Trong giai đoạn đầu, NHNN đã đánh giá và thực hiện tái cơ cấu các NHTM yếu kém, đây là những mắt xích có thể gây đổ vỡ hệ thống. Năm 2015, các ngân hàng bị âm vốn điều lệ có thể sẽ được NHNN trực tiếp mua hoặc chỉ đạo NHTM khác tham gia mua cổ phần.
Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2/2015 diễn ra chiều nay (2/3), Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho biết, trong thời gian qua, đối với trường hợp của Ngân hàng Xây dựng (VNBC), NHNN đã thực hiện giải pháp mua lại với giá 0 đồng, khi ngân hàng này có vốn điều lệ âm so với vốn pháp định.
Bà Hồng cũng khẳng định, việc NHNN trực tiếp tham gia mua cổ phần hay chỉ đạo ngân hàng thương mại (NHTM) tham gia mua cổ phần là một trong những giải pháp mà NHNN thực hiện trong quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng.
Trong giai đoạn đầu tiên, NHNN cũng đã đánh giá và thực hiện tái cơ cấu các NHTM yếu kém, đây là những mắt xích có thể gây đổ vỡ hệ thống. Năm 2015, ngành ngân hàng sẽ tập trung thực hiện theo đúng các giải pháp đề ra tại Đề án tái cơ cấu theo Quyết định 254 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó sẽ tái cơ cấu toàn diện các ngân hàng, trong đó, kể cả các ngân hàng tốt cũng phải được tái cơ cấu để tốt hơn.
Đối với những ngân hàng mà theo đánh giá của NHNN gặp vấn đề, chẳng hạn vốn điều lệ âm nhiều so với vốn pháp định thì có thể áp dụng một trong các giải pháp như đã đề cập.
Được biết, cuối tuần qua, ông Nguyễn Phước Thanh - Phó thống đốc NHNN cũng đã cho biết, đã có kế hoạch xử lý cụ thể với các trường hợp ngân hàng yếu kém như Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GPBank), Ngân hàng Đại dương (OceanBank).
Theo đó, GPBank có thể giống trường hợp Ngân hàng Xây dựng (VNCB) tức là được mua lại với giá 0 đồng, và thậm chí, trong trường hợp âm vốn nhiều OceanBank cũng sẽ được xử lý như VNCB. Tuy nhiên, việc mua lại 2 ngân hàng này (nếu có) và ngân hàng Xây dựng là những thương vụ mua bán chứ không phải là quốc hữu hóa.
Tại phiên họp Chính phủ diễn ra hôm nay, Thủ tướng cũng đã yêu cầu các Bộ ngành, cơ quan hữu quan tập trung chỉ đạo thực hiện tái cơ cấu kinh tế, trong đó tiếp tục tái cơ cấu ngân hàng, nhất là những ngân hàng yếu kém.
Ngày 2/3, Liên minh châu Âu (EU) cho biết sau các cuộc đàm phán cùng ngày do khối này làm trung gian tại Brussels, Nga và Ukraine đã nhất trí về một thỏa thuận cung cấp khí đốt cho tới cuối tháng 3.
Qua đó nguồn cung khí đốt tới châu Âu sẽ được đảm bảo sau khi xảy ra tranh cãi về vấn đề cung cấp khí đốt cho khu vực miền Đông do phe ly khai kiểm soát ở Ukraine.
Ông Maros Sefcovic, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu phụ trách vấn đề năng lượng nói: “Chúng tôi đã đảm bảo được việc triển khai toàn diện Gói mùa Đông để đáp ứng nhu cầu về nguồn cung tại Ukraine”, ám chỉ tới hợp đồng cung cấp khí đốt kéo dài tới 31/3 tới mà Nga dọa hủy bỏ.
Thỏa thuận trên đạt được sau gần 5 giờ đàm phán giữa ông Sefcovic, Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak và người đồng cấp Ukraine Volodymyr Demchyshyn.
Tuần trước, Gazprom dọa sẽ ngừng cấp khí đốt cho Ukraine và thay vào đó, chuyển hướng cung cấp từ các kho dự trữ tới các khu vực miền Đông Ukraine sau khi Kiev ngừng cung cấp khí đốt cho khu vực này.
