“Cái chết” của nhiều đại gia thủy sản miền Tây điển hình cho của nhiều ngành nghề ở Việt Nam thời gian qua: phát triển nóng, mất cân đối dòng tiền, kém về dự báo thị trường... Trụ được thì giàu có và DN ngày càng lớn mạnh, còn ăn xổi thì chóng tàn.
Hết thời "đỉnh" của cá tra
Cá tra - một trong hai mặt hàng thủy chủ lực của Việt Nam, đã qua thời đỉnh cao về giá và số lượng sản xuất khẩu. Thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho thấy, cá tra phát triển bùng nổ với kim ngạch từ 80 triệu USD tăng đến 1,45 tỷ USD chỉ trong vòng 5 năm (từ 2002), rồi đến nay cứ tăng ít dần, có năm không tăng hay thậm chí còn giảm.
Lý do, con cá này đã bị đánh bật khi lượng cá thịt trắng đánh bắt tăng trở lại, sau một thời gian hạn chế khai thác. Giá cá cũng rớt không phanh, từ 4 USD/kg thời kỳ đầu nay chỉ còn hơn 2 USD, mất 50% giá.
Gần như toàn bộ cá tra Việt Nam xuất khẩu ở dạng phi lê đông lạnh. Tức là, sau khi đưa cá sống vào dây chuyền, người ta chỉ cần lọc lấy 2 miếng thịt cá, lạng bỏ xương, đưa vào cấp đông là xong. Trong số 1,8 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu cá tra, thì dạng thô chiếm tới 1,5 tỷ USD, dạng chế biến chỉ nhỉnh hơn 14,4 triệu USD, tức chưa đầy 1%.
Thị trường bùng nổ, làm cá tra lãi lớn. Nhà nhà nuôi cá tra. Vì thế, diện tích nuôi cá tra tăng mạnh. Xuất khẩu tăng ầm ầm. Thế nên, có một giai đoạn, con cá tra được xem như là kỳ tích tăng trưởng của thuỷ sản Việt Nam. Song, khi thị trường "trở mặt" đi xuống, nhiều vùng nuôi biến thành... phế tích. Mỗi năm, có khoảng 2,2 triệu tấn cá tra nguyên liệu chờ được bắt lên, nhưng công suất chế biến chỉ đáp ứng một nửa. Thừa ra tới một nửa, đương nhiên, sẽ lại kéo thêm giá xuống, nông dân khóc ròng. Còn doanh nghiệp cũng "rơi nước mắt" vì máy móc chịu khấu hao, đọng vốn...
Sự biến động của thị trường, nhiều DN không thể lường trường được. Ngay cả VASEP - đại diện cho hàng trăm DN - cũng không biết và chỉ đánh động đến các thành viên về sự phát triển quá nóng.
Hơn nữa, được tiếng là xuất khẩu thuộc loại hàng đầu thế giới, song, các DN không tìm được đầu mối phân phối cuối cùng mà phải qua trung gian là nhà nhập khẩu. Chính đầu mối bán buôn này là tác nhân số một gây giảm giá, cuốn các DN vào vòng xoáy dìm giá cá tra xuống sâu hơn.
Số lượng xuất tăng ồ ạt, giá rẻ nên con cá này còn là nạn nhân đầu tiên bị kiện vì phá giá, từ 14 năm trước. Theo đuổi, đấu tranh, cuối cùng năm nào cũng bị phía Hoa Kỳ áp một mức thuế, gây thiệt hại lớn cho DN. Ví dụ, chỉ cần thuế đánh 1 USD/kg, thì 1 tấn đã mất 1.000 USD, 1.000 tấn là 1 triệu USD. Doanh nghiệp lấy tiền đầu mà nộp, mà không nộp thì đương nhiên hàng bị ách lại, không xuất được.
Tuy nhiên, đây lại không phải là câu chuyện của riêng ngành cá tra. Ở đây, cá tra là điển hình cho sự phát triển của nhiều ngành nghề, cho một giai đoạn tăng trưởng của Việt Nam. Đó là sự phát triển quá nóng khi thị trường tăng cầu, từ các mặt hàng vật liệu xây dựng như xi măng, sắt thép... đến hàng nông thuỷ sản như gạo, cà phê, hạt tiêu, hạt điều, dưa hấu, thanh long,... để đến khi thị trường có biến, giá xuống thì sản phẩm ế thừa và thua thiệt. Đó là sự bó tay trong việc dự báo về diễn biến của thị trường, ngành hàng. Đó là sự non nớt của doanh nghiệp trong những ngày đầu hội nhập, khi bị các vụ kiện chống bán phá giá, các rào cản kỹ thuật... "ngáng chân", khiến DN loạng choạng, khó bước vững.
