tin phap luat logo

 
 
 

Tin kinh tế chiều 19-03-2015: Lãi như "tín dụng đen": Đua nhau cho vay chặt chém - Chần chừ cải cách, thị trường chứng khoán sẽ về đâu?

  • Cập nhật : 19/03/2015

 Lãi như "tín dụng đen": Đua nhau cho vay chặt chém

Nhu cầu vay tiêu dùng ngày càng lớn, lãi suất chặt chém, mang lại lợi nhuận cao khiến nhiều ngân hàng tìm cách nhảy vào lãnh địa này để tìm kiếm lợi nhuận khủng.
 
Tại Việt Nam, tín dụng tiêu dùng hiện mới chiếm khoảng 6% tổng dư nợ. Tuy nhiên, dịch vụ này được dự báo ngày càng phát triển mạnh do nhu cầu chi tiêu của người dân tăng cao. Ước tính, cho vay tiêu dùng có thể chiếm tới 10% GDP (trên 10 tỷ USD/năm) trong thời gian tới.
 
Đây chính là miếng bánh mà nhiều DN và NH đang tập trung kiếm lợi. Hiện tại, trên thị trường có khoảng 20 công ty tài chính đang hoạt động như: PPF (Home Credit), Prudential VN, HDFinance, FE Credit... Những công ty đang "phủ sóng" tới hàng nghìn cửa hàng bán xe máy, các siêu thị điện máy... trên cả nước để cho vay tiêu dùng.
 
Mới đây, NHNN đã chấp thuận chủ trương cho Maritime Bank mua lại Công ty tài chính Dệt may, Công ty tài chính Vinaconex Viettel sáp nhập vào SHB và Techcombank mua lại công ty tài chính Hóa Chất, VPBank mua lại Công ty tài chính Than Khoáng sản Việt Nam (CMF)... nhằm tấn công mạnh hơn vào phân khúc tín dụng cá nhân,cho vay tiêu dùng.
 
Việc ra đời các công ty tài chính và đẩy mạnh cho vay tiêu dùng đã lấp đầy khoảng trống nhu cầu vay tiêu dùng mà NH bỏ ngỏ. Các công ty này đang cho vay những khách hàng không đủ điều kiện để vay NH. Thông thường, những khách hàng chỉ có thể vay mượn người thân, hoặc tham gia "tín dụng đen". Nay công ty tài chính phát triển, các đối tượng này có cơ hội vay vốn và thị trường vốn dần được minh bạch hóa.
 
Đặc biệt, vay tiêu dùng qua công ty tài chính có thủ tục khá đơn giản, chỉ cần có giấy tờ tùy thân, đi làm hưởng lương, hoặc tự kinh doanh... đều có thể được vay. Theo đó, một người có việc làm thu nhập 4,5 triệu đồng/tháng, có thể được vay tối đa tới 500 triệu đồng trong thời gian 60 tháng. Với nhiều người có nhu cầu vay tiền mà không thể tiếp vốn ngân hàng thì có thể dễ dàng vay từ các công ty tài chính.
 
Điều này đang giúp cho một lượng lớn người có nhu cầu vay tiền tiếp cận tín dụng minh bạch. Đồng thời, nó giúp đẩy lùi nạn "tín dụng đen". Tuy nhiên, vớ lãi suất cho vay cao tới gần 100%, gấp 10 lần lãi suất NH đang khiến nhiều người cho rằng các công ty tài chính cho vay cũng không khác "tín dụng đen" là bao.
 
Trên thực tế, có công ty cho khách hàng vay với lãi suất mức 0,9%/tháng, tính theo dư nợ ban đầu, hoặc 1,75%/tháng, theo dư nợ giảm dần, tương đương với khoảng 21%/năm. Nhưng rất ít khách hàng có thể vay được với lãi suất này. Phải là những khách hàng có khả năng trả nợ cao, rủi ro khoản vay thấp. Còn như đã nói, vay tín chấp chủ yếu là người có công việc không ổn định, không có tài sản thế chấp và không chứng minh được khả năng trả nợ dài hạn, nên hầu hết phải chịu mức lãi suất rất cao.
 
Lãi khủng như tín dụng đen?
 
Áp mức lãi suất cao hàng đầu trên thị trường hiện nay có khi lên đến 70% đến trên 80%/năm.và rất nhiều khoản lên tới 60%.
 
