Lịch sử ngành hàng không thế giới đã chứng kiến nhiều vụ tai nạn thảm khốc và bí ẩn. Các vụ tai nạn thảm khốc trong hai năm trở lại đây chủ yếu của các hãng giá rẻ, đặt ra không ít quan ngại về chất lượng đảm bảo an toàn bay của các hãng này.
Ngày 28/12/2014, máy bay Airbus A320-200 thực hiện chuyến bay số hiệu QZ8501 từ đảo Surabaya của Indonesia đến Singapore đã rơi xuống biển Java trong điều kiện thời tiết mưa bão. Tai nạn làm 162 hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng.
Ngày 17/7/2014, chiếc Boeing 777 mang số hiệu MH17 của Malaysia Airlines (MAS) bị nổ trên bầu trời miền Đông Ukraine, khu vực do các tay súng địa phương kiểm soát, khiến 298 người trên máy bay thiệt mạng, trong đó có 193 người Hà Lan. Kết quả điều tra sơ bộ chính thức cho thấy máy bay rơi do bị tác động bởi lực từ bên ngoài được tạo ra bởi “các vật thể di chuyển với tốc độ cao”.
Ngày 8/3/2014, chiếc máy bay MH370 cũng của MAS đột ngột mất liên lạc với Đài kiểm soát không lưu Malaysia lúc 2h40’. Trên máy bay có tổng cộng 239 người, bao gồm 227 hành khách và 12 thành viên phi hành đoàn. Đây là một trong những vụ tai nạn bí ẩn nhất của thời đại khi mọi nỗ lực tìm kiếm quy mô nhất từ trước đến nay đều không mang lại kết quả.
Ngày 21/6/2011, máy bay TU-134 của hãng hàng không Nga Rusaero rơi xuống đường cao tốc ở nước Cộng hòa Carelia thuộc Đông Bắc nước Nga làm ít nhất 44 người thiệt mạng và 8 người bị thương nặng.
- Ngày 3/8/2010, máy bay An-24 chở khách tuyến nội địa của Nga xuất phát từ thành phố Krasnoyarsk bị rơi tại một điểm ở Siberia, miền Đông nước Nga, làm 11 trong tổng số 15 người đi trên máy bay thiệt mạng.
- Ngày 30/6/2009, chiếc Airbus A310 của hãng hàng không Yemen đi từ thủ đô Xana đến đảo quốc Como rơi xuống Ấn Độ Dương làm 142 hành khách và 11 thành viên phi hành đoàn thiệt mạng. Duy nhất có một em bé 14 tuổi may mắn sống sót.
- Ngày 1/6/2009, chiếc Airbus A330 của hãng Air France (Pháp) đi từ Rio de Janeiro (Brazil) tới Paris (Pháp) rơi xuống Đại Tây Dương. Toàn bộ những người có mặt trên máy bay gồm 228 hành khách và phi hành đoàn, đã thiệt mạng. Nguyên nhân tai nạn chưa được làm rõ.
- Ngày 20/8/2008, một máy bay gặp nạn ngay tại sân bay Barajas ở Madrid, Tây Ban Nha, làm 154 người chết và 18 người bị thương.
- Ngày 17/7/2007, máy bay TAM Airlines gặp nạn tại sân bay Congonhas ở Sao Paulo làm tổng cộng 199 người thiệt mạng, trong đó có toàn bộ 186 người trên máy bay và 13 người ở mặt đất. Đây là thảm họa hàng không tồi tệ nhất trong lịch sử Brazil.
- Ngày 5/5/2007, chiếc Boeing 737-800 của Kenya Airways bổ nhào xuống bãi lầy ở Nam Cameroon khiến toàn bộ 114 người trên máy bay tử nạn.
- Ngày 1/1/2007, chiếc Boeing 737-400 của Adam Air của Indonesia chở 102 hành khách và phi hành đoàn gặp nạn ở vùng núi trên đảo Sulawesi. Toàn bộ những người trên máy bay thiệt mạng.
- Ngày 29/9/2006. chiếc Boeing 737 chở 154 hành khách và phi hành đoàn gặp nạn ở khu rừng nhiệt đới Amazon thuộc Brazil, tất cả tử nạn. Nguyên nhân tai nạn do máy bay va chạm với một máy bay khác.
- Ngày 22/8/2006, chiếc máy bay chở khách Tupolev-154 của Nga gặp nạn ở Bắc Donetsk, phía Đông Uckraine. Trên máy bay chở 170 người.
