tin phap luat logo

 
 
 

Tin kinh tế trưa 13-03-2015: Điện, xăng cùng tăng giá: Lo giá cả leo thang - Đài Loan dự định tiếp nhận trở lại lao động thuyền viên gần bờ và giúp việc gia đình

  • Cập nhật : 13/03/2015

 Điện, xăng cùng tăng giá: Lo giá cả leo thang

Theo các chuyên gia, với việc giá xăng tăng 1.610 đồng/lít ngày 11/3, tiếp đến giá điện tăng 7,5% từ 16/3, Thuế bảo vệ môi trường xăng dầu tăng từ tháng 5 tới, sẽ khiến nhiều mặt hàng có nguy cơ ồ ạt tăng giá theo. 
 
Vẫn bức xúc “độc quyền”
 
Chuyên gia kinh tế - TS Lưu Bích Hồ cho biết, giá điện tăng, vấn đề nằm ở tính minh bạch giá thành. “Người dân vẫn chưa yên tâm với cách tính giá thành điện hiện nay. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nói, tăng giá sẽ tăng thu thêm khoảng 13.000 tỷ đồng, giúp bù lỗ, cải thiện khả năng tích lũy để đầu tư tiếp... Tất cả lý do nêu lên chưa đủ sức thuyết phục, rất khó chấp nhận do anh còn độc quyền. Giờ giá điện tăng người dân phải chấp nhận, nhưng họ yêu cầu tiếp tục tái cơ cấu EVN”, TS Hồ nói.
 
Chuyên gia về giá Ngô Trí Long nói: Điện và xăng dầu là yếu tố đầu vào quan trọng với toàn bộ nền kinh tế. Khi hai mặt hàng này tăng giá sẽ tác động tới tất cả hàng hóa và kéo mặt bằng giá lên. Khi điện tăng 7,5%, các cơ sở tiêu thụ điện lớn cũng quyết định sẽ tăng giá hàng hóa ở mức tương ứng. Theo vị chuyên gia này, giá cả thời gian qua thấp không phải do chúng ta cải thiện được năng suất, chất lượng, hiệu quả, chủ yếu do giá xăng dầu giảm, sức mua yếu, hàng tồn nhiều nên doanh nghiệp phải giảm giá bán.
 
“Trong khi chi phí đầu vào tăng, nhưng doanh nghiệp không dám tăng giá bán hàng hóa, vì lo sức mua lại giảm, khiến tồn kho tăng… Hậu quả, doanh nghiệp đã khó càng khó thêm, thu nhập người lao động giảm, doanh nghiệp phá sản, thất nghiệp tăng, xa hơn là suy thoái kinh tế”, ông Long nói.
 
Đồng tình với ý kiến về giá điện chưa minh bạch, ông Long bổ sung, giá thành điện hiện nay được EVN đưa vào cả các yếu tố về quản trị kém, thất thoát lớn, đầu tư ngoài ngành, chi phí bất hợp lý (chi tiền làm biệt thự, bể bơi, thăm nước ngoài…).
 
Ngoài ra, EVN so sánh giá điện với các nước trong khu vực rồi nói Việt Nam còn thấp cũng không thuyết phục. Ông dẫn chứng, giá điện của Malaysia tương đương Việt Nam, nhưng nước này có hơn 90% lượng điện là từ nguồn nhiệt điện (than, khí, dầu) - mức giá bằng Việt Nam là thấp. Trong khi đó, Việt Nam có gần 60% là từ thủy điện, mà giá bằng Malaysia là quá đắt.
 
“Tất cả những lý do EVN đưa ra đều là ngụy biện, chứng tỏ cơ quan chức năng chưa thực hiện đúng vai trò giám sát và kiểm tra, để EVN tính chi phí giá thành một cách hợp lý. Còn nói giá điện tăng mọi người được hưởng, hoặc nói là nếu không tăng giá sẽ phá sản, đó là điều phi lý, phi thị trường, không chấp nhận được”, ông Long nói.
 
Về giá xăng dầu, cả TS Lưu Bích Hồ và TS Ngô Trí Long đều đồng tình, hiện giá xăng dầu đã cơ bản theo thị trường thế giới, nên khi tăng lúc giảm. Vấn đề chỉ nằm ở việc điều tiết quỹ bình ổn và hài hòa lợi ích của người tiêu dùng với doanh nghiệp. “Tuy nhiên, vừa rồi chúng ta tăng thuế môi trường với xăng dầu quá cao, quá sốc (tăng lên 3.000 đồng/lít xăng)”, ông Long nói.
 