Lý giải về cho vay lãi suất cao, đại diện một công ty tài chính cho biết, vì chi phí huy động vốn vô cùng đắt đỏ. Khác với ngân hàng, các công ty tài chính không được huy động lãi suất 7-8% từ dân cư, nguồn vốn sử dụng chủ yếu vay lại từ các nhà băng trong nước và thế giới. Hơn nữa vì cho vay tín chấp, các khoản vay không lớn, chỉ từ 20-40 triệu đồng nên chi phí bộ máy và thủ tục khá tốn kém và cồng kềnh. Công ty tài chính vẫn phải trích lập dự phòng các khoản cho vay như ngân hàng. Nên buộc phải cho vay cao.
 
Tuy nhiên, các chuyên gia và luật sư vẫn gọi mức lãi suất từ 50%/năm trở lên là phản cảm. Cao như vậy chẳng khác nào đi vay lãi ngày. Tính theo cách tính của "tín dụng đen" thì chi phí vay cũng khoảng 1.500- 2.000 đồng/ngày trên một triệu đồng.
 
Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật Basico gọi đây là mức lãi "kinh khủng", bởi nó gấp cả chục lần lãi cho vay của các ngân hàng hiện nay. Tuy nhiên, theo ông Đức, quy định trong Luật Các Tổ chức tín dụng 2010 rằng họ có thể tự thỏa thuận lãi suất, nên chẳng thể làm gì được cho dù có bất bình.
 
Cũng vì có ít công ty tham gia trong khi nhu cầu thị trường lớn, nên chỉ trong thời gian ngắn, các công ty tài chính đã chiếm lĩnh thị trường rất nhanh. Các công ty tài chính cho biết, hiện có hàng nghìn khách hàng mới ký hợp đồng vay vốn mỗi tháng. Hầu hết các công ty đều có từ 300.000 khách hàng trở lên, thậm chí có công ty hiện có tới 1,5 triệu khách hàng.
 
Dù hoạt động trên thị trường "ngách" với các khoản vay nhỏ, từ vài triệu đến vài chục triệu đồng, nhưng do áp dụng mức lãi suất "trên trời", lợi nhuận thu về của một số công ty tài chính "ăn đứt" nhiều ngân hàng bề thế. Dù rất hiếm các công ty tài chính công bố lợi nhuận nhưng con số ngàn tỷ đã được nhắc đến.
 
Mặc dù nợ xấu của các công ty tài chính khá cao, đều ở mức trên 5%, thậm chí có công ty tới 30%, nhưng không có chuyện các DN này thua lỗ. Nhận định từ giới tài chính cho rằng, cho vay tiêu dùng, lợi nhuận hiện nay thấp nhất cũng ở mức 8-10%/năm, còn lại đều rất cao, không có nghề kinh doanh nào lại phát sinh tỷ suất lợi nhuận cao như vậy.
--------------------------
Yahoo chấm dứt hoạt động tại Trung Quốc
Tờ Wall Street Journal dẫn nguồn tin thân cận cho biết, Yahoo đã kết thúc các hoạt động còn lại ở Trung Quốc, sa thải khoảng 200-300 nhân viên và đóng cửa trung tâm nghiên cứu ở Bắc Kinh.
 
Hôm qua (18/3), Yahoo tuyên bố đã thông báo đến nhân viên về việc cắt giảm nhân sự ở Trung Quốc, nhưng chưa chính thức nói sẽ chấm dứt hoạt động tại nước này.
 
Văn phòng của Yahoo tại Bắc Kinh - hoạt động như một trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) - là sự hiện diện vật chất duy nhất của công ty Internet này tại Trung Quốc đại lục. Nhân viên của Yahoo trong văn phòng ở Bắc Kinh chủ yếu là các kỹ sư.
 
“Chúng tôi sẽ tiếp tục dồn các chức năng nhất định vào một số ít văn phòng hơn, bao gồm dồn hoạt động vào trụ sở công ty ở Sunnyvale, California”, Yahoo nói trong một tuyên bố.
 
Đợt sa thải nhân sự này của Yahoo nằm trong loạt biện pháp cắt giảm chi phí mà Giám đốc điều hành (CEO) Marissa Mayer thực hiện. Vị CEO này đang chịu sức ép từ các cổ đông lớn của Yahoo yêu cầu phải tiết giảm chi phí. Bao gồm cả đợt sa thải này, Yahoo đã cắt giảm 700-900 nhân sự kể từ tháng 10 năm ngoái, chủ yếu là tại các văn phòng ở ngoài Mỹ.
 
