tin phap luat logo

 
 
 

Công tác thi hành án tử tù rất tốn kém

  • Cập nhật : 29/10/2014

 Ngày 25-10, phát biểu tại Quốc hội, Đại biểu Quốc hội Trần Thị Dung (Điện Biên) cho rằng, công tác thi hành án tử tù rất tốn kém và có nhiều khó khăn.

Đại biểu Dung cho biết: Quốc hội khóa XII đã thông qua Luật Thi hành án hình sự với hình thức tử hình tiêm thuốc độc và theo báo cáo công tác thi hành án năm 2014 của chính phủ thì đã thi hành tử hình 162 phạm nhân, đến ngày 30-9-2014 còn 742 phạm nhân bị kết án tử hình (tăng 58 phạm nhân so với tháng 9-2013) đang chờ thi hành án. Để đảm bảo an toàn cho công tác này trong thời gian qua là một cố gắng nỗ lực rất lớn của ngành công an, phối hợp với các ngành, các địa phương. Tuy nhiên, theo Báo cáo thẩm tra số 2213 của Ủy ban Tư pháp Quốc hội thì hiện số phạm nhân bị kết án tử hình còn nhiều nhưng tiến độ thi hành án chậm, làm giảm hiệu quả răn đe, phòng ngừa tội phạm, gây sức ép cho công tác quản lý, giam giữ.
 
 
Ảnh minh họa/News.zing.vn
 
Phản ánh từ các địa phương thì cách thức tổ chức thi hành án bằng tiêm thuốc độc rất tốn kém. Việc bố trí nhà tử hình tiêm thuốc độc chưa hợp lý nên các địa phương gặp nhiều khó khăn do phải áp quản bị cáo tử hình đến nơi thi hành và mang xác tử tù về địa phương. Hiện nay cả nước chỉ có 5 nhà thi hành án đặt tại 5 địa phương nên việc áp tải đi về, ngoài việc tốn kém còn rất nhiều khó khăn và không an toàn. Đại biểu Dung đưa ra ví dụ, nhà thi hành án đặt tại Sơn La thì khoảng cách từ tỉnh Điện Biên đến Sơn La cả đi và về khoảng 400km hoặc từ Lai Châu đến Sơn La cả đi về khoảng 600km, quãng đường khá xa. Do đó, để đảm bảo tuyệt đối an toàn thì phải đầu tư cho lực lượng thi hành án cũng như phương tiện; nhất là tâm lý của cán bộ, chiến sĩ, luôn căng thẳng, áp lực trên suốt chặng đường đèo dốc.
 
Đại biểu Dung cũng chỉ ra một điểm khó khăn nữa là tại các địa phương đặt nhà thi hành án lại không có nghĩa địa để chôn những phạm nhân đã thi hành án tử hình xong; thế nên 100% các trường hợp này lại phải áp tải xác tử tù về địa phương; nhiều trường hợp thân nhân của họ chỉ nhận khi phải mang xác tử tù về địa phương.
 
Theo đại biểu Dung, việc cân nhắc để có giải pháp cho vấn đề này là rất cần thiết, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của thân nhân phạm nhân bị tử hình, đồng thời đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, vệ sinh môi trường theo quy định của pháp luật. Bà cũng đồng tình với kiến nghị trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp, đó là: Phải đẩy nhanh tiến độ thi hành án tử hình, khẩn trương xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc, nếu cần thiết thì đề xuất báo cáo Quốc hội xem xét, sửa đổi, bổ sung văn bản luật cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay và cụ thể là Luật Thi hành án hình sự.
 

(Theo qdnd)

Trở về

Xem thêm

Bài cùng chuyên mục