tin phap luat logo

 
 
 

Tin thế giới chiều 13-03-2015: Tân Đại sứ Nga: “Hợp tác quân sự Việt-Nga không nhằm chống lại nước thứ 3” - Triều Tiên bắn liền lúc 7 tên lửa đất đối không ra biển

  • Cập nhật : 13/03/2015

 Tân Đại sứ Nga: “Hợp tác quân sự Việt-Nga không nhằm chống lại nước thứ 3”

Tân Đại sứ Nga tại Việt Nam, ông Konstantin Vasilievich Vnukov, khẳng định rằng hợp tác quân sự Việt-Nga không nhằm chống lại nước thứ 3, không tạo ra nguy cơ nào đối với an ninh khu vực và thế giới và hai nước sẽ tiếp tục thúc đẩy mối quan hệ này.
 
Sáng nay (13/3), Đại sứ quán Nga tại Việt Nam đã tổ chức buổi họp báo đầu tiên của Tân Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Liên bang Nga tại Việt Nam, ông Konstantin Vasilievich Vnukov. Ông được bổ nhiệm chức vụ đại sứ tại Việt Nam kể từ tháng 12/2014.
 
Sau bài phát biểu khai mạc buổi họp báo, ngài Đại sứ đã dành thời gian trả lời câu hỏi của phóng viên xung quanh mối quan hệ Việt-Nga trong bối cảnh thế giới đầy biến động.
 
Xin ông cho biết những ưu tiên chính trong nhiệm kỳ tại Việt Nam?
 
Tôi không giấu rằng, đối với tôi đây là một niềm vinh dự và trách nhiệm lớn lao khi được làm việc tại một đất nước là đối tác lâu đời và tin cậy nhất của Nga tại Đông Nam Á.
 
Tôi có rất nhiều ưu tiên trong nhiệm kỳ của mình tại Việt Nam. Một trong số đó là phát triển toàn diện quan hệ song phương để làm sao nhân dân hai nước đều cảm nhận được kết quả của sự hợp tác đó.
 
Tôi mong muốn rằng các cửa hàng ở Nga sẽ bày bán nhiều hơn nữa hàng hóa Việt Nam cũng như trên các quầy hàng ở cửa hàng, siêu thị... Việt Nam cũng có nhiều hàng hóa Nga.
 
Kim ngạch thương mại Việt-Nga tuy tăng trưởng đáng kể nhưng còn khiêm tốn so với tiềm năng hai nước. Chúng tôi hy vọng rằng việc ký kết Hiệp định về thương mại tự do giữa các nước thành viên Liên minh kinh tế Á-Âu và Việt Nam sẽ thúc đẩy sự tăng cường về chất cho các luồng trao đổi tương hỗ về hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, công nghệ và nhân lực có chuyên môn.
 
Tôi sẽ cố gắng để làm sao quan hệ hai nước phát triển hơn nữa, không chỉ là các chuyến thăm cấp cao mà giao lưu nhân dân cũng được tăng cường. Tôi rất vui mừng khi thấy số du khách Nga tới Việt Nam đã tăng lên 400.000 người vào năm ngoái.
 
Việc tăng cường hợp tác toàn diện với Việt Nam là hướng đi ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Nga tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. 
 
Định hướng về hợp tác quân sự giữa hai nước trong thời gian tới sẽ như thế nào, thưa ông?
 
Tôi thực sự hài lòng về kết quả tốt đẹp trong lĩnh vực hợp tác này. Khi chúng ta kỷ niệm 65 năm ngày hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao (kể từ ngày 30/1/1950), đó cũng có nghĩa đánh dấu 65 năm trong lĩnh vực hợp tác quân sự vì hợp tác quân sự bắt đầu ngay từ khi quan hệ ngoại giao được thiết lập.
 
Nga đã giúp đỡ quân sự cho VN trong những năm chiến tranh, điều này đã in sâu vào tiềm thức của từng người Việt, kể cả giới trẻ ngày nay. Hầu hết các vũ khí mà quân đội nhân dân Việt Nam được trang bị đều là của Nga. Bên cạnh đó, nhiều cán bộ lãnh đạo trong quân đội nhân dân Việt Nam đã từng học tập và nghiên cứu tại Nga.
 