Nga dành dành 40% ngân sách 2015 cho các bộ sức mạnh
Trong một diễn biến khác, Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov ngày 2/3 cho biết năm 2015, các bộ sức mạnh và quốc phòng của nước này sẽ nhận được khoảng 40% ngân sách.
Ông Siluanov được dẫn lời nói: "Các bộ sức mạnh nhận được 40% tổng chi tiêu và khối xã hội là khoảng 35%". Theo ông, thu nhập ngân sách của Nga năm 2015 là 12,46 nghìn tỷ ruble, dự chi 15,22 nghìn tỷ ruble, mức thâm hụt 3,8% tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
Bộ Tài chính dự kiến dòng vốn chảy khỏi Nga trong quí I/2015 là 30 tỷ USD. Ông Siluanov nêu rõ: "Về dòng vốn rút ra, trong quí I/2015, chúng ta dự kiến ở mức khoảng 30 tỷ USD, trên cơ sở cả năm là từ 90-100 tỷ USD. Con số này thấp hơn chút ít so với dự đoán của chúng tôi là từ 120-130 tỷ USD".
Theo Bộ trưởng Siluanov, Nga có thể cân đối ngân sách với giá dầu ở mức 70 USD/thùng vào năm 2017.
---------------------
Giá điện rục rịch tăng dưới 10%
Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cho biết, các phương án đề nghị điều chỉnh giá điện của EVN lần này nằm trong phạm vi từ 7% đến dưới 10% và trong khung giá quy định; thuộc thẩm quyền quyết định của Bộ Công Thương. Bộ sẽ báo cáo Thủ tướng trong tháng 3/2015.
Đề cập đến vấn đề điều hành giá điện, người phát ngôn Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết, theo Quyết định số 69/2013/QĐ-TTg quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, trường hợp các thông số đầu vào cơ bản biến động so với thông số đã được sử dụng để xác định giá bán điện bình quân cơ sở cập nhật tại thời điểm tính toán cao hơn so với giá bán điện bình quân hiện hành (sau khi đã sử dụng Quỹ bình ổn giá điện) với mức từ 7% đến dưới 10% và trong khung giá quy định, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) được phép điều chỉnh tăng giá bán điện bình quân ở mức tương ứng sau khi báo cáo và được Bộ Công Thương chấp thuận.
Các phương án đề nghị điều chỉnh giá điện của EVN lần này nằm trong phạm vi từ 7% đến dưới 10% và trong khung giá quy định; do đó, thuộc thẩm quyền quyết định của Bộ Công Thương. Trước đó, như Dân trí đã đưa tin, EVN từng có đề xuất tăng giá điện bình quân lên 9,5%.
Bộ trưởng Nên cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hiện nay Bộ Công Thương đang tiến hành kiểm tra, thẩm định phương án giá điện năm 2015 do EVN đề xuất, báo cáo Thủ tướng trong tháng 3/2015.
Trong khi đó, về mặt bằng giá cả, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của cả nước vẫn tiếp tục giảm, kể cả vào tháng Tết Nguyên đán.
Theo Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên, chỉ số CPI thời gian qua giảm chủ yếu do tác động của việc giảm giá dầu thế giới, nhất là đối với chỉ số giá nhóm giao thông.
Bên cạnh đó, nguồn cung hàng hóa trên thị trường dồi dào. Các Bộ, ngành, địa phương thực hiện tốt công tác quản lý, bình ổn giá, kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành các quy định pháp luật về giá. Chương trình kích cầu, khuyến mãi cuối năm đối với hàng tiêu dùng, điện máy, điện tử được thực hiện rộng rãi tại nhiều địa phương. Lãi suất huy động và cho vay có xu hướng giảm... Đây là những yếu tố khiến chỉ số giá tiêu dùng liên tục giảm so tháng trước.
Tuy vậy, Bộ trưởng Nên cũng lưu ý, mặc dù chỉ số giá tiêu dùng giảm nhưng sức mua của nền kinh tế tiếp tục tăng. Tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 2 tháng đầu năm ước tăng 11,4% , nếu loại trừ yếu tố giá còn tăng 10,7%, cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước (6,2%). Các ngành kinh tế tiếp tục chuyển biến tích cực. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 2 tháng đầu năm tăng 12% (cùng kỳ tăng 5,4%).