Số nhân viên bị sa thải ở Trung Quốc chiếm 5% lực lượng nhân viên toàn cầu gồm 12.500 người của Yahoo. Trong những tháng gần đây, nhiều nhân viên của Yahoo ở Ấn Độ và Canada đã mất việc.
 
Yahoo có một lịch sử không mấy dễ chịu ở Trung Quốc, quốc gia nơi các công ty công nghệ Mỹ chật vật trước sự kiểm duyệt của nhà chức trách và sự cạnh tranh của các đối thủ địa phương. Năm 2007, Yahoo bị gia đình của hai người Trung Quốc bất đồng với chính quyền khởi kiện vì Yahoo đã cung cấp cho nhà chức trách thông tin về hoạt động trên mạng Internet của hai người này.
 
Vào năm 2010, khi bà Mayer còn làm ở Google, công cụ tìm kiếm khổng lồ này cũng đã phải rút khỏi Trung Quốc đại lục sau một cuộc tranh cãi với nhà chức trách về kiểm duyệt.
 
Nguồn tin của Wall Street Journal nói rằng, quyết định đóng cửa văn phòng ở Bắc Kinh không chịu ảnh hưởng từ các vấn đề liên quan đến kiểm duyệt hay áp lực từ Chính phủ Trung Quốc.
 
Yahoo đã dừng cung cấp dịch vụ cho người sử dụng ở Trung Quốc vào năm 2013. Khi đó, Yahoo đề nghị người dùng email Yahoo ở Trung Quốc chuyển tài khoản sang Alimail - một dịch vụ do Alibaba cung cấp. Alibaba là một đối tác của Yahoo tại Trung Quốc. Yahoo nắm cổ phần trong Alibaba từ năm 2005, nhưng đầu năm nay đã tuyên bố sẽ cắt 15% cổ phần còn lại trong tập đoàn thương mại điện tử này trước cuối năm.
 
Người dùng khi truy cập vào địa chỉ trang web của Yahoo tại Trung Quốc là Yahoo.cn sẽ được chuyển hướng sang trang web Yahoo tại Singapore.
-----------------------
Chần chừ cải cách, thị trường chứng khoán sẽ về đâu?
Thị trường chứng khoán luôn rất nhạy với các thông tin về chính sách và nếu các chính sách của Chính Phủ không theo hướng hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn thị trường sẽ không diễn biến tốt, ảnh hưởng đến mục tiêu cổ phần hóa cũng như tái cơ cấu kinh tế.
 
Theo nhận định của CTCK BIDV (BSC), Việt Nam nằm trong nhóm thị trường chứng khoán (TTCK) của quốc gia đang phát triển, do vậy sẽ chịu những biến động của triển vọng kinh tế thế giới và động thái của các ngân hàng trung ương Mỹ (FED), Nhật Bản (BOJ) và châu Âu (ECB).
 
Tuy nhiên, TTCK là hàn thử biểu của mỗi quốc gia, nên sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào triển vọng kinh tế vĩ mô và các chính sách của Chính phủ.
 
Kinh tế Việt Nam trong năm 2014 được đánh giá là một năm khá thành công khi đạt được hầu hết các chỉ tiêu kinh tế xã hội dựa trên nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định.
 
Theo BSC, kinh tế vĩ mô phục hồi sẽ tiếp tục là bệ đỡ và mang lại những kỳ vọng lạc quan cho thị trường và nền kinh tế. Tuy nhiên, thị trường vẫn kỳ vọng có thêm những cú hích từ sự chuyển biến như về chính sách: Chính sách mới cho thị trường chứng khoán đặc biệt là nới room cho khối ngoại, minh bạch TTCK (nội dung của Nghị định sửa đổi Nghị định 58), chính sách hỗ trợ thị trường bất động sản, giải quyết triệt để nợ xấu, tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, ký kết các hiệp định thương mại lớn...
 
Nhóm phân tích cho rằng, hiện đã hết quý I/2015, và không còn nhiều thời gian để các chính sách thực thi và có tác động. Do thông thường từ chủ trương đến các chính sách cụ thể và cho đến khi chính sách thẩm thấu và bắt đầu thể hiện thành số liệu kết quả thì thường mất ít nhất từ 3 đến 6 tháng.
 
