tin phap luat logo

 
 
 

Tin kinh tế trưa 11-02-2015: Ngừng nhập khẩu lạc nhân từ Ấn Độ do phát hiện sinh vật nguy hiểm - Tiết kiệm, dân Thủ đô rủ nhau mua chung thực phẩm Tết

  • Cập nhật : 11/02/2015

 Ngừng nhập khẩu lạc nhân từ Ấn Độ do phát hiện sinh vật nguy hiểm

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) vừa quyết định tạm ngừng nhập khẩu lạc nhân từ Ấn Độ do phát hiện lạc nhân nhập từ nước này nhiễm mọt lạc serratus. Quyết định có hiệu lực sau 60 ngày kể từ ngày 6/2.
 
Trong thời gian quyết định tạm ngừng này chưa có hiệu lực, Bộ NN&PTNT giao Cục Bảo vệ thực vật kiểm dịch chặt chẽ các lô lạc nhân nhập từ Ấn Độ.
 
Đồng thời, Cục Bảo vệ thực vật phải thông báo chính thức cho các cơ quan có thẩm quyền của Ấn Độ để có biện pháp khắc phục triệt để vấn đề trên, đồng thời tổ chức kiểm tra, xác nhận các biện pháp khắc phục từ phía Ấn Độ, báo cáo với Bộ trưởng Bộ NN&PTNT.
 
Theo Bộ NN&PTNT, mọt lạc serratus (Caryedon serratus Olivier) thuộc đối tượng kiểm dịch nhóm I, là sinh vật có nguy cơ gây thiệt hại nghiêm trọng với thực vật và chưa có trên lãnh thổ Việt Nam.
 
Đầu tháng 1/2015, Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng I (Cục Bảo vệ thực vật) đã phát hiện 8 lô hàng với 35 container lạc nhân nhập khẩu từ Ấn Độ về cảng Hải Phòng có chứa Caryedon serratus Olivier (sống).
----------------------
Hàng hóa dồi dào, sức mua chậm
Chỉ còn một tuần nữa là đến Tết Nguyên đán, nhưng thị trường bán lẻ hàng hóa hầu như vẫn chưa có biến chuyển. Bỏ ra một số vốn không nhỏ để trữ hàng Tết, nhiều người kinh doanh như đang “ngồi trên đống lửa” vì sức mua đang rất ảm đạm.
 
Không khí nhộn nhịp, sôi động mua sắm Tết của nhiều năm trước đã không còn xuất hiện trong vài năm trở lại đây.
 
Ngay cả chợ Đồng Xuân - Bắc Qua, nơi bán buôn hầu hết các mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết cũng không tấp nập như mọi năm.
 
Đa số các tiểu thương ở đây đều ngán ngẩm, bởi so với cùng thời điểm năm ngoái, lượng hàng bán ra năm nay chưa bằng 1/4.
 
Chị Thuận, chủ quầy Tiến Thuận tại chợ Đồng Xuân cho biết, mọi năm, các mặt hàng như hạt điều, sen sấy, mứt các loại… đều xuất ra mỗi ngày vài tạ. Nhưng đến thời điểm này, chị mới bán “túc tắc” xấp xỉ một tạ/ngày.
 
Vò tờ báo “đốt vía”, một tiểu thương gần đó than thở: Từ sáng chưa bán được gì, toàn người đi khảo giá với “bốc lên đặt xuống”.
 
Thời điểm cận Tết cũng là thời điểm “nở rộ” các hội chợ hàng tiêu dùng.
 
Cũng như mọi năm, ngoài những hội chợ “Nhà nước” tại Triển lãm Giảng Võ hay Trung tâm Hội chợ nông nghiệp thì các diễn đàn dành cho các bà nội trợ cũng đua nhau mở các “hội chợ” nho nhỏ.
 
Chị Diệp, một chủ shop online có tiếng trên diễn đàn Lamchame kể: Hội chợ vào ngày chủ nhật (8/2) tưởng đông khách hàng, hóa ra toàn “người xem”.
 
