đến một số nền kinh tế vốn đã yếu kém trong EU như Ba Lan và Hy Lạp, đặc biệt là sau khi Nga tuyên bố áp dụng lệnh trừng phạt đáp trả. Sản phẩm nông sản quá thừa thãi ở nhiều nước EU, lại thêm nguồn cầu thấp, đã buộc các nước này phải bán sản phẩm với cá giá rẻ mạt không có lợi nhuận. Từ việc nhiều công ty nông sản phá sản đã sản sinh ra một nhóm vận động hành lang có thể trở thành nhân tố ảnh hưởng đến các cuộc bầu cử ở những nước này trong tương lai.
 
"Cuộc chiến cấm vận” cũng gây chia rẽ sâu sắc trong nội bộ EU, giữa một bên ủng hộ và một bên phản đối chính sách trừng phạt Nga của EU. Trong số đó, các nước Italia, Hungary, Hy Lạp, đảo Síp, Cộng hòa Séc, Tây Ban Nha, Áo và Slovakia phản đối cấm vận Nga, tạo nên một khối riêng trong EU, tạo nên những bất đồng trong các vòng họp tại Brussels. Viễn cảnh đáng ngại nhất là nếu một trong hai nước, Đức hoặc Pháp, cũng chuyển sang phản đối trừng phạt Nga, chính sách của EU đối với Nga sẽ đảo chiều, tổn hại ghê gớm tới mối quan hệ với Mỹ.
 
Thất bại của Mỹ
 
Nhìn chung, cuộc chiến cấm vận đã tạo động lực cho sự đoàn kết trong nội bộ nước Nga nhưng lại chia rẽ sâu sắc châu Âu. Sự kiện này được các nhà phân tích xem là một cơ hội của Nga trong việc đa dạng hóa các đối tác kinh tế, chính trị của họ.
 
Trong khi đó, EU hiện tại lại tỏ ra khá dè chừng trước lời kêu gọi của Mỹ tiếp tục trừng phạt Nga trong bối cảnh có thể xảy ra một cuộc Chiến tranh Lạnh mới. Và cũng như nhiều nhà phân tích từng nhận định, căng thẳng mới trong quan hệ Mỹ-Nga chính là động lực để Washington chia rẽ mối quan hệ EU-Nga và để lôi kéo thêm nhiều nước về phía mình. Thế nhưng, trong khi cố gắng chia rẽ EU-Nga, Mỹ lại thất bại khi các lệnh trừng phạt trở thành động lực để Nga và Trung Quốc bắt tay nhau.
-------------------------
 Trung Quốc chỉ trích Phó đô đốc Mỹ vì đề xuất tuần tra chung Biển Đông
Tờ Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc đã chỉ trích Phó đô đốc Robert Thomas, chỉ huy Hạm đội 7 của Mỹ, vì đề xuất các quốc gia Đông Nam Á có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc thành lập một lực lượng hải chung để tuần tra Biển Đông. 
 
Đề xuất trên được ông Thomas đưa ra hôm 17/3 trong khi tham gia Triển lãm hàng không vũ trụ và hàng hải quốc tế Langkawi tại Malaysia.
 
“Nếu các quốc gia ASEAN muốn đi đầu trong những hoạt động như thành lập một lực lượng chung, hạm đội 7 của Hải quân Mỹ sẵn sàng hỗ trợ”, Phó đô đốc Thomas nói
 
Tờ Thời báo Hoàn cầu đã có bài chỉ trích bình luận của quan chức hải quân Mỹ. Ông Lie Feng, một chuyên gia về các vấn đề hàng hải, nói với tờ báo này rằng đề xuất của ông Thomas không có ích cho việc duy trì hòa bình và ổn định ở Đông Nam Á.
 
Ông Lie còn cao giọng rằng các quốc gia thành viên ASEAN không có khả năng bảo vệ các lợi ích kinh tế và an ninh của mình, chưa kể là còn mạo hiểm chiến tranh với Trung Quốc, nếu các nước này hành động theo đề xuất của ông Thomas.
 
"Điều ông Thomas thực sự muốn là xúi giục các quốc gia Đông Nam Á này kiềm chế Trung Quốc", ông Lie nói.
 
Còn người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi ngày 20/3 cũng chỉ trích phó đô đốc Thomas.
 
"Chúng tôi hi vọng Mỹ sẽ chặt chẽ tuân thủ cam kết không đứng về bên nào trong các vấn đề chủ quyền lãnh thổ", ông Hông phát biểu trong cuộc họp báo hôm qua.
 
Ông Hồng nói thêm các bình luận của phó đô đốc Thomas "không giúp giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông một cách hợp lý cũng như không đóng góp cho hòa bình và sự ổn định ở Biển Đông".
 
Theo ông Hồng, Trung Quốc và ASEAN đã đề xuất một sáng kiến trong đó các nước sẽ đảm bảo hòa bình và sự ổn định ở Biển Đông một cách độc lập với các quốc gia khác.
 
Bắc Kinh đơn phương đòi chủ quyền 90% diện tích Biển Đông, bao trùm lên vùng biển của các quốc gia khác trong khu vực.
-----------------------
Nhà nước Hồi giáo là "tổ chức khủng bố giàu nhất lịch sử"
Một nghiên cứu mới về tài chính của Nhà nước Hồi giáo (tự xưng) cho thấy ước tính trước đây về thu nhập trong một năm của nhóm khủng bố là 2 tỷ đô thực chất là quá thấp so với thu nhập thực tế mà tổ chức này có được.
 