"Cái chết" khó cưỡng
Chính vì thế, với nhiều người trong ngành, khi các DN - kể cả là đại gia thuỷ sản - lần lượt phá sản, giám đốc bị bắt bớ, bị tù đày, nợ nần con số cả nghìn tỷ, lại không gây nhiều ngạc nhiên.
Bởi, sẽ là phá sản khi một loạt các công ty nhỏ mọc lên, đua xây nhà máy, lập nhà xưởng chỉ "tàng tàng", ở những vùng xa xôi tít tận đất mũi Cà Mau như Ngọc Hiển, Bạc Liêu... để nuôi tôm, rồi bơm chích tạp chất, cấp đông bán đi Mỹ. Đã yếu, lại còn làm ăn gian dối nên hàng ách tắc là "chết" ngay. Đây là cái kết tất yếu của các DN ăn xổi ở thì.
Sẽ là phá sản khi các DN, kể cả đại gia tiếng tăm trên thị trường, đầu tư quá mức, nhất là đầu tư ngoài ngành, dẫn tới mất cân đối dòng tiền. Thuỷ sản Việt An cứ làm cá vẫn phát triển tốt, nhưng "tự dưng" lại đi đầu tư một kho lạnh lớn ở Sài Gòn để nhập thịt về bán. Vay lãi rất cao, đến khi kinh doanh thất bại, không trả được nợ - thế là đi tong cả ngành sản xuất chính vốn là cần câu cơm bấy lâu. Đại gia nổi tiếng một thời Nguyễn Thị Diệu Hiền của Thuỷ sản Bình An, thay vì chăm lo cho con cá, lại đi "ôm" đất. Đúng lúc nhà đất đóng băng, ngân hàng siết nợ, bất động sản ế xưng xỉa cũng bị... đo ván. Thuỷ sản Phương Nam nợ ngân hàng gần 1.600 tỷ, trong đó có tới 500 tỷ là tiền lãi mẹ đẻ lãi con. Giá trị tài sản còn lại, trong đó phần lớn là địa ốc, bán đi để trả nợ cũng gần đủ, nhưng bao giờ mới bán được trong bối cảnh nhà đất hiện nay?
Sẽ góp phần dẫn đến phá sản khi mà trình độ, năng lực quản trị doanh nghiệp và quản trị tài chính của những ông chủ, bà chủ doanh nghiệp yếu kém, nếu không nói là đi lên từ những nông dân chân lấm tay bùn. Nên, đến khi mở rộng quy mô, đầu tư sản xuất trái tay hay gặp bất lợi trên thị trường... thì trở tay không kịp.
Trên thực tế, những năm gần đây, tổng sản lượng cá tra nuôi không hề giảm, giá trị xuất khẩu cũng vậy. Sự "ra đi" của một số doanh nghiệp gần đây không ảnh hưởng nhiều đến thị trường. Rõ ràng, DN làm ăn chân chính vẫn đang sống tốt, còn những công ty làm ăn bát nháo sẽ bị thị trường đào thải.
Phát triển nóng, đầu tư ồ ạt, có biến động về thị trường hoặc đầu tư trái ngành, không dựa vào năng lực cốt lõi... kết cục đã vẽ nên một bức tranh đối lập trong ngành thuỷ sản: một bên là sự phát triển vượt bậc, quy mô bề thế của các đại gia như Minh Phú, Hùng Vương, Vĩnh Hoàn, Agifish... và một bên là sự phá sản hàng loạt của các DN ăn xổi ở thì. Bức tranh này sẽ còn thấy ở nhiều ngành nghề khác, và đó cũng là quy luật trên thương trường.
-------------------------
Hoa được mùa, mai được giá, người trồng phấn khởi chờ Tết
Những ngày này, không khí tại các làng mai ở xã Nhơn An, thị xã An Nhơn (Bình Định) - nơi được mệnh danh là thủ phủ mai vàng khu vực miền Trung - Tây Nguyên - đang tất bật đón xuân. Mai được mùa, được giá nên người trồng mai cũng phấn khởi.
