Tại hội nghị triển khai kế hoạch 2015 ngành ngân hàng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nhận định: duy trì được mặt bằng lãi suất hiện có là hết sức khó khăn, vì có thể xuất hiện những trở ngại.
Dù vậy, tại hội nghị trên, cũng như thông điệp đưa ra gần đây, nhà điều hành chính sách tiền tệ nhấn mạnh đến mục tiêu tiếp tục giảm được 1-1,5%/năm lãi suất cho vay trung dài hạn.
Trên thị trường, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, một đợt giảm lãi suất huy động VND đã mở rộng. Mức giảm từ 0,1-0,4%/năm không quá lớn, nhưng là sự tích lũy nối tiếp xu hướng đã thể hiện từ trong năm 2014.
Báo cáo kinh tế vĩ mô mới đây của Ngân hàng HSBC cũng kỳ vọng, với cơ sở và triển vọng của lạm phát, Ngân hàng Nhà nước sẽ cắt giảm lãi suất trên thị trường mở 0,5%/năm…
Thực tế, lạm phát hai tháng đầu năm 2015 liên tiếp giảm, ngay trong mùa cao điểm tiêu dùng lễ tết, là thuận lợi cho mục tiêu kiểm soát lạm phát thấp và thắp kỳ vọng có thể tiếp tục hạ lãi suất. Báo cáo trên của HSBC cũng đánh giá rằng, lãi suất thực ở Việt Nam đang chuyển sang nguỡng tích cực.
Những năm qua, đặc biệt từ năm 2012 đến nay, lạm phát là cơ sở nổi bật và dường như quyết định chính sách điều hành lãi suất của Ngân hàng Nhà nước. Các lần cắt giảm đều diễn ra thận trọng, chỉ đến sau khi lạm phát cho tín hiệu rõ ràng.
Bản thân Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng nhiều lần nhấn mạnh đến sự thận trọng trong điều hành lãi suất gắn với yếu tố lạm phát, với quan điểm định hướng “đảm bảo có lãi suất thực”.
Trong lần hạ trần lãi suất VND gần nhất, ngày 29/10/2014, mức quyết định chỉ giảm 0,5%/năm cũng phản ánh sự thận trọng đó. Hay cho đến nay, khi lạm phát liên tiếp giảm, lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại cũng điều chỉnh, nhà điều hành vẫn chưa có động thái mới.
Tại hội nghị triển khai kế hoạch ngành năm 2015, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước từng nói: “Nếu so với năm 2014 thì cảm thấy dễ về các chỉ tiêu”. Diễn biến lạm phát và lãi suất bước đầu cũng cho thấy cảm giác “dễ”.
Nhưng người đứng đầu cơ quan điều hành chính sách tiền tệ thận trọng khi nhận định rằng, tiếp tục giảm lãi suất cho vay là mục tiêu, nhưng ngay việc giữ được mặt bằng hiện có cũng đã là khó khăn. Vì có thể xuất hiện những yếu tố cản trở.
“Mặt bằng lãi suất hiện đang thấp hơn những năm 2005 - 2006. Chúng ta không mong muốn lãi suất tăng lên, nhưng để duy trì mặt bằng này hết sức khó khăn”, Thống đốc nói tại hội nghị trên.
Và ông Bình đưa ra tình huống, giá dầu không thể cứ chỉ giảm và giảm mãi, mà có thể tăng lên trong năm 2015. Nếu tăng lên 70-90 USD/thùng, nền kinh tế vẫn chịu được, nhưng lạm phát tăng lên là điều đáng chú ý.
E ngại trên đang đến. Sau 15 lần giảm liên tiếp, ngày 11/3, giá xăng dầu trong nước đã bắt đầu tăng mạnh.
Cùng lúc, từ ngày 16/3, giá điện được tăng một bước tới 7,5%.
Hai “cú bồi” đầu tiên của năm 2015 đến sớm với lạm phát. Ngoài các tác động trực tiếp có thể lượng hóa, e ngại đặt ra hiện nay còn là tâm lý tiêu dùng bị cộng hưởng. Và nếu giá điện trước mắt tạm an bài, thì giá xăng dầu vẫn là ẩn số phía trước.
Với những diễn biến trên, chính sách lãi suất có lẽ sàng càng thận trọng, dù đợt cắt giảm của các ngân hàng thương mại đang tươi mới.
Chưa hết, cũng theo nhận định của Thống đốc Nguyễn Văn Bình tại hội nghị trên, ngoài việc căn ke lạm phát với định hướng đảm bảo có lãi suất thực, năm 2015 còn cần chú ý ở yếu tố nhu cầu vốn.
Kinh tế có triển vọng phục hồi, chỉ tiêu tăng trưởng cao hơn, nhu cầu vốn có thể tăng lên và gây áp lực đối với lãi suất. Điều này cũng bắt đầu có hơi hướng trong hai tháng đầu năm, khi tăng trưởng tín dụng “trái mùa” tăng gần 1% trong khi những năm trước đều tăng trưởng âm kéo dài.