Theo chị Diệp, mọi năm, hội chợ của diễn đàn này khá đông khách vì hội chợ tổ chức khá quy củ, quy tụ những shop bán hàng online có uy tín. Nhưng năm nay, mang 7 thùng hàng ra thì buổi chiều xếp về đúng 6 thùng.
 
Người đi hội chợ vẫn đông nhưng chủ yếu là nếm thử, xin card rồi hẹn đến cửa hàng mua. Và đến hôm nay, những khách “hẹn đến mua” cũng chưa thấy quay lại cửa hàng.
 
Chị Thủy, một nhân viên văn phòng làm thêm bán hàng online trên các mạng xã hội cho biết, chị bán hoa quả, mọi năm các loại quả bán rất chạy như bưởi năm roi, thanh long ruột đỏ, nho Ninh Thuận...
 
Năm nay, khách hàng thân thiết của chị vẫn đặt mua hàng, nhưng số lượng mua đều rút bớt đi.
 
“Kinh tế khó khăn, người dân bỏ tiền ra mua thứ gì cũng phải tính toán, không “phóng tay” như trước được nữa. Hàng họ ế ẩm chán lắm”, chị Thủy uể oải.
 
Cũng như chị Thủy, những người bán hàng “tay ngang” khác cũng đều dè chừng, chỉ dám trữ số lượng hàng bằng 1/3 năm trước.
 
Theo nhiều người bán hàng, năm nay giá cả các mặt hàng phục vụ Tết không có đột biến, thậm chí nếu khéo mặc cả còn nhập được hàng giá “mềm” hơn năm ngoái nhưng tâm lý sợ tồn kho đã khiến thị trường đã trầm lắng lại càng èo uột thêm.
 
Nhiều chủ cửa hàng hy vọng, sau lễ ông Công, ông Táo (23 tháng Chạp), số lượng người mua sẽ tăng lên.
 
Không chỉ các tiểu thương kinh doanh nhỏ lẻ, các siêu thị cũng “ngại ôm” hàng.
 
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Tiến Vượng, Phó Tổng Giám đốc, Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) cho biết, doanh nghiệp này đã dành hơn 1.200 tỷ đồng dự trữ hàng hóa, chỉ tăng 10% so với Tết Nguyên đán 2014. Tuy nhiên, đại diện Hapro cũng đang lo lắng khi sức mua hiện nay yếu.
 
"Tính tới thời điểm hiện nay, sức tiêu thụ rất là căng. Nhu cầu mua chưa tăng, trong khi giá cả thì vẫn giữ nguyên", ông Vượng giãi bày.
 
Lý giải cho nguyên nhân cung đang yếu hơn cầu, ông Vượng cho rằng, vài năm gần đây, sức mua đã chậm lại do chủ yếu là nguồn cung ứng hàng hóa đã dồi dào, thời gian nghỉ dài nên người mua hàng đã "giãn" thời gian mua hàng. Tuy nhiên, Phó Tổng Giám đốc Hapro vẫn lạc quan: “Hy vọng sau 23 tháng Chạp âm lịch, sức mua sẽ tăng lên”.
-------------------------
 Tiết kiệm, dân Thủ đô rủ nhau mua chung thực phẩm Tết
Chưa đầy hai tuần nữa là đến Tết, trong điều kiện kinh tế khó khăn, nhiều người dân ở Thủ đô đã rủ nhau “mua chung” hoặc đặt hàng sớm để có giá tốt nhất.
 
Chị Nguyễn Ngọc Phượng, nhà ở ngõ 177 Đội Cấn, Ba Đình, đã cùng bà con trong xóm lên kế hoạch chuẩn bị Tết tiết kiệm nhất. Chị Phượng cho biết, bà con trong khu sống với nhau rất thân thiết, thường hay rủ nhau mua đồ chung để giảm giá. Năm nay, có bốn nhà đã tính đặt một con lợn mán khoảng chục kg để ăn Tết. Ngoài ra, một chị có quê ngoại ở Bắc Giang nên đã nhờ mua cho mỗi nhà một đôi gà đồi để thắp hương đêm 30 và ăn Tết.
 
