Một câu hỏi mang ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với kinh tế thế giới được giới phân tích đặt ra, nhưng đã bị nhấn chìm bởi tình hình căng thẳng ở Châu Âu, là tại sao giá dầu vẫn chưa hồi phục trở lại.
Cả thế giới đang đổ dồn sự chú ý của mình về Châu Âu, nơi cuộc đàm phán về khả năng chấm dứt cuộc xung đột ở Ukraine và về việc liệu Hy Lạp có rời khỏi EU hay không, nhưng có một số thì lại không.
Thậm chí, những nước này đang tận dụng sự chú tâm của cả thế giới vào tình hình Châu Âu để âm thầm thực hiện các bước đi của mình như một chiến lược của một âm mưu được đã được triển khai từ lâu và giờ đã tới lúc thu được thành quả. Đó là những con cá mập của OPEC trên thị trường dầu, và khi mà cả thế giới hướng về Châu Âu thì những con cá mập trong biển dầu này đang hướng về Châu Á.
Một câu hỏi mang ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với kinh tế thế giới được giới phân tích đặt ra, nhưng đã bị nhấn chìm bởi tình hình căng thẳng ở Châu Âu, là tại sao giá dầu vẫn chưa hồi phục trở lại. Dù mạch sụt giảm liên tục trong thời gian qua đã chấm dứt và giá dầu đã ổn định ở mức 50 USD/thùng trong một thời gian không phải là ngắn, nhưng nó vẫn chưa cho thấy dấu hiệu sẽ tăng trở lại như những nhận định của các gương mặt cỡ bự trên thị trường dầu như tổng thư ký OPEC El Badri.
Cuộc chiến giá dầu vốn là nguyên nhân tác động chủ yếu đến giá dầu sụt giảm đã kết thúc, với việc các công ty dầu đá phiến Mỹ giảm sản lượng khai thác và thậm chí là đóng cửa hàng loạt. Vậy tại sao giá dầu vẫn chưa thể phục hồi?
Những ngày cuối cùng của tháng 1 và những ngày đầu tiên của tháng 2.2015 đang cho thế giới thấy câu trả lời. Trong khi cả thế giới hướng sự chú ý của mình về tình hình Châu Âu, thì những con cá mập của OPEC đang âm thầm tiến đến mục tiêu tiếp theo của nó sau khi cuộc chiến giá dầu kết thúc. Arab Saudi và sau đó là Iraq đang lặng lẽ tiến về Châu Á, thị trường nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới ở thời điểm hiện tại, với ý đồ rõ rệt là nắm gọn thị trường này trong tay bằng một cuộc chiến thị phần.
Theo báo cáo, giá dầu mà Iraq chào bán cho các đối tác Châu Á đang thấp hơn giá thị trường tới 4,1 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ tháng 8.2003, trước đó Arab Saudi cũng tung ra lời chào hàng bằng cách giảm 3 USD/thùng cho các đối tác đến từ phương Đông.
Lượng dầu khai thác của những quốc gia này vì thế cũng đang tăng lên, trong tháng 1.2015 sản lượng khai thác của Iraq đã tăng từ 3,7 triệu thùng/ngày lên 3,9 triệu thùng/ngày, vượt qua mức kỷ lục 3,8 triệu thùng mà nước này thiết lập từ những năm 1980. Arab Saudi và Iraq – hai thành viên chủ chốt nhất của OPEC – vì thế đang tiến đến tận dụng sự suy trầm của giá dầu bằng việc tiến tới thâu tóm thị trường tiềm năng nhất thế giới là Châu Á như bước đi tiếp theo sau khi khai mào cuộc chiến giá dầu với Nga và Mỹ.
Đánh bại Mỹ trên thị trường dầu với những con cá mập tham ăn như Arab Saudi và Iraq là chưa đủ, mà những con cá mập này còn muốn thâu tóm và nắm chắc trong tay những thị trường béo bở nhất, đảm bảo chắc chắn cho đầu ra của những giếng dầu Trung Đông.