Lo giá cả leo thang
 
Theo TS Lưu Bích Hồ, đợt tăng giá xăng dầu và điện này sẽ tác động lên giá lương thực thực phẩm. Do mặt hàng lương thực thực phẩm chủ yếu phụ thuộc vào mùa màng, đầu ra, nếu giá có tăng cũng không nhiều (trừ khi mất mùa).
 
Tuy nhiên, theo TS Hồ, với giá các mặt hàng công nghiệp lại khác. “Vừa qua, các số liệu thống kê về sản xuất công nghiệp đều tăng, tôi không hiểu họ điều tra thế nào, khi người dân đâu có tiền để mua. Giờ giá điện và xăng dầu tăng, doanh nghiệp tăng giá bán thì lấy ai mua, tồn kho lại tăng, doanh nghiệp lại lao đao”, TS Hồ dự báo.
 
TS Lê Đăng Doanh cũng bày tỏ lo ngại việc tăng giá xăng dầu, điện, phí môi trường xăng dầu sẽ khiến giá các hàng hóa, dịch vụ, từ thép, xi măng, cước vận tải, đến mớ rau, con cá, bát phở… tăng theo và lập mặt bằng giá mới trong thời gian tới.
 
Theo ông Doanh, giá xăng tăng do giá dầu thế giới tăng, nên phải chấp nhận. Tuy nhiên, với giá điện hiện đang là độc quyền. Đến nay, giá thành điện chưa được giải trình, các yêu cầu của Thủ tướng với ngành điện về tăng năng suất lao động thế nào, giảm biên chế thế thừa, giảm hao hụt truyền tải ra sao… cần làm rõ thêm.
 
Cái nữa, giá điện tăng một lần 7,5% là quá cao, khiến các DN sử dụng nhiều điện trở tay không kịp. Nếu tăng 3-4%, DN có thể tiết kiệm, hoặc điều chỉnh, tìm cách thích nghi dần. “Năm 2015 là năm hội nhập, các dòng thuế nhập khẩu mình phải giảm, hàng hóa nước ngoài vào rẻ hơn. Nếu không cẩn thận, chúng ta sẽ không thể nào cạnh tranh được”- ông Doanh nói.
 
Theo TS Lê Đăng Doanh, việc tăng giá điện có tác động tích cực là người dân sẽ tiết kiệm điện nhiều hơn. “Còn khi tiến tới thị trường bán lẻ cạnh tranh, giá điện tính theo giờ, ngành điện làm rõ giờ nào bao nhiêu tiền, công tơ đếm được số điện theo giờ, để tính toán cho đúng, phải giải trình rõ”- ông Doanh nói.
----------------------
 Xây dựng trung tâm nghề cá khu vực tại Khánh Hòa
Thủ tướng Chính phủ vừa đồng ý chủ trương UBND tỉnh Khánh Hòa triển khai thực hiện các công việc chuẩn bị đầu tư xây dựng trung tâm nghề cá lớn.
 
Thủ tướng giao UBND tỉnh Khánh Hòa làm việc cụ thể với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để hoàn thiện thủ tục đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư công và đưa vào kế hoạch trung hạn 5 năm 2016-2020 để đầu tư. UBND tỉnh Khánh Hòa được lựa chọn chỉ định đơn vị tư vấn để lập quy hoạch, lập dự án đầu tư.
 
Theo Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cả nước sẽ hình thành 5 trung tâm nghề cá ở các vùng trọng điểm (trong đó có tỉnh Khánh Hòa). Khánh Hòa hội tụ đủ 6 tiêu chí để xây dựng trung tâm nghề cá khu vực Nam Trung bộ..
------------------------
 Đài Loan dự định tiếp nhận trở lại lao động thuyền viên gần bờ và giúp việc gia đình
Trước tuyên bố của Bộ trưởng Bộ Lao động Đài Loan Trần Văn Hùng về dự định sẽ dỡ bỏ lệnh cấm tiếp nhận lao động Việt Nam trong lĩnh vực thuyền viên tàu cá gần bờ và lao động giúp việc gia đình sau tròn 10 năm không tiếp nhận, đã khiến rất nhiều doanh nghiệp xuất khẩu lao động (XKLĐ) Việt Nam và người lao động có nhu cầu đi làm việc tại hòn đảo này quan tâm.
 
Đây cũng có thể xem như thêm cơ hội việc làm ngoài nước, cải thiện tình hình việc làm khi việc làm mới trong nước vẫn còn chưa đáp ứng được kỳ vọng của người lao động.
 
Tuy nhiên, qua trao đổi với bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung, Trưởng phòng Đài Loan, Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐ-TB&XH vào chiều 11/3, thì cho đến thời điểm này, cơ quan chức năng của hai bên vẫn đang tiếp tục đàm phán, chưa có thông tin và kết quả chính thức.
 