"Tôi nghĩ cùng nhau mua chung như vậy rất tiết kiệm và có được hàng ngon. Một anh có bạn nuôi lợn ở Ninh Bình nên nhờ mua hộ. Họ sẽ thịt và làm sạch cho mình. Lợn mang về, phần lòng và tiết, mấy nhà có bữa tất niên cuối năm. Còn lại chia đều, mỗi nhà mang một phần thịt về để ăn trong mấy ngày Tết", chị Phượng kể.
 
Sống cùng tầng ở chung cư Xa La, Hà Đông, chị Lê Thu Hương và hai gia đình khác lại cùng nhau "đụng" lợn quê. Chị Hương kể, nhà ngoại chị ở Ba Vì, Hà Nội có nuôi lợn sạch để đến Tết mổ. Hàng xóm nhà chị biết nên đã nhờ mua giúp mỗi nhà mấy cân thịt lợn và ít giò.
 
"Bố mẹ tôi nuôi bằng thóc gạo nên thịt lợn chắc và ngon, lại đảm bảo. Ông bà thịt cho gia đình, con cái, họ hàng mỗi nhà một ít, không phải để bán. Vì thế mà giá để lại cũng rất thấp. Ngoài ra, khi về quê ngoại, tôi còn mua rau sạch cho mọi người ăn Tết nữa".
 
Không chỉ thực phẩm mà bánh kẹo, hoa quả cũng được mọi người rủ nhau mua chung cho rẻ.
 
Năm ngoái được người họ hàng từ bên Nga về cho gói kẹo socola hạnh nhân nên gia đình anh Vũ Văn Tiến, Sài Đồng, Gia Lâm đâm ra "nghiền". Gần đến Tết, vợ anh đã tìm ra địa chỉ để mua loại kẹo này. Tuy nhiên, khảo sát trên một số trang web và mấy địa chỉ bán hàng xách tay, chị thấy giá tương đối cao so với mua và gửi từ Nga về. Do đó, nhà anh đã rủ bạn bè, anh em mua chung.
 
Theo anh Tiến, để gửi một chuyến hàng bên đó về với mức cước hợp lý thì cũng phải tầm 5-6kg trở lên. Một mình nhà anh mua số lượng kẹo lớn như vậy thì phí rất đắt nên anh đã rủ thêm được hai gia đình góp tiền mua chung. Mỗi nhà sẽ có khoảng hơn 3kg kẹo hạnh nhân, hàng chuẩn từ Nga. Trong khi đó, giá thành lại rẻ hơn mua ở nhà từ 100.000-150.000 đồng/kg.
 
Không chỉ anh Tiến, rất nhiều người khác cũng có cách làm như vậy. Dạo qua một số trang mạng xã hội, thông tin rủ nhau mua chung một sản phẩm để có giá thành hợp lý được nhiều người đăng tin.
 
Thành viên namduong trên trang facebook đã đăng tin rủ mọi người mua cam Cao Phong, Hòa Bình để ăn Tết. "Cam Cao Phong rất nổi tiếng và ai cũng biết chất lượng. Nhà mình có người họ hàng ở trên đó nên sẽ lấy được giá gốc. Các mẹ ai có nhu cầu thì đặt cùng mình để chia tiền cước nhé, mỗi người tối thiểu đặt 5kg. Nếu tính giá về tới nhà sẽ rẻ hơn giá các mẹ mua ngoài chợ mà lại được ăn cam đảm bảo", thành viên này viết.
 
Từ hai năm nay, một số hộ gia đình trong ngõ Gốc Đề, Minh Khai, Hà Nội đã thực hiện phương châm "mua chung" vì thấy vừa tiện ích, giá thành phù hợp lại góp phần gắn kết bà con với nhau.
 