Vì thế, không có gì khó hiểu khi giá dầu thế giới vẫn đang dao động ở mức 50 USD/thùng, thấp hơn nhiều so với dự đoán của các chuyên gia về sự hồi phục giá dầu. Khi mà OPEC đang chấp nhận chơi sát ván bằng cách giảm giá tối đa cho các khách hàng của mình để thâu tóm thị trường thì cơ hội để giá dầu hồi phục gần như là rất thấp, giá dầu không thể vượt ngưỡng trên 50 USD/thùng khi mà ở Châu Á những con cá mập mang tên Arab Saudi hay Iraq đang bán dầu với giá chỉ trên 45 USD/thùng một chút.
Vẫn còn là may khi giá dầu thế giới không vì thế mà giảm xuống trong những ngày qua, khi trớ trêu là sự thiệt hại của các doanh nghiệp dầu đá phiến Mỹ giờ đây lại đang là cái neo
giúp giá dầu thế giới không bị hành động chiếm đoạt thị phần một cách ích kỷ của OPEC ảnh hưởng khiến nó tụt xuống mức thấp hơn.
Một số chuyên gia đang nói đùa rằng sự đau khổ của người Mỹ đang cứu rỗi cả thế giới, khi mà ngành công nghiệp dầu lửa của nước này đang bị suy thoái nghiêm trọng, công nhân bị sa thải và thất nghiệp đầy đường, còn các tập đoàn dầu lửa lớn nhất của Mỹ như Chevron và Royal Dutch Shell tuyên bố cắt giảm chi tiêu tới 40 tỉ USD trong năm nay.
Theo ước tính, đầu tư trên toàn bộ ngành dầu lửa trong năm nay sẽ giảm tới 100 tỉ USD do các tác động xấu từ giá dầu trên thị trường thế giới. Nhưng cũng nhờ thế mà giá dầu thế giới đã không bị giảm xuống thấp hơn từ chiến lược cạnh tranh không lấy gì làm đẹp lắm từ phía OPEC.
Giới phân tích cũng đánh giá, chiến lược thâu tóm thị trường của những con cá mập như Arab Saudi hay Iraq cũng đang gây ra tác động xấu tới nền kinh tế thế giới. Giá dầu tiếp tục thấp một cách cố ý như Saudi hay Iraq đang thao túng như hiện nay sẽ khiến khả năng hồi phục kinh tế thế giới chậm hẳn, theo ước tính nếu giá dầu không thể vượt qua mức 50 USD/thùng thì chỉ số tăng trưởng lạm phát của các nền kinh tế trung bình sẽ giảm 1,5%.
Việc giá dầu thấp cũng đang được coi là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra làn sóng giảm phát đang lan tràn trên thế giới vào thời điểm hiện tại. Việc tích cực giảm giá dầu để mời chào các đối tác Châu Á của OPEC cũng không có nhiều ý nghĩa tích cực với nền kinh tế của các nước này, khi mà hầu hết các nước chỉ tận dụng việc giá dầu thấp để mua tích trữ hơn là để mở rộng sản xuất, điển hình như Trung Quốc.
------------------------
234 triệu USD cải cách năng lực cạnh tranh và giao thông
Ngày 11/2, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ký kết hai hiệp định vay vốn với tổng trị giá khoảng 234 triệu USD nhằm hỗ trợ những cải cách giúp tăng cường năng lực cạnh tranh của Việt Nam và phát triển một hệ thống giao thông đô thị bền vững ở thủ đô Hà Nội.
Các hiệp định vay vốn được ký bao gồm một khoản vay chính sách trị giá 230 triệu USD cho Chương trình nâng cao năng lực cạnh tranh sẽ hỗ trợ cho Chương trình tín dụng cạnh tranh quản lý kinh tế. Đây là một chương trình hỗ trợ ngân sách chung của đối tác phát triển, dựa trên các ưu tiên đổi mới đất nước của Chính phủ.
Chương trình sẽ hỗ trợ những đổi mới của Chính phủ trong 6 lĩnh vực chính sách, bao gồm lĩnh vực tài chính, chính sách tài khóa, trách nhiệm và quản lý khu vực công, quản lý doanh nghiệp nhà nước, quản lý đầu tư công và môi trường kinh doanh.