--------------------
Nga sắp cạn tài chính “cứu” doanh nghiệp
Đối mặt với các lệnh trừng phạt của phương Tây và giá dầu thấp, các công ty Nga đang trông chờ vào các khoản cứu trợ của chính phủ. Nhưng nhu cầu cứu trợ nhanh chóng vượt xa nguồn cung tiền, làm gia tăng nguy cơ của một cuộc khủng hoảng kinh tế nếu nguồn quỹ cạn kiệt, tờ New York Times cho hay.
Trong bối cảnh nền kinh tế gặp khó khăn, năm ngoái chính phủ Nga đã thiết lập một chương trình cứu trợ tài chính cho doanh nghiệp. Chương trình này sử dụng tiền từ một trong các quỹ đầu tư nhà nước. Hầu như ngay lập tức, các công ty bắt đầu xin được hỗ trợ.
Công ty dầu mỏ khổng lồ Rosneft đề nghị được hỗ trợ 21,3 tỷ USD. Gazprom, công ty có vai trò chi phối đối với ngành khai thác khí tự nhiên, thì xin 3,2 tỷ USD cho một công ty con.
Danh sách còn tiếp tục: từ ngành đường sắt vốn có vai trò độc quyền ở Nga, cũng là ngành sử dụng nhiều lao động nhất; đến chủ sở hữu các sân bay ở Moscow; một công ty đầu tư mạo hiểm chuyên đầu tư vào công nghệ nano; và một công ty xuất khẩu nhà máy điện hạt nhân của Nga.
Cho đến nay, các công ty đã đề nghị được hỗ trợ ít nhất 37 tỷ USD, và con số sẽ còn tăng cao hơn nữa.
"Một số lượng khá lớn công ty không thể tiếp cận nguồn vốn nào khác", Vladimir I. Tikhomirov, Kinh tế trưởng tại BCS Financial Group, nói.
Nhưng các quỹ đầu tư nhà nước, quỹ An sinh quốc gia, có thể không có đủ tiền để trang trải các nhu cầu của các công ty. Theo số liệu vào đầu tháng 3, các quỹ này có dự trữ khoảng 75 tỷ USD.
Khoảng một phần tư số tiền này nằm trong các tài sản có tính thanh khoản thấp, vì vậy nó không thể được san sẻ cho các chương trình cứu trợ tài chính. Một phần số tiền cũng được phân bổ cho cơ sở hạ tầng. Tính chung, các tài sản có thanh khoản thấp, các công trình cơ sở hạ tầng và gói cứu trợ cần đến ít nhất 82 tỷ USD.
Các quỹ đầu tư nhà nước của Nga đang cố gắng tăng cường cho ngân hàng vay tiền để mua trái phiếu của các công ty cần trợ giúp. Các ngân hàng có vốn, các công ty có được nguồn tiền trong lúc cần kíp. Thường thì hai vụ cứu trợ như vậy tiêu tốn 1 tỷ Rúp.
Tuy nhiên chiến lược này có thể tạo ra nhiều vấn đề. Nếu giá dầu giảm và nền kinh tế suy yếu hơn nữa, số trái phiếu có thể không còn nhiều giá trị, tạo ra ràng buộc tài chính giữa ngân hàng và công ty.
Giống như nhiều quốc gia xuất khẩu dầu mỏ, Nga tạo dựng được nguồn tiền dự trữ lớn khi giá dầu cao. Nhưng chính phủ nước này hiện đang tiêu khoản dự trữ này một cách nhanh chóng, trong bối cảnh giá dầu hiện nay dao động quanh 60 USD một thùng. Các biện pháp trừng phạt của phương Tây về vấn đề Ukraine càng gây thêm khó khăn tài chính cho Nga.
Tuy nhiên, Nga còn xa mới được coi là hết tiền. Nước này vẫn có dự trữ khoảng 360 tỷ USD, mặc dù nó đã giảm mạnh so với mức hơn 490 tỷ USD vào năm ngoái.
Ngân hàng trung ương đang sử dụng nguồn dự trữ này để chống đỡ cho đồng rúp. Nhưng với các công ty, quá trình này trở nên phức tạp hơn.
Hai nguồn tài chính chính của Nga là Quỹ An sinh Quốc gia và Quỹ Dự trữ Quốc gia. Theo luật pháp Nga, Quỹ Dự trữ chỉ được sử dụng để bổ sung cho ngân sách liên bang.
Nguồn tiền trong Quỹ Dự trữ, hiện vào khoảng 77 tỷ USD, phần lớn sẽ được dành cho việc khác. Theo kế hoạch ngân sách có thể sẽ được nội các phê duyệt trong tuần này, chính phủ Nga dự định chi khoảng 52,4 tỷ USD, tức hai phần ba của Quỹ Dự trữ, trong năm nay, và phần còn lại trong năm 2016.