Bà Bùi Thị Cúc (65 tuổi) tâm sự: Trước Tết tầm 1 tháng, chị em chúng tôi ngồi lại với nhau xem các gia đình cần gì, mua bao nhiêu và chỗ nào hàng ngon, giá rẻ nhất. Thế rồi mọi người bàn bạc và thống nhất những khoản có thể mua chung và phân cho ai có mối quan hệ hoặc biết chỗ để mua. Năm nào cũng vậy, đến tầm 28 Tết nhà nào cũng chuẩn bị đồ đầy đủ, vừa ngon, vừa rẻ.
--------------------------
Một lượng vàng thế giới chỉ bằng 9 chỉ vàng SJC
Sáng nay 11/2, giá vàng trong nước biến động trong biên độ hẹp khi giá vàng thế giới đang đi lên. Tuy nhiên, khoảng cách chênh lệch giữa hai thị trường lại nới rộng lên 3,4 triệu đồng/lượng.
 
Lúc 9h15 sáng nay 11/2, giá vàng SJC tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM được Tập đoàn VBĐQ DOJI niêm yết giao dịch ở mức 35,24 triệu đồng/lượng (mua vào) - 35,28 triệu đồng/lượng (bán ra) đối với giao dịch bán lẻ và 35,25 triệu đồng/lượng - 35,28 triệu đồng/lượng đối với giao dịch bán buôn.
 
So với chốt phiên hôm qua, giá vàng SJC qua niêm yết của DOJI điều chỉnh tăng nhẹ mỗi chiều 20.000 đồng/lượng.
 
Báo giá của Công ty CP Đầu tư Vàng Phú Quý cho biết, giá vàng SJC tại Hà Nội hiện giao dịch ở mức 35,24 triệu đồng/lượng - 35,28 triệu đồng/lượng, chiều mua vào giảm 10.000 đồng/lượng còn chiều bán giữ nguyên giá chốt hôm qua.
 
Tại TPHCM, giá vàng SJC qua niêm yết của Công ty VBĐQ Sài Gòn giao dịch ở mức 35,2 triệu đồng/lượng - 35,3 triệu đồng/lượng, không thay đổi so với chốt phiên chiều qua.
 
Với mức giá trên, vàng SJC hiện cao hơn giá vàng thế giới quy đổi 3,4 triệu đồng/lượng.
 
Trên thị trường thế giới, lúc 9h20 sáng nay, giá vàng giao ngay tại châu Á qua niêm yết của Kitco.com có biên độ tăng hơn 4 USD/ounce. Còn phiên hôm qua, giá vàng giao ngay giảm 0,4%, xuống 1.233,52 USD/ounce khi USD tăng lên bất chấp yếu tố hỗ trợ giá vàng do lo ngại về tương lai Hy Lạp trong eurozone và bạo lực leo thang tại Ukraine.
 
Giá vàng giao tháng 4/2015 trên sàn Comex New York giảm 9,3 USD, tương đương 0,8%, xuống 1.232,2 USD/ounce. Trước đó, giá USD tăng 0,2% so với các đồng tiền chính trong giỏ tiền tệ cũng khiến giá vàng quay đầu giảm sau khi tăng trong phiên 9/2.
 
Theo đánh giá của giới chuyên gia, những đồn đoán Fed có thể nâng lãi suất cùng với thị trường chứng khoán mạnh lên làm tăng tính hấp dẫn đầu tư vào tài sản rủi ro của giới đầu tư.
 
Tuy nhiên, tâm lý này lấn át lo ngại về sức khỏe kinh tế khu vực eurozone trong bối cảnh Hy Lạp có thể rút khỏi khu vực đồng tiền chung euro và bạo lực leo thang tại Ukraine, gây áp lực lên thị trường vàng.
------------------------

Tin Phap Luat Tin Phap LuatTổng hợp

Trở về

Xem thêm

Bài cùng chuyên mục