Hiệp định thứ hai là một khoản vay trị giá 4,2 triệu USD trong tổng giá trị đầu tư 58,95 triệu USD cho Dự án tăng cường giao thông đô thị bền vững của tuyến đường sắt đô thị số 3 của Hà Nội.
Dự án sẽ hỗ trợ cho việc sử dụng một cách có hiệu quả và bền vững một dự án khác được ADB tài trợ, đó là Dự án hệ thống đường sắt đô thị Hà Nội (Tuyến số 3: Nhổn-Ga Hà Nội) thông qua việc cải thiện đường dẫn vào các ga tàu và nâng cao nâng cao sự liên kết giữa tuyến đường sắt với các phương tiên giao thông công cộng và cá nhân khác. Dự án cũng sẽ hỗ trợ củng cố các chính sách và quy định về giao thông đô thị.
Cùng với khoản vay 4,2 triệu USD của ADB, Quỹ Công nghệ Sạch cũng sẽ cung cấp một khoản vay trị giá 49 triệu USD do ADB quản lý để hỗ trợ cho những lợi ích giao thông bền vững của dự án đầu tư tuyến đường sắt đô thị số 3.
---------------------
Bầu Đức bán một nửa dự án cao ốc tại Myanmar
Tập đoàn Rowsley thuộc sở hữu một phần của tỷ phú giàu nhất Singapore Peter Lim sẽ đầu tư 275 triệu USD để mua lại 50% cổ phần công ty con của Hoàng Anh Gia Lai đang sở hữu dự án HAGL Myanmar Centre.
Theo
Theo The Straits Times, tập đoàn bất động sản Singapore Rowsley Limited đã đạt một thỏa thuận với Hoàng Anh Gia Lai về việc phát triển khu phức hợp tại Yangon, Myanmar. Hiện Rowsley có một phần thuộc sở hữu của một trong những người giàu nhất Singapore là tỷ phú Peter Lim.
Theo đó, Rowsley sẽ đầu tư 275 triệu USD để mua lại 50% cổ phần công ty con của Hoàng Anh Gia Lai. Hiện công ty này đang sở hữu dự án HAGL Myanmar Centre - một trong những dự án khu phức hợp lớn nhất của Myanmar với 4 khối văn phòng, một khách sạn 5 sao, một trung tâm thương mại và các căn hộ dịch vụ, cho thuê và khu dân cư.
Rowsley cho biết, toàn bộ dự án được định giá khoảng 550 triệu USD. Dù rút một phần ra khỏi dự náy này nhưng HAGL vẫn sẽ tiếp tục đầu tư và đảm nhiệm việc xây dựng dự án.
Rowsley đang niêm yết trên thị trường chứng khoán Singapore với giá trị vốn hóa đạt 635 triệu USD, thấp hơn so với Hoàng Anh Gia Lai hiện khoảng 813 triệu USD. Tỷ phú Peter Lim, người nắm giữ khối tài sản lên tới trên 2 tỷ USD, đang sở hữu 50% cổ phần tại Rowsley.
Dự án Khu phức hợp 5 sao HAGL Myanmar Center là một trong số ít các dự án được giữ lại sau khi Hoàng Anh Gia Lai tiến hành tái cơ cấu vào năm 2013. Khu phức hợp này có tổng diện tích 7,3ha, dự kiến hoàn thành toàn bộ 2 giai đoạn vào năm 2018. Trong đó, giai đoạn 1 dự kiến hoàn thành vào cuối năm nay trong khi giai đoạn 2 dự kiến khởi công vào đầu năm 2016.
------------------------
Giá vàng SJC giảm ngược chiều thế giới
Sáng nay 12/2, khi giá vàng giao ngay phục hồi với biên độ tăng 5 USD thì giá vàng trong nước vẫn điều chỉnh giảm nhẹ. Dẫu vậy, khoảng cách chênh lệch giữa hai thị trường được nới rộng lên mức 3,9 triệu đồng/lượng.