- Ngày 9/7/2006, chiếc máy bay S7 Airbus A-310 của Nga trượt trên đường băng trong khi hạ cánh tại sân bay Irkutsk ở Siberia. 124 người tử nạn và hơn 50 người sống sót.
- Ngày 3/5/2006, chiếc Armavia Airbus A-320 của Armenia lao xuống Biển Đen gần Sochi khiến toàn bộ 113 hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng.
- Ngày 3/9/2005, chiếc máy bay Boeing 737 của hãng Mandala Airlines (Indonesia) chở 116 hành khách rơi xuống khu vực đông dân cư ngay sau khi cất cánh tại Medan khiến 147 người thiệt mạng, trong đó có 47 người dưới mặt đất. Tuy nhiên có 16 hành khách trên máy bay đã may mắn sống sót.
- Ngày 3/2/2005, một chiếc Boeing 737 của hãng Kam Air nổ tung thành nhiều mảnh tại vùng núi cao gần Kabul, Afghanistan. Tất cả 104 người trên máy bay thiệt mạng.
- Ngày 3/1/2004, chiếc Boing 737-300 của Flash Airlines (Ai Cập) lao xuống Biển Đỏ ngay sau khi cất cánh từ Shamel Sheik. 148 người thiệt mạng.
- Ngày 8/5/2003, 200 hành khách thiệt mạng sau khi chiếc Ilyushin-76 của Bộ Quốc phòng Ukraine bốc cháy giữa bầu trời CHDC Conggo.
- Ngày 25/5/2002, chiếc Boeing 747-200 của hãng China Airlines (Đài Loan) nổ tung khi đang trên đường tới Hong Kong khiến 225 người chết.
- Ngày 7/5/2002, máy bay MD-82 của hãng China Northern rơi xuống vùng biển Đông Bắc Trung Quốc, cướp đi sinh mạng của 112 người.
- Ngày 12/2/2002, chiếc Tupolev-154 gặp nạn khi đang thực hiện chuyến bay nội địa ở Tây Nam Iran khiến 119 người chết.
- Ngày 12/11/2001, chiếc A-300 của hãng hàng không Mỹ rơi xuống thị trấn Queens của thành phố New York ngay sau khi cất cánh khỏi sân bay John F Kennedy làm 265 người thiệt mạng, trong đó có 5 người dưới mặt đất.
- Ngày 8/10/2001, chiếc máy bay MD87 của hãng SAS (hãng hàng không đa quốc gia Đan Mạch, Thụy Điển và Na Uy) đâm vào một phi cơ cỡ nhỏ của Đức tại sân bay Linate ở Milan (Italia). Tai nạn làm 104 hành khách cùng 6 thành viên tổ lái trên chiếc MD87 và 4 người trên phi cơ Đức thiệt mạng.
- Ngày 3/7/2001, chiếc TU-154 của hãng Vladivostok Avia gặp nạn ở thành phố Irkutsk của Siberia làm 145 người chết.
- Ngày 23/8/2000, máy bay Airbus A320 của hãng Gulf Air rơi xuống Vịnh Barent, cướp đi mạng sống của 143 người.
- Ngày 9/7/2000, chiếc Concorde của hãng Air France đâm vào một khách sạn sau khi cất cánh khỏi Paris (Pháp) làm 113 người thiệt mạng.
- Ngày 19/4/2000, máy bay 737-200 của hãng hàng không Philippines gặp nạn ở đảo Samal làm 131 người chết.
------------------------
Nam sinh đột tử trong giờ học
Trong lúc đang học tiết 2, một nam sinh tại Hậu Giang bất ngờ đứng dậy rồi ngất xỉu, dẫn đến tử vong.
Thông tin từ cơ quan chức năng cho biết, sáng ngày 24/3, em Trương Hoàng H. (18 tuổi, học sinh lớp 12 Trường THPT Vị Thủy, huyện Vị Thủy, Hậu Giang) trong lúc học tiết 2 có biểu hiện mệt mỏi. Em H. bất ngờ đứng dậy rồi té xỉu xuống đất.
Ngay sau đó, H. được nhà trường đưa đi cấp cứu nhưng đã tử vong. Theo kết quả điều tra ban đầu, H. không có tác động ngoại lực và nhiều khả năng tử vong là do bệnh lý.
Hiện cơ quan chức năng đang tiếp tục làm rõ nguyên nhân.