Việt Nam-LB Nga là hai nước độc lập, chủ quyền, có quyền tự quyết định các mối quan hệ và hợp tác, không bị ảnh hưởng, chi phối hay bị chỉ đạo bởi một nước nào đó. Chúng ta không cần bất kỳ sự chỉ thị, hay khuyến cáo nào. Hợp tác quân sự Việt-Nga không nhằm chống lại nước thứ 3, không tạo ra nguy cơ đối với với an ninh khu vực và thế gới. Chúng ta sẽ tiếp tục mối quan hệ cùng có lợi này.
 
Cũng giống như bất kỳ mối quan hệ quốc tế nào, quan hệ Việt-Nga vẫn còn những “nút thắt” chưa được tháo gỡ. Xin ông cho biết đó là những vấn đề gì?
 
Quan hệ Nga-Việt là trường hợp hiếm có khi giữa hai quốc gia không có bất kỳ vấn đề nào do lịch sự để lại. 
 
Tuy nhiên, trong quá trình thúc đẩy và phát triển quan hệ song phương, hai nước còn có những vấn đề. Một trong số đó và vấn đề về di trú. Chúng tôi coi việc nhập cư trái phép vào Nga và vi phạm luật pháp của Nga là một vấn đề nghiêm trọng. Chúng tôi quyết tâm giải quyết vấn đề đó theo quy định của Cục Di trú Liên bang.
 
Chúng tôi sẽ đảm bảo các trao đổi về lao động giữa hai nước được thực hiện theo khuôn khổ luật pháp. Chúng tôi có các cơ sở để hy vọng rằng tất cả các vấn đề sẽ được giải quyết vì chúng tôi có ý nguyện và quyết tâm.
 
Nga là một trong số nước vẫn kín tiếng trong vấn đề Biển Đông, xin ông cho biết lý do vì sao và quan điểm của Nga trong các vấn đề tranh chấp Biển Đông?
 
Quan điểm của chúng tôi về vấn đề này là rất rõ ràng và đã được đề cập trong các chương trình nghị sự. Chúng tôi ủng hộ tất cả các tranh chấp, trong đó có tranh chấp trên biển, được giải quyết một cách hòa bình, bằng đàm phán và dựa trên luật pháp quốc tế.
 
Vấn đề lãnh thổ là vô cùng phức tạp. Tôi nhớ, công việc đầu tiên trong sự nghiệp ngoại giao của tôi là liên quan đến công tác biên giới với Trung Quốc. Thời điểm đó, quan hệ Nga-Trung rất phức tạp, tuy nhiên, nhờ có sự nỗ lực trong suốt thời gian, kéo dài tới 40 năm, chúng tôi đã giải quyết gần như hoàn toàn vấn đề này.
 
Tôi muốn nhấn mạnh rằng, điều quan trọng nhất để giải quyết vấn đề là ý nguyện của hai bên và nỗ lực thay đổi một cách căn bản quan hệ giữa hai quốc gia. Nếu các bạn cần kinh nghiệm giải quyết vấn đề biên giới, chúng tôi sẽ sẵn sàng chia sẻ. 
 
Ông Konstantin Vasilievich Vnukov sinh năm 1951, được coi là một trong những nhà ngoại giao giàu kinh nghiệm nhất tại Nga. Năm 1973, ông tốt nghiệp bằng loại ưu Đại học Quan hệ Quốc tế Quốc gia Mátxcơva. Năm 1991, ông bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại Học viện Viễn Đông Liên Xô. Ông hoạt động ngoại giao từ năm 1973 và đã từng giữ nhiều cương vị khác nhau tại cơ quan trung ương Bộ Ngoại giao Nga và ở nước ngoài. Trước khi bắt đầu nhiệm kỳ tại Việt Nam, ông đã làm Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền LB Ngạ tại Hàn Quốc.
--------------------
Triều Tiên bắn liền lúc 7 tên lửa đất đối không ra biển
Triều Tiên đã bắt 7 tên lửa đất đối không ra vùng biển ngoài khơi bờ biển phía đông nước này trong một hoạt động được nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un giám sát, giữa lúc căng thẳng quân sự gia tăng trên bán đảo Triều Tiên, Bộ quốc phòng Hàn Quốc ngày 13/3 cho biết.
 
Theo một quan chức từ Bộ quốc phòng Hàn Quốc, ông Kim Jong-un được tin là đã chứng kiến cảnh các tên lửa được bắn đi vào đầu giờ tối qua 12/3 tại một địa điểm gần thị trấn Sondok, phía đông Triều Tiên.
 