Lúc 9h sáng nay 12/2, giá vàng SJC tại Hà Nội và TPHCM được Tập đoàn VBĐQ DOJI niêm yết giao dịch ở mức 35,23 triệu đồng/lượng (mua vào) - 35,27 triệu đồng/lượng (bán ra) đối với giao dịch bán lẻ và 35,24 triệu đồng/lượng - 35,27 triệu đồng/lượng đối với giao dịch bán buôn.
So với chốt phiên hôm qua, giá vàng SJC tại hai thành phố lớn qua niêm yết của DOJI điều chỉnh mỗi chiều 40.000 đồng/lượng.
Báo giá của Công ty CP Đầu tư Vàng Phú Quý cho thấy, giá vàng SJC tại Hà Nội đang giao dịch ở mức 35,23 triệu đồng/lượng - 35,26 triệu đồng/lượng, giảm mỗi chiều 50.000 đồng/lượng.
Tại TPHCM, giá vàng SJC qua niêm yết của Công ty VBĐQ Sài Gòn giao dịch ở mức 35,18 triệu đồng/lượng - 35,28 triệu đồng/lượng, giảm nhẹ mỗi chiều 30.000 đồng/lượng so với chốt phiên hôm qua.
Với mức giảm nhẹ trên, giá vàng trong nước đang cao hơn giá vàng thế giới quy đổi 3,9 triệu đồng/lượng.
Trên thị trường thế giới, lúc 8h40, giá vàng giao ngay tại châu Á qua niêm yết của Kitco.com có biên độ tăng 5 USD, giao dịch ở mức 1.222,9 USD/ounce.
Còn chốt phiên hôm qua, giá vàng giao ngay giảm 1,1% xuống 1.220,7 USD/ounce, thấp nhất 1 tháng khi USD mạnh lên trong khi tâm lý thận trọng bao trùm thị trường tài chính trước phiên họp bộ trưởng thảo luận tương lai Hy Lạp trong eurozone.
Tính đến thời điểm hiện tại, giá vàng giao ngay đã giảm 5% kể từ đầu năm tới nay, khi USD mạnh lên và đồn đoán Mỹ nâng lãi suất.
Cùng với đó, giá vàng giao tháng 4/2015 trên sàn Comex New York giảm 12,6 USD, tương đương 1%, xuống 1.219,6 USD/ounce.
Hiện tượng bán tháo vàng tăng mạnh khi USD lên cao nhất 5 tuần so với yên, đẩy giá vàng giao ngay xuống dưới ngưỡng hỗ trợ 1.229 USD/ounce, gần bằng mức trung bình 50 ngày.
USD tăng 0,2% so với euro khi Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Yanis Varoufakis chuẩn bị lần đầu tiên tham dự phiên họp các bộ trưởng tài chính eurozone. Tại đây, ông sẽ công bố kế hoạch từ bỏ các biện pháp thắt lưng buộc bụng và kết thúc hợp tác về việc giám sát chính thức chương trình cứu trợ quốc tế.
Theo giới chuyên gia, Fed sẽ nâng lãi suất vào tháng 6 khi kinh tế Mỹ tiếp tục đà tăng trưởng và lạm phát đang dần đạt mục tiêu của ngân hàng trung ương.
Ở một diễn biến khác, giá dầu Mỹ đang giảm xuống dưới 50 USD/thùng trong khi giá dầu Brent xuống dưới ngưỡng 55 USD/thùng. Giá dầu giảm ngày thứ 2 liên tiếp sau báo cáo cho thấy dự trữ dầu của Mỹ lập kỷ lục mới bất chấp sự sụt giảm số giàn khoan đang hoạt động.
Ở những năm trước đây, mỗi khi giá dầu tăng giảm mạnh đều có ảnh hưởng lớn đến giá vàng. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại, khi giá dầu giảm sâu, giá vàng không chịu nhiều tác động, mà xu hướng tăng hay giảm của mặt hàng kim loại quý hiện đang phụ thuộc vào cuộc đàm phán nợ của Hy Lạp.
------------------------