---------------------------
Vụ tai nạn máy bay: Phi công đầy kinh nghiệm, máy bay mới kiểm tra
Ngày 24/3, Hãng hàng không giá rẻ Germanwings, chi nhánh của hãng hàng không Lufthansa (Đức) đã tiến hành họp báo về vụ tai nạn máy bay thảm khốc tại miền Nam nước Pháp cùng ngày khiến toàn bộ 150 hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng.
Phát biểu trong cuộc họp báo, Giám đốc điều hành Germanwings Thomas Winkelmann cho biết chiếc máy bay xấu số Airbus A320 đã mất liên lạc với radar và cơ quan không lưu của Pháp vào lúc 10 giờ 53 phút sáng ngày 24/3 (tức 16 giờ 53 phút, giờ Hà Nội) ở độ cao 6.000 feet (khoảng 1.800m).
Sau khi đạt độ cao để bay đó một phút, máy bay bắt đầu hạ xuống và tiếp tục rơi trong vòng 8 phút. Chiếc máy bay xấu số này đã rơi xuống một khu vực hẻo lánh ở vùng núi Alps và theo giới chức Pháp, nó bị vỡ tan thành 12 mảnh lớn.
Theo Germanwings, phi công điều khiển chiếc Airbus A320 có hơn 10 năm kinh nghiệm và khoảng 6.000 giờ bay. Còn chiếc Airbus A320 này cũng đã được kiểm tra kỹ lưỡng trong mùa Hè 2013.
Trong khi đó, giới chức hàng không dân sự Pháp cho biết đã không có tín hiệu nguy cấp được phát đi mà thực tế là hệ thống kiểm soát không lưu đã quyết định thông báo máy bay bị rơi vào tình trạng nguy cấp do không liên lạc được với phi hành đoàn. Trước đó, có thông tin rằng chiếc máy bay đã phát đi một tín hiệu nguy cấp trước khi rơi.
Về các nạn nhân trong vụ tai nạn thảm khốc này, thông tin mới nhất cho biết trong số 150 người thiệt mạng trên chuyến bay 4U9525 có 67 người Đức, khoảng 45 hành khách mang họ Tây Ban Nha và có thể có cả người Thổ Nhĩ Kỳ.
Truyền thông Đức đưa tin trong số các nạn nhân nhiều khả năng có cả một lớp gồm 16 học sinh và 2 giáo viên thuộc một trường chuyên ở Haltern, bang Nordrhein Westfalen.
Phóng viên TTXVN tại Đức dẫn lời các chuyên gia nước này cho biết máy bay rơi rất bất thường và nhiều khả năng do một lỗi rất nghiêm trọng về kỹ thuật gây ra. Cũng có khả năng có vấn đề với áp suất trong cabin hoặc phi công phát hiện trục trặc và tìm cách hạ cánh, song không thành công. Trong khu vực xảy ra tai nạn có một sân bay thể thao nhỏ.
Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết đã bị sốc khi được tin về vụ tai nạn. Bà đã điện đàm với Tổng thống Pháp Francois Hollande và Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Ryjoy để trao đổi thông tin.
Nhà lãnh đạo Đức cũng hủy mọi kế hoạch để tập trung theo dõi thông tin vụ tai nạn, đồng thời giữ liên hệ chặt chẽ với các cơ quan chức năng. Đại sứ Đức tại Paris đã lên đường tới hiện trường vụ tai nạn và bà Merkel cho biết ngày 25/3 cũng sẽ tới đây.
Trong một thông báo, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier cho biết nước này đã thành lập một đội giải quyết khủng hoảng để xử lý vụ máy bay Airbus A320 rơi, đồng thời mở một đường dây nóng theo số 0049-30-50003000.
Trên trang mạng xã hội Twitter, Ủy viên phụ trách Vận tải của Liên minh châu Âu (EU), bà Violeta Bulc tuyên bố EU sẽ hỗ trợ điều tra vụ tai nạn.
Chiếc máy bay Airbus 320 gặp nạn khi đang chở 144 hành khách và 6 phi hành đoàn trên hành trình từ thành phố Barcelona của Tây Ban Nha tới thành phố Dusseldorf của Đức.
Đây là vụ tai nạn chết người đầu tiên trong lịch sử hãng hàng không Germanwings và là tai nạn hàng không thảm khốc nhất tại Pháp sau vụ rơi máy bay của hãng hàng không Turkish Airlines làm 346 người thiệt mạng vào năm 1974./.
---------------------