Theo đánh giá chung của người trồng mai tết Nhơn An, do năm nay thời tiết thuận lợi, nắng ấm, ít sâu bệnh, cây mai phát triển tốt, nụ nhiều, to đều. Nếu như mọi năm, điệp khúc được mùa, mất giá thì tới thời điểm này, giá mai bán sỉ cho thương lái cao hơn từ 20 – 30% so với mọi năm. Mai được mùa nhưng không rớt giá nên người trồng mai phấn khởi, hứa hẹn một cái Tết ấm cúng.
Ghi nhận của PV Dân trí, những ngày này, không khí tại các làng mai Háo Đức, Thanh Liêm, Trung Định, Thuận Thái, Tân Dương… đang tất bật chăm sóc, tạo dáng. Những vườn mai bạt ngàn với nụ hoa chi chít, báo hiệu xuân đang về rất gần.
Đang tất bật với việc giao dịch với khách, ông Nguyễn Văn Tùng ở thôn Háo Đức, chủ vườn mai với hơn 2.000 gốc mai, phấn khởi nói: “Năm nay nhờ thời tiết ôn hòa nên cây mai phát triển tốt, nụ nhiều, to đều, đẹp hơn năm ngoái, có khả năng nở đúng dịp Tết nên bà con rất phấn khởi. Thường thì mai được mùa sẽ mất giá, nhưng tới thời điểm này giá mai cao hơn năm ngoái 20-30%. Riêng gia đình tôi tới thời điểm này đã bán được 500 chậu, bình quân 600.000 - 700.000 đồng/chậu cho thương lái vận chuyển đi các tỉnh phía nam phục vụ Tết nguyên đán”.
Có thâm niên với nghề trồng mai thương phẩm, rồi chuyển sang mai bonsai, ông Nguyễn Trí Tuấn cho rằng: Sở dĩ năm nay, mai được mùa nhưng không rớt giá bởi từ lâu mai vàng Nhơn An thành thương hiệu nổi tiếng cả nước bởi dáng thế đẹp, giá cả vừa phải. Ngoài ra, nhu cầu của người chơi mai ngày tết cao, đời sống người dân ngày càng được cải thiện nên giá cả ổn định và nhỉnh hơn so với năm ngoái.
Theo thống kê của UBND xã Nhơn An, toàn xã có hơn 2.500 hộ thì có khoảng 1.500 hộ trồng mai chuyên nghiệp. Những năm gần đây, trung bình mỗi năm xã Nhơn An thu trên chục tỷ đồng từ mai, trong đó chủ yếu là làng Háo Đức.
Trao đổi với PV Dân trí, ông Trần Anh Dũng, Chủ tịch UBND xã Nhơn An, phấn khởi: Vụ mai Tết năm nay, người trồng mai ở Nhơn An đều phấn khởi bởi mai được mùa, được giá. Cả nửa tháng nay, thương lái khắp mọi nơi đổ về địa phương giao dịch, mua mai để đưa đi các tỉnh thành khắp cả nước, trong đó mạnh nhất là đi vào TP. HCM phục vụ Tết Ất Mùi. Bình quân mỗi năm người trồng mai ở Nhơn An thu về trên 10 tỷ đồng. Tuy nhiên, năm nay nhờ thời tiết thuận lợi nên đến thời điểm này người trồng mai đã bán đạt gần 10 tỷ đồng, nếu tính hết vụ thì có thể đạt trên 15 tỷ đồng, cao hơn so với năm ngoái rất nhiều.
Phấn khởi cũng là tâm trạng chung của làng mai Hòa An (quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng). “Năm nay thời tiết đẹp, không mưa nhiều. Mai các vườn đều rất đẹp. Nếu thời tiết cứ như thế này thì mai sẽ đạt được 80%”, ông Lê Hai, Phó Chủ tịch Hội nông dân phường Hòa An cho biết.
Trong vườn mai nhà ông Hai có khoảng gần chục giống mai gồm: mai ta (thanh mai), mai hồng diệp, cúc mai, mai dảo, mai huỳnh tỷ… trong đó thanh mai là có giá trị nhất, bởi bông mai to, có mùi thơm ngọt ngào (quý hiếm), cánh rất đều, sít và rất đẹp.
Theo dự đoán của ông Hai thì năm nay giá mai sẽ không tăng do có mai Bình Định ra quá nhiều và mai Bình Định cũng đã trở thành thương hiệu lớn.