Các nghị quyết trừng phạt của Liên hợp quốc cấm Triều Tiên tiến hành bất kỳ một vụ thử nghiệm tên lửa đạn đạo nào.
 
Phát ngôn viên nhấn mạnh rằng, các vụ phóng tên lửa hôm qua không vi phạm các nghị quyết, nhưng nói thêm rằng Bình Nhưỡng đã không thông báo trước để cảnh báo tàu thuyền.
 
Các động thái của Triều Tiên diễn ra trong bối cảnh căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên gia tăng, khi Bình Nhưỡng lên án các cuộc tập trận Mỹ-Hàn mà họ coi là diễn tập cho sự xâm lược.
 
“Chúng tôi coi đây là một hành động nữa nhằm phô trương lực lượng của Triều Tiên liên quan tới cuộc tập trận”, phát ngôn viên giấu tên nói.
 
Một trong số các cuộc tập trận chung mang tên "Giải pháp Then chốt", kết thúc vào hôm nay, nhưng cuộc tập trận "Đại bàng Non" dự kiến kéo dài tới ngày 24/4.
 
Các cuộc tập trận thường niên luôn là nguyên nhân làm gia tăng căng thẳng giữa hai miền Triều Tiên, hiện về mặt kỹ thuật vẫn đang trong tình trạng chiến tranh vì cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 kết thúc bằng một lệnh ngừng bắn chứ không phải một thỏa thuận hòa bình.
 
Bình Nhưỡng đã thể hiện sự khó chịu khi cuộc tập trận năm nay bắt đầu hôm 2/3 bằng cách bắn 2 quả tên lửa Scud tầm ngắn ra biển.
 
Triều Tiên từ lâu đã lấy các vụ thử tên lửa làm cách thức để bày tỏ sự bất bình với điều mà nước này xem là hành động đối đầu của Hàn Quốc và các đồng minh, mặc dù Seoul và Washington khẳng định các cuộc tập trận chỉ nhằm mục đích phòng vệ.
--------------------
Biểu tình phản đối phân biệt sắc tộc tại Mỹ có nguy cơ tái bùng phát
Căng thẳng tại thành phố Ferguson, bang Missouri, Mỹ, nơi vốn là tâm điểm của những vụ biểu tình bạo loạn phản đối vụ cảnh sát da trắng bắt chết một thanh niên da màu không có vũ khí hồi năm ngoái, đang có nguy cơ bùng phát trở lại...
 
... sau vụ nổ súng nhằm vào hai cảnh sát địa phương ngày 12/3.
 
Mặc dù ngay lập tức lên án vụ xả súng, song những người tổ chức cuộc biểu tình tuyên bố tiếp tục biểu tình để yêu cầu những thay đổi cơ bản trong hoạt động của ngành cảnh sát thành phố sau khi Bộ Tư pháp Mỹ công bố báo cáo điều tra, trong đó kết luận rằng nhân viên Sở Cảnh sát Ferguson thường xuyên vi phạm các quyền Hiến định của công dân da màu.
 
Để ngăn chặn nguy cơ bạo lực tái phát, cảnh sát hạt St. Louis và lực lượng tuần tra đường cao tốc bang Missouri đã được chỉ đạo thay thế lực lượng cảnh sát Ferguson làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh tại các điểm biểu tình.
 
Tổng thống Barack Obama và Bộ trưởng Tư pháp Eric Holder đã chỉ trích mạnh mẽ việc hai cảnh sát bị bắn trong vụ biểu tình của người dân thành phố Ferguson.
 
Người đứng đầu Nhà Trắng khẳng định bạo lực nhằm vào cảnh sát là điều "không thể chấp nhận." Trong khi đó, phát biểu với báo giới, Bộ trưởng Holder cũng cho rằng đây là một "cuộc phục kích không thể chấp nhận được" của những kẻ đang tìm cách "gieo rắc mối bất hòa."
 
Thân nhân của Michael Brown, thanh niên 18 tuổi thiệt mạng dưới họng súng của cảnh sát Ferguson hồi năm ngoái, cũng lên án vụ xả súng của những đối tượng quá khích là "vô nghĩa," đồng thời kêu gọi những người biểu tình kiềm chế.
 
Nhà chức trách đang ráo riết truy lùng hung thủ vụ xả súng. Theo truyền thông địa phương, nhiều người biểu tình đã bị đưa đi thẩm vấn, trong khi Lực lượng Đặc nhiệm SWAT tiến hành lục soát một ngôi nhà gần hiện trường và bắt giữ ba đối tượng khả nghi. Những người này đã được thả sau khi thẩm vấn.
 