“Giám đốc tài chính” của IS là Sheikh Abu Saad al-Ansari gần đây đã tiết lộ IS ước tính trong năm nay đã tiêu 2 tỷ đô và còn dư khoảng 250 triệu đô trong ngân sách.
 
Điều đó cũng có nghĩa thu nhập hằng năm của IS có thể nhiều hơn so với ước tính ban đầu của các chuyên gia gần 250 triệu đô. Lợi nhuận của nhóm khủng bố này đến từ việc bán dầu, cơ quan nội tạng, bắt cóc, và cưỡng đoạt, trộm cắp và bán đồ cổ.
 
Nếu con số trên là chính xác thì thu nhập hằng năm của IS hiện nay đã vượt lên trên thu nhập của Al Qaeda, đưa nhóm khủng bố được dẫn dắt bởi Abu Bakr al-Baghdadi thành tổ chức thánh chiến giàu có nhất trong lịch sử.
 
Theo Middle East Eye, Thứ trưởng của Kho bạc Hoa Kỳ về Tình báo Khủng bố và Tài chính, David S Cohen, đã xác nhận ISIS kiếm được hơn 2 tỷ đô một năm.
 
Mặc dù ISIS tuyên bố là một tổ chức tôn giáo sùng đạo, phần lớn thu nhập của chúng đến từ việc làm ăn bất hợp pháp như bán dầu ở chợ đen, đe dọa cưỡng đoạt theo kiểu xã hội đen, và thậm chí là buôn lậu thuốc phiện và người.
 -----------------------
Anh sắp thu phụ phí y tế đối với tất cả công dân ngoài châu Âu
Bắt đầu từ 6/4/2015, công dân các nước không thuộc châu Âu, kể cả Việt Nam, khi đến sống tại Anh trên 6 tháng sẽ phải trả phụ phí y tế, với mức thanh toán 200 bảng/năm đối với mọi công dân và 150 bảng/năm đối với sinh viên.
 
Hiện nay, công dân ngoài châu Âu khi đến Anh Quốc để làm việc, học tập hay sống cùng với các thành viên gia đình đều được nhận chăm sóc y tế miễn phí của Cục Chăm sóc Sức khỏe Quốc gia của Anh (NHS) giống các công dân thường trú.
 
Nhưng trong một thông báo ngày 20/3, Đại sứ quán Anh cho biết, kể từ ngày 6/4 tới, công dân ngoài châu Âu khi đến sống ở Vương Quốc Anh trên 6 tháng sẽ phải trả phụ phí y tế để được hưởng các dịch vụ của NHS.
 
Theo chính sách mới, phụ phí y tế sẽ là 200 bảng Anh/năm đối với mọi công dân và 150 bảng Anh/năm đối với sinh viên. Phụ phí này sẽ phải được thanh toán cùng thời điểm đăng kí xin thị thực trực tuyến và được chuyển trực tiếp cho NHS. Người phụ thuộc cũng phải trả một khoản phí tương tự như người nộp đơn chính.
 
Đại sứ quán Anh cho hay, đối với sinh viên, mức phụ phí này ước tính tương đương 1% chi phí học tập tại Anh và thấp hơn rất nhiều so với phí mà sinh viên phải trả cho bảo hiểm y tế tư tại các nước có tính cạnh tranh khác như Úc và Mỹ.
 
Chính sách mới không áp dụng cho những ai đến Anh với thị thực du lịch.
 
Nói về chính sách mới, Đại Sứ Anh tại Việt Nam, ông Giles Lever, cho biết: “Anh vô cùng tự hào về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe đẳng cấp quốc tế của NHS dành cho mọi công dân. Sẽ công bằng hơn nếu công dân đến sống hay học tập tại Anh đóng góp tài chính cho các dịch vụ công này, những dịch vụ mà bản thân họ sẽ được hưởng. Đó chính là lý do vì sao chúng tôi đưa ra thay đổi này.
 
“Đương nhiên chúng tôi nhận thấy rằng đóng góp quý giá của những công dân đến Anh học tập và làm việc sẽ góp phần cho nền kinh tế nói chung và vì vậy chúng tôi chủ trương đặt mức phụ phí thấp hơn so với tất cả các chính sách bảo hiểm y tế tư nhân”.
 
Bộ nội vụ Anh sẽ thu phụ phí y tế như một phần của quá trình xét duyệt hồ sơ xin thị thực và việc thanh toán phí là bắt buộc đối với những đối tượng nằm trong quy định.
 
Người đăng ký thị thực vào Anh sẽ cần phải thanh toán phí này ngay lập tức cho toàn bộ thời gian họ xin cấp thị thực. Trong trường hợp hồ sơ bị từ chối hoặc rút đơn thì phí này sẽ được hoàn lại.
 
Khi thanh toán phụ phí, công dân nhập cư sẽ được hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe của NHS giống các công dân thường trú trong suốt thời gian được phép cư trú có ghi trên thị thực. 
 ---------------------

Tin Phap Luat Tin Phap LuatTổng hợp

Trở về

Xem thêm

Bài cùng chuyên mục