Đang chăm sóc những chậu mai nhà mình, anh Huỳnh Phước Châu (phường Hòa An) cho biết, năm nay thời tiết thuận lợi nên bông búp đạt. Tuy nhiên, từ nay đến Tết cũng còn nhiều nỗi lo: “Người trồng mai làm việc cả năm, chỉ trông chờ vào mấy ngày Tết. Vì thế, chỉ khi nào mai được bán mới hết lo”.
Vườn mai nhà anh Châu có hơn 400 chậu mai. Cũng như các hộ trồng mai ở Hòa An, mai của anh Châu chủ yếu cung cấp cho thị trường Đà Nẵng. Giá mỗi chậu mãi cũng tùy thuộc vào loại mai, thế mai và năm sinh trưởng của mai. Có những chậu mai chỉ 2 – 3 triệu nhưng cũng có những chậu 70 – 80 triệu đồng.
“Ngoài việc bán mai, các nhà vườn cho thuê mai tùy theo nhu cầu của khách hành”, anh Châu cho biết thêm. Tuy nhiên, đến thời điểm này, theo anh Châu cũng chưa thể nói được giá cả thế nào.
Lo ngại sâu bệnh phá Tết
Tại các làng hoa Đông Giang, An Lạc - những điểm cung cấp hoa lớn nhất của tỉnh Quảng Trị, người trồng hoa tại đây cho biết, thời tiết năm nay khá thuận lợi để hoa sinh trưởng và phát triển. Tuy nhiên, không khí lạnh ảnh hưởng vào những ngày qua cũng khiến cho nhiều loại sâu bệnh, nấm tấn công hoa.
Ông Hoàng Kim Trương, chủ vườn hoa An Lạc cho biết, để phòng trừ các loại nấm, gia đình ông phải sử dụng các loại thuốc đặc hiệu để phun, nhằm hạn chế chúng lây lan trên lá, thân hoa. Mất mấy tháng trời chăm bón, nếu để mầm bệnh lây lan sẽ gây thiệt hại khá lớn về kinh tế.
Vườn hoa của ông Trương hiện có gần 4.000 chậu, chủ yếu là cúc Đà Lạt, nho, ly, dạ yến, đồng tiền…Gần một tháng trở lại đây, ông phải mướn thêm nhân công để chăm sóc, tỉa cành, sử dụng các biện pháp cần thiết để điều tiết hoa nở đúng dịp.
Anh Hoàng Hữu Anh, người có nhiều kinh nghiệm chăm sóc hoa cho biết, nếu duy trì kỹ thuật chăm sóc như hiện nay thì khoảng tầm giữa tháng 12 âm lịch, hoa sẽ bắt đầu nở. Đối với những luống có chiều cao chưa đạt yêu cầu thì phải thắp ánh sáng vào ban đêm để cây sinh trưởng. Những chậu đã đạt chiều cao thì tỉa lá, cắt ngọn để cây tập trung chất dinh dưỡng vào hoa. Năm nay, thời tiết khá thuận lợi nên hoa phát triển rất tốt, thân hoa cũng to hơn.
Còn anh Hoàng Quốc Huy, chủ vườn hoa Đông Giang cho hay, đây là giai đoạn “nước rút” nên phải đẩy mạnh việc chăm sóc và theo dõi mầm bệnh để có cách phòng trừ thích hợp và kịp thời. Hiện tại hoa phát triển tốt, hứa hẹn khi nở sẽ rất đẹp.
“Năm ngoái, giá mỗi chậu cúc Đà Lạt loại vừa được bán ra khoảng 200 – 400 ngàn đồng, loại lớn hơn có thể đạt 1.000.000 đồng/chậu. Còn các loại hoa khác như ly, dạ yến, nho…giá cũng phù hợp. Nhưng năm nay không biết có biến động gì so với mọi năm hay không? Hơn nữa, chi phí để mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, tiền thuê nhân công,…cũng khá lớn nên chưa thể nói trước được điều gì” – anh Huy nói.
Vườn hoa của anh Huy hiện có khoảng gần 1.500 chậu cúc Đà Lạt. Ngoài ra, cũng có một số loại hoa khác nhưng số lượng không đáng kể. Hoa tại các nhà vườn ở Đông Giang và An Lạc chủ yếu được cung cấp cho người dân trong tỉnh. Một số được đưa đi cung ứng tại tỉnh Quảng Bình.