Hai nghị sỹ đại diện cho bang Missouri đã treo thưởng 3.000 USD cho người cung cấp thông tin giúp bắt giữ hung thủ.
 
Theo thông tin từ cảnh sát, sáng sớm 12/3, hai cảnh sát đã bị bắn tại hiện trường khi cuộc biểu tình phản đối lực lượng thực thi pháp luật của người dân Ferguson biến thành bạo loạn đường phố. Các nhân chứng cho biết họ đã nghe thấy ít nhất ba tiếng súng nổ khi hàng chục người biểu tình tập trung trước cửa sở cảnh sát thành phố./.
----------------------
Nghỉ lễ dài, dư luận Trung Quốc dậy sóng
Những kỳ nghỉ dài liên tiếp ở Trung Quốc đã làm dư luận nước này không ít phen dậy sóng.
 
Vừa qua, Chính phủ VN đã công bố kế hoạch nghỉ lễ dịp 30/4, 1/5 sắp tới, trong đó người dân cả nước được nghỉ 6 ngày liên tục (cộng với các ngày nghỉ cuối tuần). Kế hoạch này được đưa ra sau khi người dân cả nước vừa nghỉ 9 ngày Tết Nguyên đán, khiến một số người cho rằng nghỉ như vậy là quá nhiều và quá dài.
 
Tại quốc gia láng giềng Trung Quốc, mặc dù chỉ được nghỉ 11 ngày lễ chính thức, song người dân nước này cũng có những kỳ nghỉ dài không kém ở Việt Nam, và chính sách này cũng đã gây rất nhiều tranh cãi trong dư luận.
 
Kể từ năm 2000, Trung Quốc bắt đầu áp dụng chế độ 3 “Tuần lễ Vàng”, có nghĩa là người dân nước này sẽ được hưởng 3 kỳ nghỉ dài, mỗi kỳ nghỉ kéo dài liên tục trong một tuần lễ, gồm nghỉ Tết Nguyên đán, nghỉ Quốc khánh và nghỉ ngày Quốc tế Lao động.
 
Trong các “Tuần lễ Vàng” này, người lao động Trung Quốc được nghỉ chính thức 3 ngày, 4 ngày còn lại nếu không trùng vào các ngày cuối tuần thì người lao động phải làm bù vào các ngày nghỉ trước hoặc sau đó.
 
Để thực hiện được chính sách này, Trung Quốc đã cho thành lập Phòng Nghỉ lễ Quốc gia chịu trách nhiệm sắp xếp, bố trí các ngày nghỉ lễ cho người dân để đảm bảo họ luôn có được 3 “Tuần lễ Vàng” trong năm.
 
Chính sách này bắt đầu được áp dụng từ ngày Quốc khánh Trung Quốc năm 1999, với mục đích thúc đẩy ngành du lịch và nâng cao mức sống quốc gia cho người dân, đồng thời tạo điều kiện cho hàng triệu lao động xa quê có đủ thời gian để về thăm nhà.
 
Ngay sau khi “Tuần lễ Vàng” đầu tiên được chính thức áp dụng vào năm 1999, khoảng 28 triệu người Trung Quốc đã đi du lịch hoặc lên đường về quê trong dịp này, gây ra tình trạng quá tải khủng khiếp cho ngành giao thông. Đến năm 2007, con số này đã tăng lên đến hơn 120 triệu người.
 
Nhiều kỳ nghỉ dài cùng áp lực giao thông khủng khiếp như vậy đã gây ra nhiều phản ứng trái chiều trong xã hội, và đến năm 2004, người dân Trung Quốc bắt đầu kêu gọi chính phủ giảm bớt số “Tuần lễ Vàng”, bởi họ cho rằng chúng đã làm gián đoạn quá lớn các hoạt động bình thường của nền kinh tế.
 
Đến năm 2006, các đại biểu Quốc hội Trung Quốc đề xuất bỏ “Tuần lễ Vàng” vào ngày Quốc khánh và dịp Quốc tế Lao động, với lập luận rằng những kỳ nghỉ dài này đã không đạt được mục tiêu ban đầu là thúc đẩy mua sắm, tiêu dùng trong nước cũng như ngành du lịch.
 