Theo BSC, Chính phủ cần cam kết mạnh mẽ và chỉ đạo các Bộ Ngành có hành động hiện thực hóa các Nghị quyết 01,04,05 về mặt định hướng và điều chỉnh văn bản Sửa đổi Nghị định 58 theo hướng cụ thể tỷ lệ và có lộ trình ban hành và thực thi rõ ràng. Có như vậy chủ trương và chính sách mới thực sự đi vào cuộc sống, giúp thực hiện các mục tiêu tăng trưởng kinh tế, xã hội.
 
Cần biến năm 2015 thực sự là năm của doanh nghiệp, năm của cải cách đột phát, năm của sự minh bạch và nhất quán, năm bản lề của tái cơ cấu nền kinh tế để TTCK nói riêng và nền kinh tế nói chung bước qua giai đoạn khó khăn, khủng hoảng để tiến vào một chu kỳ tăng trưởng mới – nhóm phân tích BSC khuyến nghị.
 
Hai kịch bản với kinh tế và TTCK Việt Nam
 
TTCK Việt Nam luôn rất nhạy với các thông tin về chính sách. Nếu chính sách Chính phủ theo hướng hỗ trợ và thúc đẩy TTCK phát triển công khai, minh bạch thì TTCK sẽ tăng trưởng. Tuy nhiên, nếu các chính sách của Chính phủ không theo hướng hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn, sửa đổi Nghị định 58 tiếp tục trì hoãn, thì TTCK sẽ không diễn biến tốt, ảnh hưởng đến mục tiêu cổ phần hóa nói riêng và tái cơ cấu nền kinh tế nói chung.
 
Do vậy, BSC đã đưa ra hai kịch bản của TTCK năm 2015 trên cơ sở đánh giá các yếu tố vĩ mô và chính sách kinh tế nói chung, trong đó có việc sửa đổi nút thắt Nghị định 58:
 
Trong kịch bản tích cực, tăng trưởng GDP sẽ đạt trên 6%, tăng trưởng tín dụng dao động tư 15-17%. Lãi suất cho vay giảm 1%- 1,5%. Với kịch bản này, trong năm nay, Chính phủ sẽ ban hành khung pháp lý cho thị trường mua bán nợ xấu, đẩy mạnh giải quyết nợ xấu (giảm về dưới 3%); dẩy mạnh tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thông mua bán sáp nhập.
 
Cùng với đó, chính sách hỗ trợ thị trường bất động sản cải thiện và khả thi hơn. Việt Nam gia nhập TPP, ký FTA với EU, cộng đồng kinh tế Asean trong năm 2015, cải cách môi trường đầu tư, hội nhập kinh tế sâu rộng hơn.
 
Điều quan trọng là Chính phủ sẽ thông qua sửa đổi Nghị định 58 với trọng tâm nới room cho NĐT ngoại và gắn cổ phần hóa với niêm yết, kèm với nâng hạng thị trường chứng khoán, phát triển TTCK phái sinh. Bên cạnh đó cũng sẽ không có sự biến động quá lớn về địa chính trị và các cú sốc tài chính, hàng hóa, thương mại trên thế giới.
 
Với kịch bản này, TTCK sẽ tăng điểm đến hết quý II/2015, điều chỉnh giảm trong quý III/2015 và tăng lại vào quý VI/2015. VN-Index dự báo đạt khoảng 650 điểm.
 
Trong kịch bản tiêu cực, tăng trưởng GDP dưới 6%, tăng trưởng tín dụng 13-15%. Lãi suất cho vay không giảm so với 2014. Ngược lại với những dự báo ở trên, năm nay chưa ban hành được khung pháp lý cho thị trường mua bán nợ xấu, giải quyết nợ xấu chậm chạp (trên 3%). Quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thông mua bán sáp nhập gặp nhiều vướng mắc, thực thi khó khăn.
 
Đồng thời, với kịch bản này cũng sẽ không có các giải pháp mới phát triển thị trường chứng khoán; các chính sách mới tiếp tục hoãn ban hành (Sửa đổi Nghị định 58). Các hiệp định thương mại tự do đình trệ, thị trường bất động sản không cải thiện và có biến động bất lợi về địa chính trị thế giới cũng như các cú sốc tài chính, hàng hóa, thương mại trên thế giới.
 
Như vậy, TTCK sẽ tăng điểm đến hết quý II/2015, điều chỉnh giảm trong quý III/2015 và quý VI/2015. VN-Index đạt khoảng 550 điểm.
 --------------------------

Tin Phap Luat Tin Phap LuatTổng hợp

Trở về

Xem thêm

Bài cùng chuyên mục