----------------------------
Bước đi của Trung Quốc thực hiện tham vọng với đồng nhân dân tệ
Trung Quốc đang tìm cách nâng tầm vị thế quốc tế của đồng nhân dân tệ (NDT) với kỳ vọng một ngày nào đó đồng NDT sẽ là đối thủ cạnh tranh với đồng USD.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PboC) ngày 23/1 thông báo giao dịch bằng đồng NDT cho các hoạt động thương mại qua biên giới đã tăng đáng kể lên 9.950 tỷ NDT (1.630 tỷ USD) trong năm 2014.
Theo PboC, tổng lượng thanh toán bằng đồng NDT trong thương mại qua biên giới, đầu tư và tài chính chiếm khoảng 20% hóa đơn thanh toán thương mại của Trung Quốc.
Truyền thông Trung Quốc cũng lên tiếng ủng hộ quan điểm quốc tế đồng NDT khi cho rằng động thái này sẽ có lợi cho toàn bộ thế giới, giúp đa dạng hóa và cải thiện hệ thống dự trữ toàn cầu, vốn đang được đồng USD thống trị.
Tổ chức thanh toán quốc tế SWIFT ước tính đồng NDT hiện đứng thứ 7 thế giới về mức độ sử dụng trong thanh toán toàn cầu, mặc dù thị phần của đồng tiền này chỉ chiếm khoảng 1,59% tính đến tháng 10/2014.
Astrid Thorsen, người đứng đầu bộ phận thông tin kinh doanh của SWIFT cho biết: “Đồng NDT đã được sử dụng đáng kể trong thanh toán với Trung Quốc và Hong Kong. Đây là tín hiệu tốt cho việc quốc tế hóa đồng NDT”.
Trung Quốc đã thiết lập các thỏa thuận thanh toán bù trừ bằng đồng NDT với 10 quốc gia và vùng lãnh thổ, đồng thời ký thỏa thuận hoán đổi tiền tệ với 28 ngân hàng trung ương các nước.
Ngày 22/1 vừa qua, Ngân hàng trung ương Thụy Sỹ thông báo ký thỏa thuận thanh toán bù trừ bằng đồng NDT với PboC, nhằm thúc đẩy thương mại song phương và đầu tư.
Hai bên cũng nhất trí mở một ngân hàng Trung Quốc tại Zurich (Thụy Sỹ) cho các hoạt động thanh toán bù trừ trong tương lai.
Trước đó, trao đổi với Đất Việt, TS Lê Xuân Sang, Trưởng ban Chính sách Kinh tế vĩ mô, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, các tác động của quốc tế hoá NDT lên nền kinh tế Việt Nam hiện nay là hạn chế.
"Lý do là NDT có phạm vi sử dụng còn rất hẹp (chủ yếu là giao dịch biên mậu), với giá trị hạn chế ở Việt Nam, trong khi đó, đồng NDT chưa chuyển đổi hoàn toàn và cả hai nước chưa tự do hoá hoàn toàn cán cân vốn. Lợi ích rõ ràng có thể thấy là việc sử dụng rộng rãi hơn NDT ở Việt Nam, nhất là trong thanh toán xuất nhập khẩu như giảm rủi ro tỷ giá và chi phí chuyển sang đồng tiền thứ 3 (hầu hết là USD). Bên cạnh đó, việc sử dụng NDT trong vay nợ giúp Chính phủ đa dạng hoá và giảm nhẹ rủi ro hối đoái, giảm áp lực lên tỷ giá USD/VND, thay đổi bản chất hiện tượng đô la hoá (giảm “USD hoá” và tăng nhân dân tệ hoá nền kinh tế)", ông Sang chỉ rõ.
Tuy vậy, ông Sang cũng nhận định, các rủi ro trong quản lý, giám sát tiền tệ nói chung và NDT nói riêng có thể gia tăng nếu việc trao đổi, chu chuyển các luồng vốn bằng nhận dân tệ tự do hơn, nhất là có thể bị thao túng các hoạt động giao dịch có liên quan tới NDT.
"Trước mắt, trong giao dịch biên mậu, Việt Nam cần kiểm soát được một cách hữu hiệu các giao dịch (dung lượng, phạm vi giao dịch, người/doanh nghiệp giao dịch (danh tính) (cả Việt Nam và Trung Quốc, tuy rằng rất khó), và các thông tin cần thiết khác. Việt Nam cũng phải tính đến những thua thiệt có thể có từ việc vay NDT của Trung Quốc trong bối cảnh đồng nhân dân tệ có xu hướng tăng giá, tuy nhiên, nhìn chung là phải chấp nhận", TS Lê Xuân Sang lưu ý.
-----------------------