Các đại biểu Quốc hội Trung Quốc cho rằng những “Tuần lễ Vàng” này đã làm gián đoạn thời gian biểu làm việc 5 ngày một tuần của các công chức, viên chức, ảnh hưởng đến các giao dịch thương mại và quốc tế khi nhiều cơ quan chính phủ, đặc biệt là các lĩnh vực như hải quan, thuế vụ và hành pháp đóng cửa nghỉ lễ suốt 7 ngày liên tục.
 
Các đại biểu này đề xuất thay vì cho người lao động nghỉ 7 ngày liên tục, chính phủ nên dành các ngày nghỉ đó cho các dịp lễ truyền thống chưa được công nhận là kỳ nghỉ chính thức như tết Trung thu, hội đua thuyền rồng và ngày thanh minh tảo mộ.
 
Chính phủ và Quốc hội Trung Quốc đã chấp nhận một phần đề xuất của các đại biểu. Đến tháng 12/2007, Tân Hoa Xã cho hay chính phủ Trung Quốc đã quyết định bỏ “Tuần lễ Vàng” vào dịp Quốc tế Lao động, và trong dịp này người dân chỉ được nghỉ duy nhất một ngày vào ngày 1/5.
 
Ngoài ra, chính phủ Trung Quốc cũng bổ sung thêm 3 kỳ nghỉ quốc gia, đó là ngày thanh minh tảo mộ, ngày hội đua thuyền rồng và tết Trung thu. Mục đích của động thái này là nhằm khôi phục các lễ hội truyền thống và cân bằng giữa nhu cầu của khách du lịch trong các kỳ nghỉ.
 
Mặc dù vậy, Phòng Nghỉ lễ Quốc gia vẫn duy trì và thực hiện 2 “Tuần lễ Vàng” còn lại bằng cách hoán đổi ngày nghỉ, sắp xếp để lao động làm bù vào các ngày cuối tuần khác. Dịp Tết Nguyên đán năm ngoái rơi vào giữa tuần, thế nên Phòng Nghỉ lễ Quốc gia đã hoán đổi các ngày nghỉ cuối tuần xung quanh quãng thời gian đó để tạo ra một kỳ nghỉ kéo dài 7 ngày liên tục.
 
Điều này đã gây ra không ít bức xúc và giận dữ cho một bộ phận không nhỏ dân chúng Trung Quốc, đặc biệt là những người không phải làm việc xa nhà, khi họ cho rằng cách bố trí như vậy đã “nghiền nát” giấc mơ về thời gian nghỉ chất lượng của họ trong những tuần bình thường.
 
Người dân Trung Quốc thực sự nổi giận với Phòng Nghỉ lễ Quốc gia từ hồi đầu năm 2014, khi họ tuyên bố rằng dịp Tết Nguyên đán năm ngoái, người lao động vẫn phải làm việc vào ngày 30 tết. Nhiều người cho rằng cách sắp xếp lịch như vậy khiến họ không có thời gian để chuẩn bị tết nhất, và nhiều lao động xa nhà không thể kịp về quê ăn tết.
 
Trước sức ép của dư luận, đến tháng 9/2014, Trung Quốc đã quyết định đóng cửa Phòng Nghỉ lễ Quốc gia và giao toàn bộ trách nhiệm sắp xếp các kỳ nghỉ lễ của cơ quan này cho ủy ban liên bộ dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Wang Yang. Sau thời gian này, các kỳ nghỉ lễ của Trung Quốc sẽ được quyết định sau khi 17 bộ ngành của chính phủ cùng ngồi lại bàn bạc.
 
Sau khi được sắp xếp lại, ủy ban liên bộ trên đã công bố lịch nghỉ lễ của năm 2015, trong đó tiếp tục duy trì 2 “Tuần lễ Vàng” là vào dịp Tết Nguyên đán và Ngày Quốc khánh. Kế hoạch này ngay lập tức đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều của cộng đồng mạng Trung Quốc.
 
Một cư dân mạng than thở: “Lại là 7 ngày cho lễ Quốc khánh. Tôi cho rằng lễ Quốc khánh chỉ cần nghỉ 3 ngày là đủ, 3 ngày còn lại nên dồn vào cho Tết Nguyên đán”. Trong khi đó, nhiều người lại kêu ca rằng Tết Trung thu năm nay chỉ được nghỉ duy nhất một ngày, dù nó trùng với ngày Chủ nhật.
---------------------

Tin Phap Luat Tin Phap LuatTổng hợp

Trở về

Xem thêm

Bài cùng chuyên mục