Được biết, tại phiên họp thường kỳ Chính phủ diễn ra hôm nay (2/3), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh khẳng định CPI giảm liên tiếp không phải là hiện tượng giảm phát của nền kinh tế mà nguyên nhân chủ yếu là do giá xăng, dầu, giá gas trong nước điều chỉnh giảm mạnh theo giá thế giới, tác động làm giảm chỉ số giá các nhóm hàng Giao thông, Nhà ở và vật liệu xây dựng.
Theo Bộ trưởng Vinh, “giảm phát của nền kinh tế được phản ánh qua hiện tượng cung vượt cầu, dẫn tới suy giảm sản xuất trong nước. Tuy nhiên, tình hình sản xuất trong nước 2 tháng đầu năm vẫn phát triển tốt, sức mua (thể hiện qua tổng mức bán lẻ) tăng cao (nếu loại trừ yếu tố giá thì tháng 2/1015 tăng 10,7%, cao hơn rất nhiều so với cùng kỳ các năm trước 2014 là 6,2%; năm 2013 là 3,6%)”.
-----------------------
Nước ngoài có thể nắm 100% cổ phần công ty chứng khoán Việt Nam
Thứ trưởng Trần Xuân Hà cho biết, trong năm 2015 sẽ có quy định cho phép nhóm các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ theo tinh thần cam kết WTO, các nhà đầu tư nước ngoài có thể sở hữu đến 100% cổ phần tại các công ty chứng khoán và quản lý quỹ.
Liên quan đến việc điều hành và phát triển thị trường chứng khoán (TTCK), tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2/2015 diễn ra chiều nay (3/2), Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà nhìn nhận, TTCK Việt Nam đã trải qua 15 năm hình thành và phát triển, tháng 7 năm nay sẽ kỷ niệm 15 năm ngày thành lập và phát triển TTCK Việt Nam.
Theo đó, TTCK đã đạt được những kết quả rất quan trọng trong việc huy động vốn cho ngân sách Nhà nước, cho đầu tư phát triển, tăng cường nguồn luân chuyển vốn, tạo ra tính thanh khoản vốn cao hơn cho nền kinh tế quốc dân. Từ đó, tạo ra công cụ đầu tư, công cụ thực hiện, thực thi các chính sách về tài chính cũng như tiền tệ. Cùng với đó, TTCK cũng đã phát triển với việc đảm bảo được yếu tố công khai, minh bạch của thị trường, từ đó tạo điều kiện cho hoạt động kinh tế-xã hội.
TTCK đã kết gắn được với tiến trình cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước, trên cơ sở đấu giá cổ phần, huy động vốn kết hợp với việc đăng ký niêm yết trên TTCK, từ đó thúc đẩy quá trình tái cơ cấu của doanh nghiệp Nhà nước theo chủ trương của Đảng, của Chính phủ.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Trần Xuân Hà, TTCK Việt Nam còn những hạn chế nhất định trong việc đa dạng hóa sản phẩm. Các vấn đề về chất lượng, dịch vụ của các công ty, doanh nghiệp cũng còn có những điểm phải khắc phục. Đặc biệt, phải làm sao đó thúc đẩy khơi thông hoạt động huy động vốn, cũng như là dòng chảy của vốn tài chính, vốn tiền tệ, để làm cho hoạt động của thị trường có chất lượng tốt hơn.
Trong phiên giao dịch đầu năm Ất Mùi, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã vinh dự đón Thủ tướng Chính phủ đến thăm Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, đánh cồng khai trương phiên đầu tiên.
Trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại buổi gặp mặt đầu năm đó, Bộ Tài chính đã phối hợp với Văn phòng Chính phủ soạn thảo thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ về những giải pháp, định hướng lớn trong việc phát triển TTCK trong năm 2015 cũng như một số năm tiếp theo.
Cụ thể, trong thời gian tới, cần hoàn thiện khuôn khổ pháp luật liên quan tới hoạt động chứng khoán và TTCK, trực tiếp là Nghị định 58/2012/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chứng khoán và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán. Trong đó nhóm vấn đề như phát hành cổ phiếu của các công ty đại chúng, vấn đề tỷ lệ tham gia của nhà đầu tư nước ngoài, và một số nội dung khác sẽ được đưa vào Nghị định sửa đổi Nghị định 58 này.