Trong khi đó, sử dụng Quỹ An sinh ngay từ đầu sẽ gây tranh cãi, bởi nó là một phần của hệ thống lương hưu của Nga.
Trong những tháng đầu năm nay, cuộc chiến giành tiền của quỹ này phản ánh cuộc vật lộn kinh tế của nước Nga thời hiện đại, giữa một bên là các tài phiệt và những doanh nghiệp có liên hệ với nhà nước của họ, kiên quyết chiếm lấy tài sản quốc gia, với một bên là những người hưu trí vốn đang phải sống chật vật.
Trong cuộc chiến giành tiền từ quỹ này, người ta nghĩ đến việc sử dụng đồng Rúp hai lần. Theo đó, ngân hàng sẽ mua trái phiếu của các doanh nghiệp, qua đó bơm tiền trực tiếp vào công ty. Đến lượt mình, các ngân hàng có thể thế chấp trái phiếu tại ngân hàng trung ương để vay vốn từ đó.
Nhưng kế hoạch này cũng có thể tạo ra sự hỗn loạn trên thị trường. Cuối năm ngoái, ngân hàng trung ương quyết định chấp nhận trái phiếu Rosneft do các ngân hàng thương mại nắm giữ làm tài sản thế chấp. Rosneft sau đó đã phát hành thêm 625 tỷ Rúp trái phiếu mới, và ngân hàng trung ương phải tiếp tục bơm vốn theo cách này.
Với các công ty của Nga, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng, hiện không có nhiều lựa chọn ngoài cách này.
-----------------------
TPHCM đẩy mạnh xúc tiến thương mại tại Campuchia, Myanmar
Trong chỉ đạo về xúc tiến thương mại, đầu tư năm 2015 và thời gian tới, Chính phủ và lãnh đạo TPHCM đều nhấn mạnh chú trọng đến thị trường khối ASEAN, trong đó tiếp tục tập trung đẩy mạnh xuất khẩu hàng Việt Nam sang các nước Campuchia, Lào, Myanmar.
Nhận thức xuất khẩu là một nhiệm vụ trọng tâm để phát triển kinh tế, đầu năm 2015, TPHCM đã xúc tiến hàng loạt các hoạt động xuất khẩu với nhiều hình thức đa dạng và phong phú như Hội chợ triển lãm thương mại, dịch vụ, du lịch Việt Nam - Campuchia; Hội chợ triển lãm thương mại, dịch vụ, du lịch Việt Nam - Myanmar và chương trình khảo sát thị trường tại thành phố Yangon.
Bà Phó Nam Phượng, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư TPHCM (ITPC) cho biết, trước đây, sản phẩm tiêu thụ trong nước và thị trường chủ yếu tại khu vực phía Nam. Tuy nhiên, qua việc tìm hiểu thông tin từ các chương trình kết nối cung cầu và từ hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư của TPHCM, hiện nay doanh nghiệp đã mở rộng thị trường ra cả nước và tiến tới sẽ xuất sang các nước Campuchia, Myanmar...
Trong năm 2015, để các hoạt động xúc tiến thương mại đầu tư nâng cao hiệu quả hơn nữa nhằm phục vụ tốt cho xuất khẩu, TPHCM tập trung vào các thị trường trọng điểm như Nga, Hong Kong, Campuchia, Myanmar, Indonesia và Lào. Thông qua việc tổ chức hội chợ triển lãm, doanh nghiệp Việt Nam sẽ khảo sát thị trường nhằm mở rộng thị phần cho hàng hóa Việt Nam và xây dựng thương hiệu sản phẩm Việt Nam trên thị trường khu vực và thế giới.
Ngoài thị trường truyền thống là Campuchia, bà Phượng cũng cho rằng, thị trường Myanmar cũng có rất nhiều tiềm năng khi người dân nước này rất ưa chuộng hàng Việt Nam. Mức độ canh tranh với hàng Thái Lan, Trung Quốc tại thị trường Myanmar cũng không khốc liệt. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam sau khi triển lãm, đã “bám trụ” tốt tại đất nước vừa mở cửa này.
Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, năm qua, TPHCM tiếp tục đóng góp tỷ trọng cao nhất vào thành tích xuất khẩu chung của cả nước, cũng như thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài nhiều nhất. TPHCM đứng thứ hai cả nước về thu hút vốn FDI với tổng mức vốn đạt 3,2 tỷ USD, tăng 91,6% so năm 2013 và kim ngạch xuất khẩu đạt 32 tỷ USD tỷ USD, tăng 8,8% so năm 2013. Có được thành quả trên là nhờ có sự tác động tích cực của các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư mà UBND TPHCM đã và đang tập trung phát triển.
---------------------