Nhưng có một tín hiệu được xem là tích cực nhất, chính là tỷ lệ lao động Việt Nam bỏ trốn tại Đài Loan đã có dấu hiệu giảm, chính Bộ Lao động Đài Loan cũng đã thừa nhận sự cố gắng kéo giảm tỷ lệ lao động bỏ trốn của Việt Nam tại Đài Loan.
 
Theo bà Nhung, việc Đài Loan áp đặt lệnh cấm tiếp nhận lao động thuyền viên tàu cá gần bờ (từ tháng 5/2004) và lao động giúp việc gia đình  (tháng 1/2005), cũng là do tỷ lệ lao động của ta bỏ trốn ra ngoài làm việc bất hợp pháp cao.
 
Mặc dù, trong tháng 2 vừa qua, Indonesia cũng tuyên bố sẽ giảm dần số lượng lao động là người giúp việc xuất khẩu sang Đài Loan, Hong Kong, Malaysia, Singapore, Macau cũng như các nước và vùng lãnh thổ khác ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, bắt đầu từ năm 2017, nhưng thực tế diễn ra thế nào thì chưa thể đoán trước được. “Đây mới chỉ là mục tiêu mà Indonesia đang mong muốn hướng đến”, bà Nhung cho biết.
 
Còn hiện tại, theo số liệu của Bộ Lao động Đài Loan, tính đến cuối tháng 1/2015, Indonesia vẫn là nước xuất khẩu nhiều lao động nhất sang Đài Loan, chiếm 41,6% trong tổng số 556.412 người lao động nước ngoài tại hòn đảo này.
 
Riêng đối với lao động giúp việc gia đình, hiện mức lương Đài Loan đưa ra vẫn không có gì thay đổi so với 10 năm trước, vẫn giữ ở mức 15.840 Đài tệ (tương đương 500 USD), do loại hình lao động này không điều chỉnh trong Luật Lao động. Tuy nhiên, đây vẫn là mức lương cao hơn một số thị trường khác trả lao động giúp việc gia đình. Lao động không bị trừ tiền ăn, ở như các lao động ở lĩnh vực khác.
 
Qua tìm hiểu của phóng viên, ngay những tháng đầu năm, một số doanh nghiệp cũng đã tìm kiếm được đơn hàng cung ứng lao động vào thị trường mới, như Algerie, Angola, Cộng hòa Sudan.
 
Cụ thể như Công ty cổ phần Nhân lực và Thương mại (Vinaconexmec) đăng ký hợp đồng đưa 150 lao động sang Algerie cho Công ty ZhongDing International Engineering Co.Ltd; Công ty cổ phần Nguồn nhân lực và Phát triển kinh tế hợp tác (LABCOOP.,JSC) đăng ký đưa 100 lao động đi làm việc tại Angola cho Công ty TNHH Xây dựng dân dụng và Công nghiệp Avima; Công ty cổ phần Phát triển quốc tế Việt Thắng (VTC Corp) đăng ký đưa 40 lao động sang làm việc tại Cộng hòa Sudan cho Công ty Xây dựng Tô Trung, Nam Thông…, cũng góp phần làm sôi động thị trường XKLĐ trong năm 2015.
 
Trao đổi với phóng viên Báo CAND, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thanh Hòa cho biết, riêng về thị trường XKLĐ Hàn Quốc, thông tin khả quan nhất là cuối tháng 3 này, hai bên có thể ký kết lại Bản ghi nhớ hợp tác, Hàn Quốc tiếp tục gia hạn tiếp nhận lao động Việt Nam trong vòng 1 năm.
 
Tới đây, Việt Nam và Malaysia cũng sẽ thống nhất tổ chức ký lại thỏa thuận hợp tác lao động do thỏa thuận ký trước đây đã hết hạn. Cùng với đó là triển vọng hợp tác lao động với Thái Lan, đang mở ra rất nhiều cơ hội việc làm ngoài nước cho lao động Việt Nam.
 
Mặc dù với những tín hiệu tích cực như vậy ngay từ những tháng đầu năm, nhưng cũng có không ít lo ngại về chính sách XKLĐ. Trong khi các nước, ngay các nước trong khối ASEAN đang hướng đến việc giảm dần XKLĐ, tăng cường nhập khẩu lao động, thì dường như Việt Nam lại vẫn duy trì, tiếp tục đưa lao động giản đơn đi làm việc ở nước ngoài (?!).
-----------------------

Tin Phap Luat Tin Phap LuatTổng hợp

Trở về

Xem thêm

Bài cùng chuyên mục