Văn bản thứ 2 cũng rất quan trọng là Chính phủ sẽ ban hành Nghị định về tổ chức TTCK phái sinh. Hiện nay, Nghị định này đã được lấy ý kiến các thành viên Chính phủ. Theo tổng hợp của Bộ Tài chính, đa số thành viên Chính phủ đều tán thành Nghị định này. Chính phủ dự kiến sẽ ban hành Nghị định này trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính báo cáo với Chính phủ ban hành Nghị định về phát triển hệ thống quỹ hưu trí tự nguyện, nhằm tăng cường thêm các nhà đầu tư có tổ chức, huy động thêm nguồn vốn dài hạn, đồng thời góp phần vào kênh an sinh xã hội để đảm bảo cho an sinh xã hội của đất nước trong thời gian tới.
Hàng loạt nội dung tái cấu trúc TTCK
Nhóm vấn đề thứ 2 là theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục triển khai công tác tái cơ cấu lại TTCK với nhiều nội dung quan trọng.
Đầu tiên là tái cơ cấu hàng hóa trên thị trường, gắn với đó là tái cơ cấu hệ thống giao dịch, bao gồm hệ thống giao dịch cổ phiếu, giao dịch trái phiếu, và thị trường chứng khoán phái sinh.
Hai là tái cơ cấu các Sở Giao dịch Chứng khoán, theo hướng hợp nhất hai Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội và TPHCM, hình thành Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam, từ đó sẽ sắp xếp lại hệ thống giao dịch của thị trường, tăng cường công tác quản trị, công khai minh bạch.
Thứ ba là tái cơ cấu nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán, theo hướng phát triển nhà đầu tư có tổ chức như quỹ bảo hiểm, quỹ đầu tư, quỹ hưu trí tự nguyện, tạo nền tảng cho hoạt động của thị trường.
Đồng thời cũng sẽ tiếp tục tái cơ cấu lại công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ. Sau 2 năm thực hiện tái cơ cấu, số lượng công ty chứng khoán đã giảm từ trên 100 xuống còn 80 công ty, nâng cao năng lực về tài chính và quản trị của các công ty chứng khoán.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà
Cũng theo Thứ trưởng Hà, một giải pháp nữa rất quan trọng là sự kết gắn giữa công tác cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp không phải là ngành nghề kinh doanh chính, kết hợp với việc niêm yết và đăng ký trên thị trường chứng khoán.
Trên cơ sở Quyết định 51/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế này, Bộ Tài chính đã ban hành văn bản hướng dẫn về đối tượng, về trình tự thủ tục và cách thức triển khai. Từ đó tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có thể kết gắn hoạt động này cho tốt, một mặt nâng cao hiệu quả của công tác cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp, đồng thời cũng tạo điều kiện có hàng hóa mới, có chất lượng tốt cho thị trường, tạo môi trường cho các nhà đầu tư sau khi mua cổ phiếu cổ phần hóa có nơi giao dịch đảm bảo công khai, minh bạch.
Các giải pháp tới đây nữa là nhóm giải pháp mở rộng “room” cho nhà đầu tư nước ngoài, sẽ được thể hiện trong Nghị định 58. Trong đó có nhóm các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ theo tinh thần cam kết WTO, các nhà đầu tư nước ngoài có thể sở hữu đến 100% cổ phần tại các công ty chứng khoán và quản lý quỹ.
Riêng đối với công ty niêm yết, sẽ chia ra làm các nhóm. Trong đó có nhóm theo quy định pháp luật thì nhà đầu tư nước ngoài không được tham gia, có nhóm thì thực hiện theo luật chuyên ngành, ví dụ như Luật Tổ chức tín dụng, có nhóm thực hiện theo cam kết WTO. Đối với các nhóm còn lại, sẽ mở rộng sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường chứng khoán theo lộ trình.
Một giải pháp khác hết sức quan trọng là kết hợp giữa Bộ Tài chính, NHNN và các cơ quan chức năng có liên quan trong việc kết hợp chính sách tài khóa và tiền tệ, tạo ra một môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, tạo điều kiện cho nền kinh tế Việt Nam cũng như thị trường tài chính, thị trường chứng khoán phát triển.
Bên cạnh đó là những giải pháp về quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm một cách công bằng, minh bạch để tạo điều kiện cho thị trường chứng khoán phát triển ổn định, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư.
-------------------------